Giải thưởng âm nhạc

Thứ Bảy, 18/03/2017, 08:00
Hằng năm, mặc dù các giải thưởng vẫn được trao nhưng rõ ràng, mức độ uy tín của chính những giải thưởng này đã giảm đi rõ rệt. Không chỉ kém thu hút được sự quan tâm của công chúng mà thậm chí còn phải nhận thái độ thờ ơ, thiếu mặn mà của chính những nghệ sĩ nhận giải...


Rộn ràng giải trí ; lặng lẽ chuyên môn

Là lĩnh vực sôi động nên không có gì lạ khi có ý kiến cho rằng, với âm nhạc luôn có một "mùa giải thưởng" xuất hiện trong năm: đó là thời điểm cuối năm cũ, đầu năm mới. Sự phát triển về số lượng của các sản phẩm âm nhạc đã kéo theo sự nở rộ của những giải thưởng âm nhạc.

Trước đây khoảng 20 năm, vào thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của nhạc nhẹ Việt Nam, chúng ta chỉ có một, hai giải thưởng đủ tầm, phản ánh đúng thị hiếu người nghe nhạc thời đó cũng như đảm bảo được tiêu chí định hướng thẩm mĩ cho người nghe nhạc. Những ca sĩ, nhạc sĩ được giải thời kỳ đó là những người có những sản phẩm âm nhạc thực sự có giá trị, được đông đảo công chúng ghi nhận.

Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây, từ các tờ báo uy tín, các đài phát thanh, đài truyền hình cho tới những trang thông tin online, nghe nhạc online... đều tự tổ chức những giải thưởng riêng dẫn đến sự bùng phát của các giải thưởng âm nhạc. Hàng chục giải thưởng được tổ chức trong thời điểm cuối năm cũ, đầu năm mới như "Làn sóng xanh", "Zing Music Awards", "Vpop Yan TV", "Mai vàng", "Cống hiến"...

Chưa kể tới những giải thưởng thuộc các cơ quan truyền thông địa phương khác như "HTV Awards"... Sự bùng phát có tính chất cơ học của các giải thưởng âm nhạc nhưng không đi liền với chất lượng các tác phẩm âm nhạc đã khiến cho uy tín và sự đồng thuận của khán thính giả yêu nhạc với kết quả các giải thưởng này cũng giảm đi đáng kể.

Chưa kể tới việc, những câu chuyện lùm xùm hậu trường xung quanh việc mua giải, mua tin nhắn rác tác động vào ban tổ chức, vận động các nhà báo bình chọn... ngày một nhiều khiến giải thưởng âm nhạc ngày càng xuống giá.

Hằng năm, mặc dù các giải thưởng vẫn được trao nhưng rõ ràng, mức độ uy tín của chính những giải thưởng này đã giảm đi rõ rệt. Không chỉ kém thu hút được sự quan tâm của công chúng mà thậm chí còn phải nhận thái độ thờ ơ, thiếu mặn mà của chính những nghệ sĩ nhận giải.

Những ca sĩ như Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Quang Dũng... đã từng từ chối giải thưởng dành cho mình với lý do khá bi hài: vì đã từng nhiều lần đứng lên bục nhận giải thưởng rồi, giờ trao cơ hội cho những người khác... Nói thế để thấy rằng, lẽ ra, mỗi lần nhận giải thưởng là một lần tôn vinh những đóng góp, cống hiến của nghệ sĩ và sự ghi nhận của công chúng, nhưng khi nghệ sĩ từ chối giải thưởng dành cho mình, đồng nghĩa với việc họ không thấy giải thưởng ấy thực sự có ý nghĩa và cao quý với họ nữa.

Chính vì thế, những giải thưởng âm nhạc hằng năm cứ lần lượt được trao mà chẳng đọng lại gì. Các nghệ sĩ xúng xính váy áo hàng hiệu lên nhận hết lần này tới lần khác nhưng công chúng thì không nhớ nổi họ đã "cống hiến" được gì cho âm nhạc. Một số nghệ sĩ thì thờ ơ với chính những giải thưởng dành cho mình. Tất cả những điều đó đã làm nên một không gian ồn ã nhưng thiếu điểm nhấn, thiếu chiều sâu của những sản phẩm âm nhạc thật sự có giá trị.

Bên cạnh sự ồn ào ấy, có một góc khác, lặng lẽ hơn, đó là giải thưởng âm nhạc chính thống của các nhà chuyên môn như giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội âm nhạc các địa phương... Tuy nhiên, các giải thưởng này thường chỉ trong nhà biết với nhau, rất ít khi có cơ hội quảng bá để đông đảo công chúng biết tới.

