Điện ảnh Việt 2018: Năm được mùa của những… “người lạ”
- Điện ảnh Việt: Chỉ hội nhập khi có bản sắc
- Điện ảnh Việt đã chán phim kinh dị?
- Biên niên sử cho người yêu điện ảnh Việt
- Điện ảnh Việt cuối năm 2018: Đợi chờ “bom tấn”
“Dream Man - Lời kết bạn chết chóc”, “Trường học bá vương”, “Song lang”, “Người vợ ba”, “Nhắm mắt thấy mùa hè”, “Ống kính sát nhân”... là loạt phim chào sân tiêu biểu của thế hệ đạo diễn trẻ trong năm qua. Các bộ phim được đánh giá cao về cách làm phim, cách tiếp cận đề tài khác lạ, mang lại mảng màu mới cho thị trường điện ảnh. Họ không đi theo dòng phim giải trí, thị trường đương thời với những ngôi sao, câu chuyện ăn khách, dễ dãi. Mỗi bộ phim là một lăng kính rất khác thể hiện cá tính, bản sắc riêng của mỗi đạo diễn.
Sống ở trời Tây từ nhỏ nhưng Leon Quang Lê đã sớm mang trong mình tình yêu cải lương. Anh yêu bộ môn nghệ thuật cổ truyền này đến nỗi gửi gắm nó vào bộ phim đầu tay do mình biên kịch kiêm đạo diễn.
“Song lang” kể câu chuyện về những nghệ sĩ cải lương thời hoàng kim. Các nhà phê bình đánh giá cao khi không khí cải lương giai đoạn 1960 - 1970 được Leon tái dựng rất thành công, gợi cho người xem nhiều hoài niệm.
Điều này chứng tỏ sự nghiên cứu kỹ lưỡng và đầu tư tâm huyết của tác giả. Bộ phim gây hiệu ứng và tiếng vang tốt đẹp khi mang đến tác phẩm điện ảnh duy mỹ, giàu cảm xúc và nhiều tầng lớp ý nghĩa sâu sắc.
Đạo diễn Leon Quang Lê được đánh giá cao với “Song lang”. |
Tác phẩm đầu tay này của Leon Quang Lê được nhà phê bình Lê Hồng Lâm xem như một điểm sáng của điện ảnh Việt cuối năm 2018 và xếp vào tuyển tập “101 bộ phim Việt Nam hay nhất” (giai đoạn 1953 -2018). “Song lang” cũng là bộ phim gây chú ý khi diễn viên chính Liên Bỉnh Phát nhận giải “Viên ngọc quý” tại Liên hoan phim Quốc tế Tokyo 2018.
Cũng là tác phẩm đầu tay, hai đạo diễn trẻ Cao Thúy Nhi và Roland Nguyễn khiến người xem phải nghiêng mình vì sức sáng tạo và thử nghiệm táo bạo của họ. “Nhắm mắt thấy mùa hè” của Cao Thúy Nhi như một bài thơ tuyệt đẹp mang phong vị nhẹ nhàng, trong trẻo giữa trời mây xứ mặt trời mọc.
Đó không phải là câu chuyện dễ thu hút người xem. Nhưng đi đến cuối phim, người ta nghiệm được những mảng màu vàng rực rỡ đầy hy vọng về tình người, tình đời. Chuyện phim rất thơ và ngay cả cái tên “Nhắm mắt thấy mùa hè” cũng rất gợi nên nó nhanh chóng trở thành câu viral (câu có tính chất lan truyền) của giới trẻ khi bước trên cánh đồng mùa hạ.
Riêng “Dream Man - Lời kết bạn chết chóc” của Roland Nguyễn lại là câu chuyện kinh dị, trinh thám rất thú vị. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho rằng đây là màn chào sân vô cùng ấn tượng của Roland Nguyễn. “Bằng một cấu trúc kể chuyện mới lạ so với điện ảnh Việt Nam, “Dream Man” có vẻ hơi thách thức khán giả số đông ở Việt Nam - vốn thích những thứ màu mè hời hợt bên ngoài hơn là mổ xẻ những vấn đề sâu hơn bên trong.
Xem “Dream Man”, không dễ để hiểu hết mọi thứ ngay tức thì, nhưng khi đã giải ra bài toán của phim thì mọi thứ bỗng trở nên thú vị bất ngờ, và có thể bạn sẽ muốn xem lại lần thứ hai để tìm kiếm những lời giải đoán cặn kẽ hơn” - Anh phân tích. Phim khai thác về việc lạm dụng Facebook để từ đó con người mất đi phẩm giá và làm hại người khác.
