Dấu ấn nữ quyền trong điện ảnh

Thứ Sáu, 08/03/2019, 08:52
Trên màn bạc, vai trò và vị trí xã hội của phái đẹp được bình đẳng, thậm chí nổi trội hơn đàn ông ở nhiều mặt. Nếu lâu nay, phụ nữ gắn với khuôn mẫu tam tòng tứ đức, phải giỏi tề gia nội trợ thì mới là gái ngoan thì nay khuôn mẫu ấy bị phá vỡ...


Từ màn bạc đến trường quay

Mai Quỳnh Nga

“Tấm Cám - Chuyện chưa kể”, “Cô Ba Sài Gòn”, "Gái già lắm chiêu", "Taxi, Em tên gì?", "Bạn gái tôi là sếp", “Cua lại vợ bầu”, “Chàng vợ của em”... hay mới đây nhất là “Hai Phượng” và “Người vợ ba”, là những tác phẩm điện ảnh khiến người xem có một cách nhìn khác biệt về hình ảnh người phụ nữ Việt.

Dù là remake hay không remake, dù là phim của đạo diễn nữ hay đạo diễn nam, những bộ phim ấy đều khắc họa người phụ nữ quyến rũ, thông minh, quyết đoán, chủ động theo đuổi đam mê, hạnh phúc của mình mà không chịu bất cứ sự sắp đặt nào. Nó khác xa mẫu phụ nữ hy sinh, cam chịu với phận nội trợ trong góc nhà, xó bếp và phải quỵ lụy, phục tùng đàn ông trước đây.

Trên màn bạc, vai trò và vị trí xã hội của phái đẹp được bình đẳng, thậm chí nổi trội hơn đàn ông ở nhiều mặt. Nếu lâu nay, phụ nữ gắn với khuôn mẫu tam tòng tứ đức, phải giỏi tề gia nội trợ thì mới là gái ngoan thì nay khuôn mẫu ấy bị phá vỡ. Phái đẹp có muôn màu muôn vẻ, không ai giống ai nhưng mỗi người đều tạo lập cho mình giá trị riêng đáng được tôn vinh và yêu thương. Thậm chí, nhân vật nữ trên màn ảnh còn hóa thành người hùng (thậm chí là siêu anh hùng) – xưa nay vốn là hình tượng dành cho nam giới - như trong “Hai Phượng”.

“Hai Phượng” xây dựng hình ảnh bà mẹ đơn han mạnh mẽ, hiện đại và dũng cảm.

Khán giả đánh giá cao “Hai Phượng” không chỉ bởi những pha hành động mãn nhãn của đả nữ Ngô Thanh Vân mà còn vì nó bắt kịp trào lưu thế giới: nữ quyền lên ngôi. Phim làm thay đổi cách nhìn của khán giả về mẹ đơn thân– điều mà xã hội Việt vẫn nặng định kiến, đặc biệt khi tác giả đặt bà mẹ đó trong bối cảnh làng quê miền Tây.

Một người mẹ tự mình chiến đấu với cái ác, sẵn sàng đối diện hiểm nguy, rượt đuổi bọn bắt cóc để bảo vệ con mình. Chỉ một mình Hai Phượng với tình mẫu tử thiêng liêng đủ làm nên bản anh hùng ca bất tận. Hình ảnh phái mạnh trong phim này dường như bị lép vế hoàn toàn dưới tay những người phụ nữ. Ngay cả đối thủ đáng gờm của Hai Phượng là Thanh Sói – một trùm giang hồ, đầu sỏ của bọn bắt cóc trẻ em - cũng mang gương mặt nữ. 

Dù chưa ra mắt ở Việt Nam nhưng bộ phim độc lập “Người vợ ba” nhanh chóng gây chú ý với khán giả trong nước không chỉ vì các giải thưởng quốc tế mà còn ở nội dung và ekip làm phim đặc biệt. Phim kể về tục đa thê thời phong kiến gắn liền với tư tưởng trọng nam khinh nữ.

Người phụ nữ nào cũng mong sinh được thằng con trai để được chồng yêu chiều hơn những người vợ còn lại. Khai thác một đề tài tưởng chừng như rất quen thuộc, cũ kỹ nhưng không ngờ trên nền bối cảnh phong kiến ấy, “Người vợ ba” lại dám động chạm đến vấn đề nhạy cảm: đồng tính nữ.

