Xét tặng danh hiệu NSND - NSƯT

Cần một sự đổi mới mạnh mẽ

Thứ Năm, 16/07/2015, 08:00
Theo số liệu được cập nhật trên Cổng thông tin điện tử Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT và DL), tới thời điểm này, sau 7 lần phong tặng kể từ năm 1984, cả nước đã có 265 NSND và 1602 NSƯT...

Đếm số huy chương, bỏ qua cống hiến?

Không nằm ngoài tiên liệu, mỗi dịp đến thời điểm định kì xét tặng danh hiệu nghệ sỹ nhân dân (NSND), nghệ sỹ ưu tú (NSƯT), sự chộn rộn, phấp phỏng, hồi hộp, âu lo sung sướng lẫn hờn mát giận lẫy rồi thất vọng là cảm xúc đan xen, chế ngự rất đông người làm nghệ thuật, trong đó không hiếm các tên tuổi gạo cội, đình đám. Mùa xét tặng danh hiệu nào cũng ngập tràn thị phi điều tiếng, và rốt cục tình trạng không ít các NSND mà dân không hề biết là ai, hoặc NSƯT mà đến người trong giới còn ngác ngơ tự hỏi: "lĩnh vực gì ấy nhỉ" vẫn diễn ra như đã từng trong quá khứ...

Vẫn “máy móc” tiêu chuẩn...

Theo số liệu được cập nhật trên Cổng thông tin điện tử Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT và DL), tới thời điểm này, sau 7 lần phong tặng kể từ năm 1984, cả nước đã có 265 NSND và 1602 NSƯT...

Nghệ sĩ Hồng Vân (trái) và Nghệ sỹ  Bạch Tuyết (giữa) được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân.

Kể từ năm 2012, Chính phủ đã đồng ý rút ngắn thời gian giữa mỗi đợt xét tặng từ 5 năm xuống còn 2 năm 1 lần, để các nghệ sĩ khỏi phải phấp phỏng trong tình trạng mỏi mòn chờ tới lượt. Năm 2015 vượt qua vòng tuyển chọn của các hội đồng cấp cơ sở, cấp chuyên ngành, hội đồng cấp bộ đã nhận được 57 hồ sơ đề nghị phong tặng NSND và 145 hồ sơ NSƯT.

Rút cục, sau những buổi họp để nâng lên đặt xuống, hội đồng cấp bộ đã gạt khỏi danh sách một số lượng nghệ sĩ đáng kể, trong đó có không ít những gương mặt nổi tiếng, được công chúng quen mặt biết tên, có lượng fan hâm mộ đông đảo để trình lên hội đồng cấp nhà nước 158 hồ sơ cả Nhân dân lẫn Ưu tú...

Từ khi Nghị định 89/CP/2014 được ban hành đưa ra các tiêu chuẩn cụ thể cho lần xét tặng này, nhiều nghệ sỹ đã lắc đầu tiếc nuối: Ngoài phần bổ sung một số khái niệm khá định tính như nghệ sỹ được phong tặng phải "Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống, tận tụy với nghề; có tài năng nghệ thuật xuất sắc, tiêu biểu cho ngành, nghề nghệ thuật; có uy tín nghề nghiệp; được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ", các quy định cứng hầu như không có gì thay đổi: "Có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia sau khi được tặng danh hiệu NSƯT". Và đây cũng chính là điều khoản thách đố, trói chân trói tay nhiều nghệ sĩ, sức cống hiến dồi dào.