Một cảnh trong phim “Nhắm mắt thấy mùa hè” của nữ đạo diễn Cao Thúy Nhi. |
Nhân vật Phong do ca sĩ Thanh Duy đảm nhận bỗng nhiên đối mặt với hàng loạt cái chết của bạn bè. Người yêu của Phong sau đó cũng đột ngột mất tích. Điều kỳ lạ là trước khi xảy ra chuyện, họ đều kết bạn với một người bí ẩn có nickname “Dream Man” trên Facebook. Và lời đồn thổi về tài khoản chết chóc này bắt đầu rộ lên. Trên hành trình khám phá về nhân vật bí ẩn này, Phong gặp những lật mở kinh hoàng.
Mất 7 năm thực hiện và hoàn thành xong vào năm 2018, “Thằng ròm” của đạo diễn 9X Trần Dũng Thanh Huy là một tác phẩm rất đáng trông đợi. Bởi tài năng của Huy đã được khẳng định qua phim ngắn “16:30” từng chiếu trong hạng mục "Góc phim ngắn" của Liên hoan phim Cannes 2013. “Thằng ròm” là bộ phim phát triển từ “16:30”.
Cũng chu du và gặt hái nhiều giải thưởng ở các liên hoan phim quốc tế năm 2018, “Người vợ ba” - phim đầu tay của nữ đạo diễn Nguyễn Phương Anh - dự kiến phát hành trong nước năm nay. Câu chuyện kể về hành trình của Mây - cô gái trẻ về làm vợ ba của một người đàn ông giàu có để ông ta kiếm con trai nối dõi tông đường. Điểm mới lạ của “Người vợ ba” là bộ phim không bó buộc trong khuôn mẫu câu chuyện hủ tục phong kiến mà còn dám động chạm đến đề tài đồng tính nữ.
Năm 2018, ngoài thành công của những gương mặt đạo diễn, nhà biên kịch “chưa quen”, dàn diễn viên người lạ cũng ồ ạt ra quân và nhanh chóng để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả như: Sam, Liên Bỉnh Phát, diễn viên người Nhật Takafumi Akutsu, Phương Anh Đào, Ben Phạm, Jun Vũ …
Sự thành công của loạt gương mặt mới trong năm nay đến từ nỗ lực không ngừng và tâm huyết bền bỉ của họ. Là tân binh, họ gặp vô vàn khó khăn vì không dễ thuyết phục nhà sản xuất, nhà tài trợ bỏ tiền đầu tư. Phim của họ đa phần mang tính thể nghiệm cao nên các nhà sản xuất rất e dè với bài toán mạo hiểm. Gõ không biết bao nhiêu cánh cửa, Leon Quang Lê tưởng như bỏ cuộc. Những người đồng ý đầu tư thì bắt anh phải thay đổi kịch bản “Song lang” để dễ hút khách. May thay, khi tìm đến nhà sản xuất Ngô Thanh Vân, Leon Quang Lê được chị tạo điều kiện và tôn trọng tối đa sự sáng tạo của mình.
Đạo diễn Nguyễn Phương Anh chào sân ấn tượng với phim “Người vợ ba”. |
Để chinh phục nhà sản xuất, những gương mặt trẻ ấy chỉ có thể dùng chính tâm sức và chất lượng tác phẩm của mình. Nữ đạo diễn Cao Thúy Nhi không ít lần bật khóc khi “Nhắm mắt thấy mùa hè” ròng rã mãi vẫn không tìm kiếm được nguồn đầu tư.
Cầm cố cả ngôi nhà để có chi phí làm bản demo (bản quay thử) gửi nhà sản xuất, ekip của cô mới có thể nhận được cái gật đầu để bắt tay thực hiện thước phim đầu tiên. Còn “Dream Man” của Roland Nguyễn thì phải mất 3 năm kiên trì vượt qua cửa kiểm duyệt, bảo toàn nội dung tác phẩm trước khi ra mắt công chúng.
Thành công của các đạo diễn mới thời gian gần đây không chỉ tiếp sức cho đạo diễn trẻ khác mà còn khiến các nhà sản xuất dần an tâm khi đặt niềm tin vào họ. Là người mới, họ không ngại thử sức, không ngại khó và bước ra khỏi vùng an toàn với dòng phim quen thuộc như ngôn tình, thanh xuân, hài hước... để dấn thân vào những đề tài thử thách, chăm chút đứa con tinh thần. Năm 2018 cũng là năm thị trường điện ảnh trong nước trên đà phát triển mạnh mẽ, từ đó giúp dự án của người mới có cơ hội hiện thực hóa nhiều hơn.
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam kỳ vọng: “Họ là những đạo diễn trẻ, có tay nghề, có tâm và làm phim rất chuyên nghiệp, nhiều bứt phá và đầy triển vọng. Điều này cho thấy một thế hệ đạo diễn trẻ chắc tay đang kế thừa, phát huy những thành quả của điện ảnh Việt Nam và biết cách khẳng định mình thời hội nhập. Tôi tin là các bạn biên kịch, đạo diễn trẻ sẽ tìm được lối đi khác biệt để làm ra những bộ phim hay và tiến xa, đem lại sự khởi sắc của điện ảnh Việt Nam trong thời gian tới”.