Cảnh nhạy cảm “đổ bộ” các chương trình giải trí

Thứ Sáu, 14/06/2019, 08:38
Tập 14 chương trình truyền hình thực tế "Nữ hoàng quyến rũ" phát sóng trên kênh HTV7, Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh hồi đầu tháng 6 đang nhận nhiều chỉ trích của khán giả vì có những cảnh được cho là nhạy cảm, "quyến rũ quá đà". Một lần nữa, câu chuyện về giới hạn của những cảnh nóng, nhạy cảm trong các chương trình giải trí lại được đặt ra.


Nhiều hình ảnh khiến khán giả "nóng mặt"

"Nữ hoàng quyến rũ - Glamour queen" là show truyền hình thực tế tìm kiếm các gương mặt xứng đáng đại diện cho vẻ đẹp của phụ nữ để tham gia các hoạt động nghệ thuật tại Việt Nam và Nhật Bản. 15 thí sinh phải trải qua nhiều thử thách để chứng tỏ bản thân ở các nội dung như diễn xuất, thể thao, khiêu vũ, thời trang, hoạt động nhóm…

Trong tập 14, năm thí sinh của chương trình phải trải qua thử thách tạo dáng chụp hình trong trang phục bikini để tìm ra tư thế nào khoe được đường cong cơ thể tốt nhất. Natsumi Hirajima, cựu ca sĩ của nhóm nhạc nổi tiếng Nhật Bản AKB48, diễn viên kịch, truyền hình đã hướng dẫn các thí sinh tạo dáng trước ống kính. Trong trang phục bikini, các thí sinh lần lượt tạo nhiều tư thế gợi cảm. Tất cả đều được quay khá chi tiết, khiến khán giả cảm thấy "nóng mặt". Ngay lập tức, trên khắp các diễn đàn xuất hiện nhiều ý kiến chỉ trích chương trình.

Một hình ảnh trong chương trình "Nữ hoàng quyến rũ" phát sóng đầu tháng 6/2019 bị đánh giá là không phù hợp khi xuất hiện trong khung giờ vàng trên sóng truyền hình.

Phần lớn ý kiến cho rằng, những hình ảnh nhạy cảm như vậy không phù hợp, không nên đưa lên sóng truyền hình, nhất là vào khung giờ vàng của HTV7, từ 20h35 đến 21h5, thu hút rất đông người xem ở nhiều lứa tuổi. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, những hình ảnh đó "gợi dục" hơn là "gợi cảm", "đây là cuộc thi tìm kiếm người mẫu hay tuyển diễn viên đóng phim nóng Nhật Bản".

Trước phản ứng gay gắt của khán giả, nhà sản xuất chương trình cho rằng, toàn bộ hoạt động đều được quay, kiểm duyệt ngặt nghèo, cùng thái độ cực kỳ chuyên nghiệp của êkip Nhật Bản, nơi diễn ra thử thách của các cô gái cũng là một studio uy tín tại Nhật Bản. Toàn bộ file trước khi phát sóng ở các kênh đều phải gửi qua Nhật Bản xác nhận.

Ở các phân đoạn tiếp theo, mọi người sẽ thấy các nội dung nhân văn khi các cô gái của "Nữ hoàng quyến rũ" nhập vai MC đến thăm các tu nghiệp sinh ở Nhật, chia sẻ câu chuyện cảm động về họ, cùng nhiều thử thách hấp dẫn khác như street style, cosplay, studio, fashion, thử làm công dân toàn cầu, quay MV. Vì vậy, ekip sản xuất hy vọng các quý khán giả sẽ là những người có cái nhìn nhận đúng bản chất sự việc về nội dung chương trình.

Nhìn lại các gameshow Việt thời gian gần đây, có thể thể thấy rằng, "Nữ hoàng giải trí" không phải là chương trình duy nhất gây tranh cãi vì cảnh nhạy cảm. Trong tập 23 chương trình "Ngôi sao tình yêu" lên sóng hồi tháng 5 trên HTV7, người chơi Huỳnh Khánh Linh khiến người xem bất ngờ khi ăn mặc gợi cảm, gần như lộ cả vòng 1 trên truyền hình. Trong chương trình này, ở vòng thử thách, với mỗi câu hỏi mà chương trình đưa ra cho các cặp đôi, trước khi đưa ra câu trả lời thì các cặp đôi phải đích thân diễn lại các tình huống lựa chọn mà chương trình đưa ra.

Trong phần thi tình huống thử thách: "Khi mệt mỏi, bạn nam muốn gục đầu vào đâu của bạn nữ". Với đáp án là dựa vào vai, ngực và đùi, Khánh Linh phải cho chàng trai Ngọc Thưởng gục đầu vào vai, ngực, đùi. Sự táo bạo, thoải mái một cách thái quá của hai người thực sự khiến người xem cảm thấy khó chịu.

