Bạo lực học đường kéo lùi giáo dục

Thứ Hai, 03/12/2018, 08:09
Là một giáo viên dạy học đã 25 năm, tôi từng đặt cho học sinh câu hỏi: “Nếu bạn phạm lỗi, cô bảo con đánh bạn để phạt, có đánh bạn không?”. Tất cả các câu trả lời tôi nhận được từ các em, và cả phụ huynh nữa, đều là “không”. Thay vào đó, đôi khi tôi nhận được câu hỏi ngược lại: “Tại sao con phải đánh bạn của mình?”.


Cái tát “trời giáng” vào "cơ thể" ngành giáo dục

Nguyễn Thị Mai Loan (Giáo viên Trường Trần Nhân Tông, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh)

Lý do đưa ra cho câu trả lời từ chối đôi khi rất… trẻ con. Em Lê Hữu Nghĩa, lớp 11A2 Trường Trần Nhân Tông, quận Bình Tân khẳng định: “Con không đánh, nhất quyết không đánh! Lỡ bạn mang thù với con, sau này nó làm sếp con, hay làm giáo viên dạy con của con thì sẽ ra sao? Con cũng sợ bạn đánh lại con nữa. Con để giáo viên giải quyết thôi!”.

Một em khác cho biết em sẽ từ chối lời yêu cầu vì: Thứ nhất: Em không có lý do hay quyền hạn gì để đánh bạn cả! Thứ hai: đây là lỗi mà bản thân bạn gây ra, gây tổn hại đến cộng đồng lớp hoặc nhà trường thì thầy cô nên phối hợp với phụ huynh của bạn để trách phạt bạn theo kỷ luật của nhà trường. Thứ ba: Nếu thầy cô có trách phạt bạn thì nên phạt cảnh cáo vừa phải, không nên vì sự tức giận của mình mà phá vỡ kỷ luật nhà trường. Không ai có quyền gây tổn thương nặng đến cơ thể bạn. Bạn bị đánh đau, cha mẹ nào mà chẳng thương con. Vì thế có thể dẫn đến lớn chuyện!

Cô Mai Loan và các học sinh.

Một chị phụ huynh có con học trường quốc tế Canada cho biết, chị đã hỏi con gái mình, cháu cũng trả lời: “Con sẽ không đánh!”. Nếu bị cô trừ hạnh kiểm thì con chị bảo cũng không sợ, sẽ về báo cho mẹ rồi báo… Công an, thậm chí… đăng báo luôn! Cháu bé phát biểu những câu này cũng chỉ mới học lớp 6!

Tôi bất giác nhớ lời nhà tư tưởng Ấn Độ Gandhi: “Quyền lực chỉ có sức mạnh khi chúng ta đồng ý với nó”.

Câu chuyện 231 cái tát của cô giáo ở trường Duy Ninh, khiến cộng đồng dậy sóng, không đơn thuần chỉ là một cái tát vào má một em học sinh lớp 6. Nó chính là cái tát “trời giáng” vào "cơ thể" ngành giáo dục! Nó đánh mạnh vào những triết lý giáo dục mơ hồ, và xa thực tế đang được nhiều nhà nghiên cứu đề xuất nhưng chưa thống nhất. Nó như cái tát vào phẩm giá của học sinh, tát vào lòng tự trọng, vào niềm tin về nghề giáo!

Phải chăng, chính những áp lực từ chương trình học luôn thay đổi, từ hàng chục thứ giấy tờ sổ sách người giáo viên phải làm hàng tháng, hàng tuần, từ tỉ lệ thi đua được ngành áp dụng, từ tỉ lệ thi đua trường áp xuống cho giáo viên chủ nhiệm để trường được phong đạt chuẩn quốc gia, áp lực từ phụ huynh, từ mạng xã hội..vv.. đã đẩy giáo viên đến chỗ bị ức chế tâm lý thường xuyên? Những áp lực chuyên môn cơ bản nhằm nâng cao tay nghề thì ít mà áp lực thành tích lại quá nhiều! Áp lực này khiến người giáo viên xa dần tiêu chí “Dạy chữ để dạy làm người tử tế”!

