Cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn với văn nghệ sĩ
Tri ân “người anh Cả” của lực lượng CAND
Từ hơn một tháng nay, hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn (23/1/1916 - 23/1/2016) - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, người Bộ trưởng đầu tiên và lâu năm nhất của Bộ Công an, nhiều hoạt động văn hóa - nghệ thuật đã được tổ chức ở các đơn vị, trường học trong lực lượng Công an và trên quê hương của cố Bộ trưởng (xã Nam Trung - huyện Nam Đàn - tỉnh Nghệ An).
Một trong những hoạt động văn hóa văn nghệ gây được sự chú ý của nhiều người đó chương trình nghệ thuật “Vang mãi bản hùng ca” đã được Đoàn Thanh niên Học viện An ninh nhân dân phối hợp với Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Nghệ An và Huyện đoàn Nam Đàn tổ chức thành công tại quê hương của cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn. Chứng kiến tuổi trẻ trong CAND đã có những hoạt động thiết thực để chào mừng ngày sinh của người thầy, “người anh Cả” của lực lượng đã cho thấy sức ảnh hưởng lớn lao của nhân cách một người lãnh đạo, của một tấm gương suốt đời lao động, học tập, hy sinh vì an ninh của Tổ quốc, vì sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân.
Những ngày này, Đoàn Ca múa Công an nhân dân cũng đang dốc tổng lực cho chương trình nghệ thuật mang tên “Người chiến sĩ ấy” - một chương trình đặc biệt trong lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn. Đây là một chương trình nghệ thuật trọng tâm của lễ kỷ niệm, tri ân người Bộ trưởng đã có công lớn trong việc đào tạo, xây dựng lực lượng CAND lớn mạnh về đội ngũ, vững chắc về lý luận và nghiệp vụ chuyên môn như ngày hôm nay.
Chương trình “Người chiến sĩ ấy” có độ dài 35 phút được kết nối liên hoàn bằng âm nhạc và múa. Phần biên đạo do NSND Nguyễn Công Nhạc đảm nhiệm; phần phối khí do NSƯT, nhạc sĩ Nguyễn Minh Tiến thực hiện; Chỉ đạo nghệ thuật - Tổng đạo diễn: NSND Nguyễn Đức Lợi - Trưởng đoàn Ca múa CAND.
Đại tá, NSND Nguyễn Đức Lợi cho biết, là chương trình nghệ thuật tri ân “người anh Cả” của lực lượng CAND nên anh em văn nghệ sĩ trong đoàn đều rất hào hứng, cố gắng hết mình để có một chương trình có chất lượng nghệ thuật tốt nhất và nói lên được tầm vóc, cốt cách của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn. Trong chương trình, ngoài những ca khúc ca ngợi Tổ quốc, quê hương đất nước còn có hai ca khúc mới được các nhạc sĩ sáng tác từ hình tượng cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, đó là: “Trần Quốc Hoàn người anh Cả công an” của tác giả Vũ Trung và “Một đời vì nước vì dân” của nhạc sĩ Đức Trịnh. Hình ảnh người Bộ trưởng gần gũi, tận tụy đã đi vào thơ ca, âm nhạc và trở thành một hình tượng đẹp về người chiến sĩ Công an trong lòng công chúng.
Không chỉ là người đức độ, tài năng trong công tác chuyên môn, sinh thời Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn là người rất yêu mến văn nghệ sĩ và quan tâm đến các hoạt động văn học nghệ thuật trong lực lượng Công an. Với văn nghệ sĩ trong và ngoài lực lượng Công an, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn luôn dành cho họ những tình cảm, sự quan tâm, ưu ái và trân trọng. Vì thế, hình ảnh Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn không chỉ đẹp trong lòng đồng chí, đồng đội, thuộc cấp của ông mà còn đẹp trong lòng các văn nghệ sĩ từng có cơ hội gặp gỡ, làm việc với ông.
Đoàn ca múa CAND đang nỗ lực tập luyện chuẩn bị cho chương trình nghệ thuật “Người chiến sĩ ấy” nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn.
