Để môi trường giáo dục thực sự nhân văn
Câu chuyện thu phí từ 6 đến 20 triệu đồng cho cái gọi là phí ghi danh hay phí giữ chỗ tuyển sinh ở một số trường ngoài công lập khá nổi tiếng như Lương Thế Vinh, Nguyễn Siêu, Marie Curie, Đào Duy Từ, Tạ Quang Bửu, Đoàn Thị Điểm hay Newton làm sục sôi dư luận vừa qua đã khép lại với một cái kết tạm cho là thỏa đáng khi các trường nói trên đã tuân thủ theo quy định của Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội đồng ý sẽ trả lại toàn bộ khoản thu cho phụ huynh xin rút hồ sơ. Nhưng hệ lụy của việc một số trường o ép phụ huynh, hành xử thiếu tính nhân văn đã để lại những ấn tượng quá buồn cho giáo dục Việt Nam hiện nay.
Vì sao nên nỗi?
Căn nguyên của việc loạn thu phí giữ chỗ và công tác tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018-2019 ở Hà Nội vừa qua náo loạn như "thị trường chứng khoán", gây bức xúc cho phụ huynh học sinh có lẽ là vì số học sinh thi vào lớp 10 công lập của Hà Nội năm nay đông kỷ lục, tới gần 94.500 em, tăng hơn 18.700 em so với năm ngoái.
Với chỉ tiêu 63.050 ở trường công lập, đương nhiên sẽ phải có khoảng 31.900 em không chen chân được, phải vào các trường tư thục có chi phí đắt đỏ, hoặc học trường nghề, giáo dục thường xuyên.
Lí do thứ hai là kỳ thi PTTH vừa qua với hai môn Toán, Văn được đánh giá là khó, điểm thi thấp hơn năm ngoái, trong khi Sở Giáo dục - Đào tạo lại chậm công bố phổ điểm và điểm chuẩn ở các trường công lập.
Lý do nữa là các trường ngoài công lập được Sở Giáo dục - Đào tạo cho phép để nhóm trường này được xét tuyển, tuyển sinh sớm hơn trường công lập nhằm tạo thuận lợi nhất, nên mới có tình trạng trường ngoài công lập làm công tác tuyển sinh sớm.
Để đảm bảo cho con em mình chắc chắn được học tiếp cấp 3, nhiều phụ huynh mặc dù không có đủ điều kiện kinh tế song vẫn phải "nghiến răng" lựa chọn một trường ngoài công lập để đến nộp hồ sơ, đóng tiền cho con vào học.
Phụ huynh căng thẳng lo lắng đến nghe các quy định của trường trước khi nộp hồ sơ đăng ký. |
Ngày 29/6, khi Sở Giáo dục - Đào tạo công bố điểm chuẩn, biết con đỗ được vào trường công, phụ huynh lại đổ đến các trường ngoài công lập rút hồ sơ. Từ đây xảy ra những bức xúc giữa phụ huynh và nhà trường về khoản phí trường không hoàn trả. Các trường lí giải rằng đó là quy định của nhà trường, phụ huynh phải chấp nhận và nghiên cứu kỹ khi đến nộp hồ sơ.
Đây không phải là lần đầu tiên một số trường ngoài công lập có tiền lệ thu phí giữ chỗ tuyển sinh không hoàn lại. Những năm trước, công tác tuyển sinh vào lớp 10 ổn định hơn, không xảy ra những sự cố như quá đông học sinh, đề khó, phổ điểm thấp, Sở Giáo dục - Đào tạo chậm công bố điểm chuẩn, tình trạng rút hồ sơ trường ngoài công lập không ồ ạt và nhiều như năm nay. Nên đa số phụ huynh đành ngậm đắng nuốt cay, biết thu phí như thế là sai quy định nhưng tránh rắc rối, cãi cọ đôi co, họ chấp nhận mất một khoản tiền lớn, miễn là con mình đảm bảo không đậu vào chỗ này thì được học chỗ khác.
