Điện ảnh tư nhân: Giữ thương hiệu bằng chất lượng

Thứ Hai, 05/09/2005, 08:19

Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát (NTHN), Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh nói: Vì sức ép, các hãng phim tư nhân không thể giao phim cho những người làm nghề không giỏi được. Họ phải có ý thức mời các đạo diễn giỏi (tất nhiên là theo con mắt nhìn của họ) tham gia sản xuất.

- Các hãng phim tư nhân hiện nay không có sự chuyên biệt trong việc sản xuất phim. Họ vừa làm điện ảnh lại vừa làm truyền hình vừa làm phim quảng cáo. Sự đa chức năng như vậy liệu có ảnh hưởng tới chất lượng các sản phẩm họ cung cấp cho công chúng?

Bà NTHN: Tôi nghĩ sự đa chức năng của một hãng phim tư nhân chẳng có gì đáng lo cả. Vì ai cũng biết rằng, điện ảnh, truyền hình, phim quảng cáo là 3 loại hình có đặc thù khác nhau. Các hãng tư nhân đóng vai trò là nhà tổ chức, sản xuất, họ thấy ai hợp với mình thì mời tham gia cộng tác. Chúng ta không nên lo lắng giúp họ về việc họ sẽ đưa sản phẩm kém chất lượng ra thị trường. Hơn ai hết họ phải biết giữ thương hiệu của mình bằng chính chất lượng sản phẩm văn hoá do mình sản xuất, sáng tạo ra.

- Các hãng phim tư nhân thường làm phim theo tiêu chí lớn nhất, là có lãi thì mới làm. Họ chiều theo thị hiếu công chúng và mong muốn kéo khán giả tới rạp càng nhiều càng tốt. Nhưng thực tế là không phải cứ phim đông khách đều là phim hay. Có ý kiến cho rằng không nên chờ đợi các hãng phim tư nhân để có các tác phẩm nghệ thuật thực sự. Điều này liệu có cực đoan quá không, thưa bà?

Bà NTHN: Tôi cho rằng không phải hãng phim tư nhân nào cũng “nhăm nhăm” chạy theo thị hiếu khán giả một cách thái quá. Mỗi hãng phim đều có tôn chỉ mục đích của riêng họ. Tất nhiên người ta phải đặt lên bàn cân chuyện lỗ, lãi, vì người ta bỏ tiền ra làm phim cơ mà.

Cảnh trong phim "những cô gái chân dài".

Nếu đánh giá các hãng phim tư nhân như câu hỏi vừa nêu là không công bằng. Thực tế, chất lượng sản phẩm của mỗi hãng phim tư nhân phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm, thẩm mỹ, văn hoá, trình độ của người chủ hãng. Khi người ta đã bỏ tiền, bỏ công sức và tâm huyết ra để làm nghệ thuật, người ta chắc chắn phải nuôi một khát vọng làm những bộ phim có giá trị nghệ thuật.

- Các đơn vị nhà nước đang đứng trước nguy cơ “chảy máu chất xám”, vì những người làm nghề giỏi đang nhận được sự mời chào hậu hĩnh từ các đơn vị tư nhân. Để tránh được nguy cơ này, theo bà, các cơ quan nhà nước cần phải củng cố lại những chính sách gì cho phù hợp?

Bà NTHN: Việc “chảy máu chất xám” như chị nói, thực ra không có gì đáng lo ngại cả. Những người làm nghề bao giờ cũng mong muốn được cống hiến sức mình cho điện ảnh. Nhưng hiện nay rõ ràng các đơn vị nhà nước quá ít việc, mỗi năm kinh phí làm phim được nhà nước đầu tư rất hạn hẹp, số lượng phim do các đơn vị nhà nước sản xuất cũng rất ít ỏi. Một số đạo diễn, diễn viên đi làm việc cho các hãng tư nhân cũng là điều tất yếu.

Làm việc cho các hãng tư nhân cũng là lao động sản xuất ra sản phẩm phục vụ công chúng, phục vụ nền điện ảnh nước nhà. Các đơn vị nhà nước nên hiểu rõ và chấp nhận điều này, chỉ có điều, phải có sự quản lý, thoả thuận như thế nào để các đơn vị nhà nước, các hãng tư nhân và công chúng đều không bị thiệt thòi. Các hãng tư nhân ra đời đã tạo điều kiện cho các nghệ sĩ được làm nghề nhiều hơn là rất đáng mừng.

- Xin cảm ơn bà Nguyễn Thị Hồng Ngát

Bình Nguyên Trang (thực hiện)
.
.