Đạo diễn, NSND Khắc Lợi: “Cảm kích tấm lòng người Bộ trưởng”
Nguyệt Hà (thực hiện)
- Thưa đạo diễn, NSND Khắc Lợi, là đạo diễn phim truyện nhựa đầu tiên của lực lượng Công an, nghe nói ông đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Bộ Công an, cụ thể là Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn?
+ Lần đầu tiên nhận được lời mời làm phim của Bộ Công an, tôi rất mừng nhưng cũng khá lo lắng bởi lần đầu tiên tôi làm một bộ phim về đề tài phản gián. Tôi không biết kịch bản văn học thì Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn có đọc không, nhưng khi tôi viết xong kịch bản phân cảnh, đích thân Bộ trưởng đã đọc, sửa, duyệt. Tập kịch bản có đầy đủ bút tích của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn với những nhận xét, yêu cầu chỉnh sửa cho đúng với yêu cầu thực tế và yêu cầu nghiệp vụ tôi vẫn còn nhớ mãi. Tôi rất cảm kích tấm lòng của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn. Bởi là Bộ trưởng, là Ủy viên Bộ Chính trị thì ông bận trăm công ngàn việc nhưng vẫn dành thời gian quan tâm đến đoàn làm phim và anh em văn nghệ sĩ chúng tôi. Thậm chí, Bộ trưởng đã dành ra một ngày cùng với đồng chí Kim Sơn nói chuyện rất kỹ với chúng tôi về nghiệp vụ Công an, những câu chuyện về bắt gián điệp, chuyện về bọn tội phạm và cả thủ thuật hành động của chúng để anh em nghệ sĩ chúng tôi có những kiến thức về ngành. Các chi tiết liên quan đến nghiệp vụ Công an, đồng chí Trần Quốc Hoàn đều cố vấn và sửa rất kỹ lưỡng. Có những chi tiết, nếu không có sự cố vấn này, theo góc nhìn của người làm nghề là “lộ nghiệp vụ” rồi. Nhờ sự giúp đỡ tận tình, chu đáo ấy, chúng tôi rất vững tâm và bộ phim đã hoàn thành tốt bởi sự chăm lo, giúp đỡ tận tình từng ly từng tí của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn và lãnh đạo Bộ Công an ngày đó.
- Nghe nói, trong quá trình quay phim, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn luôn quan tâm, nhắc nhở cấp dưới và các đơn vị tạo điều kiện giúp đỡ đoàn làm phim. Có lần, Bộ trưởng đã xuống tận hiện trường thăm hỏi, động viên anh em văn nghệ sĩ?
+ Tôi được biết lúc đó, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã có ý kiến chỉ đạo các đơn vị tạo mọi điều kiện giúp đỡ đoàn làm phim chúng tôi. Phải nói rằng, lần đầu tiên sản xuất một bộ phim về đề tài Công an, nên Bộ Công an quan tâm sát sao lắm, đã giúp đỡ chúng tôi hết mình, đáp ứng tối đa mọi yêu cầu của đoàn làm phim. Lúc đó chúng tôi đúng là “thượng khách” của ngành Công an, được ưu ái lắm. Còn về chuyện Bộ trưởng có xuống thăm hiện trường quay phim hay không thì tôi không rõ lắm. Có thể do lúc Bộ trưởng đến lặng lẽ lúc tôi đang chỉ đạo diễn xuất nên không biết chăng? Đến khi bộ phim hoàn thành, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn còn thay mặt Bộ Công an tặng Bằng khen cho đoàn làm phim như một sự ghi nhận và khích lệ đối với đóng góp của những người nghệ sĩ.
- Trong quá trình làm phim, ông có nhớ kỷ niệm nào đặc biệt với Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn? Ấn tượng cá nhân của ông về người Bộ trưởng này như thế nào?
