Các ban nhạc Việt: Trông người lại ngẫm đến ta

Thứ Sáu, 19/07/2019, 06:39
Khi những ban nhạc "thuần Việt" dần tan rã, cũng là lúc thị trường âm nhạc có sự ảnh hưởng không nhỏ của âm nhạc Hàn Quốc. Mô hình boyband, girlband được đào tạo theo hướng thần tượng Kpop nhiều như nấm sau mưa. Sự thành công của một loạt ban nhạc Hàn Quốc khiến không ít ông bầu và ca sĩ Việt ôm ấp giấc mơ một ngày trở thành thần tượng của giới trẻ...


Theo số liệu của Viện nghiên cứu Hyundai (HRI) Hàn Quốc, Ban nhạc BTS hiện đang có đóng góp "khủng" cho kinh tế nước này. Cụ thể, giá trị kinh tế hằng năm mà nhóm này mang lại vào khoảng 4.000 tỷ won (tương đương 3,54 tỷ USD). Trong đó, lượng khách du lịch nước ngoài đến "xứ sở kim chi" vì BTS chiếm 7,6% trong tổng số 10,4 triệu lượt khách.

Vì sự thành công của nhiều ban nhạc Hàn Quốc, nhiều nhóm nhạc Việt được thành lập học tập theo mô hình này. Tuy nhiên, chỉ với mục tiêu trụ vững được trong đời sống âm nhạc thôi đã là điều khó khăn đối với các ban nhạc Việt.

Mặc dù âm nhạc được đánh giá là một trong những lĩnh vực sôi động nhất của đời sống văn hóa nghệ thuật nhưng hiện nay, đời sống âm nhạc vẫn chứa những khoảng lặng đáng tiếc. Đó là sự vắng bóng của những ban nhạc khiến gương mặt âm nhạc Việt thiếu đi một mảng màu quan trọng. Giờ đây, có một thực tế là khán giả có thể dễ dàng kể ra vô số tên ca sĩ nhưng để điểm danh được những ban nhạc đang hoạt động và có sức ảnh hưởng lớn tới công chúng lại chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ban nhạc “Zero 9” được khán giả biết tới với tạo hình không giống ai và những lùm xùm ngoài chuyên môn.

Với những khán giả thuộc thế hệ 7x, 8x và 9x thì những cái tên như "Con gái", "Năm dòng kẻ", "Tam ca áo trắng", “Tam ca 3A", "Tik Tik Tak", "Ba con mèo", "Quả dưa hấu"... hay sau này là "Mắt ngọc", "Mây trắng", "1088", "HAT", "GMC"... đã trở nên quen thuộc trong trí nhớ của họ. Những ban nhạc này đã thực sự góp công không nhỏ vào việc xây dựng một đời sống âm nhạc phong phú, sôi động với nhiều sản phẩm chất lượng.

Điều đáng nói là mặc dù thời điểm đó, số lượng ban nhạc đông đúc nhưng các ban nhạc đều khẳng định được tên tuổi với những ca khúc "hit". Nhắc đến "Tam ca Áo trắng" là khán giả nhớ tới những ca khúc "Phố xa", "Quỳnh hương"... "Tam ca Con gái" thì gắn liền với "Xa rồi tuổi thơ". "Ba con mèo" lại mang đến những bản rock trẻ trung, sôi động...

Khi những ban nhạc "thuần Việt" dần tan rã, cũng là lúc thị trường âm nhạc có sự ảnh hưởng không nhỏ của âm nhạc Hàn Quốc. Mô hình boyband, girlband được đào tạo theo hướng thần tượng Kpop nhiều như nấm sau mưa. Sự thành công của một loạt ban nhạc Hàn Quốc khiến không ít ông bầu và ca sĩ Việt ôm ấp giấc mơ một ngày trở thành thần tượng của giới trẻ.

