Cái giá của sự phát triển

Thứ Sáu, 26/08/2016, 07:32
Câu chuyện Formosa chưa kịp lắng lại, nỗi âu lo về Tân Rai, Nhân Cơ đã dấy lên. Rồi thêm vào đó là những cuộc thanh tra môi trường ở những dự án đồ sộ khác, những cuộc thanh tra bắt đầu chỉ ra những vết thương mà Đất Mẹ phải oằn mình gánh chịu, để đánh đổi cho một thứ rất chủ quan và duy ý chí là "phát triển"...


"Hai ngày qua, Vân đã có một trải nghiệm thú vị khi sống ở nhà dân tại tỉnh Tiền Giang, trong dịp khánh thành cầu Khang Linh. Phải ở đây mới thấy được người dân ở miền Tây, đặc biệt là những hộ có hoàn cảnh khó khăn thực sự sống như thế nào. Vân đã hái rau, cho heo ăn, trèo cây hái mận, ra chợ bán rau... toàn là những trải nghiệm đặc biệt và khó quên. Những hộ ở đây còn gặp vấn đề thiếu nước sạch nhưng cái họ có dư chính là tình thương và tiếng cười. Thương lắm những người dân chân quê dù thiếu thốn nhưng vẫn lạc quan vui vẻ".

Đó là chia sẻ trên facebook của một Á hậu nhân dịp cô xuống xã Thiện Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang chuẩn bị cho lễ khánh thành một cây cầu dân sinh do qũy thiện nguyện Nam Phương Foundation thực hiện. Cô Á hậu ấy là một trong những đại sứ thiện chí của Nam Phương Foundation, suốt 3 năm qua đã cùng quỹ thiện nguyện ấy kêu gọi đóng góp xây dựng hơn chục cây cầu cho các xã vùng sâu vùng xa, nơi trẻ em còn phải mạo hiểm tính mạng của mình để được đến trường.

Cây cầu mà cô và đồng nghiệp trong quỹ mới thực hiện xong nằm ở một xã không quá xa TP Hồ Chí Minh, chỉ mất chừng 2 giờ đi xe, nhưng chính những gì cô chia sẻ chắc chắn khiến ta suy nghĩ.

Khu kinh tế Công nghiệp Vũng Áng - Hà Tĩnh đang là tâm điểm của dư luận về những tác động tiêu cực lên môi trường sống của người dân nơi đây.

"Thiếu nước sạch" ư? Ở ngay một tỉnh lớn, cách trung tâm TP Hồ Chí Minh chỉ 2 giờ xe thôi sao? Thực tế ấy khiến chúng ta hẳn phải đau lòng. Miền Tây Nam bộ, mới chỉ cách đây vài tháng thôi còn hạn hán. Bây giờ, mùa mưa về rồi, không còn hạn nữa nhưng có nước đấy thì vẫn là nước chưa sạch. Vậy thì ở những miền quê xa xôi hơn nữa thì sao? Chương trình nước sạch nông thôn chúng ta đã có nhưng chắc hẳn chưa thể đủ sức để "phủ sóng" mọi miền đất nước.

Như thế, để hiểu rằng, trên dải đất quê hương hình chữ S này, vẫn còn rất nhiều vết thương, những vết thương về môi sinh và đời sống dân sinh, những vết thương có thật.

Đó không phải là câu chuyện nhỏ nữa, bởi chúng đã bắt đầu trở nên chuyện bình thường mỗi ngày dù rằng bây giờ đã là thế kỷ 21, và chúng ta đang nói về hiện đại hóa, đang nói về những giá trị như "nông thôn mới". Và đó càng không phải là chuyện nhỏ nữa khi chúng ta nhìn dọc chiều dài đất nước, để nhận ra rằng có những vết thương còn sâu hơn, và lớn hơn.

Câu chuyện Formosa chưa kịp lắng lại, nỗi âu lo về Tân Rai, Nhân Cơ đã dấy lên. Rồi thêm vào đó là những cuộc thanh tra môi trường ở những dự án đồ sộ khác, những cuộc thanh tra bắt đầu chỉ ra những vết thương mà Đất Mẹ phải oằn mình gánh chịu, để đánh đổi cho một thứ rất chủ quan và duy ý chí là "phát triển".

Và cũng chỉ sau câu chuyện bi kịch ở Yên Bái, chúng ta mới được đọc lại một bài báo cũ của một đồng nghiệp, kể về câu chuyện rừng ở Yên Bái có những cây được đánh dấu rõ nó thuộc về những cán bộ nào. Không phải đơn giản gì để nói được ra sự thật ấy nhưng cũng không phải đơn giản gì để sự thật ấy bị lấp che đi vào lãng quên trong một thời gian dài, và chỉ được phơi bày trở lại sau một tấn bi kịch.

Hôm đầu tuần, lễ bế mạc Olympic ở Rio de Janiero, Brazil diễn ra với hình tượng mầm sống lên xanh và trở thành cây cổ thụ. Ban tổ chức Olympic Rio muốn nhắc lại, và tri ân các vận động viên toàn thế giới đã gieo mầm hơn 1.000 cây xanh ở Rio. Họ kỳ vọng rằng đây sẽ là một Olympic xanh, để một thời gian nào đó trong tương lai rất xa, Olympic trở lại với Rio, và những thế hệ vận động viên tương lai sẽ là những người được hít căng buồng phổi mình một bầu không khí trong sạch.

Phong trào trồng cây ở Việt Nam đã được phát động hơn nửa thế kỷ nay rồi, bởi chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đó cho thấy chúng ta đã từng ý thức rất sớm về chuyện tạo dựng một môi trường sống lành mạnh, gần gũi với thiên nhiên, một môi trường sống mà Liên hợp quốc hôm nay đang kêu gọi sự tham gia của tất cả các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển.

Vậy mà sau hơn nửa thế kỷ đã thuộc lòng giá trị của môi trường xanh, chúng ta đã làm được gì với bài học ý nghĩa đó? Đau lòng thay, chúng ta lại đang tạo ra những vết thương trên chính Đất Mẹ của mình, những vết thương hằn lên môi trường sống, những vết thương đã biến những đô thị trong trẻo của mấy thập niên trước trở thành những đô thị của khói bụi, những vết thương đã biến những vùng miền không quá xa thành phố phát triển là mấy nhưng vẫn thiếu nước sạch, những vết thương đòi hỏi nhiều chục năm mới có thể lành lặn trở lại như những gì mới xảy ra ở miền Trung, ở Tây Nguyên…

Đừng ngụy biện thêm với nhau rằng đó là cái giá của sự phát triển. Giá thì có rất nhiều mức giá. Lựa chọn mức giá nào chỉ là quyết định của chúng ta mà tiếc thay, có những lúc vì lòng tham, chúng ta quyết định phải cái giá quá đắt về lâu về dài.

Hà Quang Minh
.
.