Đường dây đa cấp lừa đảo trong lĩnh vực nghệ thuật chấn động châu Âu 30 ngàn tỷ đồng

Thứ Ba, 28/06/2016, 08:05
Cuối tháng 3-2016, từ điển bách khoa toàn thư (Wikipedia) vẫn còn cập nhật thông tin về Bảo tàng Văn bản và Văn tự cổ (MLD) tọa lạc trên đại lộ Saint - Germain chính trung tâm Thủ đô Paris hoa lệ của nước Pháp, nơi lưu trữ tới 130 nghìn bản thảo viết tay cổ xưa, được cho là rất giá trị. Thế nhưng, giờ đây, bảo tàng này đã bị niêm phong, còn các tài liệu quý đã bị đưa vào kho chứa tại tỉnh Seine-Saint-Denis. Giám đốc bảo tàng tên là Gerard Lheritier đã bị bắt vì lừa đảo khoảng 18 ngàn người Pháp với số tiền lên đến 1 tỷ euro (30 ngàn tỷ đồng).


Lừa đảo nghệ thuật quy mô nhất từ trước đến nay

Nhiều câu hỏi đặt ra, vì sao vụ việc lớn như vậy mà vẫn âm thầm diễn ra trong nhiều năm, không ai biết và giá trị đích thực của những bản thảo và tài liệu viết tay đó là gì? Ai sẽ là người thẩm định nó là giả hay thật. Cũng qua sự kiện trên, giới chức Pháp khuyến cáo người dân hãy tìm hiểu kỹ lưỡng mọi vấn đề trước khi đầu tư, nhất là trong lĩnh vực nghệ thuật.

Vụ lừa đảo bắt đầu vỡ lở cách đây không lâu khi bảo tàng tư nhân của Pháp MLD bị các nhà chức trách sờ gáy. Việc đóng cửa bảo tàng ngay sau đó được dư luận toàn nước Pháp hoan nghênh, còn công chúng nói chung rất đồng tình với quyết định của nhà chức trách, các nạn nhân thì mừng ra mặt, bởi ít ra số tiền mà họ bỏ ra đầu tư không thể mất hết được. Ông trùm  Gerard Lheritier hiện đang bị cáo buộc là lừa đảo.

Theo luật sư riêng của Lheritier, Francis Triboulet thì thân chủ của ông ta là con người có đầu óc kinh doanh, nhất là đối với các văn bản và văn tự cổ liên quan đến những người nổi tiếng. Nhưng giờ đây tài sản của Gerard Lheritier đã bị tịch thu, chuẩn bị thanh lý, làm cho hàng ngàn nhà đầu tư mê lợi nhuận cao tức giận!

Là con trai của một thợ sửa đường ống nước tới từ miền Ðông nước Pháp, Gerard Lheritier lại rẽ trái sang một lĩnh vực không dính dáng gì với nghề đã học. Khoảng 15 năm trước, Gerard Lheritier đã đánh lừa cả cha mình và tranh thủ được sự giúp đỡ của những người thạo việc, mua bán các loại văn bản, văn tự cũng như các tài liệu cổ. Một trong những món đồ Gerard Lheritier kiếm hời nhất là tài liệu Einstein-Musso, 54 trang liên quan có tên "Thuyết tương đối" của Einstein, với giá gốc chỉ có hơn 500 nghìn euro, nhưng sau đó Lheritier đã chế biến thành 400 tài liệu khác nhau, bán đi và thu về bộn tiền, khoảng 12 triệu euro, cao gấp 24 lần so với số vốn bỏ ra ban đầu.

Dần dần, Lheritier tích lũy được một bộ sưu tập khổng lồ gồm các bản thảo gốc của những người nổi tiếng. Trong số này có món đồ giá trị như cuộn giấy cổ ở biển Chết, các bản nhạc của Mozart, tác phẩm "The 120 Days of Sodom" của Marquis de Sade... Nhiều năm sau, Lheritier thành lập công ty mang tên Aristophil để phát triển hệ thống kinh doanh, chủ yếu là lừa đảo và nhanh chóng trở thành gã khổng lồ trong lĩnh vực nghệ thuật. Ngoài ra, Aristophil còn tuyển dụng hàng trăm nhân viên bán hàng trên toàn nước Pháp và làm nhiệm vụ quảng cáo.

