Bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ độc hại từ không gian mạng: Trách nhiệm không của riêng ai

Thứ Sáu, 04/06/2021, 18:20
Sau Thơ Nguyễn, mới đây, cơ quan chức năng vừa phát hiện và xử lý trang youtube có tên TIMMY TV dành cho trẻ em chứa nhiều nội dung độc hại như bạo lực rùng rợn, mê tín... Tuy nhiên, muốn có được không gian mạng lành mạnh cho trẻ em, cũng như tránh được việc xử lý những sự việc như trên không chỉ là "bắt cóc bỏ đĩa" thì cần sự chung tay của cơ quan chức năng, gia đình và xã hội.

 

Vừa qua, sau khi nhận được thông tin phản ánh từ phụ huynh có một kênh youtube là TIMMY TV chứa nhiều hình ảnh, nội dung kinh dị, mê tín dị đoan không phù hợp với sự phát triển lành mạnh của trẻ em, Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã đề nghị cơ quan chức năng là Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin - Truyền thông), Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) kiểm tra, gỡ, xóa bỏ kênh. 

Được biết, chủ kênh Youtube mang tên TIMMY TV là N.H.H.A (sinh năm 1998). Kênh này hoạt động từ năm 2018, đến nay đã đăng tải 874 video, clip và có hơn 140 triệu lượt người xem. Nhiều phụ huynh đã bàng hoàng, rùng mình khi xem những clip mà kênh này đăng tải. Dựa theo những nhân vật hoạt hình nhưng kênh này lại chen vào đó những tựa đề cũng như câu chuyện vô cùng rùng rợn như "Cô dâu bị hồn ma nhập xác sống", "Mẹ con chết oan", "Ngôi mộ cô dâu chết yểu bị chồng khai quật"... 

Ngày 20/5, Cục An toàn thông tin đã trao đổi với Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh đề nghị mời đại diện chủ quản của kênh TIMMY TV lên làm việc, tổng hợp tất cả những video, clip không phù hợp trẻ em của kênh này để chuyển cho Youtube xử lý.

Bảo vệ trẻ em trên môi trường không gian mạng là chủ đề được nhiều nhà trường, đoàn thể quan tâm bàn thảo.

Trước phản ứng dữ dội từ phía phụ huynh và sự vào cuộc của cơ quan chức năng, kênh TIMMY TV đã ẩn các video có nội dung độc hại, đồng thời đăng tải video xin lỗi. Trong clip xin lỗi, chủ TIMMY cho biết đã tự nhận thấy đây là hành động sai trái, thiếu trách nhiệm trong quản lý, sản xuất video gửi đến người xem, nhất là các nội dung không phù hợp với trẻ em, làm ảnh hưởng đến đời sống tinh thần, sự phát triển lành mạnh về mặt tâm hồn của trẻ nhỏ. 

Chủ kênh thừa nhận "Mình đã làm ảnh hưởng một phần nào đó đến tinh thần của các bạn nhỏ. Bởi các bạn là những người đã ủng hộ mình và xem kênh của mình rất nhiều... Ngay từ khi làm Youtube mình đã không có nhiều kiến thức về pháp luật và không nhận thức được đây là hành động sai". Cơ quan chức năng xử lý chủ nhân kênh TIMMY với mức phạt 15 triệu đồng và yêu cầu xóa bỏ kênh này.

Sự việc của TIMMY TV khiến  nhiều người nhớ đến sự việc tương tự của youtuber Thơ Nguyễn trước đó. Nhiều phụ huynh đã vô cùng bức xúc khi Thơ Nguyễn đăng tải một đoạn video dài gần 1 phút trên Tik Tok có nội dung về việc "xin vía" học giỏi cho các em học sinh từ búp bê ma (búp bê "bùa ngải" Kumathong ở Thái Lan). Trong đoạn clip này, ngoài việc đeo chiếc kính kỳ dị với vẻ mặt nghiêm trọng, Thơ Nguyễn còn mang giọng điệu hăm dọa, ôm một con búp bê với tên gọi Cư Ma Mập, tự xưng là "mẹ" và gọi búp bê là "con". Đồng thời dỗ dành búp bê để xin vía học giỏi cho các em học sinh... 

Thơ Nguyễn đã phải chịu làn sóng tẩy chay của cộng đồng mạng, đặc biệt là các phụ huynh. Theo các phụ huynh, trước đây, kênh này từng đăng tải nhiều clip nhảm nhí, hú hét quái đản để thu hút trẻ em. Những clip của Thơ Nguyễn không hề mang ý nghĩa giáo dục, nhân văn mà nhảm nhí, vô bổ, thu hút trẻ em bằng những câu chuyện, hành động phi giáo dục. 

Cơ quan chức năng đã xác định nội dung clip của Youtuber Thơ Nguyễn có dấu hiệu vi phạm truyền bá tư tưởng mê tín dị đoan. Ngoài việc công khai xin lỗi các phụ huynh, trẻ em và rút hết các clip có nội dung nhảm nhí, Youtuber Thơ Nguyễn phải chịu mức phạt 7,5 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, mức phạt như vậy là quá nhẹ. Cần phải có biện pháp xử lý hình sự mới hy vọng hạn chế việc đăng tải những clip, video hay nội dung độc hại cho trẻ em lên không gian mạng. 

