Đào tạo sáng tác âm nhạc: Còn nhiều lỗ hổng

Thứ Tư, 12/11/2014, 08:00
Tràn lan ca khúc với ngôn từ sáo rỗng, phản cảm, ngày càng nhiều những "nhạc sĩ tự phong" nhưng không để lại tác phẩm có giá trị. Nhiều sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành sáng tác nhưng khi ra trường lại rẽ ngang sang lối khác vì không có cơ hội phát triển sự nghiệp. Đó là những thực trạng đáng buồn phía sau đời sống âm nhạc Việt Nam tưởng chừng như rộn ràng, hào nhoáng. Những vấn đề ấy đã được các nhạc sĩ trong và ngoài nước bàn bạc khá kỹ lưỡng tại Hội thảo quốc tế "Đào tạo ngành sáng tác âm nhạc trong giai đoạn hiện nay" nằm trong khuôn khổ hoạt động "Festival âm nhạc mới Á - Âu" vừa diễn ra tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Nếu có điều kiện thường xuyên theo dõi các trang nghe nhạc trực tuyến - một trong những phương thức nghe nhạc phổ biến nhất của giới trẻ hiện nay - chúng ta sẽ thấy xuất hiện nhan nhản những ca khúc với ca từ vô nghĩa, sáo rỗng. Thậm chí, một số ca khúc có ngôn từ tục tĩu còn xuất hiện ngang nhiên trên những website âm nhạc chính thống với số lượng người truy cập khá lớn. Không chỉ có vậy, những ca khúc rác với từ ngữ thô thiển, đề cập đến những vấn đề nhạy cảm như sex, chửi bậy… còn có mặt ở những chương trình biểu diễn được kiểm duyệt và cấp phép đã khiến không ít những khán giả yêu nhạc Việt phải bức xúc, phẫn nộ. Tình trạng ấy phản ánh phần nào cái "tôi" lệch lạc của một bộ phận làm nhạc mới nổi. Và nếu như không có sự mạnh tay của các cơ quan chức năng trong thời gian vừa qua như phạt tiền các trang nghe nhạc trực tuyến vi phạm, cấm biểu diễn với những ca sĩ hát những ca khúc phản cảm thì có lẽ những trường hợp như hai ca sĩ trẻ là Yabi và Mr. T sẽ  còn xuất hiện nhiều nhiều.

Nhưng những biện pháp ấy mới chỉ hạn chế được những ca khúc bậy bạ, phản giáo dục, còn việc nâng cao giá trị nghệ thuật trong các sáng tác âm nhạc Việt Nam vẫn là chuyện đau đầu với nhiều người trong ngành. Không đủ vi phạm nặng để bị phạt hay cấm diễn, những ca khúc lai căng tây - ta lẫn lộn với nội dung chủ yếu xoay quanh tình yêu não nề, ủy mị đã trở thành trào lưu chung của nhạc trẻ hiện nay. Bên cạnh đó, tình trạng "đạo nhạc", "nhái nhạc" vẫn chưa có phương pháp chữa trị. Thực trạng ấy đã được các đại biểu có mặt tại Hội thảo quốc tế "Đào tạo ngành sáng tác âm nhạc trong giai đoạn hiện nay" cho rằng dường như đó là kết quả của quá trình đào tạo sáng tác còn quá nhiều lỗ hổng.

Nhiều vấn đề được đưa ra bàn luận tại Hội thảo quốc tế “Đào tạo ngành sáng tác âm nhạc trong giai đoạn hiện nay”.

Có một thực tế mà hầu hết những người tham gia hội thảo đều đồng y,á đó là ở Việt Nam, ca nhạc giải trí đang lấn át nhạc chính thống. Ca sĩ trẻ, ca khúc mới ra đời từng ngày tràn lan như nấm sau mưa nhưng rất ít ca khúc nào đọng lại trong lòng khán giả, góp phần bổ sung vào danh sách những ca khúc hay của nền âm nhạc nước nhà. Không chỉ những người được đào tạo bài bản chuyên ngành sáng tác mà trào lưu ca sĩ sáng tác cũng đã góp phần cho danh sách những "ca sĩ tự phong" ngày một dài thêm. Ca khúc hay khan hiếm, tiền mua bản quyền ca khúc hay không hề rẻ nên các ca sĩ đều chung suy nghĩ: chi bằng tự sáng tác.

Không thể phủ nhận một số sáng tác của các ca sĩ như Mỹ Tâm, Cát Tường, Nguyễn Hoàng Tôn… được nhiều bạn trẻ yêu thích. Tuy nhiên, cũng còn khá nhiều  ca khúc mà sau khi nghe, khán giả chỉ có chung một suy nghĩ, ca sĩ hãy chuyên tâm ca hát thay vì lấn sân sang sáng tác.

Một lo lắng được đặt ra là dường như sau thế hệ nhạc sĩ "trẻ" như Quốc Trung, Huy Tuấn, Đức Trí, Đỗ Bảo, Quốc Bảo… chúng ta vẫn chưa có được những nhạc sĩ tạo được chỗ đứng trong lòng công chúng yêu nhạc. Với kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, PGS - nhạc sĩ Vĩnh Cát cho rằng, đào tạo sáng tác âm nhạc hiện nay đang rơi vào tình trạng "học một đằng, làm một nẻo". Có những sinh viên mất nhiều thời gian để học tập, tốt nghiệp bằng một tác phẩm thuộc lĩnh vực giao hưởng nhưng ra trường thì đoạn tuyệt hẳn với ngành này, chỉ chuyên tâm vào sáng tác thanh nhạc. Điều này cũng không quá khó hiểu bởi sáng tác khí nhạc thì khó ứng dụng, ít có điều kiện trình diễn chứ đừng nói tới chuyện thành danh, trong khi, sáng tác thanh nhạc vừa nhàn, vừa dễ kiếm tiền để trang trải cuộc sống.