Chiểu theo quy định này, ngay cả "Táo giao thông" NSƯT Chí Trung cũng bị hội đồng cấp bộ gạt khỏi danh sách. Điều tương tự cũng đến với NSƯT Minh Hằng, mặc dù đây là hai trong số các diễn viên sân khấu lấn sân truyền hình rất được đông đảo công chúng quen mặt biết tên và yêu thích. Sau lần bị thằng thừng từ chối thành NSND trước đây cũng vì lí do... thiếu huy chương,

NSƯT hề chèo nổi tiếng bậc nhất hiện nay Xuân Hinh quyết định không "xin xỏ, đơn từ, đề nghị gì nữa". Những gương mặt sáng giá tại TP Hồ Chí Minh như NSƯT Thành Lộc, ca sĩ Ánh Tuyết, ca sĩ Cẩm Vân... cũng từ lâu nhất quán nói "không" với... xin danh hiệu. Thông thường, trừ các nghệ sĩ công lập, các nghệ sỹ hoạt động tự do, hoạt động theo mô hình xã hội hóa hiếm khi tham gia các hội diễn, liên hoan cấp quốc gia mà mong nhận về các huy chương vàng, bạc tương ứng. Hay có dẫn quân thi thố, thì những danh tiếng đã được khẳng định như NSƯT Chí Trung cũng đủ tự trọng để không tranh vai với các đàn em trẻ hơn bởi hội diễn, liên hoan cũng 3 đến 5 năm tổ chức một lần, ai cũng giành phần cho mình thì người trẻ sẽ mãi mãi phí hoài sức thanh xuân khi phải nhẫn nại xếp hàng chờ tới lượt...

Đâu là định lượng cho tài năng và sự mến mộ?

Đây không phải lần đầu dư luận tỏ thái độ thiếu đồng tình với các quy định được ban hành trong quá trình xét tặng danh hiệu nghệ sĩ. Bỏ qua những râm ran về chuyện chạy danh hiệu, những xì xào quanh các thị phi yêu ghét (cố tình) lăng xê hoặc “dìm hàng” vẫn được rỉ tai nhau mỗi lần giờ G chuẩn bị điểm, thì rất khó có định lượng, hoặc hoàn toàn cảm tính nếu các hội đồng xét duyệt trao đi đổi lại, bàn thảo về tài năng và sự hâm mộ của công chúng với một cá nhân nghệ sĩ.

Ngoài chuyện thiếu huy chương (theo các điều khoản ràng buộc), thì ai dám (và đủ tư thế) xét duyệt tài năng cũng như sự đóng góp cho nghề nghiệp của các nghệ sĩ như Chí Trung, Thành Lộc, ca sỹ Ánh Tuyết, ca sỹ Cẩm Vân... Tương tự, nếu coi nghệ sỹ nhân dân là người được nhân dân mến mộ (nhất) thì ai sánh được với độ bền tên tuổi của hề chèo Xuân Hinh và danh hài Hoài Linh, dù Hoài Linh vẫn được gán cho cái mác "nghệ sĩ hải ngoại"... Chính bởi thực tế đầy mâu thuẫn này, nên đã có không ít nghệ sĩ nhân dân mà dân ngác ngơ không biết là ai, bạn nghề thì nhún vai lắc đầu "không bình luận" và cả truyền thông cũng lần mò khó tìm ra nhân thân, sự nghiệp.

Thực ra những năm gần đây, không hiểu vui hay buồn, lạc quan hay tràn trề thất vọng, nhưng sự kiện xét duyệt danh hiệu NSND, NSƯT đã mất đi sức nóng với ngay cả các nghệ sĩ. Đơn thuần chưa bàn đến tiêu cực (như đồn thổi) thì nội chuyện tiêu chuẩn, thủ tục đã là những bất cật được trao đi đổi lại, bàn thảo tranh cãi gay gắt hết lần này đến lần khác rồi kết cục, mọi chuyện vẫn y nguyên không biến chuyển gì.

Có các nghệ sỹ khát danh hiệu vẫn nhăm nhăm giành (giật) huy chương, có các nghệ sĩ (tặc lưỡi) hãy để cho quảng đại quần chúng nhân dân làm vị giám khảo hồn nhiên, công tâm, khách quan nhất. Thế nên, có những nghệ sĩ không thành NSND thì thiệt thòi mất mát trước hết là cho cái danh hiệu vẫn được suy tôn cao quý ấy.

