Các chương trình tôn vinh ca khúc Việt có còn hấp dẫn?
"Đỏ mắt" tìm ca khúc hay
Ra đời năm 2005, sân chơi "Bài hát Việt" có lẽ là một trong những chương trình tôn vinh ca khúc Việt dài hơi nhất tính đến thời điểm hiện nay. Mỗi năm, hàng trăm ca khúc mới được giới thiệu đến khán giả và đã có ca khúc ít nhiều tạo được dấu ấn trong lòng công chúng. Không thể phủ nhận sự bền bỉ, tâm huyết và đầy trách nhiệm của những người làm nghệ thuật với nỗ lực tạo ra sân chơi âm nhạc nghiêm túc.
Tuy nhiên, phải sòng phẳng nhìn nhận rằng, càng về sau, chương trình càng nhạt và thiếu vắng ca khúc hay. Ở mùa đầu tiên, "Bài hát Việt" chứng kiến sự "đổ bộ" của hàng loạt ca khúc hay như "Mưa bay tháp cổ" (Trần Tiến), "Thu tình yêu" (Lưu Thiên Hương), 12 giờ (Nguyễn Duy Hùng), "Bà tôi" (Nguyễn Vĩnh Tiến), "Giấc mơ của tôi" (Anh Quân), "Giấc mơ trưa" (Giáng Son), "Mong anh về" (Dương Cầm), "Hát một ngày mới" (Lê Minh Sơn), "Giọt sương bay lên" (Nguyễn Vĩnh Tiến), "À í a" (Lê Minh Sơn). Những ca khúc như "Giấc mơ mang tên mình" (Văn Phong), "Thềm nhà có hoa" (Lê Thanh Tâm), "Chuông gió" (Võ Thiện Thanh), "Ngọn cỏ lau", "Quạt giấy" (Lưu Thiên Hương), "Con cò" (Lưu Hà An) "Góc tối" (Nguyễn Hải Phong), "Bài ca tình yêu" (Thành Vương), "Em trong mắt tôi" (Nguyễn Đức Cường), "Phố cổ" (Nguyễn Duy Hùng) đã tạo nên điểm nhấn trong các mùa giải năm 2006, 2007, 2008…
Quán quân Việt Nam Idol 2015 Trọng Hiếu lần đầu tiên xuất hiện trên sân khấu “Bài hát yêu thích” tháng 8/2015. |
Tuy nhiên, những mùa giải về sau, "Bài hát Việt" rơi vào tình trạng "tụt dốc" vì vắng ca khúc hay. Liveshow "Bài hát Việt" lên sóng cuối tháng 8/2015 vừa qua là một ví dụ. Những bài hát được trình diễn trong liveshow này như "Đi tìm bình yên" (sáng tác và biểu diễn Trần Trung Đức), "Phải chăng" (sáng tác và biểu diễn Thành Đô), "Khoảnh khắc Việt Nam" (sáng tác Dương Trường Giang, biểu diễn Đinh Mạnh Ninh), "Đã hơn một lần" (sáng tác Tăng Nhật Tuệ, biểu diễn Hải Yến), "Sự sống" (sáng tác Ygaria, biểu diễn Ygaria và ban nhạc Hạc San) không thực sự tạo được cảm xúc mạnh mẽ cho khán giả. Ca khúc "Sự sống" nhận được cú đúp giải thưởng là "Bài hát của tháng", "Ca sĩ thể hiện hiệu quả nhất" và "Hòa âm phối khí hiệu quả nhất".
Tuy nhiên, theo đánh giá của tôi, "Sự sống" không phải là ca khúc thực sự xuất sắc từ giai điệu đến ca từ bài hát. Không chỉ có ca khúc tháng, những bài hát của năm được vinh danh gần đây cũng gây nên tranh luận trái chiều. Không ít người cho rằng, "Bốn chữ lắm" của Phạm Toàn Thắng (biểu diễn Trúc Nhân, Thảo Nhi) giành giải bài hát của năm 2014 hay "Vì em nhớ anh" của Phạm Hải Âu (biểu diễn Ngọc Anh) giành giải bài hát của năm 2013 mới chỉ là những ca khúc có giai điệu đẹp, lạ, phù hợp với thị hiếu của người trẻ chứ chưa đạt đến độ "chín" cần thiết.
