Bê bối tình dục ảnh hưởng nghiêm trọng đến giải Nobel văn học

Thứ Ba, 08/05/2018, 09:32
Vụ bê bối xung quanh giải Nobel văn học diễn ra gần đây bắt đầu từ việc chồng của một nữ viện sĩ bị tố cáo quấy rối tình dục. Nhưng người xin từ chức lại là một phụ nữ, bà Sara Danius, Thư ký thường trực của Viện hàn lâm Thụy Điển.


Ngày 12 tháng 4 năm 2018, bà Sara Danius đã từ chức. Bà là người phụ nữ đầu tiên làm Thư ký thường trực của Viện hàn lâm Thụy Điển, một tổ chức từ năm 1901 đã xác định tên tuổi của những người đoạt giải Nobel văn học. Thật nghịch lý, nhưng lý do từ chức là những lời tố cáo quấy rối tình dục đối với người đàn ông không hề liên quan gì tới Viện hàn lâm Thụy Điển. Giải Nobel là một thiết chế quan trọng và là một phần hình ảnh quốc tế của Thụy Điển, vì vậy đây thực sự là một khủng hoảng văn hóa lớn đối với đất nước này.

Bà Sara Danius, 56 tuổi, là nhà nghiên cứu lịch sử văn học, chuyên gia về Flaubert, Proust và chủ nghĩa hiện đại trong văn học. Bà trở thành Thư ký thường trực của Viện hàn lâm Thụy Điển từ năm 2015. Việc từ chức của bà là hậu quả của sự chia rẽ trong nội bộ Viện hàn lâm Thụy Điển, đe dọa hoạt động của tổ chức này. Phiên họp bàn về việc từ chức của bà kéo dài 3 tiếng đồng hồ.

Theo Sara Danius, bà đánh mất niềm tin của các viện sĩ: "Viện hàn lâm Thụy Điển muốn tôi từ bỏ chức vụ này. Tôi sẵn sàng tiếp tục làm việc, nhưng trong cuộc sống bao giờ cũng có việc để làm". Theo bà, vụ bê bối ảnh hưởng nghiêm trọng tới giải thưởng, và với sự ra đi của bà, khó khăn cũng không thể được giải quyết.

Vụ bê bối quả thật đã lọt đến tai các quan chức cao cấp của xã hội Thụy Điển. "Viện hàn lâm Thụy Điển nhất định phải phục hồi niềm và sự tôn trọng đối với mình - Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lfven nói - Giải Nobel là một sự kiện quan trọng đối với Thụy Điển, vì vậy cần làm sao để tổ chức này tiếp tục hoạt động".

Bà Sara Danius, nguyên Thư ký thường trực Viện Hàn lâm Thụy Điển.

Bối cảnh của vụ bê bối

Những khó khăn của Viện hàn lâm Thụy Điển bắt đầu vào tháng 11 năm 2017, khi báo "Dagens Nyheter" công bố một tài liệu về việc 18 phụ nữ tố cáo một "nhân vật quan trọng bậc nhất" của đời sống văn hóa Thụy Điển, Chủ nhiệm nghệ thuật Câu lạc bộ Văn hóa tư nhân "Diễn đàn" vốn có quan hệ mật thiết với Viện hàn lâm Thụy Điển đã có hành vi quấy rối tình dục.

Người bị tố cáo là ông Jean-Claude Arnault - chồng của nhà thơ Katarina Frostenson - thành viên Viện hàn lâm Thụy Điển từ năm 1992. Hai vợ chồng ông cùng điều hành Câu lạc bộ Văn hóa được Viện hàn lâm Thụy Điển tài trợ và đây cũng là nơi Jean-Claude Arnault tìm kiếm nạn nhân.