Cũng chỉ vì thiếu huy chương mà Thị Mầu đình đám Thanh Trầm lần này mới bổ sung danh sách đề nghị, trong khi học trò của bà đã lần lượt vượt mặt bà từ lâu. Hay NSƯT Kim Liên, giọng hát văn được mệnh danh bà trùm, số 1 bao năm qua, cô gái Nam Định đã nhiều lần được Bác Hồ trực tiếp chọn ngâm thơ của Người vào dịp giao thừa tiễn đưa năm cũ đón chào năm mới, đến nay vẫn yên vị với danh hiệu NSƯT.

Quy định là do con người tạo ra, thủ tục cũng là do con người thừa hành mà thành, vậy nhưng bao năm nay, mỗi chuyện quy định, thủ tục xét duyệt danh hiệu NSND, NSƯT đã bị coi là quá sáo mòn, cũ kĩ và thiếu thực tế, thiếu công tâm khi áp dụng vào thực tế mà Bộ VH-TT và DL, đơn vị được giao làm tham mưu với Chính phủ vẫn giậm chân tại chỗ, không có (hoặc không dám) lựa chọn một sự thay đổi quyết liệt để tạo sức sống mới, sinh khí mới cho một công việc có sức ảnh hưởng xã hội sâu rộng...

Danh hiệu gửi tới... thiên đường

Còn nhớ cách nay chưa lâu, cả bạn nghề, dư luận lẫn truyền thông đã nháo nhác nhiệt tình đề nghị truy tặng danh hiệu NSƯT cho "trưởng thôn" Văn Hiệp khi diễn viên hài nhiều thiệt thòi này vừa nằm xuống. Cũng tương tự, một chiến dịch vận động để NSƯT Anh Dũng trở thành NSND cũng diễn ra lúc ông qua đời...

Truy tặng danh hiệu Nghệ sỹ ưu tú cho cố diễn viên Văn Hiệp.

Nhưng sự nhiệt tình thái quá khiến nhiều người quên bẵng đi các nghệ sĩ này cũng từng hiện hữu, từng đề nghị phong danh hiệu và từng.. bị từ chối thẳng thừng. Có nhiều danh hiệu đã và đang sửa soạn dược gửi tới... thiên đường, trong khi những thực thể sống, những nghệ sĩ vẫn đang còn nhiệt tình làm nghề, đủ sức khỏe cống hiến thì trầy trật vật lộn với cơ chế... xin cho và ban phát...

Không ít những giai thoại tồn tại bấy nay (và thực ra chưa hẳn khó kiểm chứng) về chuyện trao tặng, xét duyệt danh hiệu đã lan truyền nhiều năm trong giới làm nghề. Ví như một số nghệ sĩ ở một nhà hát nọ dù hoàn toàn xứng đáng về tài năng lẫn sức phổ cập, vẫn may mắn hơn đồng nghiệp cùng hệ ở nhà hát khác vì có thầy dạy, người được cho là khai sinh dẫn dắt họ từ buổi đầu chập chững vào nghề từng thời gian dài có vị thế trong hội đồng xét duyệt.

Các nghệ sĩ tỉnh lẻ được cho là "thân cô thế cô", dễ thiệt thòi trong cuộc chạy đua danh hiệu. Nghệ sĩ miền Nam cũng được cho là (bị) khó hơn nghệ sĩ phía Bắc trong xét tặng. Nghi vấn này có thể dễ bề kiểm chứng bằng thực tế và khi nhìn những danh hài Bảo Quốc, nghệ sỹ Thành Lộc, ca sỹ Cẩm Vân, Ánh Tuyết, nghệ sỹ Hữu Châu, Thanh Thủy... chưa thành "Nhân dân" hay "Ưu tú" thì mọi đồn đoán rất dễ được soi chiếu rành mạch, rõ ràng...