Có lẽ nét mới, hướng đi táo bạo ấy xuất phát từ một nguyên nhân đặc biệt: ekip làm phim đa phần là phụ nữ. Trong bộ phim này, các vị trí quan trọng như đạo diễn, quay phim, nhà sản xuất, biên kịch, họa sĩ thiết kế… mà xưa nay người ta vẫn  mặc định nó thuộc về nam giới, giờ đều thuộc về phái đẹp. Từ đoàn phim khác lạ này, thử nhìn lại đội ngũ nhân lực nữ tham gia các công đoạn sản xuất phim sẽ thấy số lượng tăng vượt trội.

Dù rằng nói như nhà sản xuất Vũ Thị Bích Liên: "Làm phim ở Việt Nam nói chung vẫn còn là nghề quá cực khổ và gian nan, nhất là với phụ nữ”, nhưng nhìn lại sẽ thấy các thế hệ đạo diễn, nhà sản xuất nữ với tuổi đời trẻ trung xuất hiện ngày càng nhiều, thậm chí họ kiêm nhiều vai trò quan trọng cùng một lúc.

Có thể kể đến những cái tên đã ghi dấu ấn như đạo diễn Luk Vân, Đặng Thái Huyền, Cao Thúy Nhi, Nguyễn Phương Anh, đạo diễn – nhà sản xuất – diễn viên Hồng Ánh, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc, đạo diễn – nhà sản xuất – diễn viên Ngô Thanh Vân, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, nhà sản xuất – diễn viên Trương Ngọc Ánh, nhà sản xuất – diễn viên Mai Thu Huyền…

Có thể coi họ là lực lượng han hậu và nhiệt huyết tiếp bước thành công của thế hệ đàn chị (như đạo diễn Việt Linh, Bạch Diệp, Đức Hoàn, Nhuệ Giang…). Những năm gần đây, tại Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh, tỉ lệ nữ thi vào các chuyên ngành đạo diễn, biên kịch… cũng tăng lên rất nhiều, thậm chí chiếm đến hơn nửa lớp.

Đương nhiên, tác phẩm điện ảnh được làm ra dưới bàn tay và khối óc của phái đẹp có nhiều nét khác biệt so với cánh mày râu. Với cái nhìn mới mẻ của thời đại mình sống, họ thổi vào nghệ thuật thứ bảy sự bứt phá, đa dạng sắc thái về hình ảnh người phụ nữ, dù là truyền thống hay đương đại. Tiếng nói nữ quyền, khát vọng, suy nghĩ và mọi khía cạnh cuộc sống của phụ nữ hôm nay được họ khai thác và truyền tải khéo léo qua tác phẩm.

Đạo diễn, diễn viên Hồng Ánh: Phải nỗ lực gấp đôi phái mạnh

Phan Thi Uyên (ghi)

Xưa nay, phần lớn công việc liên quan đến điện ảnh thường là của nam. Bởi vì khối lượng đầu việc rất lớn nên nó đòi hỏi cao về sức khỏe, thời gian, đòi hỏi nhiều sự kết nối, tương tác. Nam giới thì thể lực tốt hơn nữ, có nhiều thời gian hơn nữ để theo đuổi dự án phim ảnh.

Tuy nhiên, với một xã hội ngày càng phát triển thì ranh giới giữa nam và nữ trong điện ảnh dần xóa nhòa. Vấn đề ở đây là dù bạn thuộc giới nào, miễn là bạn có đủ thời gian, có đủ sức khỏe, có đủ sự kiên trì thì bạn hoàn toàn có thể theo đuổi đam mê.

Vai trò của phụ nữ được nâng cao. Rõ ràng, không chỉ phim ảnh mà ngay cả những ngành nghề nam giới độc quyền lâu nay cũng bắt đầu xuất hiện nữ giới. Cho nên tôi nghĩ đừng quan trọng hóa hoặc coi chuyện người nữ đảm đương công việc làm phim là chuyện gì ghê gớm.

Nhìn sơ qua thì lắm người cứ tưởng nhân lực nữ trong ngành công nghiệp điện ảnh khá nhiều nhưng thật ra số lượng vẫn rất khiêm tốn. Ở lĩnh vực sản xuất, đạo diễn, nếu kể tên thì chỉ tầm khoảng 10 người. Và trong số đó, không phải ai cũng thành công.

Dù vậy, việc họ tham gia và dấn thân vào lĩnh vực này đã là tín hiệu rất đáng mừng rồi. Nhưng tôi tin về lâu về dài nguồn nhân lực nữ trong điện ảnh sẽ còn nhiều hơn nữa. Sự tham gia của họ góp phần giúp vườn hoa điện ảnh Việt Nam thêm đa dạng, đặc sắc.