Một số ban nhạc như "365", "Vmusic"... đã từng đạt được những thành công nhất định khi hoạt động theo mô hình này. Hay nhóm "Monstar" với khả năng vũ đạo điêu luyện, đầu tư lớn vào phần hình ảnh cũng như ca khúc nên đã có được thành công ban đầu. Sau này, danh sách các ban nhạc này còn nối dài nhưng thành công lại quá ngắn.

Đơn cử như "YounQ" là ban nhạc nữ với đội hình 8 người cũng được đào tạo và sắp xếp theo tiêu chuẩn của một nhóm nhạc Kpop. Đơn vị quản lý của nhóm nhạc nữ này cũng không ngại chi 1 tỷ đồng để mời đạo diễn Bone Hồ thực hiện MV với phần lời bằng tiếng Anh.

Mặc dù vậy ban nhạc này cũng không tạo được dấu ấn với công chúng. Tương tự, được xây dựng theo mô hình "chuẩn Hàn" nhưng "Uni5" và "Lip B" của cặp đôi nghệ sĩ "quyền lực "Ông cao Thắng - Đông Nhi cũng không mang đến cho khán giả được sản phẩm âm nhạc nào đặc biệt. Các thành viên của các ban nhạc này đều có đủ khả năng ca hát, rap, nhảy và sáng tác nhưng không tạo được sự bùng nổ đáng kể. Thậm chí ngay cả với "LIME" - nhóm nhạc với 3 thành viên nữ sang cả Hàn Quốc để học tập và tham gia một số show thực tế nhưng khi trở về, thành công vẫn chưa gọi tên họ.

Sau 4 năm hoạt động, ngoài việc chưa tạo được dấu ấn đặc sắc thì sự phát hành MV thưa thớt cũng khiến nhóm khó duy trì độ nóng tên tuổi. Chính vì vậy, như một mẫu số chung, các ban nhạc này nhanh chóng biến mất khỏi thị trường âm nhạc khi khán giả còn chưa kịp nhớ tên.

Một băn khoăn là tại sao các ban, nhóm nhạc Việt hội đủ các yếu tố như trai xinh gái đẹp, khả năng vũ đạo và thậm chí cả năng khiếu sáng tác nhưng vẫn nhanh chóng tan biến như bong bóng xà phòng? Khách quan mà nói, việc đầu tư gây dựng tên tuổi cho một ban nhạc khó hơn cho ca sĩ solo rất nhiều vì ngoài việc tìm ra cho ban nhạc ấy một phong cách phù hợp với các thành viên, để các thành viên phát huy hết khả năng của mình là vấn đề không dễ.

Rồi việc tìm được ca khúc phù hợp trong điều kiện “nhà nhà làm ca sĩ” như hiện nay cũng trở thành một thử thách. Sự thay đổi các thành viên liên tục cũng là lý do khiến các ban nhạc khó có thể tồn tại lâu dài. Mà đáng tiếc, đây lại là hiện tượng khá phổ biến của các ban nhạc Việt.

Ban nhạc “Ngọt” khiến một bộ phận khán giả mê mẩn với những sáng tác rất “đời”.

Có một tâm lý chung của các nghệ sĩ trẻ là sau một thời gian hoạt động ban, nhóm cảm thấy thấy cứng cáp, "đủ lông đủ cánh", họ sẽ tách ra ở riêng. Vì thế, thành lập nhóm đã khó, duy trì nhóm lại càng khó hơn vì trong điều kiện hiện nay, các nhà tổ chức không mặn mà với ban nhạc. Kinh phí cao cũng là một trong những lý do khiến các nhà tổ chức chọn mời ca sĩ hơn là ban nhạc.

Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng nhất khiến các ban nhạc không tồn tại được lâu chính vì các nghệ sĩ chưa có được những sản phẩm âm nhạc để định vị thương hiệu của mình. Việc bắt chước, lai căng, thiếu bản sắc khiến cho các ban nhạc đều nhàn nhạt, na ná nhau. Không chỉ bắt chước vẻ bề ngoài, có nhóm nhạc còn bê nguyên cả cách làm MV của nhóm nhạc nước bạn nên tự biến mình thành bản sao kém cỏi. Thậm chí có sản phẩm của ban nhạc Việt giống tới nỗi dính vào nghi án đạo nhạc... Hay, có nhóm nhạc không có thành tích gì nổi trội ngoài những bê bối đời tư giữa thành viên và ông bầu...

Để thúc đẩy sự phát triển của các ban, nhóm nhạc, một số hoạt động ý nghĩa đã được tổ chức. Sau 27 năm kể từ lần tổ chức đầu tiên, Liên hoan các ban nhạc toàn quốc đã được tổ chức lần thứ 2 vào tháng 4 - 2019. Lần này, Liên hoan đã thu hút 10 ban nhạc tham gia với 50 tiết mục. Trong đó, mỗi ban nhạc trình diễn 5 tiết mục với 3 tiết mục hòa tấu và 2 ca khúc.

Huy chương vàng đã thuộc về một số phần trình diễn của các ban nhạc "Sunday Chil", "Yellow - Star", "Phương Đông", "Wake band", "9th Hole". Danh hiệu ban nhạc xuất sắc thuộc về "Yellow - Star". Thông qua Liên hoan, các ban nhạc thể hiện được sự chuyên nghiệp cũng như các nghệ sĩ trẻ cho thấy tài năng, tâm huyết và sự học hỏi từ các nền âm nhạc tiên tiến.

Ngoài ra, sân chơi dành cho các ban nhạc cũng đã được khởi động từ gameshow truyền hình như "Ban nhạc Việt". Quán quân "Ban nhạc Việt" mùa đầu tiên (năm 2018) thuộc về Ban nhạc "An nam" của HLV, nhạc sĩ Phương Uyên. Quán quân "Ban nhạc Việt" mùa 2 thuộc về "Fire Band" của nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong. Có thể nói, dù chưa có nhiều trải nghiệm khi ra đời sống nhưng sân chơi "Ban nhạc Việt" đã bước đầu giới thiệu đến công chúng những ban nhạc mới.

Tuy nhiên, một điều đáng tiếc là ngay sau khi "Ban nhạc Việt" mùa 2 khép lại thì có thông tin là chương trình hiếm hoi thuần chất âm nhạc này có khả năng dừng lại vì nhiều lý do. Đây có lẽ sẽ làn một điều đáng buồn vì có lẽ còn rất lâu nữa các ban nhạc trẻ Việt Nam mới có được một sân chơi đúng nghĩa, xứng tầm để họ thoải mái thể hiện tài năng và tâm huyết của mình dành cho âm nhạc.

Để những ban nhạc từ những cuộc thi có thể hoạt động một cách mạnh mẽ, khỏe khoắn thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, quan trọng nhất là tài năng, sự nghiêm túc với nghề của các nghệ sĩ và lựa chọn con đường nghệ thuật phù hợp. Giữa tình trạng sa sút của các ban nhạc thì sự nổi lên của ban nhạc thuần Việt "Ngọt" gần đây lại là điều khiến nhiều người suy nghĩ. Với 4 thành viên đều là những nghệ sĩ trẻ 9X, hoạt động âm nhạc một cách độc lập, những sáng tác của "Ngọt"đi vào đời sống một cách rất tự nhiên.

Không chỉ có trong tay giải thưởng Cống hiến, liveshow đầu tiên của ban nhạc này còn "cháy vé", cho thấy "Ngọt" được lòng cả giới chuyên môn và khán giả. Điều đáng lưu ý là các sản phẩm âm nhạc của "Ngọt" đều vô cùng thuần Việt từ ca từ, giai điệu. Hóa ra, không phải cứ là bản sao của các ban nhạc nước ngoài là có được thành công, mà các ban nhạc phải được xây dựng trên nền tảng tài năng và bản sắc riêng.

Khánh Thảo
.
.