Bitconin: Tương lai nào cho đồng tiền kỹ thuật số?

Thứ Năm, 15/02/2018, 08:45
Suốt năm 2017 vừa qua, người Việt nhắc đến Bitcoin một cách thường xuyên hơn, cập nhật tình hình biến động giá của Bitcoin mỗi ngày và không ít người đã lao vào vòng xoáy coi Bitcoin là một kênh đầu tư, đầu cơ tài chính mang lại cho họ nhiều hy vọng làm giàu.


Kỷ nguyên internet đã triệt tiêu những khoảng cách thông tin và kiến thức giữa các vùng địa lý một cách vô cùng mạnh mẽ. Việt Nam cũng vì thế tiếp cận với thế giới nhanh hơn, nhạy bén hơn. Đã gần như không còn tình trạng người Việt phải chờ đợi một khoảng thời gian quá dài để được đón nhận những gì mới mẻ trên thế giới nữa và Bitcoin chính là một trong những ví dụ điển hình nhất.

Suốt năm 2017 vừa qua, người Việt nhắc đến Bitcoin một cách thường xuyên hơn, cập nhật tình hình biến động giá của Bitcoin mỗi ngày và không ít người đã lao vào vòng xoáy coi Bitcoin là một kênh đầu tư, đầu cơ tài chính mang lại cho họ nhiều hy vọng làm giàu.

Một dự đoán khó có thể phủ nhận sẽ trở thành thực tế (và nhiều người trên thế giới cùng tin vào dự đoán đó) chính là giá trị Bitcoin sẽ còn tăng lên nữa trong tương lai. Đơn giản, số lượng Bitcoin là hữu hạn (21 triệu Bitcoin trên toàn thế giới) và được cộng hưởng bởi một niềm tin chung, cơ hội lên giá của Bitcoin vì thế ngày ngày vẫn được nuôi dưỡng nhiều hơn.

Chính vì việc tin vào khả năng lên giá của Bitcoin, nhiều người tin vào khả năng khoản đầu tư hôm nay mà họ đổ vào lượng Bitcoin ngày một ít ỏi hơn, hiếm hoi hơn, sẽ mang lại cho họ một món lợi kếch xù trong tương lai không xa.

Bitconin đang làm nhiều người trên thế giới điên đảo vì sức hút của nó trong đầu tư.

Nhưng thực tế, tương lai của Bitcoin có phải chỉ hoàn toàn là màu hồng, bất chấp việc đại đa số những nhà kinh tế, nhà nghiên cứu cùng chung một nhận định rằng Bitcoin hiện đang là một phương tiện thanh toán, một loại tiền tệ có mức độ hoàn thiện lớn nhất trong lịch sử loài người? Tranh luận xung quanh Bitcoin cũng vì thế nổ ra sôi nổi hơn trên toàn cầu, với nhiều phỏng đoán về những viễn cảnh khác nhau dành cho nó.

Không thể phủ nhận được những ưu việt của Bitcoin và "đặc tính tiền tệ" rất rõ của nó. Bitcoin có thể chia nhỏ, với đơn vị nhỏ nhất là Shatoshi (tên của cha đẻ Bitcoin) bằng 1 phần triệu Bitcoin; Bitcoin dễ nhận biết và không thể làm giả; Bitcoin có tính lâu bền bởi mỗi máy tính đều có thể lưu giữ một bản sao đầy đủ của toàn bộ hệ thống, nên số lượng Bitcoin trên toàn thế giới không thể bị hao hụt, mất mát; Bitcoin có thể lưu thông và thực tế đã được lưu thông trên thị trường tài chính, dù mới là thị trường phi chính thống đi nữa.

Bitcoin khan hiếm bởi nó chỉ có hạn định tối đa 21 triệu (mức tối đa đạt được ước vào khoảng năm 2040); Bitcoin được chấp nhận rộng rãi bởi người dùng và cuối cùng, Bitcoin cho phép người ta có thể dự trữ nó. Tất cả các thuộc tính ấy đều là thuộc tính tiền tệ và thậm chí Bitcoin còn có những thuộc tính ưu việt hơn các loại vật ngang giá khác trong lịch sử loài người.

