Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X: Dấu mốc đổi mới và chuyển giao thế hệ

Thứ Năm, 03/12/2020, 11:30
Diễn ra tại Hà Nội trong 3 ngày (từ 25 đến 27-11), Đại hội lần thứ X Hội Nhà văn Việt Nam đã thành công tốt đẹp. Trong đó, lần đầu tiên sau nhiều kỳ Đại hội, một Ban chấp hành với dự kiến 11 thành viên đã được bầu đủ và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã trở thành tân Chủ tịch.


Với đủ "cơ cấu vùng miền", lứa tuổi cũng được trẻ hóa và nhiều nhân tố mới, Đại hội lần thứ X của Hội Nhà văn Việt Nam được kỳ vọng là dấu mốc quan trọng trong việc "chuyển giao thế hệ", hướng đến một nền văn học trẻ trung, tươi mới hơn.

Dấu ấn chuyển giao thế hệ

Đại hội đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X nhiệm kỳ 2020 - 2025 là đại hội được tổ chức sau cùng trong khối các Hội Văn học nghệ thuật Trung ương. Từ lâu, Đại hội của Hội Nhà văn Việt Nam luôn trở thành tâm điểm của dư luận, trong đó "công tác nhân sự" được nhiều người quan tâm. 

Việc nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trở thành tân Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam được báo chí và các facebooker đồng loạt đưa tin như một tín hiệu vui về sự thay đổi nhiều kỳ vọng. Hai Phó Chủ tịch Hội nhiệm kỳ mới là nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhà văn Nguyễn Bình Phương. 

Các thành viên khác trong Ban chấp hành  gồm có: Khuất Quang Thụy, Nguyễn Thị Thu Huệ, Vũ Hồng, Phan Hoàng, Trần Hùng, Lương Ngọc An, Bích Ngân, Hữu Việt. Nhìn vào danh sách này, có thể thấy rõ một điều là Ban chấp hành kỳ này đã được "trẻ hóa" đáng kể và đều được coi là những "nhân tố đổi mới" trong sáng tác. 

Tuy nhiên, một số ý kiến bên lề Đại hội vẫn cho rằng, sẽ là điều "đột phá" nếu trong Ban chấp hành khóa mới có thành viên nào đại diện cho lứa tuổi 7X.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam tặng hoa cho nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, tân Chủ tịch, đánh dấu khoảnh khắc chuyển giao thế hệ.

Tính đến nay, Hội Nhà văn Việt Nam có gần 1.100 hội viên, trong đó có gần 600 đại biểu là các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình và dịch giả được triệu tập tham dự Đại hội. 

Hồi tháng 8-2015, Đại hội đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam khóa IX đã bầu ra Ban chấp hành chỉ gồm có 6 thành viên là các nhà văn, nhà thơ: Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Bình Phương, Khuất Quang Thụy. 

Trong đó, nhà thơ Hữu Thỉnh tái đắc cử chức vụ Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ 2015 - 2020, đồng thời trúng cử trở thành Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Nhà thơ Hữu Thỉnh đã đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam suốt 4 nhiệm kỳ (từ năm 2000 đến nay). Như vậy, sau 20 làm Chủ tịch Hội, nhà thơ Hữu Thỉnh đã xin rút khỏi đề cử Ban chấp hành Hội Nhà văn khóa mới.

Sau khi nhận chuyển giao cương vị Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam từ nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã phát biểu: "Sự thành công của Đại hội Hội Nhà văn khóa X là một thành công trọn vẹn, bởi Đại hội đã thực thi một cách xuất sắc công cuộc chuyển giao thế hệ. Cuộc chuyển giao này cho thấy một bước đi của dân chủ, mang tính thời đại và niềm tin của các thế hệ đi trước với các thế hệ kế tiếp của mình. 

Các nhà văn tin tưởng Ban chấp hành Hội Nhà văn khóa X sẽ mang đến một tư duy mới, một năng lượng mới và tràn ngập cảm hứng sáng tác cho các nhà văn chân chính. Thách thức với Ban chấp hành khóa X là vô vùng to lớn. Nhưng thách thức lớn hơn là thách thức của mỗi nhà văn trước trang viết của mình. Mỗi nhà văn phải trả lời biết bao câu hỏi của chính mình, của mỗi thân phận quanh mình, của cả dân tộc trong một thời đại đầy biến động...".

Trước việc nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trở thành tân Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Y Ban chia sẻ: "Mỗi nhà văn trong quá trình sáng tác là một tiểu vũ trụ riêng, độc lập với mọi thứ bên ngoài. Vì thế đối với người viết, Hội là nơi kết nối của những người làm nghề, để chia sẻ với nhau những xu hướng sáng tác mới hoặc bảo vệ quyền lợi của hội viên, nhất là đối với các tác phẩm có tính dự báo, đi trước thời cuộc. 

Chính vì thế, tôi đã hy vọng rất nhiều vào Ban chấp hành mới bởi vì các thành viên đều là những người đang sáng tác và cũng là những người mang đến những xu hướng mới cho văn chương, trong đó người đại diện là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. 

