Cải lương mòn mỏi chờ bứt phá

Thứ Hai, 24/09/2018, 07:50
Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2018 (do Cục Nghệ thuật Biểu diễn và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp tổ chức) diễn ra từ ngày 5 đến ngày 19-9 tại TP Tân An, tỉnh Long An, với 32 vở diễn của hơn 20 đơn vị từ Bắc chí Nam. Tuy có nhiều đổi mới, mở rộng đề tài, đối tượng tham gia... nhưng liên hoan vẫn khiến giới chuyên môn và người yêu cải lương lo âu, trăn trở trước tham vọng vực dậy cải lương.


“Mùa liên hoan” với nhiều trăn trở vực dậy cải lương

Liên hoan diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm bộ môn nghệ thuật cải lương ra đời, nhưng đây cũng là thời điểm sức sống của nó đang bị đe dọa nghiêm trọng. Việc công chúng không còn mặn mà với cải lương là nỗi buồn mấy chục năm nay. Ngoài sự cạnh tranh khốc liệt của các loại hình nghệ thuật, giải trí khác thì chính bản thân sân khấu cải lương cũng tồn tại nhiều vấn đề bất cập nên không chinh phục được khán giả.

Là bộ môn nghệ thuật từng lên đỉnh hoàng kim ở cả miền Nam lẫn miền Bắc nhưng hiện nay, hai trung tâm - hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn chưa có một nhà hát chuyên nghiệp để cải lương sáng đèn thường xuyên. Nhà hát Trần Hữu Trang từng được kỳ vọng là thánh đường cải lương thì giờ cũng được sử dụng theo kiểu “được chăng hay chớ” vì nhiều hạng mục không thể sửa chữa do thiết kế sai quy cách.

Trong hơn 20 đoàn cải lương trên cả nước tham gia liên hoan năm nay, có đến 8 đoàn ngoài công lập. Đây là điểm mới của liên hoan khi ban tổ chức bỏ từ “chuyên nghiệp” trong tên gọi để mở rộng đối tượng tham gia, cho phép các đơn vị nghệ thuật cải lương công lập và ngoài công lập có thời gian hoạt động nghệ thuật liên tục từ 12 tháng trở lên được tham dự. Nhờ vậy, các đoàn ngoài công lập đã mang đến nhiều màu sắc mới mẻ cho liên hoan năm nay.

Vở “Rạng ngọc Côn Sơn” có nhiều phá cách, làm mới khi tham dự Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018.

Vở “Hồn của đá” được đạo diễn Trương Văn Trí thổi làn gió mới nhờ thiết kế sân khấu với màn hình led lớn với minh họa tranh cát thú vị, làm tăng tương tác cho vở diễn và tăng sự tưởng tượng cho khán giả.

NSƯT Kim Tử Long có nhiều tìm tòi, sáng tạo cho vở "Rạng ngọc Côn Sơn" khi phá cách, dàn dựng theo phong cách cải lương tuồng cổ, vũ đạo đẹp mắt. Nhiều đoàn mạnh tay đầu tư tài chính, nhân lực, chăm chút trong việc hòa âm phối khí, sử dụng nhiều nhạc cụ cổ chứ không lạm dụng dàn nhạc điện tử.

Ngoài ra, liên hoan có nhiều điểm cải tiến như: Cho phép các đơn vị được tự do lựa chọn đề tài; ban tổ chức hạn chế duyệt, góp ý để tôn trọng sự sáng tạo, tự nhiên của các đoàn… Các đoàn biểu diễn sẽ thi tại sân khấu của mình mà không cần đến địa điểm của đơn vị đăng cai để giảm áp lực kinh phí, nhất là với các đoàn xã hội hóa.

Thậm chí, nhiều đoàn còn mạnh dạn bán vé để đo hiệu ứng khán giả. Để ngăn chặn tiêu cực, đảm bảo sự công bằng minh bạch khi chấm giải, Ban tổ chức quy định các nghệ sĩ tham gia trong các khâu sáng tạo vở diễn như chỉ đạo nghệ thuật, trưởng đơn vị nghệ thuật, họa sĩ thiết kế, nhạc sĩ sáng tác âm nhạc, đạo diễn dàn dựng, diễn viên… không được ngồi ghế giám khảo. Những đổi mới này được Ban tổ chức kỳ vọng sẽ giúp đời sống cải lương sôi nổi hơn và kéo khán giả đến rạp, hướng đến việc vực dậy nghệ thuật cải lương.