Siêu trộm bản đồ E.Forbes Smiley.

Lheritier còn cho xây dựng bảo tàng MLD thứ hai để giới thiệu các tác phẩm, bản thảo viết tay tại Brussels (Bỉ). Thực chất đây là cách quảng cáo tinh vi, nhằm câu khách, khơi dậy lòng tham của con người muốn đầu tư vào nghệ thuật hưởng lãi suất cao, cùng với sự tiếp tay của các nhân vật nổi tiếng trong giới kinh doanh. Kết quả, Aristophil đã thu hút hàng chục ngàn nhà đầu tư hùn vốn.

Những nạn nhân của bẫy đa cấp

Một trong những nạn nhân ngậm bồ hòn làm ngọt là cha con một phụ nữ tên là Aude Nehring, cả hai khi đến tham quan các bảo tàng của Gerard Lheritier như thể bị hút hồn vì mức đầu tư lãi khủng kèm theo những lời đường mật của các luật sư và chuyên gia mà Lheritier lập lên.

Theo Aude Nehring, cha cô muốn đầu tư một cái gì đó mang tính chắc ăn, lâu dài giúp con gái có số vốn sau này nên đã quyết định bỏ ra 35 nghìn euro, đầu tư một phần trong 7 món tài liệu cổ của Lheritier. Mặc dù chưa bao giờ được nhìn thấy các tài liệu cổ của Aristophil, nhưng cha con Aude Nehring vẫn mạo hiểm vì được hứa hẹn trả 8% lãi suất mỗi năm hay 40% cho cả đời dự án gồm 5 năm.

Cha Aude Nehring qua đời 2 năm trước và không bao giờ nhận được một xu lãi nào, kể cả tiền gốc. Ngoài cha con chị Aude Nehring, còn rất nhiều người Pháp khác bị hại, trở thành nạn nhân của Gerard Lheritier dưới hình thức đầu tư "tiền thật, lãi ảo" với số tiền lên tới 1 tỷ euro...

Sau nhiều tin tố giác, báo chí phanh phui cơ quan chức năng Pháp đã vào cuộc, qua điều tra, phát hiện thấy Aristophil thực chất là một công ty lừa đảo dưới dạng mô hình đa cấp Ponzi (lừa đảo người sau trả tiền người trước). Mọi hình thức quảng cáo, khuếch trương cho kinh doanh đều là thổi phồng, phục vụ cho lừa đảo chứ chẳng hề có "siêu lãi" như giới thiệu.

Cụ thể hơn, Aristophil đã giới thiệu tài liệu cổ nhưng thực chất có rất ít, hoặc xé nhỏ ra và quảng cáo sai lệch giá trị thị trường. Với giá trị ảo, thậm chí cả những món đồ "ảo" mà nhiều người vẫn cả tin lao vào đầu tư. Sau khi điều tra, chính phủ Pháp quyết định niêm phong các cơ sở của Gerard Lheritier, còn bản thân ông trùm Lheritier thì bị buộc tội gian lận trong kinh doanh. Toàn bộ tài sản của Lheritier đã bị tịch thu và thanh lý, những bộ sưu tập bị niêm phong và xử lý theo pháp luật.

Mặc dù tội danh đã rõ nhưng trong phiên toà xét xử mới đây, luật sư Francis Triboulet của Lheritier vẫn quả quyết, việc buộc tội Aristophil là không có căn cứ, bởi việc kinh doanh của Aristophil đang gặp nhiều khó khăn, đồng vốn quay vòng kém là do hậu quả của cơn bão tài chính kéo dài. Hiện, cảnh sát đang tiến hành điều tra để truy tố Lheritier và những người có liên quan, kể cả các quan chức đã chống lưng cho doanh nghiệp này tồn tại.

