Người đẹp trong tranh của các danh hoạ:

“Em Thúy” - một cách tìm lại thời gian đã mất của nhà danh họa

Thứ Ba, 13/02/2007, 14:00

“Em Thúy” là hình ảnh mãi mãi hồn nhiên, tươi trẻ, như dòng suối tinh khiết trong đời sống quá nhiều trần tục. Bằng những nét bút tài năng, họa sĩ Trần Văn Cẩn đã lưu giữ cho “Em Thúy” một khoảnh khắc vĩnh cửu. Phải chăng đó cũng chính là cách để họa sĩ Trần Văn Cẩn tìm lại thời gian đã mất của mình?

Bức tranh “Em Thúy” là một trong những bức tranh được biết đến nhiều nhất của danh họa Trần Văn Cẩn. “Em Thúy” không phải là một “bóng hồng”, mà là một người cháu của họa sĩ.

“Em Thúy” năm nay đã tuổi ngoài 70,  một phụ nữ Hà thành đẹp nhuần nhị, rất từ tốn trong lời ăn tiếng nói. Khi còn nhỏ, “em Thúy” rất được bác Cẩn cưng chiều. Ông thường ký họa những người xung quanh trước khi bắt tay vào vẽ chính thức. Trong ký ức của  “Em Thúy” hôm nay thì kỷ niệm khi làm người mẫu cho bác Cẩn vẽ bức tranh nổi tiếng này luôn làm trái tim bà bồi hồi, xúc động.

Lúc đó, Thúy 8 tuổi, là một em bé ngây thơ, hồn nhiên, trong sáng. Những đường nét trẻ thơ ấy đã chảy tràn trên từng nét cọ của họa sĩ Trần Văn Cẩn. Em Thúy ngồi khép nép trên chiếc ghế mây, như đang hy vọng một điều gì. Gương mặt biểu cảm và đôi mắt trong veo ánh lên niềm tin vào cuộc sống. Bức tranh gây xúc động lòng người bởi một tình cảm trìu mến, thiết tha, như vang vọng tiếng nói về lòng nhân ái của con người.

"Em Thuý" bây giờ (phải) bên tượng danh họa Trần Văn Cẩn.
“Em Thúy” đã phải chịu cảnh “lưu lạc” trong chiến tranh và cuối cùng gia đình chủ nhân “chuộc” về từ tay một nhà buôn tranh. Họa sĩ Trần Văn Cẩn đã tặng tranh này cho Viện Bảo tàng Mỹ thuật và “Em Thúy” vĩnh viễn trở thành tài sản của quốc gia.

Họa sĩ Trần Văn Cẩn còn vẽ tranh về “Em Thúy” năm nàng 24 tuổi, khi nàng đã là một thiếu nữ Hà thành xinh đẹp, nết na. Khác với nét hồn nhiên trong trẻo của Thúy 8 tuổi, Thúy 24 tuổi phảng phất một nỗi buồn con gái, gieo những tơ vương trong lòng người chiêm ngưỡng. Dĩ nhiên, bức tranh này không nổi tiếng bằng “Em Thúy”, vì mọi thành viên trong gia đình đều xem đây như một bức tranh kỷ niệm.

Bà Thúy của bây giờ thường hay nói, cuộc đời bà hạnh phúc nhất là có được một cái “duyên” đặc biệt với nghệ thuật hội họa. Bà đã bước vào một thế giới đẹp như mộng và đầy tràn cảm xúc, nhờ người bác kính yêu, danh họa Trần Văn Cẩn. Chính ông đã mở ra những cảm nhận đặc biệt trong tâm hồn người cháu về nghệ thuật.

“Em Thúy” là hình ảnh mãi mãi hồn nhiên, tươi trẻ, như dòng suối tinh khiết trong đời sống quá nhiều trần tục. Một hình ảnh khơi gợi biết bao nghĩ suy về ước mơ, hy vọng. Bằng những nét bút tài năng, họa sĩ đã lưu giữ cho “Em Thúy” một khoảnh khắc vĩnh cửu. Phải chăng đó cũng chính là cách để họa sĩ Trần Văn Cẩn tìm lại thời gian đã mất của mình? Phải chăng, chính là dáng vẻ ngây thơ của “Em Thúy” đã ẩn dấu khát vọng mãnh liệt trong trái tim ông, là được quay lại những tháng ngày của hồn nhiên, thơ ấu, của ngọt ngào, sáng trong không lấm bụi? 

Một cách nào đó, “Em Thúy” đã trở thành một người nổi tiếng trong đời sống. Nhiều nhà báo đã đi tìm cô gái nhỏ trong tranh của danh họa năm nào. Bà Thúy lưu giữ rất nhiều bài báo nói về chính mình và mỗi khi được ôn lại kỷ niệm về bác Cẩn yêu quý là một lần bà trở về với những ngày tháng tuyệt vời nhất của tuổi thơ.

“Em Thúy” đã đi vào âm nhạc. Nhạc sĩ người Anh Paul Zetter đã xúc động khi ngắm nhìn “Em Thúy” và viết bản nhạc “Little Thúy Minuet” (Điệu minuet cho em Thúy). Paul nói rằng, có một điều gì vô cùng bí ẩn trong bức tranh này và anh muốn thể hiện nó bằng âm nhạc. Trong bản nhạc, có những cao trào như một cơn bão, là cảm nhận mãnh liệt của tác giả khi đứng trước ánh mắt nhìn trong trẻo đến diệu kỳ của “Em Thúy”, một gương mặt của cô gái nhỏ Việt Nam trong thời kỳ đất nước chiến tranh, loạn lạc...

Hội Quân
.
.