Gần đây, giải thưởng "Cống hiến" do Báo Thể thao và Văn hóa tổ chức với hy vọng kéo gần khoảng cách giữa thị hiếu khán giả và những người làm chuyên môn nhờ vào lá phiếu của các nhà báo theo dõi mảng âm nhạc. Tuy nhiên, sau một thời gian thì chính giải thưởng này cũng đang loay hoay đứng trước những luồng ý kiến khác nhau và mục đích ban đầu của chính mình.

Không thể phủ nhận, giải thưởng luôn có một giá trị tích cực nhất định. Nó tôn vinh và khuyến khích những sáng tạo, những cống hiến trong lĩnh vực nghệ thuật. Mỗi giải thưởng âm nhạc ngày nay phục vụ một đối tượng khán thính giả khác nhau và chúng ta vẫn có những giải thưởng âm nhạc thực sự uy tín cũng như vẫn có những đơn vị tổ chức thực sự cố gắng mong muốn xây dựng một giải thưởng có giá trị và chiếm được lòng tin của công chúng.

Tuy nhiên, những giải thưởng ấy vẫn vô cùng ít ỏi. Khi thị hiếu giữa các đối tượng nghe nhạc và các nhà chuyên môn vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Khi cách thức bình chọn giải thưởng vẫn chưa hợp lý, còn nhiều tranh cãi thì chất lượng của những giải thưởng âm nhạc vẫn là điều còn băn khoăn.

Hy vọng những giải thưởng âm nhạc sẽ có sức sống lâu bền trong lòng công chúng.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long:Chưa có giải thưởng dung hòa được nghệ thuật và giải trí

- Ở lĩnh vực nào cũng vậy, giải thưởng luôn giữ một vai trò quan trọng, nhưng giải thưởng âm nhạc đang bị cho là quá nhiều mà không thực chất... Anh có đồng ý với quan điểm này không?

+ Thực ra, đời sống âm nhạc luôn sôi động và phong phú như vậy. Nó chiếm nhiều sự quan tâm của công chúng nên có nhiều giải thưởng cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, ở Việt Nam, giải thưởng nào cũng có những ý kiến phản biện, trái chiều vì chúng ta chưa có giải thưởng nào hợp nhất được các yếu tố nghệ thuật và giải trí, cũng như xóa nhòa khoảng cách giữa thị hiếu khán giả và người làm chuyên môn.

Sở dĩ, ở các nước không có sự tranh cãi quá nhiều về điều này vì các giải thưởng của họ dung hòa được yếu tố: nghệ thuật, đời sống thị trường và doanh thu. Một nghệ sĩ được phong Diva cũng có nghĩa chương trình họ biểu diễn bán vé rất chạy, đồng thời có rất nhiều fan và đấy đều là những sản phẩm thực sự có giá trị nghệ thuật.

Bản thân người làm âm nhạc lâu nay cũng chia làm 2 trường phái: làm nghệ thuật nghiêm túc và giải trí, thị trường. Việt Nam chúng ta chưa có công nghiệp giải trí thực sự, dòng nhạc thị trường đang loay hoay. Có nguyên nhân từ chính những nhà quản lý, những nhà hoạch định chính sách chứ không phải lỗi của công chúng. Âm nhạc thế nào, công chúng đón nhận như vậy. Việc chưa dung hòa được các yếu tố khiến chúng ta luôn có các cuộc tranh luận kéo dài.

Hiện tại, chúng ta đang có 3 hệ thống giải thưởng: chuyên ngành, truyền thông và khán giả. Cả 3 giải thưởng này đều bất ổn vì nó chỉ được ở một khía cạnh nào đó. Ví dụ như giải thưởng của phía chuyên môn được về mặt bằng chất lượng nghệ thuật nhưng lại không được ở khâu công chúng. Giải thưởng của công chúng thì lại là âm nhạc thời trang, bị lai căng, chưa có bản sắc... Cái mà chúng ta cần là âm nhạc "hot" như của Sơn Tùng MTP nhưng phải mang màu sắc Việt. Gần đây, những giải thưởng như "Cống hiến", "Làn sóng xanh"... đang bị chung chiêng giữa khía cạnh nghệ thuật và khía cạnh thị trường. Ban tổ chức đã phải cân nhắc để hài hòa hai yếu tố trên. Nếu nghiêng quá nhiều về nghệ thuật thì đồng nghĩa với việc khán giả không quan tâm, không có nhà tài trợ, giải thưởng sẽ bị "out" vì không có tiền tổ chức.

