Đừng để vàng - thau lẫn lộn

Thứ Năm, 20/02/2020, 09:31
Ngày 30-12- 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 27/2019/TT-BGDĐT quy định nội dung chính ghi trên văn bằng và phụ lục văn bằng giáo dục đại học.


Thông tin trên các tấm bằng đại học sẽ bỏ ghi hình thức đào tạo và có thể bỏ luôn cả hạng tốt nghiệp.Thay vào đó, thể hiện hình thức đào tạo chính quy, hay không chính quy (hệ đào tạo từ xa, tại chức, liên thông, văn bằng 2…) sẽ chỉ được ghi trên phụ lục văn bằng, cùng với các thông tin khác như: Điểm môn học, điểm trung bình, tên và kết quả luận văn, luận án, điểm xếp hạng tốt nghiệp của người học. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 1-3-2020.

Điều này đã khiến nhiều người băn khoăn, lo lắng về chất lượng đào tạo giữa hai hệ chính quy và không chính quy (hệ đào tạo từ xa, tại chức, liên thông, văn bằng 2…) đang có khoảng cách khá xa, sẽ bị cào bằng. Những lo lắng của người dân về việc "vàng, thau lẫn lộn" trong việc cấp văn bằng là hoàn toàn có cơ sở.

Chúng ta đều biết, hệ đại học chính quy tuyển sinh bằng hình thức thi cạnh tranh, sinh viên được tuyển chọn đầu vào; học tập trung nên chất lượng khá tốt. Còn hệ không chính quy thì chủ yếu là những người không thi đỗ đại học chính quy, người vừa đi làm, vừa học nên chương trình học cũng khác với chính quy, thời gian đào tạo được rút ngắn, thường học vào buổi tối và các ngày nghỉ nên đôi lúc học không nghiêm túc, chưa kể người học tuổi cao, lo bận công việc khó tập trung học; còn về điểm thi thì thầy, cô cũng coi nhẹ hơn sinh viên chính quy và dễ tạo điều kiện cho qua. Chính vì đầu vào, cách đào tạo như vậy nên chất lượng hệ không chính quy thường thấp hơn rất nhiều so với hệ đào tạo chính quy. Đó là một thực tế mà ai cũng có thể nhìn thấy.

Sinh viên Việt Nam trong ngày lễ tốt nghiệp Đại học.

Tuy nhiên, đào tạo từ xa, tại chức, liên thông, văn bằng 2 đang được xem là "nồi cơm" của nhiều trường đại học. Vì các loại hình đào tạo này học phí cao hơn, thi đầu vào dễ hơn. Có trường phải cố "phớt lờ" chuyện kiểm định chất lượng, vì nếu thực hiện nghiêm túc, đúng quy định thì rất ít người học lấy được bằng, tốt nghiệp ra trường. Nếu không tốt nghiệp được sẽ không có người học và trường sẽ không có nguồn thu. Đã xảy ra những bê bối trong tuyển sinh, cấp bằng khống cho người học, mà trường hợp sai phạm ở Đại học Đông Đô vừa mới đây là một ví dụ điển hình.

Do đó, xã hội vẫn chưa đánh giá cao bằng đại học hệ tại chức, đào tạo từ xa… Chính các cơ quan nhà nước lại là nơi không mặn mà đối với những ứng viên có văn bằng đào tạo không chính quy. Một số người dù nỗ lực học tập để đạt được kết quả khá, giỏi, nhưng đến khi đi xin việc vẫn bị nhà tuyển dụng phân biệt đối xử kiểu "dốt chuyên tu, ngu tại chức".

Còn đại học chính quy cũng có ba, bẩy loại. Vào mùa tuyển sinh, nhiều trường đại học thiếu sinh viên cũng "vơ bèo, vạt tép", chưa kể vô số trường dân lập gửi thư tới tận nhà học sinh mời vào học chính quy cho đủ số lượng. Mong muốn con em mình có một chỗ ngồi trên giảng đường, có một tấm bằng đại học chính quy danh giá để dễ xin việc làm đã khiến chúng ta nhận hậu quả nặng nề qua vụ gian lận thi cử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018 xảy ra ở Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình đã để lại tổn thương rất lớn cho nền giáo dục nước nhà.

Chủ trương chính sách nào cũng có tính chất hai mặt của nó, việc thống nhất văn bằng đại học thể hiện sự tiến bộ. Đây là điều kiện cần để hướng đến mô hình giáo dục mở, vận động người dân học tập suốt đời, học đi đôi với hành, học vì yêu cầu của công việc, của xã hội chứ không phải vì bằng cấp. Vấn đề chính ở đây là mục đích người học để lấy kiến thức hay lấy tấm bằng, nếu lấy kiến thức để làm việc thì học hệ nào cũng tốt, người học sẽ có kiến thức vững vàng khi ra trường. Còn học chỉ để có tấm bằng thì dù có học chính quy thì kém vẫn hoàn kém mà thôi.Trong một xã hội học tập, người sử dụng lao động sẽ đánh giá sàng lọc lao động thường xuyên, bởi vậy người lao động phải tư duy rằng học tập là suốt đời, để nâng cao kiến thức trình độ phục vụ công việc và đòi hỏi của cuộc sống.

Trong bối cảnh giáo dục nước nhà vẫn còn nhiều hạn chế, để các loại văn bằng có tác dụng như nhau chỉ có một giải pháp đơn giản, khách quan là tổ chức thi tuyển đầu vào chung để đảm bảo chất lượng, sau đó người học lựa chọn các hình thức học khác nhau tùy vào hoàn cảnh, nhu cầu. Các trường cũng phải công khai nội dung, chương trình, kết quả đào tạo giữa các hình thức đào tạo để các cơ quan chức năng và xã hội giám sát.

Nên mở rộng đầu vào, siết chặt chất lượng đầu ra để tại chức, văn bằng 2, liên thông hay chính quy có chất lượng đầu ra như nhau thì không cần phân biệt nữa. Khi đó cả cơ sở đào tạo và người học quan tâm đến hiệu quả, chất lượng hơn là chỉ vì bằng cấp. Làm được như vậy thì xã hội mới tin tưởng vào chất lượng của tấm bằng đại học.

Cù Tất Dũng
.
.