Ở tập 27, chương trình "Ngôi sao tình yêu", với thử thách: "Đến nhà người yêu chơi, thấy anh ấy đang cuốn khăn tắm bạn nữ sẽ làm gì", hai người chơi là Cẩm Tú và Văn Hoàng đã phải diễn lại tình huống theo ba phương án trả lời mà chương trình đưa ra là: "Nói chuyện tự nhiên như mọi khi", "Ngại ngùng kêu mặc quần áo", "Xuýt xoa cơ thể đẹp". Theo đó, Văn Hoàng đã phải cởi trần, cuốn khăn tắm để diễn lại tình huống trên sân khấu.

Không thể không "điểm danh" một số chương trình được phát trên Youtbe có nội dung phản cảm, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam như "Date & Kiss - Hẹn và hôn" với nhiều cảnh ôm, hôn giữa những người tham gia khi mới gặp nhau lần đầu; "Dare Pong" với nhiều thử thách nhạy cảm như "hôn sâu", "liếm chân", "đổ đá lạnh vào trong quần", "ăn sushi trên cơ thể đối phương", "mô tả tư thế mây mưa yêu thích", "dùng răng lột đồ đối phương"…. "Come out - bước ra ánh sáng", một chương trình talk show nhằm nâng cao nhận thức xã hội về cộng đồng thế giới thứ ba gây phản cảm khi MC Tuân Lê và Lâm Khánh Chi nhiều lần khai thác, đề cập quá nhiều đến vấn đề nhạy cảm như chuyện phòng the, bộ phận sinh dục… của khách mời.

Khán giả hãy sử dụng "quyền lực mềm" để xây dựng thị trường giải trí lành mạnh

Trở lại câu chuyện của "Nữ hoàng quyến rũ", chia sẻ với báo giới, đại diện HTV nói rằng, lãnh đạo HTV tiếp thu ý kiến từ khán giả, chỉ đạo nghiêm túc rút kinh nghiệm đối với đội ngũ và yêu cầu điều chỉnh nội dung hình ảnh trong những số phát sóng tiếp theo, phù hợp với tính chất cuộc thi, tránh sơ suất về hình ảnh. Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng, một xu hướng dễ nhận thấy là nhiều đơn vị sản xuất cố tình "câu view" từ những tình huống gây sốc.

Các thí sinh vô tư thể hiện những thử thách gây "nóng mắt" người xem trong chương trình "Ngôi sao tình yêu".

Với các nhà sản xuất, mục đích hướng tới là lợi nhuận và khi chương trình gây tranh cãi, điều đó đồng nghĩa với việc chương trình sẽ được PR, gia tăng số lượng người xem, từ đó làm gia tăng lợi nhuận nhờ quảng cáo.

Một nguyên nhân khác cũng được nhắc đến là dường như các nhà sản xuất đang ngày càng cạn kiệt ý tưởng. Để cạnh tranh với các nhà sản xuất khác trong cơn bão gameshow, họ vội vàng khai thác gameshow nước ngoài nhưng không quan tâm đến yếu tố văn hóa Việt nên sự khập khiễng, "lai căng" đã xảy ra.

Những chương trình có yếu tố nhạy cảm thường có nguồn gốc, xuất xứ từ nước ngoài nhưng sự dập khuôn máy móc không phù hợp với lối sống văn hóa, cách ứng xử của người Việt chắc chắn sẽ nhận "gạch đá" của dư luận khi lên sóng.

Việt Nam đang tích cực hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới trên tất cả các phương diện, trong đó có văn hóa. Tuy nhiên, "mở" thế nào, hội nhập đến đâu để làm sao vẫn giữ được bản sắc văn hóa của mình là điều mà những người làm văn hóa cần phải nghĩ tới.

Sự tác động từ những hình ảnh phản cảm có thể không gây hậu quả ngay lập tức nhưng sự cộng hưởng từ nhiều chương trình, qua thời gian sẽ có ảnh hưởng đến suy nghĩ, nhận thức, hành động của nhiều cô bé, cậu bé trong độ tuổi mới lớn. Ứng xử thể nào với sản phẩm "phản văn hóa" đang là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Tôi cho rằng, với những chương trình phản cảm, chúng ta phải lên tiếng mạnh mẽ, kiên quyết loại bỏ để xây dựng môi trường giải trí lành mạnh.

Kiểm duyệt các sản phẩm, chương trình giải trí trước khi đưa lên sóng truyền hình hay mạng internet vẫn là bài toán chưa có lời giải đáp. Bên cạnh đó, trong môi trường internet mở như hiện nay, việc kiểm soát đối tượng người xem là bài toán "bất khả thi". Những dòng cảnh báo ngắn ngủi trên màn hình không đủ mạnh để người xem chuyển kênh hay tìm kiếm chương trình giải trí khác phù hợp. 

Khán giả chính là người nắm giữ quyền lực lớn nhất trong việc quyết định "sinh mệnh" của một sản phẩm nghệ thuật. Trong khi còn thiếu những chế tài đủ mạnh từ các cơ quan quản lý, có lẽ cần đến sự chung tay của khán giả bằng một thái độ nghiêm khắc và kiên quyết trước những sản phẩm phản văn hóa. Khán giả hãy sử dụng "quyền lực mềm" của mình để góp phần xây dựng những chương trình giải trí lành mạnh, có giá trị giáo dục, định hướng thẩm mỹ cho giới trẻ.

Tường Phạm
.
.