Thế nhưng kỳ vọng kéo cải lương về thời nhộn nhịp vẫn khá xa vời vì những đổi mới trên chỉ giải quyết cơ bản phần “ngọn” mà chưa thể trị “gốc”. Với chủ đề “Danh tài hội tụ”, liên hoan có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ cải lương nổi tiếng như NSƯT Minh Vương, NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Trinh Trinh, NSƯT Phượng Loan…

Tuy có sự xuất hiện của nhiều gương mặt nổi tiếng nhưng các vở diễn vẫn chưa thu hút khán giả dù phần lớn các vở mở cửa tự do. Tại buổi biểu diễn vở “Rạng ngọc Côn Sơn” của Công ty TNHH Dịch vụ - Giải trí Kim Tử Long, mặc dù điểm thi là Nhà hát Bến Thành - ngay trung tâm TP Hồ Chí Minh nhưng khán phòng lác đác khán giả. Người đến xem chủ yếu vẫn là người thân, bạn bè nghệ sĩ. Điều đó chứng tỏ khâu quảng bá để khán giả biết đến liên hoan còn quá yếu.

Một vấn đề nổi cộm tại liên hoan năm nay và cũng là căn bệnh trầm kha của sân khấu cải lương - đó chính là cơn khát kịch bản. Dù quy định vở dự thi phải được dàn dựng từ năm 2014 đến nay, nhưng hầu hết vẫn là kịch bản cũ được dựng mới. Các vở tạo tiếng vang như “Rạng ngọc Côn Sơn” (Công ty TNHH Dịch vụ - Giải trí Kim Tử Long), “Hồn của đá” (Công ty TNHH Nguyễn Vĩnh Lộc), “Thái hậu Dương Vân Nga” (Sân khấu Lê Hoàng), “Hiu hiu gió bấc” (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang)... không có gì mới mẻ ở nội dung kịch bản. Nếu có vở mới thì nhiều vở đi theo mô típ cũ kỹ, lạc thời nên không mấy hấp dẫn khán giả.

Nhìn lịch trình, liên hoan đúng nghĩa là nơi các nghệ sĩ diễn xong, lãnh huy chương rồi về, đoàn nào biết đoàn nấy trong khi đây là cơ hội tốt để họ giao lưu, học hỏi. Ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam mong muốn liên hoan có thêm hội thảo, tọa đàm để cơ quan quản lý và nghệ sĩ cùng nhau ngồi lại bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho cải lương. Nhưng mong muốn này khó thành hiện thực.

Bên cạnh đó, trước tình trạng các vở chỉ diễn vài suất rồi cất kho sau khi thi thố xong, ông Võ Trọng Nam đề xuất: “Về việc quảng bá các tác phẩm sau liên hoan, ở góc độ của Sở, chúng tôi có kinh phí để phục vụ ở khu vực ngoại thành, vùng sâu, vùng xa, công nhân... nên rà soát lại các đơn vị xã hội hóa nếu có nhu cầu biểu diễn quảng bá tác phẩm sẽ bố trí phục vụ cho công nhân các khu chế xuất, trung tâm văn hóa quận, huyện”. Song nhiều năm qua, việc quảng bá tương tự như thế cũng chưa mang lại hiệu quả cao.

Thạc sĩ văn hóa Phạm Thái Bình, Trung tâm Văn hóa TP Hồ Chí Minh: Liên hoan, hội diễn vẫn là cuộc chơi của các bậc lão làng

Sở dĩ cải lương tồn tại đến ngày hôm nay là do nhiều yếu tố cộng hưởng. Bên cạnh nội dung tuồng tích, thể tài đa dạng; đội ngũ sáng tạo (gồm: soạn giả, đạo diễn, diễn viên, nhạc công…) dày dạn kinh nghiệm chuyên môn; thì âm nhạc và các yếu tố mỹ thuật (như: cảnh trí, đạo cụ, trang phục) cũng góp phần quan trọng giúp cho cải lương có sức cuốn hút mạnh mẽ so với các loại hình sân khấu truyền thống khác của dân tộc.