Các bê bối rúng động khác

Trong thế giới sưu tầm nghệ thuật, những kẻ làm giả, buôn lậu không từ một thủ đoạn nào để làm giàu bất chính, từ việc chôm chỉa đến giả mạo tranh quý hiếm. Sau đây là một vài phi vụ nổi tiếng nhất.

Lạm dụng quỹ nghệ thuật gần 300 triệu USD

Trong gần một thập niên, Sheikh Saud al-Thani (bà con với Quốc vương Qatar) là nhà sưu tầm nghệ thuật lớn nhất thế giới, với túi tiền không bao giờ cạn. Là Chủ tịch Hội đồng quốc gia về văn hóa, nghệ thuật và di sản của Qatar, ông ta có trách nhiệm thay mặt Quốc vương mua các tác phẩm nghệ thuật trong suốt 8 năm qua để chuẩn bị cho việc khai trương 5 viện bảo tàng quốc gia tại Qatar, được xây dựng với mục đích biến quốc gia này thành một trung tâm văn hóa chính trên thế giới.

Đồng thời trong khoảng thời gian đó, al-Thani cũng tích cực làm phong phú thêm các bộ sưu tập cá nhân. Điều đáng nói ở đây là ông ta đã bỏ ra những khoản tiền cao gấp hàng chục lần, thậm chí gấp trăm lần giá trị thực cho một món đồ. Trong một cuộc bán đấu giá do nhà Christie's tổ chức tại London (Anh), người đại diện của al-Thani đã chi khoảng 1,57 triệu USD cho một món đồ cổ mà giá trị thực chỉ khoảng 14 ngàn USD, tức cao gấp 113 lần. Cũng cùng thời điểm đó, al-Thani đã tậu hai tác phẩm khác, lẽ ra chỉ khoảng 1.700 USD/tác phẩm với giá lần lượt là 54 ngàn USD và 165 ngàn USD.

Mới đây, al-Thani bị bắt giữ tại nhà riêng với các cáo buộc lạm dụng công quỹ với số tiền trên dưới 275 triệu USD.

Siêu trộm bản đồ

Trước đây, những nhà kinh doanh trong lĩnh vực mua bán bản đồ thắc mắc, không hiểu tại sao E.Forbes Smiley lại có thể liên tục chào bán những loại bản đồ quý hiếm và mới mẻ trên thị trường. Hay có lẽ vì họ của ông này là Smiley (khuôn mặt tươi cười) nên luôn được thần may mắn chiếu cố? Nhờ cung cấp hàng "độc" nên Smiley tận hưởng một cuộc sống nhàn nhã và sang trọng trong những khu biệt thự đắt tiền trên đảo Martha's Vineyard (Mỹ), nơi nghỉ hè của các triệu phú.

Nhưng bây giờ, họ đã biết được bí quyết làm giàu của Smiley: Chôm chỉa! Lợi dụng vị thế là thành viên ruột của một hội gồm những người sành sỏi về lĩnh vực bản đồ quý hiếm, Smiley cứ việc đi dạo tà tà trong các thư viện nổi tiếng trên thế giới, lẩn vào một góc nào đó để "nghiên cứu". Khi phát hiện được "con mồi", y dùng một con dao mỏng tách chúng ra khỏi bản gốc.

Hành động phi pháp trên chỉ được phát hiện khi Smiley đánh rơi "đồ nghề" trên đường ra khỏi thư viện Beineke tại Yale (Anh). Nhân viên an ninh lập tức bắt giữ Smiley và phát hiện những bản đồ quý trị giá đến 900 ngàn USD trong áo khoác của hắn. Smiley khai nhận đã "thó" hàng trăm bản đồ và Cơ quan điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang truy tìm những người đã từng giao dịch với y trước đó.

Minh Trường
.
.