Lấy định mức huy chương làm tiêu chí quan trọng xét tặng danh hiệu nên đã xảy ra bao tình trạng dở khóc dở cười. Như "trưởng thôn" Văn Hiệp vốn về hưu từ sớm, cơ hội tham gia liên hoan hội diễn để thu giải thưởng là bằng không, vậy nên mỗi đợt xét tặng lúc sinh thời, ông có gửi hồ sơ cũng lập tức bị gạt ngay tắp lự. Chỉ đến khi ông "trưởng thôn" lành hiền qua đời vì bạo bệnh, cũng những người từng gạt hồ sơ trước sức ép từ dư luận, lại nhanh chóng chuộc lỗi, thấy cần phải "truy tặng" Văn Hiệp danh hiệu NSƯT...

"Hiền cá sấu" Phương Thanh cũng chỉ trở thành NSND khi không còn có mặt trên cõi đời để đón nhận. Ngược lại trong giới cũng đang dị nghị, vì huy chương, có nghệ sĩ đã rời bỏ nhà hát, rời bỏ đoàn diễn lên... trên làm lãnh đạo, rồi rậm rịch đến đợt xét duyệt, lại trở về nhận vai, tới hội diễn, lĩnh thêm huy chương bổ sung hồ sơ cho đầy đủ. Tránh những bức xúc, thậm chí có thể gọi là bất công với không ít tên tuổi nghệ sĩ, nhà viết kịch Thiều Hạnh Nguyên - nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh đã cảm thán: "Ước giá cái việc phong NSND cũng đưa vào các gameshow để bình chọn qua tin nhắn có khi chính xác phần nào. Nhưng ước chỉ là ước thôi...

Huy chương vào ai phần nào tùy thuộc vào kịch bản, bởi vai chính, phụ thuộc vào tính cách nhân vật được xây dựng theo cốt truyện kịch. Đôi khi diễn viên cả đời làm vai chính trong hàng chục vở, nhưng đến hội diễn nhân vật chính là tuýp không thuộc nhóm tính cách phù hợp, thế là xong... Không dự hội diễn thì không có huy chương, không huy chương đồng nghĩa không được phong danh hiệu... Đó là chưa kể, nghệ sĩ của nhân dân lăn lộn mọi miền đất nước, dân đón nhận, nhưng dân không ngồi hội đồng, mà tiêu chí để hội đồng chấm lại là huy chương hội diễn thì thua là tất yếu".

Buồn là thế, nhưng nhà viết kịch Thiều Hạnh Nguyên cũng chỉ biết tự an ủi mình rằng chị chỉ "Chia sẻ với những nghệ sĩ của nhân dân, những con ong âm thầm không mấy khi được tham gia hội diễn" chứ không biết làm cách nào khác... Nhiều nghệ sĩ đã dễ dàng trót lọt vượt qua các vòng xét duyệt chỉ bằng một bộ hồ sơ rất hợp lệ, đủ đầy danh mục, không để trống một ô kê khai nào chứ chưa chắc đã nhờ vào tài năng hay sự cống hiến...

Danh hiệu chỉ đẹp và có ý nghĩa với người nhận khi được trao và tặng đúng lúc, đúng nơi, đúng người nhận chứ không nên là sự ngậm ngùi tiếc thương hay đền bù để trấn an dư luận. Nghệ sĩ vẫn có thể thành danh nổi tiếng, được mến mộ cả đời mà không màng đến bất cứ một danh hiệu giấy trắng mực đen nào. Ngược lại, nghệ sĩ cũng được ghi nhận tôn vinh xứng với những gì họ đã rút ruột nhả tơ tận hiến cho đời ngay khi còn sống, còn lao động nghệ thuật, còn cảm nhận được niềm vui và sự thiêng liêng chứ không phải đợi đến lúc, những danh hiệu được ban phát ra khi đã quá muộn, và lại được “niêm phong” đóng gói và gửi tới... thiên đường...          

