Du lịch luôn gắn liền cùng văn hóa

Thứ Năm, 22/06/2017, 08:01
Trong phiên họp Quốc hội gần đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Nguyễn Ngọc Thiện có khẳng định về kế hoạch ngành Du lịch Việt Nam sẽ đuổi kịp Indonesia ở năm tới (2018), đuổi kịp du lịch Singapore trong 2 năm nữa. Còn riêng hai quốc gia thuộc diện “cường quốc du lịch” của Đông Nam Á là Malaysia và Thái Lan thì chúng ta cần tới 10 và 15 năm mới có thể bắt kịp họ. 


Điều Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói là hoàn toàn căn cứ xác thực vào điều kiện khu vực và tiềm năng của Việt Nam. Nhưng nó khiến ta không thể không bật ra một câu hỏi rằng “Nếu có thể bắt kịp Indonesia và Singapore trong 2 năm, liệu có thể rút ngắn lộ trình bắt kịp Thái Lan và Malaysia hay không?”.

Câu hỏi trên có cơ sở của nó. Ai cũng hiểu, tư duy nhiệm kỳ đang là thứ ăn sâu trong bộ máy nhà nước suốt bao lâu nay và vì thế, ai dám đảm bảo rằng nếu như kế hoạch phát triển Du lịch của Bộ VHTT&DL dưới thời Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện là tốt nhưng nó sẽ được duy trì và phát triển ở nhiệm kỳ của những Bộ trưởng kế nhiệm ông sau này?

Hơn nữa, câu hỏi đó cùng với thực trạng du lịch Việt Nam đang cho chúng ta nhận thấy rằng, ngành du lịch Việt Nam vẫn chưa phát huy hết sức mạnh của mình một cách thông minh mà chủ yếu vẫn đi theo hướng dựa trên nguồn lực tự nhiên và cách làm thì mang tính chất sao chép từ tỉnh này qua địa phương khác.

Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của du khách nước ngoài.

Cách đây 8 năm, Bộ VHTT&DL có kết hợp với Hội đồng Anh tại Việt Nam tổ chức những buổi huấn luyện, hội thảo cùng các chuyên gia hàng đầu của châu Âu về kỹ thuật tổ chức các festival nghệ thuật. Những người tham gia huấn luyện bao gồm các giám đốc Sở VHTT&DL các địa phương, những nhà quản lý các công ty tổ chức biểu diễn nghệ thuật, quản lý các đoàn nghệ thuật Trung ương.

Sau 8 năm, với việc khóa huấn luyện đó vẫn được lặp lại hàng năm trong khoảng 5 năm liền, thực sự chưa một festival nghệ thuật nào được tổ chức một cách chuyên nghiệp ở Việt Nam và đủ sức để thành điểm nhấn lôi kéo du khách đến với đất nước từng được mệnh danh là “cái bếp của thế giới” nhờ vào sự phong phú, đa dạng về ẩm thực. Điều đó cho thấy, ở Việt Nam chưa hề tồn tại khái niệm du lịch văn hóa, bất chấp việc mỗi địa phương vẫn có một “festival thường niên” mà đơn cử là Nha Trang với Festival biển mới diễn ra hồi giữa tháng 6.

Phải thừa nhận, trong tất cả các lễ hội đương đại mà các địa phương ở Việt Nam tổ chức để nhằm mục đích thu hút du lịch, chỉ có 2 lễ hội tạm gọi là “chấp nhận được”. Đó là festival Huế và Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng. Festival Huế đã mạnh dạn hơn, được cải thiện với nhiều chuỗi trình diễn nghệ thuật đương đại và có được dấu ấn nhờ sự cổ kính của cố đô, đồng thời với tuổi thọ tương đối của một festival lưỡng niên (Biennale).