Tiếc rằng, trong liên hoan lần này, khâu âm nhạc và cảnh trí của một số vở diễn đã không được chú trọng. Lạm dụng quá nhiều kỹ xảo, trang thiết bị điện tử làm mất đi bản sắc của nghệ thuật cải lương đó là tính ước lệ và đậm chất trữ tình. Đó là chưa kể trang phục của diễn viên chưa phù hợp với nội dung vở diễn.

Hiện thời, những soạn giả sáng tác kịch bản cải lương (nhất là lớp trẻ) chỉ đếm trên đầu ngón tay, số lượng và chất lượng vô cùng hạn chế. Thông qua những cuộc liên hoan như thế này sẽ phát hiện và bồi dưỡng những gương mặt mới, những cây viết trẻ với bút lực khỏe khoắn cho sân khấu cải lương.

Nhưng đáng buồn thay, Ban tổ chức chấp thuận cho sử dụng những tuồng tích cũ, các đơn vị chỉ việc “xào đi nấu lại”, “bình mới rượu cũ” khiến liên hoan không có nhiều vở diễn mang hơi thở mới của thời đại và điều đó cũng đồng nghĩa với việc đội ngũ sáng tác trẻ của sân khấu cải lương ngày càng khan hiếm.

Rốt cuộc các liên hoan, hội diễn cũng chỉ là sân chơi dành cho các tác giả, đạo diễn lão làng có uy tín trong nghề chứ không phải là hoạt động nhằm tìm kiếm, phát hiện tài năng mới để bổ sung lực lượng kế thừa. Tại Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018, có thể kể ra những cái tên quen thuộc như đạo diễn, NSND Trần Ngọc Giàu dàn dựng đến 5 vở cho 5 đoàn cải lương: “Tình yêu thời chiến” - Đoàn cải lương Trần Hữu Trang, “Cánh buồm ngược gió” - Nhà hát Tây Đô, “Những con sóng vô hình” - Hội Nghệ sĩ Sân khấu TP Hồ Chí Minh, “Bão dậy trời Long Hưng” - Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang, “Hồi sinh” - Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai; đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai và đạo diễn, NSND Giang Mạnh Hà thì mỗi người “ôm” 3 vở.

Riêng soạn giả Hoàng Song Việt thì chạy show đến 6 vở: “Hiu hiu gió bấc”, “Ngày đó họ đều còn trẻ”, “Ngạ Quỷ”, “Tổ quốc nơi cuối con đường”, “Cuộc đời của mẹ”, “Thành phố buổi bình minh”. Về phần âm nhạc, NSƯT Hồ Văn Thành, nhạc sĩ Thanh Dũng phụ trách đến 5 vở.

Để bảo tồn và phát huy những giá trị đặc sắc vốn có của nghệ thuật cải lương, thiết nghĩ các chủ thể của di sản độc đáo này (cơ quan quản lý, soạn giả, nghệ sĩ, diễn viên) phải trao đổi, thống nhất phương án thực hiện sao cho hợp lý, khoa học và có tính hệ thống; phải ưu tiên đầu tư đào tạo một cách căn cơ, bài bản lực lượng kế thừa (diễn viên, nhạc công, đạo diễn, đội ngũ sáng tác); phải giới thiệu và truyền bá nghệ thuật cải lương đến với lực lượng công chúng (nhất là lớp trẻ), giúp họ am hiểu sâu sắc và trân quý hơn di sản đặc sắc này…

Chắc chắn phải trải qua quá trình hoạt động lâu dài, mất nhiều thời gian và tâm sức… thì mới có thể hy vọng sàn diễn cải lương được “sáng đèn”, chứ không phải chỉ thông qua những cuộc liên hoan, hội thi mà vực dậy sân khấu cải lương như thời hoàng kim.