Trả lời cho câu hỏi về việc tại sao sáng tác của những người viết trẻ hiện nay chỉ loanh quanh những đề tài như tình yêu sướt mướt, ít có tác phẩm hay đề cập đến những vấn đề nóng bỏng của xã hội? Nguyên nhân được cho là thực tế hiện nay, các giáo trình đào tạo mang đậm tính chuyên môn và có quá ít thời lượng cho việc bồi dưỡng, rèn luyện, tạo điều kiện để người học nắm bắt, hiểu biết cuộc sống. Vì thế, sau khi tốt nghiệp, những nhạc sĩ trẻ không mạnh dạn đề cập tới những vấn đề dữ dội của cuộc sống.

Cùng với việc thiếu vắng những ca khúc hay, âm nhạc Việt Nam còn ít những tác phẩm giao hưởng thính phòng có giá trị.

Có điều kiện trò chuyện với các nhạc sĩ nổi tiếng của âm nhạc Việt Nam như Huy Du, Huy Thục, Nguyễn Tài Tuệ, Nguyễn Đức Toàn… một điều mà chúng tôi nhận ra là hầu hết tác phẩm xuất sắc của các nhạc sĩ này đều kết tinh từ những tháng ngày sống hết mình cùng đời sống xã hội. Họ buồn, vui cùng với những buồn, vui của nhân dân, của đất nước. Cảm xúc chân thành ấy lại được chắp cánh bởi kiến thức sâu rộng đã tạo nên những tác phẩm xuất sắc, sống mãi cùng thời gian. 

Có một thực tế mà nhạc sĩ Vũ Nhật Tân cho biết là số lượng học sinh, sinh viên muốn thi vào khoa sáng tác ngày cảng giảm. Một số em đã thi đỗ và theo học nhưng không hào hứng, thậm chí có em bỏ dở giữa chừng. Nhiều em vào học nhưng vốn kiến thức âm nhạc cơ bản quá yếu, không đủ điều kiện để phát triển và tiếp thu chuyên môn. Trong khi đó, chuyên ngành sáng tác thường đòi hỏi khá cao về kiến thức tổng hợp và kỹ năng sáng tạo. Thế nhưng, hầu hết các sinh viên sáng tác tốt nghiệp xong thì bị thả nổi tới mức gần như không có cơ hội hoạt động theo chuyên môn đã được đào tạo, tác phẩm nếu sáng tác ra cũng không biết gửi đi đâu và tìm dàn nhạc nào biểu diễn.

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng thì cho rằng, ngoài việc thiếu những ca khúc hay, chúng ta còn khan hiếm các tác phẩm và các tác giả mới ở dòng nhạc thính phòng - giao hưởng - nhạc kịch… Bản thân các sinh viên cũng không thật sự tâm huyết với chuyên ngành được học. PGS, nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam chua xót: "Có trường hợp các em sau khi tốt nghiệp ra trường viết không nổi phần đệm bài hát của chính mình. Một số em chỉ cố gắng viết cho xong tác phẩm tốt nghiệp, lấy bằng, sau đó sẽ chuyển sang lĩnh vực khác"…

Theo nhạc sĩ Vĩnh Cát, cần điều chỉnh lại mục tiêu đào tạo sáng tác sát với nhu cầu thực tế ngày nay theo kiểu hình tháp. Càng lên cao thì càng chọn lọc khắt khe hơn, với tiêu chí phải là những người thực sự có tài, có hoài bão theo đuổi và phát triển nền âm nhạc Việt Nam hiện đại. Mặc khác, cần phải đa dạng ngành học, cấp học để đáp ứng sự đa dạng trong nhu cầu thưởng thức âm nhạc hiện nay, đặc biệt là các bạn trẻ. Cần mở rộng đào tạo ở trình độ sơ cấp, trung cấp, đào tạo sáng tác ca khúc thuộc các thể loại thịnh hành: Jazz, pop, rock, R&B, đào tạo nhạc sĩ phối khí, người viết nhạc phim… Và quan trọng hơn cả là phải thay đổi tư duy người dạy để bắt kịp với xu hướng âm nhạc mới. Không thể để tình trạng 70 năm qua, việc giảng dạy sáng tác âm nhạc vẫn sử dụng giáo trình cũ nhưng lại không chú ý tới nhiều yếu tố truyền thống, làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc trong mỗi ca khúc. Thế nên mới có tình trạng những nhạc sĩ trẻ thường chạy theo thị hiếu tầm thường, sáng tác những ca khúc hời hợt, não tình và pha trộn tới mức sống sượng như "Why it's me? Làm sao đây? Trước mắt tôi là… Tell me… Khi tất cả yêu thương sau lưng chỉ là dối trá. I can't suffer unpredictable things you did to me" (ca khúc "Không cần thêm một ai nữa" của Mr. Siro và Big Daddy).

Rõ ràng, phía sau sự tưng bừng, hào nhoáng của những hoạt động âm nhạc là một lỗ hổng trong đào tạo sáng tác - một vấn đề quan trọng quyết định sự sống còn của một nền âm nhạc. Nếu không có sự thay đổi ở mọi khâu thì tình trạng mà nhạc sĩ, NSND Trần Quý cảnh báo ông đã gặp trong gần 20 năm làm giám khảo các cuộc thi, liên hoan ca nhạc - đó là việc có rất ít những sáng tác mới, các thí sinh đều chọn những tác phẩm cũ trước đó vài chục năm để dự thi - sẽ còn lặp lại

Khánh Thảo
.
.