Đơn cử như vàng. Chúng ta biết số lượng vàng trên thế giới cũng là hữu hạn, nhưng nó hữu hạn ở con số cụ thể nào, không ai có thể dám nói chắc chắn. Nhưng với Bitcoin thì có thể và con số 21 triệu kể trên chính là con số không một chuyên gia nào có thể phủ nhận suốt bao nhiêu năm Bitcoin tồn tại trên toàn cầu.

Vậy thì với cả một tập hợp lớn các đặc tính ưu việt kia, tại sao chúng ta vẫn phải đặt dấu hỏi về một tương lai sáng sủa cho đồng tiền này nói riêng và các định dạng tiền ảo khác nói chung (cryptocurrency)? Dễ hiểu, hệ thống tài chính toàn cầu không chỉ dựa vào câu chuyện một phương tiện thanh toán ưu việt mà nó còn phụ thuộc vào vô vàn các yếu tố kinh tế, chính trị và xã hội khác. Bitcoin khó lòng vượt qua được các rào cản rất con người nhưng cũng rất tự nhiên kể trên để trở thành một đồng tiền ưu việt thực sự như mong đợi của rất nhiều người.

Thứ nhất, nếu Bitcoin ưu việt như vậy, tại sao nó không phải là đáp án cho bài toán đồng tiền chung, bài toán mà nhiều vùng liên minh đang đau đầu đối phó suốt nhiều thập niên qua? Đây là một câu hỏi vô cùng thú vị và đáp án của nó, chúng ta có thể nhìn nhận bằng một lăng kính rộng hơn lăng kính tài chính đơn thuần.

Giả sử, nếu Bitcoin đột nhiên được tất cả các chính phủ đồng thuận là đồng tiền chung trên toàn thế giới, với vị thế hợp pháp ở tất cả các quốc gia tham gia một hiệp ước tạm gọi là "Hiệp ước Bitcoin đồng tiền chung", Bitcoin chắc chắn sẽ khai tử tất cả các bản tệ đang tồn tại bởi sự ưu việt mà nó mang lại. Hơn nữa, nó minh bạch và có hữu hạn cụ thể công khai. Khi đó, thực sự sẽ đến một thời điểm, giá trị của Bitcoin không còn được đo đếm bằng USD, bảng Anh, EURO hay thậm chí Việt Nam đồng nữa.

Giá trị của nó sẽ quy về giá trị hàng hóa trên thị trường và "bum", sự thay đổi giá trị hàng hoá so với Bitcoin sẽ diễn ra liên tục, hàng giờ, thậm chí hàng phút khi mà một bên là Bitcoin hữu hạn và một bên là số lượng hàng hoá luôn biến động.

Bitcoin là một trong 10 câu chuyện thế giới công nghệ năm 2017.

Nếu với đồng Việt Nam, chúng ta có thể dễ hoà nhập với biến động giá theo kiểu tháng này 1kg gạo, là 20 ngàn đồng, tháng sau là 25 ngàn đồng. Còn nếu với đồng Bitcoin, chúng ta khó có thể hòa nhập với một thị trường mà mới cách đây dăm phút, 1 Shatoshi mua được 1kg gạo còn lúc này, số lượng shatoshi ấy chỉ có thể mua được 800g.

Rõ ràng, tính tối ưu tài chính của Bitcoin đã mang lại hệ quả là tính rủi ro thị trường thương mại rất lớn. Bởi thế, các chính phủ lớn vẫn chưa bao giờ (và có thể nói không biết đến bao giờ) mới có thể có một đồng thuận có lợi cho Bitcoin cả.

Tiếp đến, nếu Bitcoin được coi là một đồng tiền chính quy, khai tử các đồng bản tệ, nó sẽ khai tử luôn ngân hàng trung ương các quốc gia khi bản chất lưu thông của Bitcoin không dựa trên ngân hàng trung ương nào cả. Ngân hàng Trung ương của Bitcoin hiện nay chính là hệ thống mạng đồng đẳng ngang hàng (peer - to - peer network).