Dấn thân làm điện ảnh, chắc chắn phụ nữ sẽ đối mặt với nhiều khó khăn hơn đàn ông. Nói gì thì nói, dù gì tạo hóa cũng nhào nặn ra người phụ nữ với thiên chức làm mẹ, làm vợ. Nội thiên chức đó đã chiếm quỹ thời gian, ảnh hưởng đến công việc của mình.

Trong khi làm điện ảnh thì không phân biệt nam nữ. Sức khỏe, cơ địa trời cho đã tạo ra người nữ, người nam khác biệt. Do đó để theo được nghề thì người phụ nữ  phải nỗ lực gấp đôi phái mạnh. Lý thuyết là vậy chứ thực tế tôi thấy rất nhiều bạn nữ rất cá tính, xông xáo và hiệu quả công việc bạn làm không thua kém ai cả. Họ rất đáng được nể phục vì “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

Phần lớn các bộ phim gần đây đều xoay quanh nhân vật chính là nữ. Người xem thích ra rạp để thưởng thức một câu chuyện được kể với góc nhìn nữ tính. Nó tùy theo thế mạnh của từng người phụ nữ làm phim. Nếu họ có một cá tính mạnh mẽ thì họ chọn câu chuyện hành động và lấy nhân vật nữ làm trung tâm. Còn nếu yêu câu chuyện nhẹ nhàng thì họ chọn kể về gia đình. Những câu chuyện về nữ giới bao giờ cũng thu hút được một lượng khán giả là nữ rất lớn.

Ngoài ra, nếu nhà làm phim nữ kể một câu chuyện về gia đình thì phim còn thu hút được cả khán giả nam vì nam giới ai cũng có mẹ, có vợ, bạn gái. Nên câu chuyện gia đình mà lấy người nữ làm trung tâm thì sẽ nhận được lượng khán giả nhiều hơn so với thể loại khác.

Thông qua những tác phẩm đó, người xem thấy được tâm tư, suy nghĩ, chia sẻ, thậm chí cả những phản kháng của phái đẹp. Riêng tôi, tiếng nói nữ quyền của tôi là phái đẹp cần sự tôn trọng, yêu thương. Tôi thích những tiếng nói nữ quyền nhẹ nhàng nhưng có sức lan tỏa. Các bộ phim mà tôi làm thì bạn sẽ thấy người phụ nữ luôn đối mặt với nhiều nghịch cảnh, nhiều khó khăn nhưng không bao giờ họ chịu buông bỏ, đầu hàng. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào họ cũng sẽ vươn lên, vượt qua và tìm đến một điều gì đó tốt đẹp hơn. Tôi muốn tiếng nói nữ quyền như vậy: vẫn đầy nữ tính nhưng không cam chịu!

Lê Hoàng Minh, sinh viên trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP Hồ Chí Minh: Tiếng nói nữ quyền còn mờ nhạt

Là một người học về điện ảnh và theo dõi nhiều bộ phim của Việt Nam những năm gần đây, tôi nhận thấy vấn đề nữ quyền đã được quan tâm. Hình ảnh người phụ nữ trên màn ảnh đã có nhiều thay đổi so với phim của thế hệ đi trước, đặc biệt là dòng phim của các hãng tư nhân. Người phụ nữ đầy cam chịu trong “Mùa len trâu”, “Áo lụa Hà Đông”, “Mùi đu đủ xanh”, “Mê Thảo thời vang bóng”… dần lùi lại nhường chỗ cho những cô nàng cá tính, mạnh mẽ, không ngừng phấn đấu vươn lên. Đến nay, nếu điện ảnh nhà nước vẫn trung thành với dòng phim khai thác hình ảnh người phụ nữ nhẫn nhịn, chịu đựng số phận thì điện ảnh tư nhân cũng như dòng phim độc lập đang cố phá vỡ nó.

Tại những quốc gia có nền điện ảnh phát triển, vấn đề nữ quyền không ngừng được đề cao. Các liên hoan uy tín của thế giới cũng chú trọng vấn đề này vì đó là xu hướng tất yếu. Việt Nam chúng ta học hỏi họ và làm nên những bộ phim mà nhân vật nữ là trung tâm. Vai trò, năng lực và khí chất của phụ nữ trên màn bạc dần được khẳng định. Sự tham gia ngày càng hùng hậu của nhân lực nữ trong công tác sản xuất phim cũng tác động mạnh mẽ vào xu hướng này.