Ca khúc "thảm họa" và "chuyện nóng" ngoài sân khấu
Có ca khúc xuất hiện trên sân khấu "Bài hát Việt" thời gian gần đây bị đánh giá là thảm họa. Ca khúc "Em chẳng phải đồ ngốc" (sáng tác và biểu diễn Trương Thảo Nhi) trong chương trình Bài hát Việt liveshow đầu tiên năm 2015 đã khiến khán giả choáng vì sự ngô nghê trong ca từ và giai điệu đơn giản, chất liệu sáng tác sơ sài, hời hợt. Một số người cho rằng, không hiếm sáng tác của những nghệ sĩ trẻ trên sân khấu "Bài hát Việt" bị đánh giá, ca từ thiếu chau chuốt và giai điệu âm nhạc đều đều, không có cao trào, tìm tòi mới mẻ.
Còn nhớ, vào năm 2010, sự xuất hiện của bộ ba Đại - Lâm - Linh với phần trình diễn chuỗi tác phẩm "Nuối tiếc - Dệt tầm gai - Mùa đông - Cây nữ tu" mang nhiều màu sắc thử nghiệm qua thể loại hát nói khiến khán giả vô cùng thất vọng. Không ít người đưa ra nhận xét rằng, Đại - Lâm - Linh đã "cưỡng bức âm nhạc", hát "như lên đồng"… khán giả không thể hiểu được thứ âm nhạc lạ lẫm, khó hiểu mà có lẽ chỉ người sáng tạo ra mới có thể hiểu được.
Nếu Bài hát Việt đang rơi vào tình trạng thiếu vắng những ca khúc hay thì "nơi tập hợp những ca khúc hit" như "Bài hát yêu thích" lại bị đánh giá là "nồi lẩu thập cẩm" trong âm nhạc. Với mong muốn tạo ra một bảng xếp hạng âm nhạc nghiêm túc, uy tín cho nhạc Việt nhưng có lẽ, không một bảng xếp hạng nào "đặc biệt" như "Bài hát yêu thích".
Tất cả các dòng nhạc từ rock, pop, nhạc trẻ, dân ca, nhạc dance… đều được gom chung vào để cùng đánh giá, xếp hạng. Chính vì sự "đa dạng" này mà khi xem chương trình, đôi khi khán giả cảm thấy khó cảm nhận các ca khúc trong chương trình nghệ thuật tạp kỹ như vậy. Bên cạnh đó, có thời điểm, "Bài hát yêu thích" bị coi là cuộc đua của những fanclub vì thiếu chặt chẽ trong quy chế bình chọn. Với cách tính bình chọn phụ thuộc lớn vào lượng tin nhắn, lượt nghe, xem, tải ca khúc trên website chính thức của chương trình thì tất yếu sẽ dẫn đến tình trạng, ca sĩ nào sở hữu lượng fan "khủng" sẽ dễ dàng chiếm được vị trí cao trên bảng xếp hạng. Điều này dẫn đến tình trạng, ca khúc nhận được sự bình chọn cao nhưng không hẳn là ca khúc được số đông khán giả yêu thích.
Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc nhiều phần trình diễn thảm họa với giọng hát live phô, chênh, thiếu cảm xúc của ca sĩ trẻ được đưa lên sân khấu. Có lần, sau phần trình diễn của ca sĩ Cường Seven, nhạc sĩ Phú Quang đã phải lên tiếng đề nghị Ban Tổ chức nên in lời bài hát và phát cho khán giả vì hầu như không thể nghe được ca sĩ hát gì trên sân khấu.
Để khắc phục tình trạng này, thể lệ bình chọn "Bài hát yêu thích" năm 2015 sẽ bỏ hẳn hình thức nhắn tin. Bình chọn bằng cách xem, nghe, tải ca khúc trên website của chương trình cũng không được tính vào kết quả xếp hạng chung cuộc. Tất cả phụ thuộc vào sự bình chọn của hội đồng khán giả đại diện. Cách làm này hạn chế được "cuộc chiến fanclub" nhưng lại làm giảm sự tương tác của khán giả với chương trình. Thực tế cho thấy, những liveshow "Bài hát yêu thích" năm 2015 có phần "giảm nhiệt" vì vai trò của khán giả trong việc quyết định ca khúc yêu thích bị "vô hiệu hóa".