Thu phí giữ chỗ trong tuyển sinh là trái Luật Giáo dục
Khi được hỏi về loại phí giữ chỗ trong tuyển sinh, ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội đã trả lời báo chí: "Nghị định 69 ban hành năm 2008 về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với hoạt động giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, chỉ khoản 1 điều này quy định về thu phí và lệ phí.
Truy cứu thế nào là phí và lệ phí sẽ thấy không có khoản nào nói về phí đặt chỗ và phí ghi danh", vì thế ông khẳng định "phí giữ chỗ các trường ngoài công lập thu của phụ huynh là sai quy định". Ông Quang khẳng định thêm: "Luật Giáo dục cũng chỉ nói đến học phí và lệ phí tuyển sinh chứ không hề nhắc tới các khoản đặt chỗ hay giữ chỗ".
Ông Quang cũng nhận định việc so sánh lệ phí giống khoản mua bán, đặt cọc ngoài thị trường, đưa vấn đề thương mại hóa vào trường học là không phù hợp. "Làm sao trẻ có thể nhân ái, vị tha, khoan dung khi biết chúng được vào trường nhờ tiền, nhờ mua và bán".
Luật sư Bùi Đình Ứng - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cũng khẳng định: "Các trường ngoài công lập không thể vận dụng cơ chế tự chủ Nhà nước cho mà muốn làm gì thì làm. Môi trường giáo dục rất cần sự nhân văn chứ không phải như mua bán dạng hàng cá, hàng tôm ở chợ được. Trường có thể thỏa thuận với phụ huynh về các khoản đóng góp nhưng đấy phải được hiểu con em họ đã là học sinh của nhà trường. Còn trường hợp này, nhà trường yêu cầu phải đóng tiền thì mới được nhận hồ sơ nhập học, đây là tự nguyện kiểu bị ép buộc. Nếu hỏi ra chắc chẳng ai muốn tự nguyện kiểu này.
Với trường hợp như Trường Lương Thế Vinh, Tạ Quang Bửu, Trường Nguyễn Siêu… đưa ra các mức phí ghi danh, phí giữ chỗ từ 2-10 triệu đồng, muốn nộp hồ sơ nhập học thì phải đóng những khoản phí này, nếu rút hồ sơ sẽ không được hoàn trả. Rõ ràng các loại phí này là do các trường tự nghĩ ra và trái với Luật Giáo dục.
Nếu căn cứ theo Luật Doanh nghiệp, hay Bộ luật Dân sự mà các trường đang viện dẫn để tự đặt "luật chơi" riêng của mình, thì khoản tiền mà phụ huynh phải đóng khi nộp hồ sơ phải gọi là "tiền đặt cọc", phải có hợp đồng đặt cọc; còn việc tự đặt ra và gọi khoản tiền đó là "phí giữ chỗ", "phí ghi danh" là không đúng. Khi đã không đúng thì phải trả lại phụ huynh".
Giọt nước tràn li
Trước đó Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội đã 2 lần (lần thứ nhất vào ngày 1/7 và lần thứ 2 vào ngày 3/7) có văn bản yêu cầu các trường không được làm khó phụ huynh và học sinh rút hồ sơ nhập học lớp 10.
Cụ thể hơn ngày 3/7, Sở tiếp tục có văn bản yêu cầu Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh phải nghiêm túc điều chỉnh cách tổ chức tuyển sinh, không được gây khó khăn cho các phụ huynh muốn rút hồ sơ và phải hoàn trả toàn bộ phí đã thu của phụ huynh học sinh.
Song một số lãnh đạo trường ngoài công lập vẫn đăng đàn với báo giới tuyên bố họ sẽ không trả lại khoản phí đã thu và bảo vệ quan điểm nhà trường đang làm đúng theo quy định.
