Cái bẫy “cực đoan”

Thứ Năm, 08/10/2020, 09:02
Trong mấy ngày gần đây, có một tranh luận khá sôi nổi xoay quanh “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du. Chuyện đúng - sai giữa các bên tham gia tranh luận kể trên không phải là thứ chúng ta cần bàn ở đây. Có trước hay có sau “Kim Vân Kiều truyện” đi nữa, “Truyện Kiều” của Nguyễn Du vẫn là một tác phẩm văn học độc lập, có giá trị lớn lao đối với nền văn học nước nhà.


Việc đáng bàn ở câu chuyện này nằm ở chỗ nó là một ví dụ cực kỳ tiêu biểu cho một xu thế đang có vẻ mạnh lên trong khoảng hơn chục năm trở lại đây: xu hướng cực đoan hoá, sẵn sàng phủ nhận tất cả những ảnh hưởng ngoại biên, đặc biệt là ảnh hưởng từ văn hoá Trung Quốc.

Tất cả chúng ta đều hiểu mối quan hệ rất nhạy cảm giữa Việt Nam với Trung Quốc từ nhiều thế kỷ qua và do đó, chúng ta chấp nhận một tâm lý rất chung của người Việt đối với Trung Quốc. Trong tâm lý chung đó, sự tự tôn thái quá luôn tồn tại như một biểu hiện muốn chống lại sự ảnh hưởng. 

Phải thừa nhận, là người Việt, chúng ta luôn phải biết tự hào với văn hoá nguồn cội, luôn phải bảo tồn và duy trì văn hoá nguồn cội ấy. Nhưng cũng cần nên hiểu thêm, vì là một nước láng giềng sát đường biên, với nhiều mối quan hệ thương mại, văn hoá, nghệ thuật giao thoa lâu đời, sự ảnh hưởng lẫn nhau là phải có. Và khi đã có sự ảnh hưởng, cần phải biết chấp nhận sự ảnh hưởng ấy thay vì phủ định nó hoàn toàn, cố gắng ngụy biện, ngụy tạo để đề cao mình dẫn tới có thái độ cực đoan.

Trong khi đó, rất nhiều thứ đáng được lên tiếng để bảo tồn văn hoá nguồn cội khi chúng đang bị chiếm dụng thì chúng ta lại im lặng. Đơn cử là việc Trung Quốc tự ý coi một số nhạc cụ dân tộc Việt Nam (ví dụ như đàn bầu chẳng hạn) là của họ. Sự vụ này, chỉ có một vài nhạc sỹ uy tín lên tiếng một cách yếu ớt. Ngoài ra, bao nhiêu năm nay rồi, các học giả, giới truyền thông hoàn toàn im bặt. Có thể họ chưa biết. Có thể họ xem đó là vấn đề nhỏ chăng?

Hay như chuyện phim tiên hiệp Trung Quốc hiện thời tràn ngập các kênh truyền hình, từ kênh quốc gia đến kênh liên doanh, kênh địa phương cho tới cả các nền tảng xem trực tuyến khác cũng rất đáng lưu ý nhưng lại bị tảng lờ. Thậm chí, nhiều phim còn giữ nguyên tên Hán ngữ rất khó hiểu và nó làm người Việt yêu văn hoá dân tộc cảm thấy bị xúc phạm. Ở những mảng cần sự đấu tranh bảo tồn này, tiếc rằng không một ai cất lên tiếng nói đủ sức nặng.

Vậy mà những chuyện như “Truyện Kiều” nguyên gốc của người Việt hay Kinh Dịch là của người Việt thì lại được đẩy lên thành vấn đề tranh luận lớn. Rõ ràng, trong sự cực đoan tự tôn này, có vẻ như tồn tại một tâm lý mặc cảm nước nhỏ thì phải? Tại sao không giải quyết mặc cảm ấy bằng suy nghĩ và hành động kiểu “một nước nhỏ nhưng hoàn toàn có thể làm được việc lớn”.

Hệ quả kéo theo sự cực đoan tự tôn khoác áo chủ nghĩa dân tộc ấy là gì. Đã có những cực đoan đối đáp lại theo kiểu chứng minh người Việt có nguồn gốc từ Trung Quốc như trong một cuốn sách khá tào lao được xuất bản cách đây vài năm. Sự chống trả này đến từ những ai chắc chúng ta đều hiểu. Nhưng cơ bản, nó đến từ việc chúng ta có thái độ cực đoan trước đã.

Cực đoan là một cái bẫy nguy hiểm vô cùng trong thế giới hiện đại hôm nay. Nó chỉ khiến chúng ta quen với phủ nhận và khép cửa với sự giao thoa để phát triển. Và để tránh cái bẫy ấy, rất cần sự tỉnh táo, đặc biệt là ở những vấn đề mang tính khoa học, cần sự nghiên cứu, tìm tòi và các dữ kiện chứng minh.

Văn Đoàn
.
.