+ Tôi ấn tượng nhất về Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đó là sự gần gũi, chỉn chu, tận tình và yêu mến văn nghệ sĩ. Khi đó tôi không biết nhiều về ông nhưng vừa cảm kích, vừa ngạc nhiên lại vừa biết ơn. Tôi nhớ mãi chuyện khi đoàn làm phim chúng tôi chuẩn bị xuống Hải Phòng quay, Bộ trưởng dặn dò tôi là xuống dưới ấy phải gửi tập kịch bản này vào Sở Công an Hải Phòng để họ giữ cho, đề phòng mất mát, thất lạc. Lúc ở Công an Hải Phòng, có lẽ do nhà bếp cho ăn nhiều đồ biển quá nên diễn viên Lâm Tới bị đau bụng, phải đưa đi cấp cứu, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã rất lo lắng và còn đề cập cả đến việc liệu khả năng có kẻ xấu rắp tâm đầu độc diễn viên không... Sau này, tuy không có cơ hội nào làm phim cho lực lượng Công an nữa, nhưng thời gian làm phim “Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn” trở thành những kỷ niệm đẹp trong đời làm đạo diễn của tôi...
- Xin cảm ơn đạo diễn, NSND Khắc Lợi!
Đạo diễn, NSƯT Thanh Loan: Nhớ mãi “Bộ trưởng của chúng tôi”
Cẩm Linh (thực hiện)
- Thưa đạo diễn, NSƯT Thanh Loan, được biết bà từng làm một phim tài liệu video về Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn có tên “Bộ trưởng của chúng tôi”. Là nghệ sĩ có thâm niên của làng điện ảnh, không được gặp cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn lúc sinh thời, khi làm phim về cố Bộ trưởng bà có cảm thấy khó khăn không?
+ Khi từ Quân đội chuyển sang Công an, tôi làm phát thanh viên của chương trình Truyền hình Vì an ninh Tổ quốc, sau đó truyền hình mới sáp nhập vào điện ảnh. Tôi không có may mắn được gặp cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn và đó vẫn là điều khiến tôi luyến tiếc. Tuy thế, tôi vốn mang lòng kính trọng, cảm phục “người anh Cả” của lực lượng Công an nên khi bắt đầu có ý tưởng làm bộ phim này tôi đã dành rất nhiều thời gian tìm hiểu về con người, cuộc sống, phong cách làm việc và những đóng góp to lớn của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn trong công tác xây dựng lực lượng và nghiệp vụ của lực lượng Công an, tôi lại càng kính trọng, cảm phục ông gấp nhiều lần. Vì thế tôi ấp ủ làm một bộ phim với tình cảm của những người cấp dưới đối với người Bộ trưởng đầu tiên và lâu năm nhất của ngành Công an nên đặt tên phim là “Bộ trưởng của chúng tôi”. Đến năm 2003, tôi được cấp kinh phí để làm phim tài liệu video.
- Bộ phim có kinh phí 50 triệu đồng nhưng được làm rất kỹ lưỡng và sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật trong điện ảnh. Xin bà cho biết bà đã làm thế nào để có được bộ phim có chất lượng tốt như vậy?
+ Trước hết, như tôi đã nói tôi làm phim này với tấm lòng kính trọng của một cấp dưới đối với người “Thủ trưởng”, “bậc đàn anh” của mình. Mong muốn bộ phim này sẽ được xây dựng thành phim tài liệu nhựa nên tôi đã nhờ cố NSND Lê Mạnh Thích viết kịch bản, chuẩn bị công phu lắm. Nhưng khi nó chỉ được cấp trên duyệt để làm phim tài liệu video thì trên cơ sở sự chuẩn bị đó, tôi và ekip vẫn làm rất kỹ lưỡng.
Trong quá trình nghiên cứu, tôi được biết ở bên điện ảnh Công an vũ trang khi xưa, nay là điện ảnh Bộ đội Biên phòng có quay được nhiều hình ảnh về Bộ trưởng lúc sinh thời đi chỉ đạo công tác ở các nơi, nên tôi đã liên hệ với bên đó và “ôm” về toàn bộ hình ảnh có liên quan đến Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, bổ sung vào kho tư liệu của Điện ảnh CAND và sử dụng một số đoạn cho phim của tôi. Tôi đi quay ngoại cảnh ở nhiều nơi như về quê hương cố Bộ trưởng ở Nghệ An, nhà tù Sơn La, Công an Hải Phòng nơi nhiều lần Bộ trưởng xuống đây làm việc. Tôi cũng gặp gỡ các đồng chí nguyên là lãnh đạo Bộ, các đồng chí, đồng đội, cấp dưới từng có thời gian gắn bó với Bộ trưởng và cả người bạn đời của Bộ trưởng khi đó còn sống, nên ghi lại được nhiều cuộc trò chuyện rất xúc động.