Trong khi đó, Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng thì lại là một festival giải trí đơn thuần nhưng đánh đúng vào điểm yêu thích của du khách là màn thi pháo hoa đa dạng, đa quốc gia ngay trên mặt Sông Hàn lộng lẫy. Có thể nói, Festival pháo hoa Đà Nẵng thành công hơn cả bởi nó chuyên tâm theo hướng xã hội hoá và giờ đây, gần như Đà Nẵng không còn phải chi ngân sách cho hoạt động này nữa.

Quay trở lại với hàng loạt lễ hội còn lại của các địa phương du lịch Việt Nam, chúng ta sẽ nhận thấy sự nhàm chán, đơn điệu, tẻ nhạt. Festival hoa Đà Lạt hay Festival biển Nha Trang đều chỉ đồng dạng như nhau, với những sân khấu giải trí hoành tráng về thể lý nhưng thiếu đột phá về tinh thần.

Không có những chủ đề mang tính định tính của mùa festival, không có những vượt thoát đủ để du khách nước ngoài có thể thích thú thưởng lãm. Tất cả dường như chỉ là những tiết mục giải trí kiểu showbiz mà chủ yếu người thưởng thức toàn là khán giả địa phương hoặc du khách nội địa. Sự dịch chuyển nội dung chẳng qua chỉ là thành phố nào có biển thì nội dung đậm đầy những ca khúc về biển, thành phố nào có núi rừng thì lại lấy những ca khúc viết về... núi rừng.

Và sự vụng về, cẩu thả ấy có nguyên do của nó. Đó là sự thiếu chăm chút của chính những người làm quản lý văn hóa tại địa phương, những quan chức địa phương. Họ cho rằng chỉ cần sân khấu hoành tráng, trang trí phố phường đẹp đẽ là đủ để tạo nên một festival rồi.

Trong khi đó, yếu tố nghệ thuật (art) xác định bản sắc của địa phương, của quốc gia, giao thoa với các trình diễn nghệ thuật quốc tế thì hoàn toàn không tồn tại. Cộng hưởng với sự nghèo nàn về ý tưởng, đó còn là sự thâu tóm nhận thầu của một số công ty tổ chức sự kiện.

Trong giới làm festival cho địa phương hiện nay, thực sự chỉ có vài ba công ty thâu tóm hết các gói thầu. Và chỉ cần 1 công ty một năm làm 2 festival cho 2 địa phương thôi, họ thực sự không đủ ý tưởng để biến chúng trở thành những festival nghệ thuật đúng nghĩa, có khả năng thu hút du khách quốc tế.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện có nhắc đến việc đuổi kịp Indonesia và điều đó  khiến chúng ta nhớ tới Festival thường niên Jakarta Jazz được tổ chức lần đầu từ 2005. 12 năm tồn tại, bây giờ Festival ấy luôn là sự kiện thu hút những du khách đam mê nhạc jazz khi họ có cơ hội được thưởng thức màn trình diễn của các nghệ sỹ jazz hàng đầu thế giới, đồng thời khám phá bí ẩn “Java Jazz” (theo cách gọi của người Indonesia), một thứ jazz của các nghệ sỹ địa phương ngay tại Jakarta.

Song song đó, Jakarta còn có liên hoan nghệ thuật lưỡng niên lấy tên chơi chữ là JackArt, bắt đầu từ năm 2008 và bây giờ đang được coi là một trong những liên hoan nghệ thuật chất lượng, khi biến từng góc phố của Jakarta thành những nơi triển lãm các tác phẩm nghệ thuật đương đại.

Chúng ta có thể đuổi kịp bất kỳ quốc gia du lịch nào nếu như du lịch chỉ cần có đồi núi, biển, sông ngòi và ẩm thực. Nhưng du lịch không chỉ là nghỉ dưỡng hưởng thụ mà còn là thưởng thức và khám phá. Vì thế, du lịch phải gắn với văn hoá, được định tính như một chỉ dấu nhận diện của chính địa phương ấy. Và nên nhớ, số tiền các địa phương vận động cho các lễ hội đang rất lớn, mà nếu quy về hiệu quả như một dự án kinh doanh, chắc chắn không mấy dự án có thể sinh lời…

Hà Quang Minh
.
.