Để việc kê khai tài sản không còn là... hình thức

Thứ Năm, 01/04/2021, 10:03
Theo Nghị định 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, thì các cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức thực hiện việc kê khai, công khai Bản kê khai tài sản, thu nhập lần đầu xong trước ngày 31/3/2021.


Ước tính số cán bộ công chức, viên chức phải kê khai tài sản thu nhập lần đầu có thể lên tới 4 triệu người.

Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 và Nghị định 130/2020/NĐ-CP có nhiều điểm mới, trong đó quy định cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập được bổ sung nhiều thẩm quyền hơn, trong đó có thẩm quyền yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm, như: Các ngân hàng, tổ chức tín dụng, cơ quan thuế, công an, hải quan, những cơ quan tổ chức khác phải cung cấp thông tin có liên quan để phục vụ cho việc xác minh tài sản, thu nhập. 

Hằng năm sẽ chọn 20% số cơ quan thuộc diện mình kiểm soát. Trong từng cơ quan thì đặt ra mục tiêu xác minh được 10% số cán bộ, công chức thuộc diện kê khai hằng năm. Và trong số 10% được xác minh thì sẽ có một người đứng đầu hoặc cấp phó của cơ quan đó rồi bốc thăm để tìm ra người ngẫu nhiên vào diện xác minh; quy định về hình thức xử lý, chế tài đối với các đối tượng không trung thực. 

Việc kê khai tài sản lâu nay vẫn còn nặng hình thức - nguồn ảnh Internet.

Bên cạnh đó, Chương trình công tác năm 2021 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bổ sung nhiệm vụ xây dựng Nghị định quy định Cơ sở dữ liệuquốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Mặc dù được bổ sung nhiều điểm mới, nhưng nhiều người vẫn tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả phòng ngừa tham nhũng thông qua việc kiểm soát tài sản, thu nhập. 

Bởi, việc cán bộ, công chức phải kê khai tài sản, thu nhập đã được thực hiện hơn chục năm qua, những số liệu về tài sản đã khai suốt những năm qua chúng ta sẽ bỏ hết để khai lại từ đầu đã khiến nhiều người băn khoăn, thắc mắc, liệu có phải là “xí xóa” hay không? 

Theo quy định, người kê khai lần đầu mà tài sản có giá trị hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng thì vẫn không phải giải trình. Vậy, tài sản do tham nhũng mà có sẽ trở thành tài sản hợp pháp trong tương lai?

Nhân dân thấy không ít cán bộ, công chức của chúng ta giàu có, phô trương. Họ sở hữu những căn hộ đắt tiền, xe hơi sang trọng và con cái ngay từ bé đã học trong các trường quốc tế danh tiếng, lớn lên thì đi du học nước ngoài... Vậy mà các cơ quan chức năng không thể phát hiện được những sai phạm trong kê khai tài sản, thu nhập để xử lý. Vì sao? Phải chăng công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát tổ chức kê khai tài sản, thu nhập dường như vẫn còn mang nặng tính hình thức.

Việc tổ chức kê khai tài sản, thu nhập được tiến hành trong thời gian qua vẫn nặng về có kê khai mà không chú ý tới việc công khai và chỉ được công khai trong phạm vi hẹp. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc so sánh, đánh giá đúng những tài sản mà người có nghĩa vụ kê khai đang sở hữu. 

Do đó, việc kê khai đúng hay không, hợp lý hay không hợp lý khó định danh được chính xác, mà chủ yếu là trông chờ vào sự tự giác, trung thực của cán bộ, công chức, mà chưa tính đến nền công vụ phải có kiểm soát mang tính cưỡng chế.

Lần kê khai này, mỗi người phải nộp 2 bản khai, mỗi bản là 5 trang A4, thì sẽ có 40 triệu trang, vị chi là 80 nghìn tập giấy, giá mỗi tập giấy ước tính khoảng 60 nghìn đồng. Như vậy sẽ mất khoảng gần 5 tỷ đồng tiền giấy. Cộng với đó, mỗi cán bộ, công chức phải tốn ít nhất nửa ngày làm việc để hoàn thành bản kê khai. Vị chi, để hoàn tất 4 triệu bản kê khai ước tính phải mất hàng chục tỷ đồng và những thông tin trong bản kê khai không được công khai sẽ trôi vào nằm chất kệ, chất đống trong các kho lưu trữ... liệu những cụm từ “hình thức”, “đối phó”, “kê nhưng không khai”, “lãng phí và tốn kém”... còn được nhắc nhiều nữa hay không?

Việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức chỉ mới là một trong những giải pháp bước đầu, không phải là duy nhất để phòng ngừa tham nhũng. 

Do vậy, các cơ quan lập pháp cũng cần nghiên cứu để hoàn thiện những giải pháp khác, đồng bộ hơn để Nhà nước có thể quản lý được tài sản của toàn xã hội; hạn chế được việc giao dịch bằng tiền mặt; mở rộng phạm vi công khai bản kê khai, cung cấp thông tin cho nhiều người biết; có quy định cụ thể việc giám sát của nhân dân đối với việc kê khai tài sản thu nhập của cán bộ, công chức; quy định rõ cán bộ, công chức phải thực hiện việc đăng ký bất động sản; quy định về xử lý tài sản không rõ nguồn gốc… đồng thời có chế tài mạnh để xử lý đối với những người kê khai gian dối. 

Có như vậy thì việc phòng ngừa tham nhũng của chúng ta mới phát huy được hiệu quả như mong đợi. Đừng để 4 triệu bản kê khai trở thành giấy vụn, rồi làm mồi cho mối, mọt.

Cù Tất Dũng
.
.