Cần triệt tiêu những “nghịch lý”

Thứ Năm, 17/05/2018, 09:24
Trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu một thực trạng tồn tại  nhiều năm nay trong đời sống xã hội của chúng ta: Đó là vì sao rất nhiều Nghị quyết rất đúng, rất trúng, nhưng việc thực hiện hiệu quả lại thấp? Vì sao qui trình thì đúng nhưng việc bố trí cụ thể lại sai?


Thực tế đáng lo ngại hiện nay trong xã hội của chúng ta là không khó tìm ra những "nghịch lý" như thế. Chẳng hạn như nhiều chủ trương chính sách đề ra kịp thời   nhưng chưa đi vào cuộc sống, qui chế đề ra chặt chẽ nhưng sản phẩm ra đời có nhiều méo mó, thậm chí là ngược với ý tưởng tốt đẹp.

Chẳng hạn như về công tác cán bộ, từ đào tạo, qui hoạch, bổ nhiệm, khâu nào cũng có qui trình, có nguyên tắc, qui định rất rõ ràng, thế mà vẫn để xảy ra không ít trường hợp bổ nhiệm "thần tốc", để lọt những người không đủ tiêu chuẩn. Trong quản lí kinh tế thì đề ra kỉ cương, kỉ luật, chế định này, nguyên tắc kia, tưởng không có gì kín chặt hơn, con muỗi có bay qua cũng bị nghiền nát, vậy mà vẫn để xảy ra những lỗ hổng, đến nỗi có những vụ việc chềnh ềnh như voi cũng ung dung chui thoát.

Có thể nhận ra hiện nay trên các lĩnh vực hoạt động của bộ máy Nhà nước chúng ta từ trên xuống dưới đang xảy ra rất nhiều những "nghịch lý" tai quái như thế. Những nghịch lý ấy như những cơn lũ quét, làm xói mòn lòng tin của người dân đối với sự lãnh đạo của Nhà nước, gây nên tâm lý nhàm chán, cho rằng tất cả những chế định cuối cùng chỉ là hình thức, là cái áo để che đậy cái bên trong trái ngược. Nguy cơ ấy ngày một lấn át, ít ai dám đứng lên kiên quyết triệt tiêu nó, rất nguy hiểm!

Hội nghị Trung ương 7, khóa XII đã đưa ra nhiều quyết sách về công tác cán bộ được dư luận đồng tình ủng hộ.

Gần đây tình hình đã có những chuyển biến tích cực hơn trước. Trong vị thế là Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đã làm nóng lên lò chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, thu hút sự quan tâm của dư luận. Quần chúng nhân dân phấn khởi, tin tưởng với cách làm mới, quyết tâm mới của đồng chí Tổng Bí thư. Đó cũng được coi như những phát súng đầu tiên nhằm triệt tiêu những "nghịch lý" đang gây tổn hại cho xã hội.

Từ thực tế kết quả những gì mà Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống   tham nhũng đã làm trong thời gian qua, chúng ta có thể thấy: Đấu tranh chống tiêu cực tham nhũng, suy thoái, xóa bỏ những nghịch lý giữa chủ trương tốt với kết quả trái ngược là một việc khó nhưng không phải là khó quá đến mức bó tay.

Tại sao chúng ta có những điều kiện thuận lợi như chủ trương rõ ràng, cơ chế minh bạch, lực lượng đầy đủ mà không phát huy được. Câu hỏi ấy phải đặt ra một cách thường trực đối với lãnh đạo các cấp. Phải chăng, sự quyết tâm được đặt lên hàng đầu. Quyết tâm cao mới tạo thêm sức mạnh. Không có quyết tâm thì khó mà thành công.

Gần đây, trong lần họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, đồng chí Tổng Bí thư đã thẳng thắn nêu ra: "Chống tham nhũng, ai nhụt chí thì dẹp sang bên để người khác làm". Đó chính là thể hiện một quyết tâm rất lớn và xuyên suốt của vị lãnh đạo cao nhất của Đảng ta.

Tư tưởng quyết tâm phải được thể hiện, chỉ đạo đến nơi đến chốn trong các vụ việc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, được thể hiện trong các biện pháp mạnh mẽ, triệt để, khắc phục khó khăn, điều tra, kiểm tra đến tận gốc rễ, không sờn lòng nản chí. Nhưng cái quyết tâm quan trọng hơn ở người lãnh đạo, trước hết là phải quyết tâm gạt bỏ những toan tính tư lợi trong chính bản thân mình, nhất là những cán bộ có trách nhiệm.

Nếu một ai đó, một tập thể nào đó còn âm thầm tính toán tư lợi, còn nể nang, còn không dám nhìn thẳng vào sự thật, còn bằng cách này hoặc cách khác để bao che, ngụy biện làm ngược lại những gì mà thể chế, pháp luật đã đặt ra…thì không thể có quyết tâm cao được. Ngược lại, như thế càng nuôi dưỡng những "nghịch lý" một cách tinh vi hơn thì càng nguy hiểm cho xã hội.

Quần chúng nhân dân hiện nay đều cảm nhận được rằng lò chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta nóng lên chưa đều. Ở Trung ương thấy quyết liệt hơn, sự quyết tâm nổi rõ hơn. Ở các đơn vị, địa phương, nhiều nơi vẫn có tình trạng nói mạnh mà làm chưa mạnh. Quyết tâm của lãnh đạo chưa xứng với sự mong muốn của người dân, chưa đem lại hiệu quả trông thấy.

Nhiều vụ việc tồn đọng, không giải quyết dứt điểm, minh  bạch. Nguy cơ bùng phát về những điểm nóng liên quan đến quyền lợi của người dân là rất lớn, không loại trừ nó sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội và an ninh cuộc sống. Không có cách nào khác là phải quyết tâm xóa bỏ ngay những nghịch lý giữa chủ trương và biện pháp, thể hiện rõ nhất là bằng những việc làm, biện pháp mạnh mẽ, đem lại hiệu quả để mọi người trông thấy.

Phạm Văn Thạch
.
.