Không thể phủ nhận sự quyết liệt dấn thân, cống hiến hết mình cho điện ảnh của nhà làm phim nữ. Thậm chí không hiếm phim của họ mang đến sự tinh tế, khéo léo đầy nữ tính mà đạo diễn nam không thể làm được. Tuy nhiên, thành quả họ đạt được còn khá khiêm tốn. Dù đã cố gắng thay đổi để bắt kịp thời đại nhưng tuyên ngôn nữ quyền trên phim vẫn còn khá mờ nhạt, thậm chí là hời hợt.

Đến thời điểm này vẫn chưa có tác phẩm nào mang tiếng nói nữ quyền táo bạo, mạnh mẽ, tạo tiếng vang đối với công chúng. Khi sản xuất phim “Cô Ba Sài Gòn”, Ngô Thanh Vân đã phát động phong trào nữ quyền với thông điệp “tôi có thể làm được” nhưng phong trào này không lan rộng bằng làn sóng thời trang áo dài thập niên 60 mà phim lăng xê. “Hai Phượng” xây dựng nhân vật nữ chính không khác gì siêu anh hùng nhưng người xem vẫn cảm thấy thương hại cho người phụ nữ tảo tần lam lũ nuôi con và chịu đựng tiếng chì chiết “chửa hoang” của người đời.

Dấu ấn nữ quyền trong phim Việt mờ nhạt vì người làm phim vấp phải nhiều rào cản. Khác với các nước phương Tây, ở nước ta, nữ quyền chưa phải là vấn đề được xã hội chú ý quan tâm hàng đầu. Phần nữa, dù có xây dựng hình ảnh người phụ nữ bứt phá, độc lập, hiện đại đến đâu thì đâu đó trong họ vẫn lẩn khuất sự yếu đuối, nhẫn nhịn, ràng buộc hôn nhân và chịu sự chi phối của nam giới. Nó bắt nguồn từ văn hóa bao đời đã bén rễ quá sâu trong chúng ta, tạo nên một khuôn mẫu vô hình cho người phụ nữ Việt Nam mà nhà làm phim khó thể thoát ra được.

Theo đà phát triển của xã hội, tôi tin những rào cản trên sẽ dần được tháo dỡ. Và công chúng có quyền mong chờ sự thay đổi ngoạn mục của các nhà làm phim để tuyên ngôn nữ quyền thực sự định hình và tạo lập dấu ấn khó phai trên màn bạc.

Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc: Nữ quyền là cạnh tranh sòng phẳng với nam giới

Quỳnh Nga (thực hiện)

- Những năm gần đây, hình ảnh người phụ nữ trên màn bạc đã và đang có nhiều sự thay đổi theo hướng khẳng định tiếng nói nữ quyền mạnh mẽ. Theo chị, tại sao lại có sự thay đổi này?

- Phụ nữ Việt Nam nhìn chung tôi nhận thấy thời nào cũng giỏi và xuất sắc, bằng cách nào đó, họ luôn biết cách chèo chống và cân bằng mọi chuyện. Trong thời hội nhập quốc tế, xã hội nước ta phát triển và cởi mở hơn trước rất nhiều, vai trò của phụ nữ tham gia vào xã hội cũng có nhiều thay đổi theo hướng tích cực.

Ngay chính phụ nữ ngày nay cũng có cách nhìn nhận khác biệt về giá trị bản thân so với thời ông bà cha mẹ. Những nhà làm phim cũng không ngoại lệ, đặc biệt là thế hệ trẻ. Và họ đưa cách nhìn, quan điểm này vào phim. Ví dụ như phim “Người vợ ba” kể lại một câu chuyện thuộc về thời đại khá xa nhưng rõ ràng nó được kể qua lăng kính hết sức đương đại của những người làm phim lớn lên trong bối cảnh hôm nay, đặc biệt với ekip hầu hết là phụ nữ. Do vậy, tiếng nói khẳng định nữ quyền càng ngày càng hiển nhiên trong môi trường điện ảnh Việt Nam.

- Những bộ phim được làm nên từ đoàn làm phim nữ thì chắc chắn nó sẽ mang sự mềm mại, nữ tính?

- Với cá nhân tôi thì điều đó đúng. Khi đọc một đề cương, một kịch bản... phản xạ  đầu tiên của tôi là suy nghĩ, trăn trở rất nhiều về thân phận người phụ nữ trong câu chuyện đó. Có lẽ đây cũng là phản xạ chung của nhiều chị em làm điện ảnh. Lắm khi nhờ cảm xúc dành cho người phụ nữ trong câu chuyện đó mà tôi có thêm động lực bắt tay thực hiện dự án. Phim “Tro tàn” hay “Người vợ ba” đều cho tôi cảm xúc mãnh liệt như thế.