Một nguyên nhân khác khiến "Bài hát yêu thích" mất khách là có quá nhiều lùm xùm xung quanh các liveshow được trình diễn. Dường như năm nào, "Bài hát yêu thích" cũng có một vài điểm nhấn là scandal. Mới đây nhất, sau khi kết thúc liveshow tháng 7, ca sĩ Tuấn Hưng đã bức xúc văng tục trên facebook cá nhân vì "bị coi không ra gì". Những dòng status của Tuấn Hưng đã "châm ngòi" cho cuộc chiến trên truyền thông về cách ứng xử của sao Việt.
Trước đó, vào năm 2014, sự xuất hiện của Long Nhật trên sân chơi này cũng cho khán giả "thưởng thức" những màn đấu khẩu giữa các nghệ sĩ trên khắp cả nước. Chưa hết, trong mùa đầu tiên, ca sỹ Ngọc Anh cũng từng tuyên bố tẩy chay chương trình "Bài hát yêu thích" vì bất ngờ bị hủy 1.412 tin nhắn bình chọn cho ca khúc "Sẽ mãi yêu anh" mà không được giải thích lý do thấu đáo. Tương tự như vậy, nhạc sĩ Lưu Thiên Hương và Uyên Linh cũng từng gửi đơn khiếu nại Ban Tổ chức về việc không minh bạch trong việc bầu chọn ca khúc "Người hát tình ca" vào năm 2013.
Thiếu cú hích từ truyền thông?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc những sân chơi tôn vinh ca khúc Việt giảm nhiệt. Xét ở góc độ chuyên môn, với những sân chơi như "Bài hát Việt hay", "Bài hát yêu thích" thì ca khúc hay là yếu tố quyết định. Bài hát Việt đang trở thành nơi hội tụ, trải nghiệm của các nhạc sĩ trẻ. Sự "rút lui" của những "cây đa, cây đề" trong làng nhạc tạo cơ hội cho nhạc sĩ trẻ phát huy tài năng nhưng cũng để lại những khoảng trống ca khúc hay cho sân chơi này.
Dường như, cách cảm nhận và "gu" thẩm mỹ âm nhạc của những nhạc sỹ trẻ chưa chạm đến trái tim của người yêu nhạc. Ca khúc mới không có nhiều đột phá, mới lạ và điều này tất yếu sẽ làm mất đi tính hấp dẫn của chương trình. Tương tự như vậy, "Bài hát yêu thích" cũng cần đến những ca khúc hay với cách trình diễn sáng tạo, lôi cuốn của các ca sĩ.
Ban Tổ chức "Bài hát Việt" và "Bài hát yêu thích" rất nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình nhưng có lẽ, những sân chơi này đang "thua" trong chiến lược PR cho chính mình. Không nhận được nhiều sự quan tâm của truyền thông cũng như giới báo chí, không có sóng "giờ vàng" trên VTV3 mà phải "né" sang VTV6… "Bài hát Việt" và "Bài hát yêu thích" đang phải đối mặt với khó khăn lớn trong việc tạo ra hiệu ứng truyền thông rộng rãi từ cộng đồng.
Tôi cho rằng, với thị trường âm nhạc còn nhiều bất cập như hiện nay, việc phát triển những sân chơi tôn vinh ca khúc là rất cần thiết để hướng tới xây dựng lớp nhạc sĩ, ca sĩ mới, góp phần xây dựng nền âm nhạc Việt Nam tiên tiến. Sự hỗ trợ của truyền thông với "Bài hát Việt" và "Bài hát yêu thích" cần được đẩy mạnh hơn nữa. Bên cạnh đó, Ban Tổ chức cần không ngừng đổi mới format, quy chế bình chọn để làm sao các ca khúc được tôn vinh thực sự xứng đáng, tránh tình trạng để lọt những hạt sạn, ca khúc thảm họa vào bảng xếp hạng âm nhạc đang dần khẳng định được chỗ đứng của mình.