Nhà báo, nghệ sĩ Thanh Hiệp: Đào tạo nguồn nhân lực là vấn đề cấp bách

Cần trả lại những chuẩn mực cho nghệ thuật cải lương mà yếu tố đào tạo đóng vai trò quan trọng. Đào tạo nguồn nhân lực cho sàn diễn: tác giả, đạo diễn, diễn viên, thiết kế mỹ thuật, nhạc công, chuyên viên âm thanh, ánh sáng và quan trọng hơn hết là đào tạo khán giả. Tôi đã từng công tác ở nhiều nước, tìm hiểu những sân khấu ở các quốc gia có nền công nghệ tiên tiến như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Hàn Quốc… để biết rằng họ cũng đã từng gặp không ít khó khăn như sân khấu Việt Nam đang đối mặt. Thế nhưng họ đã có chiến lược để bảo tồn và hỗ trợ trong kế hoạch phát triển nguồn nhân lực, đồng thời quan tâm đến việc đào tạo khán giả.

Ở Hàn Quốc, sinh viên các trường đại học được khuyến khích chọn học một nhạc cụ dân tộc. Nhà trường cấp kinh phí đào tạo và mua nhạc cụ. Họ chỉ được yêu cầu học nhạc cụ để nâng cao hiểu biết và góp phần bảo tồn, không bắt buộc sinh viên phải chọn học và trở thành nhạc sĩ, nghệ sĩ chuyên nghiệp.

Chính vì được học, được tìm hiểu mà họ ý thức được việc gìn giữ, nâng niu những giá trị cội nguồn văn hóa, nghệ thuật của nước nhà. Sinh viên các nước còn được hỗ trợ kinh phí để đi xem nhạc kịch, các chương trình hòa nhạc miễn phí. Họ được thụ hưởng văn hóa trong lịch trình biểu diễn hằng năm của các nghệ nhân văn hóa dân tộc, chính vì thế các thế hệ nghệ nhân an tâm truyền thụ kinh nghiệm cho học trò chuyên tâm theo nghề, họ an tâm vì đời sống kinh tế đã được Nhà nước chăm lo với mức lương và thu nhập đủ sống, và đặt hết trọng tâm vào việc biểu diễn, truyền nghề. Chứ không như ở ta, bao nhiêu năm qua, nghệ sĩ cải lương phải “tự bơi” trong “bể khổ” của chính mình, yếu tố con người ở đây đã bị phân tán quá nhiều công việc để mưu sinh, để tự cứu lấy mình.

Đối với đội ngũ phóng viên sân khấu nhiều năm qua lỗ hổng lớn nhất chính là lĩnh vực lý luận phê bình sân khấu cải lương chưa mang tính đột phá. Khoảng cách thế hệ cầm bút chuyên viết về lĩnh vực sân khấu cải lương hụt hẫng từ nhiều thập niên qua khi mà chế độ bồi dưỡng, huấn luyện, thậm chí tổ chức những buổi trao đổi nghiệp vụ đã không được quan tâm. Từ đó chỉ thấy những bài báo mang tính giới thiệu khái quát hoặc mổ xẻ những vấn đề chung quanh sự kiện của sàn diễn cải lương mà chưa đi vào trọng tâm phân tích những mặt hạn chế, tích cực khiến sàn diễn cải lương như một con bệnh trầm kha, ai cũng biết nguy kịch nhưng không thể kê đơn, bốc thuốc để điều trị dứt điểm.

Nghệ thuật cải lương chạm mốc 100 năm, thế nhưng chúng ta đã có lỗi với tiền nhân. Tôi khẩn thiết mong muốn TP Hồ Chí Minh sớm khôi phục lại hoạt động của Viện Nghiên cứu nghệ thuật cải lương. Trước đây đã từng tồn tại Viện này, nhưng vì hoàn cảnh mà đóng cửa. Nơi đây chính là cơ quan lưu trữ, tổ chức nghiên cứu, gìn giữ những tư liệu, hình ảnh, băng đĩa, hệ thống thu âm những giá trị tinh hoa của các thế hệ nghệ sĩ. Nếu được khôi phục, đây là nơi sẽ lưu trữ kịch bản, hình ảnh thiết kế mỹ thuật, đồng thời sẽ là nơi tư vấn hữu ích cho chiến lược phát triển của sân khấu cải lương từ những chính sách, nghị định kịp thời của các cấp có thẩm quyền.

