Vực dậy văn học thiếu nhi:

Chuyện không chỉ của các nhà văn

Thứ Tư, 12/08/2015, 08:00
Tại đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lẫn Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh mới đây, các vấn đề bức xúc của văn học thiếu nhi trở thành đề tài nóng bỏng. Bởi cả nhiệm kỳ qua, các nhà văn đều nhận thấy hội gần như không có hoạt động nào nổi bật thúc đẩy dòng văn học này. Văn học thiếu nhi trong nước vốn ảm đạm chỉ còn biết trông đợi vào người cầm bút.

Văn thiếu nhi, vị người lớn

Trong buổi ra mắt tác phẩm "Siêu nhân Cua" của nhà văn Võ Diệu Thanh, nhà thơ Phan Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh tỏ rõ sự vui mừng khi văn đàn xuất hiện thêm một cây bút cho thiếu nhi. Anh thật thà: "Trong sự nghiệp sáng tác, tôi luôn mơ ước viết một tác phẩm gì đó cho thiếu nhi, cho con cháu  mình. Nói vậy để thấy viết cho thiếu nhi hết sức khó. Thêm một tác phẩm dành cho thiếu nhi của nhà văn Việt Nam ra đời là điều rất đáng khích lệ".

Lần đầu tiên viết cho thiếu nhi, nhà văn Võ Diệu Thanh đã mất nhiều năm trăn trở, suy nghĩ rồi mới "dám" cầm bút. Bởi ngoài các đầu sách dành cho người lớn, chị cũng từng tập tành viết thử cho các em nhưng mãi không hài lòng. Tiếng là viết cho thiếu nhi nhưng suy nghĩ, cách xử lý tình huống, ngôn từ lại mang "vị" người lớn. Hiện tượng này không hiếm gặp với các nhà văn khác khi họ vẫn chưa thể hiểu về thế giới trẻ em. Người viết thường bị duy lý nên cách viết thường mô phạm, chuẩn mực, giáo điều mà không dám phá cách. Một tác giả trẻ không ngần ngại cho biết, cuốn sách của anh tuy viết về thế giới trẻ em nhưng nếu để các em đọc e là khó "tiêu hóa", trong khi người lớn lại dễ dàng bởi cuốn sách vẫn chen lẫn nhiều bài học nhân sinh khá to tát.

Nhà văn Võ Diệu Thanh (thứ hai, từ trái sang) tại buổi ra mắt tác phẩm đầu tay dành cho thiếu nhi "Siêu nhân Cua".

Từ khi là cô giáo giảng dạy tại Trường tiểu học Chợ Vàm B, An Giang, tiếp xúc nhiều với các bé, Võ Diệu Thanh mới dần hiểu  tâm lý, ước muốn của trẻ thơ. "Ôm ấp giấc mơ viết về văn học thiếu nhi từ 5 năm trước, nhưng mãi tới hôm nay tôi mới bắt đầu. Một phần vì tôi thấy mình chưa cảm hết suy nghĩ và ngôn ngữ của các em, cho tới một ngày tôi ngộ ra rằng chỉ có bỏ hết mọi luật lệ mình đã bị nhồi nhét suốt mấy chục năm thì mới gần các em hơn được.

Mọi thứ rào cản hay - dở, đẹp - xấu, được - mất không có nhiều ý nghĩa với thiếu nhi. Đó là một thế giới khác hẳn với thế giới mà người lớn chúng ta đang sống. Nó như một vùng đất rộng thênh thang mà mọi luật lệ khô cằn lập tức bị vô hiệu hóa" - chị tâm sự. "Siêu nhân Cua" kể về thế giới vui nhộn của trẻ thơ trong lớp học mỹ thuật của cô giáo tên Thanh. Ở đó, những sáng tạo phi lý, lạ lùng của bé luôn được cô giáo đón nhận và khuyến khích. Tính thực tế giúp tác phẩm của Võ Diệu Thanh trở nên giản dị, chân thực và gần gũi với trẻ thơ.

Là một tác giả có nhiều đầu sách thiếu nhi được đón nhận, nhà văn Nguyễn Thu Trân cho rằng viết cho thiếu nhi không chỉ nhìn qua lăng kính của các em mà người viết còn phải có ngòi bút vui tươi, sinh động, câu văn giản dị và tình huống xảy ra liên tục. Viết văn cho thiếu nhi đã khó, việc tìm kiếm đầu ra lại chật vật và số lượng phát hành, chế độ nhuận bút hiện nay khá bèo bọt đã khiến lực lượng viết cho thiếu nhi đã mỏng càng mỏng hơn.

Nhà văn Trần Quốc Toàn bảo rằng một thời ông sống rất khỏe với tiền nhuận bút khi số lượng phát hành lên đến hàng chục ngàn bản. Còn bây giờ, một đầu sách thiếu nhi mà nhà văn lao tâm khổ tứ sáng tạo lại khó tìm được nơi chịu phát hành.