- Các giải thưởng âm nhạc lâu nay sôi động, nhưng sự tôn vinh bị lạm phát và hình thức... Điều đó có đáng lo ngại không anh?

+ Tôi cho rằng, mỗi giải thưởng hướng tới một mục tiêu khác nhau nên càng nhiều càng... vui. Nhưng giải thưởng chỉ là một khía cạnh thôi. Nó có thể là giải thưởng quốc gia nhưng chỉ là của một nhóm nghề nghiệp. Với người nghệ sĩ, quan trọng là được cống hiến và xã hội ghi nhận. Tất nhiên, xét ở một góc độ nào đó, các giải thưởng đều có yếu tố tích cực.

Nếu không có các giải thưởng như "Làn sóng xanh", "Zing"... thì các nghệ sĩ trẻ rất ít có cơ hội được biết tới. Bởi những giải thưởng chuyên ngành thì thường chỉ có những người hoạt động chuyên nghiệp mới biết. Việc có nhiều giải thưởng mở ra cơ hội cho nhiều nghệ sĩ, theo hướng mà thế giới đang làm. Đó là điều động viên tinh thần cho nhiều nghệ sĩ khác. Bản thân tôi cũng là nghệ sĩ, tôi không quan tâm đến giải thưởng nhưng tôi vẫn thích những giải thưởng được giới chuyên môn hay nhà báo theo dõi lĩnh vực này ghi nhận.

- Liệu chúng ta có mơ tới một giải thưởng âm nhạc uy tín, kéo gần được khoảng cách giữa giá trị nghệ thuật và thị trường không?

+ Hiện tại các giải thưởng âm nhạc vẫn có những khoảng cách khá xa. Tôi ví dụ như giải thưởng "Cống hiến", gần đây không "được lòng" giới chuyên môn và ngay cả các giới khác cũng không vừa ý. Mặc dù theo tôi, họ cũng đã cố gắng để dung hòa giữa các yếu tố rồi. Nguyên nhân là bản thân các giá trị âm nhạc cũng đang bị loạn.

Nhìn một cách sâu xa, các giải thưởng âm nhạc đang bị chi phối bởi những yếu tố ngoài nghệ thuật. Các nhà báo viết bài về âm nhạc tử tế thì không có "view". Trong khi đó, áp lực "view" rất lớn. Chính vì thế, những giá trị bị xung khắc với nhau. Trước đây, chúng ta từng lo ngại khi có một lớp ca sĩ "tỉnh" với những ca khúc thuộc dòng thảm họa. Nhưng rồi, tự khắc dòng âm nhạc đó biến mất. Giờ đây nổi lên dòng nhạc "thời trang", văn minh hơn, ca từ ý nghĩa hơn những vẫn mang ngôn ngữ đời thường.

- Theo anh, vai trò của các cơ quan quản lý, hội nghề nghiệp trong lĩnh vực này được nhìn nhận thế nào?

+ Tôi cho rằng, Hội Nhạc sĩ hiện đang "lực bất tòng tâm". Hội đủ tri thức, tài năng nhưng lại không đủ kinh phí để đứng ra tổ chức những cuộc trao giải rầm rộ. Giải thưởng của hội lâu nay dường như chỉ dành cho các hội viên mà không dành cho âm nhạc đại trà. Có chăng, Hội Nhạc sĩ nên kết hợp với một tổ chức nào đó để làm một giải thưởng tương đối đại chúng hơn. Nhưng, chúng ta chỉ làm được điều đó khi có được một nền văn hóa âm nhạc thực sự.

Tôi tin vẫn có những tác phẩm đích thực vẫn tồn tại cùng các nghệ sĩ, trong đời sống. Nó chưa đến được với công chúng vì dòng ca nhạc "thời trang" đang choán trên mặt truyền trông. Tuy nhiên, nó sẽ đến nếu được nâng đỡ từ những nghệ sĩ tâm huyết.

- Xin cảm ơn anh!

Ca sĩ Hoàng Quyên:Giải thưởng không quá quan trọng

Phải chia sẻ thật rằng đã từ lâu, Hoàng Quyên không còn dõi theo nhiều giải thưởng âm nhạc giải trí Việt Nam. Dù sao thì mọi thứ luôn thể hiện đúng thực trạng cuộc sống và Hoàng Quyên tin rằng đời sống âm nhạc thế nào thì người ta có những hệ thống giải thưởng đáp ứng đúng như thế.