Theo thông tin của tờ "Dagens Nyheter", Jean-Claude Arnault trong suốt 20 năm đã lạm dụng tình dục phụ nữ tại Câu lạc bộ và các cơ sở của Viện hàn lâm Thụy Điển ở Stockholm và Paris.  Năm 1996, Anna-Karin Bylund - một nghệ nhân dệt - từng gửi thư tố cáo hành động quấy rối tình dục của Jean-Claude Arnault. Tuy nhiên, Sture Allen - người đứng đầu Viện hàn lâm Thụy Điển lúc bấy giờ - không có động thái gì vì cho rằng "nội dung bức thư không quan trọng".

Trong một công bố tiếp theo, vào tháng 12 năm 2017, tờ báo trên khẳng định rằng Arnault kể với người ngoài về các cuộc tranh luận diễn ra ở Viện hàn lâm Thụy Điển, và nêu tên những người đoạt giải tương lai. Bản thân Arnault phủ nhận tất cả những lời cáo buộc này.

Ngay sau khi tờ "Dagens Nyheter" công bố bài báo trên, Thư ký thường trực Sara Danius đã đến gặp văn phòng luật sư đề nghị điều tra mối liên hệ của các viện sĩ Viện hàn lâm Thụy Điển với Arnault và đánh giá tác động có thể của ông ta tới các quyết định của Viện hàn lâm. Các luật sư đã phát hiện ra những vi phạm tài chính trong hoạt động của Câu lạc bộ "Diễn đàn" và chỉ ra sự xung đột  lợi ích: khi cấp kinh phí cho câu lạc bộ, Viện hàn lâm Thụy Điển hỗ trợ tài chính cho một trong các thành viên của mình, bà Katarina Frostenson, đồng sở hữu Câu lạc bộ Văn hóa "Diễn đàn". Nhân sự kiện này, văn phòng luật sư khuyên Viện hàn lâm trình báo cảnh sát, nhưng Viện đã lấy ý kiến biểu quyết và quyết định không làm điều đó.

Sự bất đồng giữa các viện sĩ

Qua vụ quấy rối tình dục của Jean-Claude Arnault, công chúng rộng rãi mới biết được sự bất đồng trong nội bộ Viện hàn lâm Thụy Điển. Các viện sĩ chia thành hai phe ủng hộ và phản đối vợ chồng Arnault. Trong cuộc bỏ phiếu gần đây của Hội đồng Viện hàn lâm, tám thành viên bỏ phiếu chấp thuận cho bà ở lại vị trí, sáu người bỏ phiếu yêu cầu bà từ chức. 

Ngày 6 tháng 4 năm 2018, ba viện sĩ đã tuyên bố từ chức: cựu Thư ký thường trực, nhà sử học Peter Englund, nhà văn nổi tiếng Klas Ostergren và nhà thơ Kjell Espmark. Kjell Espmark giải thích quyết định của mình như sau: "Các viện sĩ danh tiếng sẵn sàng quên đi trách nhiệm của mình và hành động theo nguyên tắc vì tình bạn, vì vậy tôi không thể tham gia vào công việc của Viện nữa". Một người khác là bà Sara Stridsberg cũng thông báo từ chức. Trước áp lực dư luận, hôm 12/4/ 2018, bà Katarina Frostenson cho biết sẽ không tham gia công việc của Viện trong tương lai.

Phía bên kia chiến tuyến có hai cựu Thư ký thường trực khác của Viện hàn lâm Thụy Điển là Sture Allén và Horace Engdahl, họ gọi phản ứng về việc cáo buộc Jean-Claude Arnault là "thổi phồng", còn những người phản đối vợ chồng ông là "những kẻ vô dụng". Ông Engdahl cũng chỉ trích Thư ký thường trực Viện hàn lâm đương nhiệm- bà Sara Danius-  là "kém cỏi nhất" trong suốt thời gian tồn tại của nó. Ông  Horace Engdahl cho rằng việc rò rỉ thông tin giải thưởng trước vài ngày không quá nghiêm trọng. Phát ngôn của Horace Engdahl bị chỉ trích. Nhiều người cho rằng bà Sara Danius gặp nhiều khó khăn khi điều hành Viện hàn lâm bởi sự phân biệt giới tính.