Bà Văn Thuỳ Dương, Phó Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh tuyên bố: "Khoản 'phí giữ chỗ' 6 triệu đồng là thỏa thuận dân sự giữa phụ huynh với nhà trường khi nộp hồ sơ nên sẽ không trả lại. Chúng tôi có thông báo cụ thể về mức điểm chuẩn, các giấy tờ, các khoản đóng góp cần thiết, thậm chí có dòng lưu ý: Khi phụ huynh đã đến nộp hồ sơ, có nhu cầu rút thì các khoản thu sẽ được sung vào Quỹ Khuyến học của nhà trường.
Việc Sở GD&ĐT Hà Nội ra văn bản yêu cầu chúng tôi trả các khoản tiền đã thu làm phụ huynh loạn lên. Đáng lẽ người ta hiểu Luật Dân sự, khi đã thỏa thuận với nhau rồi thì phải chấp nhận, đằng này họ kéo đến trường đòi lại tiền, làm tình hình trở nên xáo trộn".
Không chỉ Trường Lương Thế Vinh, Trường Tiểu học - THCS -THPT Nguyễn Siêu (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cùng quan điểm không trả lại phí đã thu. Trường Nguyễn Siêu yêu cầu phụ huynh đóng các loại phí lên tới 20 triệu đồng, trong đó khoản phí giữ chỗ 10 triệu đồng sẽ không hoàn trả nếu rút hồ sơ.
Bà Nguyễn Thị Minh Thuý, Hiệu trưởng trường Tiểu học - THCS -THPT Nguyễn Siêu bày tỏ quan điểm: "Chúng tôi có thể trả tất, 10 triệu đồng không phải là số tiền quá lớn để chúng tôi phải đánh đổi uy tín, nhưng đã là quy định thì phải cố gắng vì cái chung. Nếu một nhà trường không có những quy định thì không thể quy củ, nền nếp được. Nếu không có quy định ràng buộc, một học sinh không muốn vào nhưng cứ giữ chỗ ở đây sẽ làm mất cơ hội của học sinh khác.
Điều 1.4 của quy định về điều kiện nhập học có nêu rõ: Học sinh đã được tiếp nhận vào trường phải nộp phí giữ chỗ theo quy định hàng năm, tùy theo từng loại hình lớp học, nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh được vào học chính thức. Nếu học sinh không đến học tại trường, với bất kỳ lý do gì, phí giữ chỗ không được hoàn lại".
Vĩ thanh
Cho đến thời điểm này, trước yêu cầu quyết liệt của Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội và trước áp lực dư luận, nhiều trường ngoài công lập sẵn sàng trả toàn bộ phí nộp kèm hồ sơ cho phụ huynh như THPT Nguyễn Siêu, Marie Curie, Đào Duy Từ, Tạ Quang Bửu, Đoàn Thị Điểm hay Newton.
Còn một vài trường, Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội đang tiếp tục yêu cầu trả lại. Thay cho bao điều đắng chát muốn nói về câu chuyện thu phí "xấu xí" trên đây, xin được kết thúc bài viết này bằng bình luận xót xa của phụ huynh Nguyên Minh: "Một khi các trường ngoài công lập đã tự biến cơ sở giáo dục thành chợ trời, tư tưởng chủ đạo là chụp giật, lọc lừa - lợi dụng sự bối rối của phụ huynh để trục lợi thì các cơ quan quản lý Nhà nước cũng nên xem xét lại việc cấp phép hoạt động.
Xã hội cần có môi trường giáo dục có tính nhân văn. Khi mà nhà trường đã không còn là nơi thể hiện lòng nhân ái, tính nhân văn thì sẽ đào tạo ra những sản phẩm gì? Tương lai xã hội sẽ đi về đâu khi mà môi trường giáo dục như vậy? Có rất nhiều vấn đề mà cần đến tầm nhìn nhân bản của các nhà quản lý Nhà nước. Nếu muốn có xã hội văn minh thì CHỢ và TRƯỜNG không thể nào là một".