Chính danh trên mạng
Sở dĩ có tình trạng ấy là bởi mạng xã hội đã cho phép người dùng loại bỏ đi tính chính danh trong các tham gia bình luận. Ngoài ra còn có cả ảo tưởng về tính phi định vị khi người dùng cho rằng "chắc họ chả biết mình ở đâu". Hành động như một kẻ nặc danh nấp trong bóng tối, hành vi xấu luôn được dung dưỡng, kích thích và trở nên ngạo mạn sau mỗi "chiến thắng hả hê" khi đối tượng bị tấn công không đáp trả hoặc không thể đáp trả.
Sau trận đấu cuối cùng ở vòng bảng vòng loại thứ 2 World Cup 2022 trước UAE, trọng tài Ali Sabah đã trở thành nạn nhân của một đợt tấn công mạng từ những kẻ cho rằng mình có quyền năng tối thượng của ẩn danh và phi định vị ấy. Hàng ngàn bình luận tục tĩu, đe dọa của các chủ tài khoản facebook Việt Nam đã được ném lên các dòng trạng thái, các hình ảnh trên tài khoản cá nhân của ông Ali Sabah. Sự việc chỉ rộ lên trên truyền thông chính thống sau khi chính ông Ali Sabah buộc phải lên tiếng. Rồi nó chìm đi, không còn là xu hướng (trend) nữa nên họ quên rất nhanh.
Rất nhiều những nhân vật có tên tuổi trong xã hội cũng như trên mạng xã hội đã bị như vậy. Một đồng nghiệp của chúng tôi, một nhà báo, một thầy giáo dù không hề công kích cá nhân nào, chỉ bình luận, phản ánh thực trạng xã hội đơn thuần, anh vẫn phải nhận những lăng mạ từ những kẻ mà chúng ta đành phải an ủi nhau là "không thèm chấp". Không chấp, nhưng bực bội thì ai cũng có.
Ngay cả trong một bài đăng trên fanpage của một tờ báo uy tín đợt vừa rồi cũng vậy thôi. Bài đăng đưa ra thông tin đánh giá người dùng mạng xã hội Việt Nam thuộc nhóm kém văn minh trên thế giới. Ở ngay dưới bài đăng ấy là một bình luận tục tĩu nổi như cồn rằng "Căn cứ vào tiêu chuẩn con… nào mà bảo kém văn minh?". Dấu ba chấm là một từ rất tục. Chính câu hỏi của người bình luận đó cũng là câu trả lời cho anh ta rồi.
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17-6-2021 về Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, trong đó có một điều khoản rất quan trọng là "Nên sử dụng họ, tên thật cá nhân, tên hiệu thật của tổ chức, cơ quan để đảm bảo an toàn tài khoản". Điều khoản này là không bắt buộc mà chỉ là khuyến nghị nhưng nó rất đáng để suy ngẫm. Nó đòi hỏi một ý thức dũng cảm của người dùng với tính chính danh của mình để từ đó cân nhắc hơn trong ngôn ngữ sử dụng.
Bộ qui tắc trên đang bắt kịp sức phát triển của các nền tảng mạng xã hội hiện nay. Facebook và nhiều nền tảng khác hiện đang hoàn thiện dần việc đòi hỏi chính danh (hiện nay chỉ tên thật mới được cấp tích xanh chính chủ) và tiến tới viễn cảnh một cá nhân chỉ có 1 tài khoản chính danh mà thôi. Sẽ đến lúc, thế giới mạng sẽ như một quốc gia ảo đúng nghĩa, mỗi người tham gia sẽ có một căn cước ảo và có thể ''lãnh đủ'' nếu vi phạm các quy tắc cộng đồng.
Phải tự học lấy cách văn minh đi là vừa. Viễn cảnh bị cấm dành cho những ai tấn công mạng chắc cũng sẽ không xa. Viễn cảnh ấy khác gì việc bị gạt ra ngoài lề xã hội như những kẻ đang phải thụ án.