Phim “Người vợ ba” có ekip là phái nữ nhiều hơn những đoàn làm phim bình thường. Vì thế, ekip ấy đậm đặc nữ tính. Không ồn ào, căng thẳng như một đoàn phim đông nam giới nhưng nó không thiếu sự quyết liệt. Chỉ có điều phương thức thể hiện sự quyết liệt khác đàn ông. Ví dụ đạo diễn nam có thể gào lên để đạt được thứ mình muốn còn đạo diễn nữ thì không gào, họ nhẹ nhàng hơn nhưng vẫn đeo đuổi dai dẳng để đạt được mục đích.

- Hoạt động trong ngành điện ảnh đã lâu, chị đánh giá thế nào về nguồn nhân lực nữ trong ngành này?

- Trong các vai trò sáng tạo then chốt như đạo diễn, sản xuất, thiết kế phục trang, họa sĩ, dựng phim... nhân lực nữ đang dần tăng lên. Tôi thấy điện ảnh cực với phụ nữ ở chỗ là đòi hỏi thể lực khỏe mạnh, dẻo dai. Nữ giới thua đàn ông ở mặt này nên đoàn làm phim nữ thường có số ngày bấm máy dài hơn, số giờ quay trong ngày vừa phải để chị em nghỉ ngơi. Phụ nữ chỉ thua nam giới về mặt thể chất chứ về mặt chuyên môn, tài năng thì không hề kém cạnh. Nếu mình có khả năng thì mình có chỗ đứng, mình có khả năng thì mình có thể cạnh tranh sòng phẳng với nam giới.

- Vậy chị đã nghe cánh mày râu trong nghề bình luận gì về việc phái đẹp dấn thân làm phim?

- Tựu trung, nam giới có nhiều ý kiến khác nhau. Có người cổ vũ, ủng hộ, có người thì nghi ngờ khả năng làm phim của chúng tôi. Tôi nghĩ cộng đồng những người làm phim nữ và tác phẩm của họ là minh chứng để đáp trả cho sự nghi ngờ đó.

Thật ra tôi cũng không mấy quan tâm về việc cánh mày râu nói gì. Có những lần tôi đi hiện trường và chợt nhận ra chỉ có duy nhất mình là nữ, còn xung quanh toàn đàn ông. Nhưng tôi không bao giờ nghĩ kiểu: mình là nữ, mình phải phấn đấu hơn đàn ông hoặc mình phải được ưu ái, châm chước hơn đàn ông. Tôi làm hết sức mình vì hiệu quả công việc và cạnh tranh sòng phẳng với tất cả mọi người. Ngay trong chuyện cạnh tranh sòng phẳng đã thể hiện sự nữ quyền rồi. Phụ nữ không phải cứ gồng lên để thể hiện cái nọ, thể hiện cái kia mới là nữ quyền.

- Cạnh tranh sòng phẳng với đàn ông nhưng dù gì phụ nữ vẫn thường vướng bận chuyện con cái, gia đình nhiều hơn đàn ông. Trong khi đó, điện ảnh lại đòi hỏi quá trình làm việc dài hơi, đi xa quanh năm, tốn kém nhiều công sức, trí lực và tiền bạc. Vậy làm thế nào để chị cân bằng được việc chăm sóc tổ ấm và công việc?

- Tôi ý thức được điều đó nên phải biết tự cân bằng. Có những công việc bắt buộc mình phải xa con thì sau đó mình lại chủ động dành thời gian cho con. Tôi đã từng từ chối rất nhiều dự án để ở nhà với bé. Vì con còn quá nhỏ nên có những đợt công tác dài ngày để giới thiệu phim, tôi phải mang con theo nếu không gửi được cho ai. Nhiều khi để con gần mẹ, tôi phải tìm lớp học cho con gần ngay trường quay. Dù thể lực và thời gian chia sớt nhiều cho con cái nhưng hiệu quả công việc mình luôn đảm bảo.

- Chị có nghĩ do phụ nữ thường vướng chuyện chồng con nên cơ hội công việc trong ngành này bị hạn chế hơn rất nhiều so với nam giới?

- Nếu sinh con thì có giai đoạn mình sẽ chịu thiệt thòi vì phải dừng lại mọi dự án để dành vài năm chăm con. Nhưng làm mẹ là quá trình giúp mình trưởng thành lên rất nhiều. Và điều tưởng như thiệt thòi ấy lại là vốn liếng quý báu để mình đồng hành tiếp với nghệ thuật thứ bảy. Bởi kinh nghiệm sản xuất hay làm phim cũng đến từ kinh nghiệm bản thân.

- Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

PV
.
.