Các cuộc thi nhan sắc: Thi rất nhiều, chất lượng chẳng bao nhiêu
Trong khi trước đó, những lùm xùm từ các cuộc thi hoa hậu, người đẹp mang những tên gọi hoành tráng nhưng giá trị thực chỉ thuộc hàng "hoa hậu cấp phường" vẫn chưa kịp lắng xuống. Cùng thời gian này, cuộc thi "Miss teen 2011" đang bước vào chặng chung kết, chương trình "Vietnam Next Top Model" lần thứ 2 cũng đã bắt đầu phát sóng những số đầu tiên... Điều đó cho thấy, những cuộc thi hoa hậu, người đẹp ngày càng được tổ chức rầm rộ nhưng sự buông lỏng quản lý đã dẫn đến chất lượng ngày một có dấu hiệu đi xuống.
Từ chất lượng thí sinh…
Chỉ ngay sau đêm diễn ra chung kết cuộc thi Siêu mẫu Việt Nam 2011, dư luận đã râm ran về hành vi không đẹp và những "nghi án" vi phạm quy chế của một vài thí sinh đoạt giải. Bắt đầu là cách hành xử của thí sinh Minh Tú. Khi được xướng tên là một trong 10 người mẫu bước vào vòng phỏng vấn, thay vì đi vòng sang bên phải để xếp hàng cùng với những người mẫu gọi tên trước đó, Minh Tú ngang nhiên đi thẳng lên trên, cố tình tách vào giữa hai người mẫu phía trước để giành vị trí trung tâm - vị trí đẹp nhất trong khuôn hình.
Chương trình được truyền hình trực tiếp nên hành động thiếu ý thức đó của Minh Tú khiến hầu hết khán giả chứng kiến đều nhăn mặt khó chịu và không ít sự bất bình của dư luận đã thể hiện công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Minh Tú lên báo nhận lỗi về hành vi khó coi của mình nhưng cô lại thanh minh rằng, do thấy hai bên không còn chỗ nên cô mới phải lách người lên như thế. Cách bao biện của Minh Tú càng khiến khán giả tức cười bởi ai cũng nhìn rõ sân khấu khá rộng. Nhiều người mẫu được xướng tên sau Minh Tú vẫn thoải mái đứng hai bên theo đúng trật tự. Trước đó mấy phút, Minh Tú vừa được trao giải thưởng người có phong cách trình diễn tốt nhất, tuy nhiên, với hành động ấy, cô khiến không ít người nghĩ rằng, dường như Ban giám khảo đã trao danh hiệu nhầm người.
Bức xúc này chưa hết thì sau đó không lâu lại xuất hiện những thông tin cho rằng thí sinh Vương Thu Phương - người vừa đăng quang danh hiệu Siêu mẫu nữ đã từng lập gia đình (Quy chế cuộc thi ghi rõ thí sinh dự thi phải là công dân chưa kết hôn). Một loạt bức ảnh cưới được cho là của người đẹp này cùng chồng cùng lúc được đăng tải trên nhiều trang báo điện tử. Không ít nguồn tin cho biết, Vương Thu Phương từng kết hôn, sau vài tháng thì hai người đã "đường ai nấy đi"... Còn người đạt danh hiệu Siêu mẫu nam Vũ Mạnh Hiệp thì mắc vào "nghi án" chưa có bằng cấp THPT - trái với quy chế của cuộc thi.
Trước thắc mắc của giới truyền thông, Vương Thu Phương không phủ nhận những bức ảnh đó không phải của mình. Tuy nhiên, cô cho rằng đó là hình ảnh kỷ niệm giữa cô và bạn trai cũ và đó là là chuyện riêng của cô. Trên các trang mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng Vương Thu Phương đã có một đám cưới thật. Thực hư việc này vẫn đang được các cơ quan có thẩm quyền làm rõ. Còn về phía Mạnh Hiệp, khi được hỏi về tin đồn, anh trả lời rằng đã có bằng tốt nghiệp. Nhưng sau đó, anh cũng khéo léo đẩy câu hỏi của báo chí về cho Ban Tổ chức.
Chưa kịp vui với giải thưởng, hai giải vàng Siêu mẫu đã dính nghi án vi phạm quy chế. |
Lâu nay, không biết có phải vì khâu thẩm định thiếu kỹ càng hay không mà việc các thí sinh tham gia các cuộc thi hoa hậu, người mẫu bị phát hiện vi phạm quy chế ngày càng nhiều. Thùy Dung đăng quang Hoa hậu Việt Nam nhưng vẫn chưa có bằng THPT; người đẹp Trương Thị May cũng dính nghi can sửa chữa hồ sơ để đủ điều kiện thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam; người đẹp Ngọc Trinh cũng từng dính "nghi án" chưa có bằng THPT khi dự thi "Nữ hoàng trang sức"... Mục đích các cuộc thi nhan sắc là để tìm kiếm những người xứng đáng đại diện cho vẻ đẹp hình thể và tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam.
Quy chế cuộc thi rất rõ ràng nên việc các người đẹp có sự khuất tất về hồ sơ đã cho thấy họ chưa đủ điều kiện làm thí sinh chứ chưa nói đến đoạt vương miện hay giải thưởng. Nhiều cuộc thi dẫn tới chất lượng thí sinh thấp nên danh hiệu trao cho người chiến thắng không thuyết phục.