NSƯT Minh Vượng: Để công chúng trao danh hiệu cho nghệ sỹ

Xấp xỉ 12 giờ trưa, NSƯT Minh Vượng hộc tốc chạy ra chỗ hẹn rồi lại nhoang nhoáng chạy về nhà hát, vì anh chị em đang đợi, vở đang trên sàn tập. 5 năm sau ngày về hưu, nghỉ chế độ, người đàn bà sân khấu vẫn không ngơi nghỉ giây phút nào…

- Năm nay chị có nộp hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND không?

+ Không, tôi không nộp.

- Sao thế, chị dỗi chăng?

+ Tôi chỉ không làm hồ sơ thôi, có lí do gì đâu để phải dỗi…

- Một người đàn anh, bạn nghề rất thân với chị, NSƯT Xuân Hinh có làm hồ sơ đề nghị không?

+ Theo chỗ tôi được biết thì không. NSƯT Xuân Hinh 3 lần gửi hồ sơ đề nghị xét phong tặng NSND đều bị gạt ra ngoài…

- Lí do các hội đồng xét tặng đưa ra là do NSƯT Xuân Hinh không đủ chỉ tiêu huy chương theo quy định. Nhưng nếu xét theo khía cạnh được công chúng mến mộ, NSND là người được dân yêu mến thì mấy ai bằng Xuân Hinh. Vậy theo chị tiêu chuẩn phải hội tụ đủ số huy chương vàng các kì liên hoan hội diễn toàn quốc có gây thiệt thòi cho các nghệ sĩ đích thực?

+ Quá thiệt thòi. Ví như ở lĩnh vực sân khấu, thông thường 5 năm mới có một kì liên hoan hội diễn cấp quốc gia. Mà mỗi vở diễn chỉ có một hai vai chính. Cứ có huy chương vàng là được phong tặng, vậy các nghệ sỹ lại phải tranh vai của nhau sao? Nghề này có đặc thù, như các cụ đã đúc kết: Thầy già con hát trẻ, nghệ sĩ cần phải có sức trẻ, đề cao sự thanh xuân… Như tôi cách đây gần 20 năm cũng được 2 huy chương vàng, và đã được phong tặng danh hiệu NSƯT. Rồi 20 năm vừa qua, phải nhường vai, nhường cơ hội cho các em trẻ.

Không phải ai cũng may mắn để vào vai chính cả đời, cũng như nghệ sỹ quan trọng không kém là lòng mến mộ của khán giả, hình ảnh của nghệ sĩ trong mắt khán giả. Có những diễn viên đi đến đâu từ già đến trẻ ai cũng đều biết, đều gọi tên như NSƯT Xuân Hinh, dù về mặt thủ tục anh Xuân Hinh không có danh hiệu NSND. Hay như NSƯT Chí Trung, Minh Hằng của Nhà hát Tuổi trẻ, tôi cũng rất tiếc. Anh chị ấy không chỉ cống hiến nhiều ở lĩnh vực sân khấu, mà còn cả truyền hình, điện ảnh, ròng rã bao nhiêu năm nay.

Hay như tôi, về hưu đã 5 năm vẫn miệt mài làm sân khấu học đường, ngày diễn 2, 3, 4 "sô" với Nhà hát chèo Hà Nội để phục vụ thiếu nhi được đánh giá cao. Ngoài ra tôi còn tham gia giảng dạy ở Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội, truyền nghề cho các em để lĩnh về mức bồi dưỡng 35.000 đồng/giờ giữa thời gạo châu củi quế.

- Tài năng đã được chứng thực, sự yêu mến của khác giả có thừa và đến giờ vẫn miệt mài cống hiến, vậy sao chị không làm hồ sơ?

+ Cảm ơn, làm hồ sơ lại hỏi đến huân huy chương, phức tạp lắm.