Điểm qua lực lượng viết cho thiếu nhi hiện nay chỉ có vài tên tuổi như Nguyễn Nhật Ánh, Trần Quốc Toàn, Lê Phương Liên, Cao Xuân Sơn, Nguyễn Thu Trân, Nguyễn Ngọc Thuần... và nay có thêm Võ Diệu Thanh. Nhưng người chuyên viết cho thiếu nhi cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn hầu hết những nhà văn khác vẫn viết cho người lớn là chủ yếu, thi thoảng mới tạt qua văn học thiếu nhi. Vào các quầy sách văn học thiếu nhi, đa phần là truyện tranh và sách dịch. Nhiều tác phẩm của nhà văn Việt Nam lại quá nặng nề, khiến các em chẳng mặn mà lắm với văn chương. Nói như nhà văn Nguyễn Trí: "Tuổi thơ ngày nay chung đụng với internet nhiều hơn với sách". Trong khi văn học nuôi dưỡng tâm hồn các em, giúp các em phát triển theo chiều sâu, tăng cường trí tưởng tượng, sự hiểu biết, óc phán đoán và khả năng ngôn ngữ....

Nhà văn không thể đơn độc

Những cuốn sách best seller dành cho thiếu nhi vẫn thuộc về những nhà văn tên tuổi hoặc có cách PR khéo léo, rầm rộ. Trong khi các cây bút mới tập tành viết thì khâu quảng bá lại khá sơ sài, ít sự quan tâm của truyền thông. Như buổi ra mắt "Siêu nhân Cua" của Võ Diệu Thanh, ngoài các nhà văn đồng nghiệp thì chỉ có vài nhà báo và bạn bè, người thân của tác giả, tổng cộng chừng 30 người. Là buổi ra mắt sách cho thiếu nhi nhưng số các bé có mặt trong buổi giao lưu chỉ có vẻn vẹn 3 em.

Nhà văn Nguyễn Thu Trân cho rằng văn học thiếu nhi gặp khó còn ở chỗ các nhà văn phải đơn độc bươn chải trong khi các hội nghề nghiệp lại khá thờ ơ. "Ban Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam giờ chỉ còn là một phần của Ban Chuyên đề trong cơ cấu các ban chuyên môn của hội. Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh thì vẫn còn duy trì Ban Văn học thiếu nhi. Nhưng trong nhiệm kỳ qua, hoạt động liên quan đến dòng văn học này của cả Hội Nhà văn Việt Nam lẫn Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh hầu như không có gì nổi bật. Nếu có thì cũng chỉ là những chương trình, cuộc thi liên kết giữa hội với nhà xuất bản rồi nhà xuất bản tự lo hết" - nhà văn Thu Trân thở dài.

Các giải thưởng của hội dành cho văn học thiếu nhi gần như bị bỏ ngỏ. Nhà thơ Phan Hoàng cho biết, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh thời gian qua cũng có trao giải thưởng cho nhà văn Thu Trân với tác phẩm "Cả làng biết bay". Tuy nhiên,  tìm ra tác phẩm xứng đáng để trao giải lại không hề dễ dàng vì tác phẩm ra mắt quá ít, huống hồ đạt chất lượng.

Phải mất nhiều thời gian, NXB Kim Đồng mới thuyết phục được nhà văn Võ Diệu Thanh mạnh dạn viết cho thiếu nhi. Tự tin với tác phẩm đầu tay, nhà văn Võ Diệu Thanh hứa hẹn sẽ tiếp tục cho ra mắt nhiều tác phẩm khác dành cho thiếu nhi bên cạnh những tác phẩm người lớn. Để dòng văn học này khởi sắc, các đơn vị xuất bản đã bắt đầu để tâm hơn đến các nhà văn trong nước.

Ông Cao Xuân Sơn, Giám đốc chi nhánh NXB Kim Đồng phía Nam bày tỏ: "NXB Kim Đồng luôn tích cực hỗ trợ cho các tác giả viết cho thiếu nhi trong việc xuất bản sách. Nếu tác giả hoặc bạn trẻ nào quan tâm đến văn học thiếu nhi, có đề tài phù hợp thì hãy mạnh dạn thử sức và gửi bản thảo đến NXB Kim Đồng. Chúng tôi sẽ hết sức hỗ trợ để tác phẩm của các bạn được đến với đông đảo bạn đọc trong cả nước". Được biết, sắp tới NXB Trẻ sẽ phối hợp cùng Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh tái khởi động cuộc thi viết cho thiếu nhi "Vì tương lai đất nước" nhằm tìm kiếm cây bút trẻ.

Riêng nhà văn Nguyễn Thu Trân thì cho rằng cần thành lập Trung tâm Văn học thiếu nhi, mời những nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà giáo có tâm huyết với thế hệ trẻ đến làm việc hoặc cộng tác. Trung tâm là nơi vạch ra những kế hoạch để thúc đẩy, tạo điều kiện cho văn học thiếu nhi phát triển. Các nhà văn cũng đề xuất nên thường xuyên tổ chức các cuộc thi sáng tác văn học dành cho thiếu nhi; có những giải thưởng hay hoạt động tôn vinh người viết.

Đặc biệt, để quảng bá tác phẩm thiếu nhi đến với đông đảo bạn đọc mà không phải tốn kém, chật vật tìm nhà phát hành, nhất là tác phẩm của các cây bút trẻ, việc có một trang web văn học thiếu nhi là điều cấp bách và thiết thực trước mắt. Đây cũng là kiến nghị của nhà văn Nguyễn Thái Hải với Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa IX. Hiện ông đang xây dựng và hoàn chỉnh đề án báo điện tử văn học thiếu nhi để nhanh chóng đưa vào ứng dụng. Nếu có được trang web riêng, các nhà văn cũng thuận lợi hơn khi quyết định ra sách vì khảo sát được mức đón nhận của bạn đọc.

Mai Quỳnh Nga
.
.