Chúng ta không thể đứng ngoài thế giới
- El Nino kéo dài kỉ lục, thời tiết ngày càng dị thường
- Chủ động tích nước các hồ chứa để chống hạn, xâm nhập mặn do El-Nino
- Chủ động đối phó với tình trạng thiếu nước do El Nino
Thứ nhất, có những người cho rằng chỉ cần làm tốt chuyên môn của mình, làm tốt việc của mình là đủ, tại sao lại cần phải biết thêm những thứ mình không cần biết như canh cua nấu với rau gì hay El Nino thực chất là gì. Ở luồng quan điểm này, những người đưa ra quan điểm bám chắc vào luận điểm "tại sao chúng ta đòi hỏi người khác phải biết cái này hay cái nọ mà chúng ta quên mất rằng điều đó có thiết thực với họ hay không?".
Và thứ nhì là luồng quan điểm nhận định trái ngược hoàn toàn, với điểm tựa: "những cái là thường thức thì con người cần phải biết, không biết thì phải tự tìm hiểu bởi để tìm hiểu nó, không mất quá nhiều thời gian".
Sẽ không bao giờ có được minh định đúng-sai giữa hai luồng quan điểm đối nghịch nhau kể trên, giống như không bao giờ chúng ta minh định được các đúng-sai ở các tranh luận từ xưa tới nay. Song, sẽ có một điều chúng ta nên khẳng định với nhau từ cốt lõi của tranh luận ấy chính là "chúng ta không thể nào, và không thể khuyến khích người khác, đứng ngoài thế giới".
Hiện tượng El Nino đang làm cho trái đất nóng lên. |
Xin quay trở lại với hiện tượng El Nino, một hiện tượng thời tiết bất thường được gây ra bởi tự nhiên chứ không phải do con người, để làm rõ tại sao chúng ta cần khẳng định như trên. Thực sự, dù El Nino không phải là hiện tượng được tạo ra như một hậu quả của các hoạt động xâm hại sinh thái của loài người, nhưng với những tác động của nó (cũng như hiện tượng La Nina), con người ngày càng có những suy nghĩ nghiêm túc hơn đến tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.
Dễ hiểu, dù là hiện tượng xảy ra có chu kỳ từ nhiều ngàn năm nay, nhưng El Nino sẽ trầm trọng hơn nếu như tình trạng ô nhiễm môi trường không được cải thiện bởi lẽ sự nóng lên của trái đất cũng là một tác động hỗ trợ đối với hệ qủa mà El Nino để lại.
Và con người hiện đại, dù ở tầng lớp nào, học thức ra sao, làm nghề gì, sinh sống ở đâu, mang quốc tịch nào, chủng tộc nào đi nữa… đều phải quan tâm đến sự ô nhiễm môi trường đang diễn ra trên tinh cầu này. Sự quan tâm và hành động của mỗi người ở mức độ nào sẽ do điều kiện bản thân của họ (điều kiện sinh hoạt, điều kiện tri thức) nhưng bạn không thể nào không quan tâm nếu như bạn muốn được công nhận là một công dân toàn cầu hiện đại.
Đơn giản, việc tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường, ý thức cải thiện môi trường, ý thức về nguy hại của tình trạng biến đổi khí hậu vẫn được thực hiện hàng ngày, hàng giờ, ở mọi nơi. Sự tuyên truyền đó 100% đến từ các chương trình xã hội bất vị lợi, được tài trợ bởi các tổ chức quốc tế có uy tín.
Ngay cả ở những vùng xa xôi, hẻo lánh, chúng ta vẫn có thể gặp được những khẩu hiệu, biểu ngữ nhằm giáo dục ý thức đó cho các công dân toàn cầu. Đó là một đợt sóng thực sự, văn minh và hướng tới sự phát triển bền vững, một đợt sóng bao phủ toàn cầu. Chính vì thế, chúng ta không thể tự cấp cho mình cái quyền thờ ơ, đứng ngoài rìa thế giới với một biện minh rất ấu trĩ rằng "nghề của tôi chẳng có gì liên quan đến khí hậu để mà phải quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu".
Cách đây một năm, hãng xe Volkswagen đã thiệt hại cả tỷ USD chỉ vì scandal gian lận khí thải và sau đó phải thu hồi lại rất nhiều xe đã bán ra vì vi phạm các quy định của các cơ quan bảo vệ môi trường. Vụ Volkswagen cũng hé lộ nhiều hãng xe danh tiếng dính vào gian lận kiểu này và đó chính là câu chuyện để củng cố hơn khẳng định của chúng ta.
Đó là ngành công nghiệp ô tô không chỉ khăng khăng rằng "tôi chỉ cần biết đến việc sản xuất ra những chiếc ô tô tốt" là đủ, mà cũng như mọi ngành khác, họ phải quan tâm và cam kết việc bảo vệ môi trường, một vấn đề toàn cầu, cấp bách và có tầm quan trọng lớn lao. Sự quan tâm cũng như cam kết đó chính là một dạng "quy ước đạo đức ngành" mà bất kể ngành nghề nào cũng cần phải có trong xã hội hiện đại hôm nay.
Đã qua rồi cái ngày người làm gì chỉ biết làm một việc đó, khi mối quan tâm chung của con người đã đa dạng hơn, được xếp hạng ưu tiên đàng hoàng. Những người trẻ, những người muốn được thừa nhận mình là công dân toàn cầu tiên tiến và hiện đại, lại càng phải bày tỏ mối quan tâm ấy hơn nữa, không được phép đặt mình ra ngoài cuộc theo kiểu lý sự cùn "tại sao nghề của tôi lại cần phải biết đến những dữ kiện ấy".
Ở thời đại của internet với kiến thức được chia sẻ nhanh và nhiều như hôm nay, chúng ta lại càng không có lý do nào để bao biện cho sự thờ ơ của mình. Và một khi Việt Nam muốn phát triển, muốn hoà mình vào với thế giới, chính các công dân Việt Nam cũng phải đảm lãnh trách nhiệm để tự bản thân mình không gạt mình ra ngoài rìa thế giới…