Tôi biết phần lớn không chỉ những cá nhân mà cả những tập thể, tổ chức lớn vẫn căn theo thị hiếu để sống, để làm. Dân số chúng ta đông nhưng ít người dám làm điều lớn lao, cứ cái gì đáp ứng thị hiếu thì làm cho chắc, giải thưởng mà không hợp thị hiếu thì chắc họ khó mà tổ chức nhiều mùa và lại giải thưởng nghệ thuật thì có mấy nghệ sĩ để mà trao.

Tôi cho rằng, các giải thưởng âm nhạc hiện nay thừa mà thiếu. Nhiều những giải thưởng có tính chất giải trí mà thiếu vắng những giải thưởng có chất lượng về mặt chuyên môn. Và điều này phản ánh đúng đời sống âm nhạc Việt Nam hiện nay.

Tôi đã có quãng thời gian trải nghiệm bản thân với các cuộc thi. Cuộc thi và giải thưởng là một trong những cơ hội để va chạm và trải nghiệm. Tôi đã hiểu ra rằng, giải thưởng không quan trọng với người sáng tạo. Hoài bão giải thưởng rất khác với hoài bão thời đại. Người sáng tạo hướng đến hoài bão thời đại. Và trên thế giới có những người sáng tạo từ chối nhận giải thưởng vì họ thấy sai mục đích ban đầu của bản thân.

Chính vì thế, với tôi, từ lâu tôi không còn quan tâm đến các giải thưởng. Tôi đã dành nhiều thời gian hơn cho những dự án cá nhân thay vì cập nhật nhiều thông tin giải trí trong nước. Với tôi, điều ý nghĩa nhất của nghệ sĩ là sáng tạo của họ sẽ có giá trị lâu dài cho nghệ thuật và tích cực trong đời sống.

Nhạc sĩ Vũ Thiết:Giải thưởng đích thựcphải bền chắc trong lòng công chúng

- Thưa nhạc sĩ Vũ Thiết, là người có nhiều năm công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, ông thấy đời sống âm nhạc hiện nay qua các giải thưởng như thế nào ạ?

+ Tôi cho rằng, nghệ thuật luôn có hình tháp, tức là có những phân khúc khác nhau. Nên thật khó có thể so sánh đêm biểu diễn của NSND Đặng Thái Sơn hay của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đêm nào đông khán giả hơn. Ở nước ta, đời sống âm nhạc dường như có 2 mảng tạm gọi là âm nhạc chính thống và âm nhạc giải trí. Âm nhạc giải trí là loại hình dễ nghe, dễ hiểu, thậm chí người ta có thể vừa ăn vừa xem, miễn sao cho vui vẻ... Và loại hình đó chủ yếu dành cho những người trẻ. Còn dòng âm nhạc chính thống có những quy định từ việc ăn mặc khi tới thưởng thức như thế nào... Việc đầu tư về giáo dục âm nhạc, thưởng thức âm nhạc với người Việt Nam còn có những hạn chế vì lịch sử đất nước có chiến tranh, kinh tế nghèo đói...

- Chúng ta đang ở trong một giai đoạn mà đâu đâu cũng thấy thi ca hát, giải thưởng âm nhạc được trao khắp nơi, điều này có bình thường không?

+ Tôi thấy điều đó là bình thường. Trong một xã hội bao giờ cũng có cái nọ, cái kia. Xã hội thế nào sẽ có những sản phẩm như thế. Nhưng có điều này tôi cho là bất di bất dịch. Nếu như tác phẩm ấy có giá trị thực sự thì dù không được giải thưởng vẫn tồn tại với đời sống. Tôi đánh giá cao giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam vì đó là giải thưởng chuyên ngành, do người có chuyên môn, uy tín công nhận. Tuy nhiên, ngay như thế thì cũng không có nghĩa là tuyệt đối. Không có nghĩa ca khúc nào được giải cũng hay. Mọi thước đo cho giải thưởng chỉ là tương đối.

- Ông nhắc tới giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam khiến tôi nhớ đến ca khúc "Khúc tráng ca biển" (phổ từ bài thơ "Mộ gió" của nhà thơ Trịnh Công Lộc) của ông được nhiều giải thưởng, trong đó có giải của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.... Thế nhưng, ông có thấy thiệt thòi khi tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá là hay, nhiều ý nghĩa nhưng không phổ biến như một số ca khúc của các bạn trẻ hiện nay?

