Cán bộ tốt cho Dân nhờ, Đảng mạnh

Thứ Năm, 13/02/2020, 08:50
Ngày 1/1/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020.


Một nhiệm vụ được chính phủ nêu ra là năm 2020 phải tinh giản 2% biên chế công chức; Tinh giản 2,5% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Điều này đang là thách thức đối với các tổ chức, đơn vị, địa phương, bởi từ ngày 1/1/2021, Bộ luật Lao động năm 2019 sẽ có hiệu lực.

Theo đó, kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ và như vậy thì từ năm 2021 trở đi, việc tinh giản sẽ còn khó hơn khi mục tiêu đặt ra là đến năm 2025 giảm tối thiểu 10% so với năm 2021 và năm 2030 giảm tối thiểu 10% so với năm 2025.

Sẽ có nhiều chính sách mới tác động trực tiếp đến nhiều cán bộ, công chức, viên chức từ năm 2020 (ảnh chỉ có tính minh họa).

Nhiều lãnh đạo quản lý hiện nay lo lắng việc tinh giản biên chế vốn đã khó, nhưng lại không tuyển dụng được người tài sẽ để lại hệ lụy cho hệ thống sau này. Việc tinh giản biên chế nếu làm không nghiêm, không minh bạch thì chúng ta dễ bỏ người tài, giữ những người năng lực yếu kém nhưng có tài nịnh bợ, luồn cúi ở lại. Quả là đáng lo lắng khi mà nguồn ngân sách nhà nước ngày càng eo hẹp, từng đồng thuế đóng góp từ mồ hôi nước mắt của dân đang phải cõng những suất biên chế dư thừa.

Trong các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước mỗi khi buộc thôi việc hay cho thôi việc một người lao động, thủ trưởng cơ quan vẫn có ít nhiều băn khoăn là mình đã "đẩy một người ra ngoài xã hội". Phải chăng "ngoài xã hội" là một cái gì đó đầy đen tối, tệ nạn, xấu xa, nên cho một người nghỉ việc đồng nghĩa với một hành động ác tâm?

Chính xác đây là lý lẽ bao biện để bao che cho tâm lý nể nang, né tránh, ngại khó, sợ phiền hà vì trong số những người trong diện tinh giản biết đâu họ lại là con cháu, thân quen với các lãnh đạo thì dại gì đụng vào, có khi chưa tinh giản được họ, "họ đã tinh giản mình rồi".

Thực trạng này khiến cho công cuộc tinh giản biên chế mãi rơi vào vòng luẩn quẩn, không loại được những người yếu kém ra khỏi hệ thống, bộ máy cồng kềnh vẫn cứ cồng kềnh và hoạt động vẫn kém hiệu quả.

Để thực hiện việc tinh giản biên chế, nhiều đơn vị, địa phương đã áp dụng nguyên tắc "ra 2 vào 1", nghĩa là tinh giản được 2 nhân sự thì sẽ được tuyển mới 1 nhân sự. Thế nhưng thực tế hiện nay, trong cách tuyển dụng vẫn còn quá nhiều bất cập, thiếu công khai, minh bạch, vẫn vị nể, thân quen, khiến việc mong đợi có một đội ngũ cán bộ thực sự chất lượng kế thừa sau này là điều khá mơ hồ.

Thực tế trong thời gian qua, việc tinh giản biên chế chủ yếu là dựa vào nguồn cán bộ, công chức, viên chức về hưu là chính, hoặc biên chế năm sau giảm so với năm trước nhờ vào chỉ tiêu biên chế giao cho thấp hơn.

Chúng ta rất khó tìm được ở cơ quan, tổ chức, địa phương những cán bộ, công chức, viên chức 2 năm liền không hoàn thành nhiệm vụ để cắt, giảm. Vì nếu cứ đối chiếu với tất cả những tiêu chuẩn của một công chức, thì ai cũng đều đầy đủ: Bằng cấp, tuổi tác, sức khỏe… tất cả đều ổn. Chỉ trong trường hợp họ vi phạm pháp luật tới mức bị tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo và bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì hình thức kỷ luật cao nhất đối với cán bộ, công chức cũng chỉ là buộc thôi việc, còn những người không làm được việc vẫn ung dung ở trong bộ máy Nhà nước.

Chứa chấp người làm không được việc trong các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước, nhìn một góc độ khác thì đó là sự lạm dụng vị trí, quyền lực để tìm kiếm "đồng minh", tập hợp bè phái, trù dập, loại ra những người không "hợp cạ". Điều này đang làm hư hỏng đội ngũ cán bộ, tha hóa tổ chức, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng.

Khi những người tài không được trọng dụng, không muốn vào làm việc trong các cơ quan Nhà nước, thì tiền lương kia sẽ dành cho những kẻ yếu kém, trì trệ, kéo lùi sự tăng trưởng và phát triển đất nước.

Chúng ta đã có chỉ thị, nghị quyết về cải cách tiền lương, tinh giản biên chế, lựa chọn, quy hoạch cán bộ. Tuy nhiên, từ nghị quyết đến cuộc sống là cả một chặng đường dài đầy khó khăn. Nếu không vượt qua được những lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, sự ích kỷ của bản thân… thì dù có quyết tâm đến mấy cũng không thể đạt được kết quả như mong đợi.

Để sớm có một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, phải xem việc tinh giản biên chế là "cuộc cách mạng" trong bộ máy, là sự đổi mới toàn diện, triệt để, xóa bỏ những cái cũ kỹ, lạc hậu. Đã là cuộc cách mạng thì chắc chắn phải có sự hy sinh, và có sự quyết tâm lớn mới có thể làm được. Cắt nhưng phải "cắt đúng" những đối tượng vô tích sự, cơ hội, những kẻ thiếu đức, kém tài. Tuyển thì phải tuyển người có tâm, có tài, thay vì "hậu duệ, quan hệ hay tiền tệ".

Nhân dân mong mỏi có một đội ngũ cán bộ tốt, có tâm, xứng tầm cho "Dân nhờ, Đảng mạnh".

Cù Tất Dũng
.
.