Kinh phí là rất quan trọng với bất kỳ bộ phim nào, nhưng tôi cho rằng một bộ phim không cần phải mất quá nhiều tiền cũng vẫn có sức lay động nếu có tình cảm, tâm huyết của người nghệ sĩ lồng vào đó! Khi quay phim và trong quá trình dựng, tôi chú trọng sự kết hợp giữa quá khứ với hiện tại, sử dụng được nhiều hình ảnh rất “gợi” và nhiều chi tiết xúc động nên bộ phim mới “ăn” được hai giải thưởng trong một năm. Tuy giải thưởng không cao, nhưng đó là niềm tự hào lớn trong cuộc đời làm đạo diễn của tôi. Bởi trong quá trình làm phim, tôi đã học hỏi được rất nhiều điều từ tài năng, nhân cách của cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn.
- Xin cảm ơn đạo diễn, NSƯT Thanh Loan!
Nhà biên kịch Nguyễn Anh Sinh: “Ông đã hết lòng chăm lo cho điện ảnh”
Hữu Phúc (Ghi)
Thuở ban đầu, Điện ảnh CAND chỉ có 3 người gồm có anh Doãn Quế là biên kịch phim truyện, tôi là biên kịch phim tài liệu và Châu Huế là quay phim. Lúc đầu tổ chỉ sản xuất phim tài liệu với sản phẩm đầu tay là “Lên đường”. Để có bộ phim truyện nhựa đầu tiên của điện ảnh CAND, dưới sự chỉ đạo của nhà văn Lê Tri Kỷ, tổ làm phim đã dỡ tung kịch bản “Tiếng pháo đêm giao thừa” của Doãn Quế đã viết trước đó ra rồi chia nhau viết lại. Đồng chí Lê Tri Kỷ đã tập hợp, biên tập, chỉnh sửa và được lãnh đạo Bộ duyệt.
Cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn khi ấy luôn dành nhiều tình cảm yêu mến đối với điện ảnh nước nhà nên ông đặc biệt quan tâm tới tổ làm phim thuộc biên chế Phòng Tuyên truyền thuộc Cục Tuyên huấn, nay là Cục Công tác chính trị của Bộ Công an. Cố Bộ trưởng đã hết lòng chăm lo cho điện ảnh CAND, là người ký Quyết định số 370 - CA/QĐ ngày 14-3-1970 thành lập Điện ảnh CAND mở ra một chặng đường mới cho điện ảnh CAND và cũng là người “mở đường” cho phương thức làm phim mới là phối hợp giữa điện ảnh cơ sở và điện ảnh Nhà nước.
Bộ trưởng đã trực tiếp đọc, duyệt, và sửa nhiều chi tiết trong kịch bản “Tiếng pháo đêm giao thừa”. Sau khi bộ phim hoàn thành, Bộ trưởng là người trực tiếp đổi tên cho phim thành “Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn” vang danh đến tận hôm nay.
Không chỉ đặt tên cho phim “Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn”, với phim “Tội và tình” và “Không nơi ẩn nấp”, cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đều đọc, sửa kịch bản về mặt nghiệp vụ và đặt tên cho phim. Chứ ban đầu phim “Không nơi ẩn nấp” có cái tên mộc mạc là “Cô The”. Cho đến bây giờ, đó vẫn là 3 bộ phim truyện nhựa hay nhất do Điện ảnh CAND phối hợp với điện ảnh Nhà nước sản xuất.
Tôi nhớ mãi kỷ niệm với Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn trong chuyến chúng tôi đi cùng với Bộ trưởng theo lệnh của Trung ương để vào chuẩn bị giải phóng Sài Gòn. Vào đến Sài Gòn, khi gặp được đồng chí Nguyễn Tài khi đó vừa thoát khỏi trại giam và đưa người đồng chí của mình đến thăm lại nơi mình từng bị giam cầm, tận mắt nhìn thấy căn phòng giam đồng chí, đồng đội của mình, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã khóc. Sau đó, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã đích thân nhờ chuyên cơ của Quân đội để đưa vợ của đồng chí Nguyễn Tài vào gặp mặt chồng. Đến ngày 2-5-1975, vợ đồng chí Nguyễn Tãi đã được gặp chồng...