+ Chưa bao giờ tôi thấy thiệt thòi hay bất công bởi ngoài việc được phát khá nhiều trên sóng phát thanh, truyền hình thì tác phẩm của tôi được khá nhiều đoàn nghệ thuật chuyên và không chuyên, trong và ngoài quân đội dàn dựng để đi thi hay biểu diễn. Thậm chí, tôi còn bất ngờ khi gõ tên ca khúc trên mạng thấy có khá nhiều người hát.

Điều này tôi chắc chắn các ca khúc "hot" mà bạn nhắc kia sẽ không có được. Nhiều chương trình nghệ thuật có giá trị nghệ thuật thì ngay cả những ca sĩ giải trí "hot" nhất cũng không được mời. Qua vậy mới thấy, dòng chính thống có sự trang trọng mà những dòng khác không có.

Âm nhạc của các bạn ấy là âm nhạc giải trí, giống như thời trang vậy, đến rồi đi nhanh. Tôi đi theo âm nhạc chính thống, lặng lẽ nhưng bền chắc. Có những nhạc sĩ tài năng nhưng không phải ai cũng biết như nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng. Mạnh Hùng viết khí nhạc rất tốt, thường xuyên biểu diễn ở nước ngoài. Cái này trong làng nhạc mới biết.

Một trong những nguyên nhân khiến giải thưởng của Hội Nhạc sĩ chưa được nhiều công chúng biết đến vì chúng ta không có điều kiện để tổ chức những chương trình trao giải hoành tráng, có truyền hình trực tiếp. Theo tôi, Hội Nhạc sĩ làm thế nào để kêu gọi được tài trợ, mời những ca sĩ tên tuổi... như vậy sẽ thu hút được sự quan tâm của đông đảo khán giả.

- Giờ đây, phần lớn những giải thưởng âm nhạc được tổ chức bởi những cơ quan truyền thông, điều đó cũng có nghĩa các cơ quan truyền thông có ảnh hưởng không nhỏ tới bức tranh đời sống âm nhạc?

+ Tôi cho rằng, những người làm truyền thông khi viết về lĩnh vực gì phải có kiến thức về lĩnh vực ấy để hướng khán thính giả tới những giá trị chuẩn mực. Lĩnh vực âm nhạc giải trí đang bát nháo, việc lạm phong những danh xưng "ông hoàng", "bà chúa" tràn lan có lẽ cũng bắt nguồn từ chính những người làm truyền thông. 

Tôi từng thấy có bài báo viết ca ngợi một chương trình, dù chương trình ấy chất lượng rất tệ thì ngay bên dưới đã có những bình luận trái chiều của khán giả. Họ nhận xét rất tinh tế, chính xác. Vì vậy, truyền thông càng cần phải nâng cao trách nhiệm với công việc của mình. Đừng quá cảm tính hoặc vì mục đích cá nhân nào khác mà thiếu công tâm.

- Là nhạc sĩ sáng tác, ông hiểu hơn ai hết việc để tác phẩm đến được với công chúng cũng không phải là chuyện dễ dàng?

+ Đúng vậy! Sở dĩ, vẫn có không ít tác phẩm âm nhạc thực sự có giá trị nhưng chưa được công chúng biết tới, chưa được giải thưởng gọi tên là bởi vì chưa tìm được kinh phí để dàn dựng. Tôi biết có một số nhạc sĩ có những bản giao hưởng rất hay nhưng chưa có tiền để công diễn. Chuyện về  ca khúc "Bắc Ninh ngày tôi về" của tôi chẳng hạn. Đây là  ca khúc mà ca sĩ Tùng Dương biểu diễn trong chương trình "Âm vang miền quan họ" do tỉnh Bắc Ninh tổ chức. Nhiều người gọi điện cho tôi chúc mừng vì có tác phẩm hay. Tôi phải nói chân thực rằng, nhờ giọng hát Tùng Dương mà ca khúc đến được với công chúng ở mức độ hoàn hảo nhất. Và nếu không có tỉnh Bắc Ninh thì tôi sẽ không đủ điều kiện để mời ca sĩ Tùng Dương, để ca khúc được mọi người biết tới.

Gần đây, Hội Âm nhạc Hà Nội mỗi năm chọn ra 4 tác giả đã được Giải thưởng Nhà nước để tổ chức đêm diễn ở Nhà hát Lớn. Tôi cho đó cũng là một trong những cách hỗ trợ để các tác phẩm của các nhạc sĩ tới được gần hơn với công chúng.

- Xin cảm ơn nhạc sĩ! 

Thảo Duyên - Tuấn Phong (thực hiện)
.
.