Sức sống của nhạc đỏ:

Dòng nhạc cách mạng vẫn cuộn chảy trong tâm thức người Việt

Thứ Bảy, 02/09/2006, 09:30

Sẽ là sai lầm nếu không thích nhạc trẻ. Nhưng sẽ sai lầm ngàn lần nếu chỉ thích nhạc trẻ mà quên đi những “Bài ca không bao giờ quên” của một thời không thể nào quên” nhạc sĩ Phạm Tuyên đã mượn ý của một nhạc sĩ nổi tiếng người Nga đã nhận xét khi trao đổi về sức sống của dòng nhạc cách mạng trong đời sống âm nhạc hiện nay.

Và để minh họa cho nhận xét của mình, nhạc sĩ kể thêm một câu chuyện. Chuyện về cô gái trẻ người Mỹ đã say mê tìm hiểu dòng âm nhạc cách mạng của Việt Nam, đã hát thành công những ca khúc cách mạng Việt Nam. Cô gái ấy tên là Molly Hartman- Ơconnell năm nay mới 24 tuổi. Bố của Molly- ông John Ơconnell – Chủ tịch một hội từ thiện và mẹ cô - bà Grecher Hartman, một nhà tâm lý học, hiện đang sinh sống và làm việc ở Mỹ. Cả hai ông bà đều đã nhiều lần xuống đường tham gia biểu tình phản đối chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Họ cũng là người quen Pete Seeger - một ca sĩ  từng tay gẩy đàn, miệng hát vang bài ca đoàn kết với nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh gìn giữ hòa bình những năm 60 của thế kỷ trước.

Sẵn có mối cảm tình với nhân dân Việt Nam từ trước, năm 2003 ông bà John Ơconnell đã cho con gái sang Việt Nam theo học tại Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài việc học tập, Molly còn tham gia một số hoạt động xã hội và nghiên cứu âm nhạc Việt. Cô đã tìm đến câu lạc bộ Văn nghệ Hội Chữ thập đỏ quận Tân Bình để xin được nghệ sĩ Cao Nguyệt Hảo dạy hát. Hầu hết các bài hát Molly lựa chọn để tập đều thuộc dòng âm nhạc cách mạng Việt Nam. Trong đó cô đặc biệt yêu thích bài “Gảy đàn lên, hỡi người bạn Mỹ” của nhạc sĩ Phạm Tuyên,  sáng tác vào mùa giáng sinh năm 1969 với lời đề tặng ca sỹ  Pete Seeger.

Nhưng để hiểu rõ hơn xuất xứ ra đời của bài hát và ý tưởng mà tác giả gửi gắm vào tác phẩm của mình, đầu tháng 7 vừa qua, Molly lặn lội ra Hà Nội  xin được gặp nhạc sĩ Phạm Tuyên. Và cô đã được thỏa nguyện. Trong cuộc gặp gỡ, cô còn được nghe nhạc sĩ Phạm Tuyên hát ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Ewan Maccoll: “Ballad of Hồ Chí Minh”. Sau cuộc hội ngộ thân tình với vợ chồng nhạc sĩ Phạm Tuyên, trở về thành phố Hồ Chí Minh, Molly miệt mài tập hát. Theo nhạc sĩ Phạm Tuyên, đến nay cô sinh viên người Mỹ này đã hát tốt hai bài hát của ông là “Gẩy đàn lên, hỡi người bạn Mỹ”; “ Tiếng hát những đêm không ngủ” và bài “Xuân chiến khu” của nhạc sĩ Xuân Hồng.

Trong lá thư đề ngày 22/7/2006 từ thành phố Hồ Chí Minh gửi ra cho nhạc sĩ Phạm Tuyên, Molly còn cung cấp thêm một tư liệu rất lý thú liên quan đến ca sĩ Peter Seeger như sau: “Cháu muốn chú ý là sau khi được nghe chú (nhạc sĩ Phạm Tuyên) hát bài “Ballad of Hồ Chí Minh”, cháu đã nghiên cứu và tìm ra nhạc sĩ Ewan Maccoll là bố của nữ nhạc sĩ mà thanh niên Tây rất thích. Cô ấy tên là Kirsty MacColl. Hơn nữa, người vợ cũ của ông Mac Coll là Peggy Seeger lại chính là em gái của Pete Seeger. Gần đây, mới có một cuộc biểu diễn mà một ca sĩ Mỹ (một lính cũ) hát bài “Ballad of Hồ Chí Minh” tại New York với nhiều nhạc sĩ của thập kỷ 60, trong đó có Peter Seeger. Ông ấy 88 tuổi mà vẫn đi biểu diễn trực tiếp! Sau khi hát bài “Ballad”, người lính cũ đã hát bài “Giải phóng miền Nam” (của Huỳnh Minh Siêng) cho khán giả Mỹ nghe.

Sau khi kể câu chuyện trên, nhạc sĩ Phạm Tuyên tiếp tục trao đổi với chúng tôi về đề tài “nhạc đỏ” với nhiều khía cạnh khác nữa. Cuối cùng ông trở lại câu chuyện của Molly và kết luận: “Gần bốn thập kỷ trôi qua, những người bạn Mỹ yêu chuộng hòa bình và con cháu họ như Molly vẫn còn quan tâm và hát những ca khúc của thế hệ nhạc sĩ kháng chiến chúng ta. Điều ấy chứng tỏ dòng âm nhạc cách mạng không chỉ mãi cuộn chảy trong tâm thức người Việt Nam mà còn là cảm thức cho cuộc đấu tranh bảo vệ hòa bình của những người bạn Mỹ và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới”.

Cùng chung với dòng suy tưởng của nhạc sĩ Phạm Tuyên (người có khối lượng sáng tác đồ sộ, tới cả ngàn bài, trong đó có nhiều bài hát rất hay về Đảng, lãnh tụ, Tổ quốc, quê hương), nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha (người đã dày công sưu tầm tuyển chọn hơn 10 tập ca khúc cách mạng như “Hát mãi khúc quân hành”, “Nắng Ba Đình”, “Lá xanh”, “Lá đỏ”, “Tình ca Trường Sơn”) cũng nhận xét:

- Có thể nói dòng nhạc cách mạng mà chúng ta quen gọi là nhạc đỏ đã làm nên một thời đại âm nhạc lớn lao. Dòng âm nhạc của ấy dẫu chưa tỏa ra thế giới nhưng đã khiến cả thế giới phải nhìn vào để hiểu thêm khí phách và hồn thiêng của dân tộc Việt Nam

.
.