Đây không phải là những trường hợp đầu tiên bị xử phạt. Trước đó, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang đã lập biên bản xử phạt hành chính 10 triệu đồng với chủ tài khoản Hưng Vlog do đăng tải video "Troll lấy cắp tiền, đập bể heo đất của em gái, em trai đi ăn chơi và cái kết". Nhưng rõ ràng việc phạt tiền là không đủ sức răn đe khi trước đó chính chủ tài khoản này cũng đã từng bị phạt 7,5 triệu đồng cho clip miêu tả việc nguyên con gà chưa vặt lông cho vào nồi cháo... 

Có thể nói, những trường hợp bị xử lý thời gian qua chỉ đếm trên đầu ngón tay so với số lượng các kênh đang "mọc như nấm sau mưa" hiện nay. Trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển, sự ảnh hưởng của đại dịch COVID - 19 khiến các em nhỏ không được tới trường học, hạn chế tiếp xúc, nhiều thời điểm không được tham gia các trò chơi vận động có tính chất đồng đội ngoài trời, thời gian "làm bạn" với các thiết bị điện tử ngày càng nhiều. 

Theo khảo sát "Tiếng nói trẻ em Việt Nam" do Viện Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững và Tổ chức Cứu trợ trẻ em thực hiện năm 2020, cứ 3 trẻ em thì 2 trẻ có thiết bị kết nối Internet. Trẻ em tiếp cận nhiều nhất qua điện thoại thông minh, máy tính ở nhà, điện thoại di dộng của người thân, ngoài quán internet, máy tính trường học...

Trang mạng TIMMY TV với nhiều tiêu đề rùng rợn.

Trong khi đó, các kênh dành có các chương trình không phù hợp với lứa tuổi các em đang đầy rẫy trên không gian mạng. Các kênh này chủ yếu chạy theo trào lưu nhảm nhí, phản cảm với mục đích câu view bất chấp mọi chiêu trò; từ tạo cuộc thi thả dao từ trên cao xuống để bổ dưa hấu đến việc hướng dẫn các em trốn trong tủ, trong máy giặt... 

Đặc biệt, nội dung khiêu dâm đang trở nên đáng báo động, tràn lan trên mạng không chỉ dưới dạng website mà còn là hình ảnh, video, clip, quảng cáo xuất hiện ở các trang web chơi game trực tuyến, mạng xã hội, các diễn đàn, chát nhóm... Việc truy cập internet dễ dàng, các em tiếp cận đủ thể loại nội dung trên các nền tảng với vô vàn nội dung thu hút, hấp dẫn. Trẻ em lại đang ở lứa tuổi tò mò, thích bắt chước, làm theo. Video độc hại không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, sức khỏe tinh thần, tính mạng còn có thể là nguyên nhân dẫn đến một số vấn đề xã hội nghiêm trọng như bạo lực, xâm hại trẻ em...

Cục An toàn thông tin cho biết đã làm việc với Google về các kênh Youtube, đề nghị hỗ trợ rà soát gửi lại danh sách các kênh youtube hiện đang thu hút lượng lớn trẻ em để Cục theo dõi. Ngoài ra, cũng sẽ đề nghị với Google có hướng dẫn, khuyến cáo về việc làm nội dung cho trẻ em sao cho an toàn, phù hợp cho trẻ em đến tất cả những nhà sáng tạo nội dung trên youtube. Bên cạnh đó, mạng lưới bảo vệ trẻ em trên không gian mạng từ sáng kiến của Cục An toàn thông tin cũng đang đợi lấy ý kiến của các bộ, ngành cử thành viên tham gia mạng lưới để chính thức thành lập và hoạt động.

Phía cơ quan chức năng thì cho rằng ngoài việc giải quyết từng sự việc một như thời gian vừa qua thì phải hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật để đấu tranh với những tập đoàn lớn như Google, Facebook buộc họ phải có trách nhiệm lọc trước những video độc hại, xấu. Chúng ta cũng hy vọng Đề án "Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng" do Bộ Thông tin - Truyền thông trình lên Chính phủ với rất nhiều giải pháp toàn diện, căn cơ để bảo vệ trẻ em sẽ được phê duyệt trước ngày quốc tế thiếu nhi 1- 6 tới. 

Trước vấn nạn trên, các đơn vị chức năng cần vào cuộc thật sự tích cực, đưa ra các biện pháp hiệu quả. Cơ quan quản lý cần mạnh tay xử lý vì nếu chỉ dừng ở việc xử phạt thì không có tính chất răn đe vì mức phạt không thấm vào đâu so với lợi nhuận mà các youtuber thu được. Tuy nhiên, trước khi chờ sự vào cuộc của các cơ quan chức năng thì phụ huynh cần phải chủ động bảo vệ con mình thông qua các biện pháp kỹ thuật, app trong máy tính, điện thoại. Khi phát hiện ra các kênh độc hại với các em hãy gọi điện phản ánh, tố cáo kèm bằng chứng chi tiết. Đặc biệt, cha mẹ cần phải dành nhiều thời gian, công sức, tâm huyết để đồng hành, làm bạn với con. Thông qua trò chuyện, giáo dục để các con nâng cao ý thức, nhận biết được những rủi ro có thể gặp phải trên môi trường mạng để chủ động phòng tránh.

Tuấn Phong
.
.