- Vậy nếu không cứng nhắc nhìn vào số lượng huy chương để xét tặng danh hiệu cho nghệ sĩ, thì theo chị nên căn cứ vào đâu?

+ Nhìn vào sự cống hiến. Ai cũng có tuổi trẻ, ai cũng có thời thanh xuân. Nghệ sĩ thời thanh xuân qua rất nhanh, tuổi trẻ cũng không đợi ai cả. Có nhiều nghệ sĩ rất thiệt thòi như NSƯT Thanh Trầm. Thời của chị ấy, cứ nhắc đến Thanh Trầm là khán giả hình dung ra Thị Mầu, ra cả nhiều vai nữ chính của chèo truyền thống. Đến khi nghỉ chế độ, NSƯT Thanh Trầm lại năng nổ hoạt động hội, làm Chủ tịch Hội Nghệ sỹ sân khấu Hà Nội, được anh em đồng nghiệp quý mến. Chị ấy về hưu không diễn nữa, lấy đâu ra huy chương mà thống kê. Ngược lại, về tài năng và sự cống hiến, chị ấy cũng chả kém cạnh ai cả…

- Nhà viết kịch Thiều Hạnh Nguyên đưa ra một đề xuất vui vui là, danh hiệu nghệ sỹ hãy để cho chính công chúng đề xuất bình chọn?

+ Tôi thấy đấy cũng là ý hay. Tôi ủng hộ. Sân khấu là dành cho khán giả, không có khán giả thì không thể có sân khấu. Khán giả tinh lắm. Vậy hãy để chính công chúng xét và trao danh hiệu cho nghệ sỹ.

- Tức là giảm bớt quyền lực của các hội đồng xét duyệt như vẫn diễn ra?

+ Không thể phủ nhận là các hội đồng đó toàn người cao quý, nhưng dù có quán xuyến tốt đến đâu họ cũng không thể nhìn nhận hết.

- Bất cập trong việc xét duyệt danh hiệu lần nào cũng diễn ra với từng ấy lí do, vậy sao các nhà quảng lý không đưa ra một cách thức mới nào hợp lí hợp tình và nhận được nhiều sự đồng thuận hơn?

+ Tôi cũng không rõ, vướng mắc loanh quanh vẫn chuyện huy chương mà không thoát ra được. Theo tôi các cơ quan chịu trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ nên có cái nhìn thoáng hơn, thực chất hơn, vị tình nghệ sĩ và hài hòa các lợi ích hơn chăng…

- Trân trọng cảm ơn NSƯT Minh Vượng.

Nghệ sỹ Chí Trung làm thơ sau khi trượt danh hiệu NSND

Sau khi trượt danh hiệu NSND trong đợt xét tặng của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch năm nay, NSƯT Chí Trung trải lòng bằng thơ trên trang cá nhân. “Không hy vọng, bạn sẽ chẳng bao giờ thất vọng!"

Câu này tôi nghe, thoáng ở đâu
Lời nói đẩy đưa, bớt "lệ sầu"
Khúc khích cười vui, nhìn xuyên trán
Nỗi buồn đọng lại, đẩy cho sâu!
Công việc vẫn trôi, người vẫn đi
Vài ba danh hiệu, có đáng gì
Ngược xuôi tâm sức, tìm nhân ái
Dòng đời xuôi ngược, sẽ khắc ghi!

Tâm sự vui nhưng cũng đầy tâm trạng của Chí Trung được cộng đồng mạng xã hội quan tâm và lan truyền như một câu chuyện được chia sẻ. Một trong những lý do để anh và nghệ sỹ Minh Hằng bị trượt là thể theo quy chế xét tặng danh hiệu của Bộ VHTT&DL thì  việc chưa đủ số huy chương tham gia hội diễn sân khấu là lý do lớn nhất  khiến cả anh và nghệ sỹ Minh Hằng bị loại khỏi danh sách.

Mi Sol (thực hiện)
.
.