Trong cuộc đời mình, tôi ít thấy ai đối xử tốt với anh em văn nghệ sĩ và cấp dưới tốt như Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn. Mỗi lần nhắc đến chuyện này tôi vẫn thấy xúc động. Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đúng là “người anh Cả” tài đức, đáng kính trọng và khâm phục của lực lượng CAND.
NSND Trà Giang: “Đoàn làm phim được quan tâm đặc biệt”
Gia An (ghi)
“Đã gần nửa thế kỷ qua đi, nhưng tôi vẫn nhớ mãi những kỷ niệm trong quá trình làm bộ phim “Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn” của đạo diễn Khắc Lợi. Đây là phim truyện nhựa đầu tiên về đề tài lực lượng Công an, nên được các đồng chí lãnh đạo Bộ rất quan tâm. Lúc ấy, tôi đã tham gia 4 bộ phim là “Một ngày đầu thu”, “Chị Tư Hậu”, “Lửa rừng”.
Khi nhận được lời mời vào vai một nữ chiến sĩ điệp báo Công an, tôi vừa mừng vừa lo. Bởi vì đây là dạng vai tôi chưa đóng bao giờ, lại liên quan đến các hoạt động tình báo nên ban đầu cũng lo không biết mình có làm được không. Sau đó, tôi được biết, cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn rất quan tâm đến bộ phim này, thường xuyên hỏi han về tình hình, tiến độ làm phim qua cấp dưới. Cả đoàn làm phim và anh em nghệ sĩ chúng tôi được quan tâm đặc biệt, được tạo điều kiện ăn ở, đi lại mức tốt nhất có thể.
Có lần, tôi diễn xong một cảnh quay trong một căn hầm bí mật, khi ra ngoài thì nghe anh em nói là Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn biết tin đoàn làm phim đang quay ở đó, lặng lẽ đến xem và hỏi chuyện anh em. Khi bộ phim hoàn thành, được chiếu lần đầu tiên ở Bộ Công an, khi xem xong phim, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn thân mật bắt tay tôi và bảo: “Cháu làm tốt lắm!”. Bộ trưởng cũng khen ngợi đạo diễn Khắc Lợi, đặc biệt là khen ngợi diễn xuất của diễn viên Lâm Tới trong vai chiến sĩ tình báo Sáng, còn gọi là A10.
Trong buổi chiếu hôm ấy, khi không nhìn thấy chị Mai Châu đóng vai nữ gián điệp Lệ Mỹ đâu, ông cũng hỏi ngay. Khi thấy chị Mai Châu ngồi khiêm tốn ở hàng ghế phía cuối hội trường, Bộ trưởng đã xuống tận nơi, ân cần hỏi han. Khi biết chị Mai Châu không thích vai diễn này bởi vì lúc đó mọi người đang quan tâm, ca ngợi hình tượng người phụ nữ “ba đảm đang” và đóng gián điệp thì thường bị khán giả ghét, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã an ủi chị Mai Châu: “Chị đóng gián điệp mà đạt thế thì cũng là phụ nữ “ba đảm đang” rồi”. Tôi nhớ mãi hình ảnh giản dị, gần gũi và nụ cười hiền hậu của Bộ trưởng hôm đó. Sau này, trong một lần dự Đại hội Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tôi có gặp chị Song Toàn là phu nhân của Bộ trưởng. Chị ân cần hỏi han tôi và nhắc đến bộ phim “Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn” tôi đóng và nói là: “Hồi ấy anh Hoàn quan tâm đến phim này lắm. Anh hay kể chuyện, hỏi chuyện và còn mang cả kịch bản về nhà đọc đấy!”. Tôi rất cảm động khi một người bận rộn nhiều việc như Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn lại quan tâm và dành nhiều tình cảm cho nghệ sĩ điện ảnh đến thế!