Khi thị trường không thể có sự can thiệp của ngân hàng Trung ương, các chính phủ khó có thể đưa ra chính sách để ứng phó với các diễn biến của nền kinh tế. Đơn cử, với tình trạng khủng hoảng tài chính năm 2008, nhiều ngân hàng trung ương đã sử dụng chính sách Nới lỏng định lượng (quantitative easing - QE) để điều chỉnh lại.

Hình ảnh vui của một fan cuồng Bitconin.

Chính sách QE này chỉ thực hiện được khi có một ngân hàng Trung ương truyền thống, với loại tiền sử dụng là tiền tệ hiện tại, thứ có thể được in ấn và bơm vào nền kinh tế. Với Bitcoin thì không. 21 triệu là 21 triệu. Không ngân hàng Trung ương của chính phủ nào có thể bơm thêm Bitcoin vào cuộc chơi kinh tế cả. Và khi các ngân hàng trung ương, tức là khi nhà nước không thể can thiệp vào nền kinh tế, hỗn loạn là điều hoàn toàn có thể dự báo trước.

Và cuối cùng, để đi đến sự thống nhất về một đồng tiền chung, không thể không tồn tại một chính phủ chung, với một nghị viện chung, như kiểu EU với đồng euro. Khi thế giới đang diễn biến phức tạp hơn, với rất nhiều điểm nóng và phát sinh thêm nhiều mâu thuẫn lớn bé khác nhau, việc hình thành một khối đại liên kết toàn cầu chắc chắn là điều không tưởng, trừ phi loài người bị tấn công bởi người ngoài hành tinh như trong các phim giả tưởng.

Tất nhiên, chúng ta vẫn không thể phủ nhận được rồi các học thuyết kinh tế học, chính trị học, xã hội học sẽ tiến bộ để bắt kịp với Bitcoin, một điển hình của tiến bộ công nghệ. Song, nói không phải bi quan, nếu chúng ta đang ở tuổi trung niên, có lẽ đến hết cuộc đời mình, chúng ta vẫn chưa thể thấy được một ngày nào đó Bitcoin công khai thay thế các loại bản tệ truyền thống, vốn dĩ là đại diện của một hệ thống tài chính mà loài người đã mất cả ngàn năm để hoàn thiện.

Vì sao Bitcoin tăng giá chóng mặt?

Chỉ trong 4 ngày đầu tháng 12/2017, Bitcoin biến động tăng tới 5.000 USD cho mỗi Bitcoin và so với hồi đầu tháng 10/2017, giá Bitcoin tăng 273%. Sự tăng giá ấy còn chưa là gì nếu mở rộng biên độ thời gian ra, để tính cả năm 2017. Ở thời điểm đầu năm 2017, mỗi Bitcoin có giá 1.000 USD, nhưng bước sang đầu 2018, giá Bitcoin đã lập kỷ lục ở mức 20.000 USD. Điều đó khiến giới phân tích gọi năm 2017 vừa qua là "năm của Bitcoin". Và xu hướng tăng này sẽ vẫn còn chưa chấm dứt ở năm 2018.

Lý do rất đơn giản. Thứ nhất, lượng Bitcoin toàn cầu có hạn dẫn tới cung ngày càng không đáp ứng được cầu. Thứ hai, tâm lý "say mê Bitcoin" của cộng đồng đã đẩy nhu cầu lên cao hơn hẳn so với thực tế. Từ một đồng tiền điện tử kỹ thuật số, với ưu việt tính nổi trội nhất là khả năng được chấp nhận toàn cầu (dù là không chính thức), Bitcoin với tính không bị chi phối bởi bất kỳ ngân hàng Trung ương nào đã trở thành khoản dự trữ có giá đối với cộng đồng, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng tài chính ở Hy Lạp, Venezuela.

Thậm chí, Bitcoin hiện đang được coi là phương tiện tối ưu để nhiều nhà đầu tư ở các nước như Trung Quốc, Việt Nam chuyển vốn ra nước ngoài theo phương thức trốn tránh các quy định ngặt nghèo của pháp luật sở tại.
Hà Quang Minh - Xuân 2018
.
.