Đại diện Quỹ Nobel bày tỏ: "Sự tin tưởng vào Viện hàn lâm Thụy Điển đã bị hủy hoại nghiêm trọng. Điều này sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến uy tín giải Nobel Văn học". Quỹ cho biết Viện cần đảm bảo tính bảo mật của các cuộc tranh luận về giải thưởng. Những người vi phạm nên bị xử lý bởi pháp luật. "Phải mất một thời gian dài để chúng ta lấy lại uy tín. Các thành viên của Viện giờ đây phải đặt sứ mệnh của họ lên trước lợi ích cá nhân để khôi phục danh dự của giải Nobel Văn học" - Đại diện quỹ chia sẻ với báo giới.

Vấn đề thể chế

Sự quan tâm của dư luận đối với vụ bê bối ở Viện hàn lâm Thụy Điển phần nhiều được lý giải bởi những đặc điểm tổ chức của nó. Ủy ban chấm giải Nobel văn học gồm 18 thành viên, được bổ nhiệm trọn đời, và về mặt thủ tục không thể từ chức. Viện chỉ có thể kết nạp người mới khi có thành viên khác qua đời.

Trước khi xảy ra vụ bê bối hiện nay, một vị trí trong Viện hàn lâm Thụy Điển đã bị bỏ trống: ngày 25 tháng 11 năm 2017, nhà thơ Lotta Lottas tuyên bố rằng đã hơn 2 năm bà không tham gia vào công việc của Viện Hàn lâm và không coi mình là thành viên của nó. Ngày 6 tháng 4, ba nhà văn nói trên cũng đã từ chối làm việc tại Viện. Ngày 12 tháng 4, Thư ký thường trực Sara Danius tuyên bố từ chức. Cùng với bà, nhà thơ Katarina Frostenson cũng đã từ chức. Nếu như nữ nhà thơ Sara Stridsberg sẽ từ chối tham gia vào công việc của Viện như bà tuyên bố thì Viện hàn lâm Thụy Điển không thể hội đủ số đại biểu.

Theo nguyên tắc, để kết nạp các thành viên mới vào Viện hàn lâm Thụy Điển cần 12 đại biểu, để bỏ phiếu về việc trao tặng giải Nobel văn học chỉ cần đủ 8 người với đa số phiếu thường. Thế nhưng hiện nay, khi cả thế giới biết về những bê bối của Viện hàn lâm, uy tín của quyết định về người đoạt giải Nobel do 11 trong số 18 người  thông qua có thể bị nghi vấn - ngày 11 tháng 4 năm nay, Ủy ban Nobel bày tỏ sự lo ngại về vấn đề này.

Vua Thụy Điển Carl XVI Gustaf là người bảo trợ của Viện hàn lâm, cho rằng những mâu thuẫn nảy sinh trong Viện Hàn lâm Thụy Điển có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến vai trò của cơ quan này. Thời gian tới, đích thân ông sẽ chấn chỉnh Viện và để giải quyết khó khăn hiện nay, ông sẵn sàng thay đổi nguyên tắc của Viện hàn lâm Thụy Điển.

Tuy nhiên, trong một bài trả lời phỏng vấn báo "New York Times", ông Bjrn Wiman, bình luận viên văn hóa của báo "Dagens Nyheter" nói rằng, vụ bê bối ở Viện hàn lâm Thụy Điển là một "thảm họa lớn" đối với đời sống văn hóa  Thụy Điển, rằng "Sự tin cậy đối với cơ quan này đã giảm xuống dưới mức sàn".

Viện hàn lâm Thụy Điển được thành lập vào năm 1786 bởi vua Gustaf III, là một trong các Viện hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển, bên cạnh Viện hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển. Viện ra quyết định hằng năm về giải Nobel Văn học, thực hiện theo di chúc của nhà tài trợ Alfred Nobel.

Trần Hậu
.
.