NSND Giang Mạnh Hà:Vực dậy cải lương bằng sự đổi mới táo bạo

Hằng năm, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam vẫn tổ chức trại sáng tác cho tác giả ba miền, nhưng kịch bản cho cải lương 30 năm qua chưa có sự đột phá về thi pháp kịch, chưa phát hiện được tác giả trẻ, mới viết kịch bản cải lương. Chính vì thế, trong các cuộc thi, liên hoan, hội diễn có đến 70% vở cải lương chuyển thể từ kịch nói và các thể loại khác. Lực lượng tác giả am hiểu chuyên sâu viết về cải lương đang thiếu, mỏng là thực trạng đáng lo cho tương lai. Nhưng vì sao mấy chục năm qua chưa xuất hiện được gương mặt tác giả mới viết kịch bản cải lương?

Có phải chăng do nền văn hóa nghệ thuật của đất nước cạn kiệt nhân tài, hay do chế độ thù lao nhuận bút không tương xứng. Tôi nghĩ bản thân mỗi tác giả phải thay đổi thủ pháp sáng tạo để phù hợp với quy luật phát triển, bên cạnh đó là cơ chế chính sách của Nhà nước phải kích thích chắp cánh cho tài năng bay lên.

Chúng ta không thể bó tay chấp nhận và bằng lòng với cách làm hiện nay nếu cứ mãi bám vào quá khứ, gặm nhấm với thành công rồi bảo thủ, duy ý chí thì nền sân khấu của ta sẽ yếu kém toàn diện so với khu vực và trên thế giới. Không còn con đường nào khác, thực tiễn của nền sân khấu Việt Nam đòi hỏi phải thay đổi, công chúng khán giả đòi hỏi phải thay đổi. Quy luật vận hành khách quan của thế giới đã bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cả nhân loại được phơi bày trên mặt phẳng của thời đại kỹ thuật số đòi hỏi phải thay đổi.

Hầu hết trang thiết bị kỹ thuật của các đoàn nghệ thuật cải lương đã xuống cấp. Vì vậy nhất thiết phải được đầu tư hệ thống âm thanh, ánh sáng, màn hình led công nghệ kỹ thuật mocphing, xưởng chế tạo các mô hình sân khấu ảo, hiệu ứng kỹ thuật giải mã tàng hình, biến từ không thành có, được bấm nút điều khiển từ xa theo mô hình cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà thế giới đang sử dụng là xu thế phát triển chung mà sân khấu Việt Nam không là ngoại lệ.

Bản chất của nghệ thuật là sáng tạo không ngừng, trăm hoa đua nở, càng nhiều tác phẩm vở diễn sáng tạo đột phá, độc đáo, mới lạ, khác biệt với cách làm cũ càng được công chúng ủng hộ. Chúng ta không nên sợ đưa kỹ thuật công nghệ cao của thế giới vào sân khấu cải lương là phá cải lương. Bởi các vở diễn hiện đại vẫn còn sử dụng âm nhạc, làn điệu cải lương thì nó vẫn mãi mang thần thái hồn phách của cải lương. Điều quan trọng là sử dụng kỹ thuật công nghệ đó như thế nào? Có phù hợp không? Tính hiệu quả và chất lượng ra sao?

Từ thuở manh nha, nghệ thuật cải lương đã mang trong mình sự tiếp nhận, giao thoa và đổi mới. Vậy thì thế kỷ 21 với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta không thể không đổi mới sân khấu cải lương. Quyết tâm đổi mới phải chấp nhận sự phản bác trái chiều của giới chuyên môn, công chúng, thậm chí bị “ném đá” tơi bời bởi cái mới bao giờ cũng lạ, cái lạ khi đi trước mở đường thì ít được ủng hộ, đối mặt với nhiều chông gai, nhưng một khi đã được nhiều người biết rồi thì đâu còn gọi là mới lạ nữa. Mong rằng Nhà nước, nghệ sĩ, khán giả hãy cùng chung tay thay đổi toàn diện và đồng bộ xây dựng giải pháp có lộ trình, bước đi cụ thể để nghệ thuật cải lương có một sức sống mới, diện mạo mới, hơi thở mới.

Mai Quỳnh Nga
.
.