Tại cuộc thi "Vietnam Next Top Model 2010", việc thí sinh Khiếu Thị Huyền Trang lên ngôi vị quán quân khiến không ít người sững sờ. Một phần vì nhan sắc, khả năng trình diễn của cô không có gì nổi bật so với các thí sinh thi cùng mà còn bởi khán giả khó chấp nhận lối giao tiếp vụng về, tật nói ngọng chưa được thay đổi ở cô.
Thế nên, ở hầu hết các cuộc thi nhan sắc, phần thi ứng xử luôn là màn khiến khán giả thót tim và ngán ngẩm bởi trí tuệ của những "chân dài". Thông thường, một là các người đẹp sẽ ấp úng, nói không thành câu, hai là sẽ nói như đọc bài mà không ăn nhập gì với câu hỏi. Rất ít người đẹp nào trả lời trôi chảy, đúng trọng tâm, thể hiện được bản lĩnh, trí tuệ của mình.
…đến chất lượng những cuộc thi
Gần đây, có tình trạng cứ một cuộc thi sắc đẹp nào đó vừa diễn ra, một danh hiệu nào đó vừa được trao thì ngay lập tức xuất hiện những chuyện ồn ào xung quanh giá trị thực hư của những cuộc thi ấy. Điều đó được cắt nghĩa bởi tâm lý chuộng danh hiệu đã ăn sâu vào giới giải trí, vào đời sống showbig. Ngày càng có nhiều những cuộc thi mang tên gọi hoành tráng, được quảng cáo ầm ĩ nhưng thực chất chỉ là những cuộc thi mang tính địa phương. Vừa qua, người mẫu của công ty Venus là Phạm Anh Thư đạt danh hiệu Á hậu 4 và Miss Duyên dáng tại cuộc thi "Siêu mẫu Châu Á Thái Bình Dương" tổ chức ở Thái Lan khiến dư luận một phen ồn ào. Khác với tên gọi hoành tráng, thí sinh tham dự cuộc thi này lại khá... thập cẩm. Có cả thí sinh mang quốc tịch ngoài Châu Á Thái Bình Dương như Venezuela, Ucraina, Nga... tham dự. Hóa ra, đơn vị tổ chức cuộc thi này chỉ là một công ty du lịch với mục đích quảng bá cho du lịch Thái Lan. Chính vì thế, các thí sinh tham dự thì mờ nhạt về tên tuổi, danh hiệu. Giải thưởng, hoạt động của cuộc thi cũng không được công bố rộng rãi.
Khi "nữ hoàng nội y" Ngọc Trinh với những phát biểu ngô nghê đã khiến khán giả ngán ngẩm nhưng ngay sau đó cô bất ngờ dự thi "Hoa hậu Việt Nam hoàn cầu" và trở về với vương miện Hoa hậu trên tay. Trong khi Ngọc Trinh không ngớt thao thao bất tuyệt về danh hiệu của mình thì dư luận đã bóc trần về giá trị thực của cuộc thi. Thực chất, cuộc thi này chỉ ngang tầm với một chương trình tạp kỹ do một ca sĩ hải ngoại tổ chức năm có, năm không. Chất lượng thí sinh tham dự các cuộc thi kiểu này cũng tạp pí lù. Có thí sinh khá béo, có thí sinh mang hình xăm trên người... nên chuyện Ngọc Trinh đạt vương miện cũng không có gì khó hiểu.
Trước đó, người đẹp Vũ Hoàng Điệp cũng có một buổi ăn mừng tưng bừng kèn trống với danh hiệu "Nữ hoàng sắc đẹp quốc tế" sau khi trở về từ một cuộc thi tổ chức tại Trung Quốc khiến không ít người bất ngờ. Đến thời điểm này, Hoàng Điệp vẫn không thôi tự hào về giải thưởng của mình nhưng thực chất đó chỉ là một hoạt động có tính chất giải trí của một sự kiện thương mại ở nước này. Người đẹp Chung Thục Quyên thì nói vống lên mình được 3 giải phụ nhưng thực tế chỉ được có 2 trong cuộc thi "Hoa hậu siêu quốc gia". Chưa hết, năm 2010, Chung Thục Quyên lại tuyên bố vừa đạt danh hiệu "Đại sứ sắc đẹp" ở cuộc thi "Hoa hậu quốc tế" nhưng khán giả tìm mỏi mắt cũng không thấy giải thưởng của Thục Quyên ở phần clip trao giải...
Việc các thí sinh Việt Nam gần đây nô nức tham gia các cuộc thi nhan sắc có tính chất phong trào, thậm chí có người cố tình thi chui cho thấy mong muốn sở hữu một danh hiệu thật oách để tiến thân là tham vọng có thật của họ. Không cần biết cuộc thi ấy thế nào, do ai tổ chức, ai cấp phép nhưng cứ lên đường đi thi và trở về với những danh hiệu đầy mình. Thiết nghĩ, để những cuộc thi nhan sắc trở về với đúng mục đích cao đẹp của mình, bên cạnh sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan hữu quan là sự nghiêm túc của các đơn vị truyền thông - đặc biệt là các báo mạng. Bởi cách rút tít câu khách kiểu "Nữ hoàng sắc đẹp X", "Hoa hậu Y", "Người đẹp được yêu thích nhất Z"... đã vô tình hay cố ý khiến danh hiệu ít giá trị - lẽ ra cần bị quên lãng của các chân dài tiếp tục được tung hô và ăn sâu vào trí nhớ của độc giả