Dịch văn học không chỉ là chuyển ngữ: Phải thấy được "sức nặng trách nhiệm" của người dịch

Thứ Hai, 18/06/2007, 10:30
"Cái gì mới chưa tốt có thể qua thời gian sẽ tốt, miễn là có tố chất và cầu thị. Vấn đề là chúng ta phải hành động, thực tiễn sẽ giúp mọi thứ trưởng thành..." dịch giả trẻ Lương Việt Dzũng nói.

- Là một người trẻ được đào tạo chu đáo và kiến thức tốt, anh có thể tìm kiếm những công việc dễ dàng hơn, nhưng vì sao anh lại chọn công việc dịch văn học, khi mà thù lao cho một cuốn sách dịch ở ta hiện nay rất ít ỏi?

+ Tôi đến với dịch văn học bởi một sự tình cờ và một niềm yêu thích. Theo tôi biết thì ở Việt Nam hay ở đâu cũng vậy thôi, người dịch văn học hiếm khi được trả cao trừ những tác phẩm best-seller. Họ được trả công theo cách khác, tiền công đối với (hầu hết trong số) họ là sự thỏa chí trong niềm đam mê của mình. Tất nhiên, bên cạnh “hoa hồng” cần phải có “bánh mỳ”. Tôi sống bằng một nguồn thu nhập khác, nên tình yêu của tôi với dịch văn học tương đối thuần túy và vì thế tôi có thể dốc toàn bộ tình cảm của mình cho nó. Chừng nào bạn dịch xong một tác phẩm và cầm nó trên tay trong hình dạng của một cuốn sách, bạn sẽ hiểu cái lý do rất riêng ấy của tôi.

-  Hiện nay, đang xuất hiện một “cao trào dịch thuật” với sự tham gia của rất nhiều dịch giả trẻ. Anh đánh giá thế nào về thành công của các dịch giả trẻ cùng thế hệ với mình?

+ Tôi cho rằng tất cả chúng tôi đều đang cố gắng hết mình và mỗi người đều đã đạt được những kết quả nhất định. Họ đã đem đến một sinh khí mới, nhưng không phải để thay đổi diện mạo văn học dịch Việt Nam mà chính là để tạo nên cái diện mạo đó. Chúng ta cần có một bộ mặt toàn diện hơn cho nền văn học dịch của mình, và tôi mong muốn cũng như tin rằng, chúng tôi và những người sau chúng tôi sẽ làm được một khuôn mặt đẹp.

- Ở Việt Nam, trong thời gian qua đã có những tác phẩm văn học dịch được xem là “thảm họa dịch thuật”, bị dư luận phản ứng mạnh mẽ. Với cá nhân anh, anh đã và sẽ phải làm gì để tránh đi theo“vết xe đổ” này?

+ Tất nhiên, là một người làm việc nghiêm túc và tâm huyết, không ai muốn phạm phải sai lầm. Về phần mình, tôi luôn tự nhắc nhở mình phải cẩn trọng, phải khách quan và biết lắng nghe trong khi dịch. Tất cả sự chủ quan, sự tự tin thái quá đều có thể làm bản dịch đi theo một hướng khác. Bên cạnh đó, việc tham khảo phương án chuyển ngữ của những bản dịch ở ngôn ngữ khác cũng là một cách đắc dụng. Và cuối cùng tôi muốn nói rằng cái sức nặng trách nhiệm mà mỗi người cảm thấy khi tạo ra đứa con tinh thần, mặc dù không phải “con đẻ”, là vô cùng quan trọng. Không ai muốn đứa con mình khi ra đời lại bị “phê bình” túi bụi cả.

Sách dịch ngày càng chiếm lĩnh thị trường xuất bản.

- Có ý kiến cho rằng, đội ngũ dịch giả trẻ hiện nay đông về số lượng nhưng chưa tinh về chất lượng. Theo anh, nhận định ấy có công bằng và khách quan?

+ Tôi cho rằng quy luật đào thải sẽ làm công việc của nó là loại bỏ những gì không phù hợp. Thời gian sẽ giữ lại những dịch giả khiến (đa số) người đọc hài lòng. Nhiều người đọc hiện nay có kiến thức sâu rộng lại thông thạo ngoại ngữ, chẳng lẽ họ không nhận ra đâu là đúng đâu là sai, đâu là hay đâu là dở? Tại sao các dịch giả cứ phải lo cho nhau? Cái gì mới chưa tốt có thể qua thời gian sẽ tốt, miễn là có tố chất và cầu thị. Vấn đề là chúng ta phải hành động, thực tiễn sẽ giúp mọi thứ trưởng thành. Đất nước chúng ta từ lâu đã không có một nền dịch thuật chuyên nghiệp. Không thể có mọi thứ hoàn hảo ngay từ đầu, cần phải có thời gian và chúng ta phải bắt tay vào làm ngay.

- Liệu độc giả có thể tin rằng, đến một ngày nào đó, chính là đội ngũ những dịch giả trẻ thế hệ anh hôm nay sẽ là những người chuyển ngữ để văn học Việt Nam đến với thế giới?

+ Tôi tin. Vì nếu đến tôi, một trong số những người đang làm cái công việc đó, mà không tin thì làm sao chúng tôi trở thành chuyên nghiệp được. Tất nhiên là để được cải danh từ người dịch sang dịch giả (hai khái niệm này ở Việt Nam hình như là được dùng với sắc thái khác nhau) và từ dịch giả thêm vào hai chữ chuyên nghiệp, hẳn phải trải qua một sự cố gắng lớn lao và bền bỉ. Còn về mong ước đem các tác phẩm của Việt Nam ra thế giới thì hẳn nhiên là ai cũng có. Ở bên kia biên giới cũng đang có những người đang làm công việc tương tự như chúng tôi. Họ hiểu độc giả của họ cần gì hơn chúng tôi. Và vấn đề của văn học Việt Nam là phải thuyết phục được họ.

- Xin cảm ơn anh!

Nguyệt Hà
.
.