Sự sáng tạo mới mẻ, cách tân của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từng vấp phải những búa rìu dư luận, nhưng anh vẫn kiên quyết đi theo con đường anh đã chọn và gặt hái được nhiều thành công. Chính từ kinh nghiệm của mình, anh ấy đã đứng ra bảo vệ những xu hướng mới của các nhà văn khác. Bằng những tiếng nói rất dứt khoát như thế thì chúng ta mới có được nền văn học tích cực và phát triển hơn...".

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phát biểu nhận nhiệm vụ mới.

Hội phải là nơi thu hút người trẻ

Theo báo cáo trình bày tại đại hội, nhiệm kỳ vừa qua, Ban chấp hành đã tổ chức được nhiều chuyến đi thực tế sáng tác có hiệu quả như đi Trường Sa, biên giới phía Bắc, đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên... Hội đã tổ chức được 15 trại sáng tác với gần 200 hội viên tham gia. Ngoài các trại sáng tác được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch hỗ trợ, Hội còn tổ chức trại sáng tác lý luận phê bình, trại sáng tác tiểu thuyết... 

Nhiệm kỳ vừa qua, Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã tổ chức thành công cuộc thi tiểu thuyết (2015 - 2019) với 176 tác phẩm tham dự. Ở cuộc thi này, đã có sự nở rộ về đề tài lịch sử và giải Nhất của cuộc thi đã được trao cho bộ tiểu thuyết "Từ Dụ Thái hậu" của tác giả Trần Thùy Mai.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều hội viên, mô hình "trại sáng tác" đến nay dường như hiệu quả thấp. Bởi vì nhiều năm qua, đây là nơi tập trung chủ yếu các nhà văn đã nghỉ hưu từ rất lâu, ít tham gia đời sống sáng tác nhưng lại vắng bóng hoặc thậm chí là hiếm có người viết trẻ tham gia. Chính vì thế, dù có rất nhiều trại sáng tác được mở, nhiều lượt nhà văn tham gia, thậm chí có nhà văn có thêm cả "nghề đi trại viết", thế nhưng tác phẩm văn học đặc sắc, có chất lượng vẫn còn thưa vắng, "bóng chim tăm cá".

Không chỉ có thế, nhiều tác giả trẻ còn cho rằng không khí trầm lắng ở Hội Nhà văn Việt Nam những năm qua thực sự không hấp dẫn các bạn trẻ. Chỉ tính riêng trong năm 2020, các hoạt động sinh hoạt hội đoàn nổi bật chủ yếu vẫn là các lễ kỷ niệm, tri ân các nhà văn nổi tiếng đã quá cố, mà vắng bóng các hoạt động nghề nghiệp gắn bó, gần gũi với đời sống sáng tác văn học hiện đại. 

Đơn cử như, cuộc thi tiểu thuyết lần thứ V (2015 - 2020) là một hoạt động lớn và cần được khuếch trương, quảng bá rộng rãi trên truyền thông về kết quả đạt được cũng như người đoạt giải. Thế nhưng, giải thưởng này cũng được trao khá "lặng lẽ" cùng với giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam và lễ kết nạp hội viên mới đã khiến một số tác giả đoạt giải cảm thấy... chạnh lòng.

Chia sẻ về vấn đề này, nhà thơ Đỗ Doãn Phương nhấn mạnh: "Để Hội Nhà văn trở nên có vai trò quan trọng hơn, thu hút người trẻ, thu hút cả những nhà văn nhà thơ chưa chuyên nghiệp, thì Hội phải có thêm nhiều hoạt động để khơi dậy không khí sáng tác có tính chất lan tỏa. Giải thưởng hàng năm của hội làm sao phải thu hút số người tham dự hơn. 

Mỗi khi Hội có các hoạt động chuyên môn gì đó, hay các cuộc thi, các giải thưởng, khâu truyền thông cần phải được đặc biệt chú trọng để công chúng có thể chờ đợi, hy vọng và cũng là cách tôn trọng người đoạt giải! Trong thời đại truyền thông này, nếu không làm truyền thông, không quảng bá, tiếp thị thì sẽ không ai để ý đến và sẽ đánh mất cơ hội để tác phẩm tiếp cận với người đọc!".

Nhấn mạnh vai trò kết nối, quảng bá tác phẩm của Hội Nhà văn đến với công chúng, nhà thơ Bình Nguyên Trang bày tỏ: "Theo tôi, điều quan trọng nhất đối với Ban chấp hành hiện nay là nên làm thế nào để giúp các nhà văn đưa tác phẩm của họ đến với bạn đọc nhiều hơn. Thực tế hiện nay, các tác phẩm của nhà văn in ra với số lượng xuất bản quá ít, chỉ trên dưới 1.000 bản, trong đó dân số của ta lên đến 90 triệu dân. 

Vì thế, sức ảnh hưởng của một tác phẩm văn học vào đời sống rất ít và thiếu sức lan tỏa. Tất nhiên vẫn có sự "hữu xạ tự nhiên hương", tức là nếu tác phẩm của anh hay thì sẽ được nhiều người đón nhận, nhưng trong thời buổi hiện nay, các hội văn học nghệ thuật cũng nên giúp đỡ, tạo điều kiện để đưa các tác phẩm của nhà văn đến với công chúng nhiều hơn!".

Nguyệt Hà
.
.