Vì thế, thay vì đưa ra cho học sinh gương sống tốt, dạy học sinh điều hay lẽ phải, dạy yêu thương, bao dung để sống tử tế thì một số giáo viên lại đi đến chỗ vô cảm, sử dụng bạo lực.

Giận mất khôn, cô giáo cho cả lớp tát học sinh 231 cái đã quên thiên chức nhà giáo của mình. Cô đang chìm sâu vào nỗi lo mất thi đua, bị phê bình. Tôi nghĩ, lúc cho cả lớp tuần tự lên tát bạn mình, cô giáo ấy không hề ý thức rằng mình đang kích động và cổ xúy cho hành vi bạo lực. Có thể cô đang thả nổi tâm trạng của mình vào âu lo thường trực: bị chỉ trích trước cả hội đồng, bị cắt thi đua, mất thưởng.

Tâm huyết thôi chưa đủ! Đã đến lúc cộng đồng cần gióng hồi chuông cảnh tỉnh: Phải triệt tiêu bệnh hình thức, bệnh thành tích! Phải tập trung dạy để hình thành cho bằng đươc sự chính trực và tư duy phản biện trong mỗi học sinh. Chính việc dạy cách phản ứng chính đáng, hợp lý, dứt khoát để bảo vệ cái đúng và tư duy phản biện sẽ hướng học sinh đến khả năng biết đối diện áp lực, biết phán đoán tình huống. Và xa hơn nữa, là xây dựng cho bằng được tinh thần chính trực, tự chủ, tự trọng cho học sinh, để các em biết dứt khoát nói không với cái xấu!

Mong lắm một nền giáo dục dạy người sống tử tế.

Đằng sau 231 cái tát

Hà Quang Minh (Nhà báo)

Dư luận đã giận run lên khi đọc tin cô giáo ở trường Duy Ninh, tỉnh Quảng Bình ra lệnh cho 23 học sinh lớp 6 tát một bạn cùng học chỉ vì lý do em này bị đội “Sao đỏ” bắt quả tang nói tục. Đó là hành vi phản giáo dục. Ở những nước văn minh, nó có thể bị hình sự hoá.

Vết tích để lại của nó lớn hơn một vụ việc rất nhiều. Nếu một đứa trẻ được dạy nó có thể tát vào mặt người khác, dù người đó không xúc phạm nó, không phản bội nó, rất có thể hành vi sẽ làm nó gật về thói quen. Vậy, chúng ta sẽ làm gì, sẽ xử lý thế nào nếu như chúng ta là giáo viên và phát hiện học sinh của mình văng tục, chửi thề?

Tất nhiên, 100% sẽ không ai đồng tình, không ai dám nói “tôi sẽ cho bạn học tát vào mặt học sinh đó, dù chỉ là một cái”. Phải làm gì, để em học sinh ấy hiểu thực sự văng tục, chửi thề là xấu, là vô văn hoá và tự nó có ý thức cảnh giác để không lặp lại hành vi?

Thực sự là khó. Tâm sinh lý của tuổi học sinh rất phức tạp, nằm sâu trong tiềm thức. Trẻ em tuổi này luôn có một ý thức chống lại những giáo điều mà người lớn áp đặt lên chúng. Chúng chỉ tuân theo những luân lý được áp đặt lên nếu chúng có cả sự “cảm nhận” lẫn cả sự “phân tích lý lẽ riêng” rằng luân lý ấy “đúng” với chúng mà thôi. Trên hết, chúng có một xu hướng giễu nhại những gì chúng coi là sáo rỗng và giáo điều.

Hãy thử hình dung, chúng ta là giáo viên chủ nhiệm, và chúng ta đứng trên bục giảng, nói một câu rằng “Các em ạ, hôm nay thầy/cô rất buồn khi phát hiện bạn A nói tục, chửi thề. Thầy/cô muốn A tự suy ngẫm xem mình nói như vậy đã đúng chưa, rồi gặp thầy/cô và cho thầy cô biết A đã suy ngẫm những gì. Còn phần các em, các em có hứa sẽ không nói tục, chửi thề hay không?”.

Vâng, với câu nói ấy, ngay cả chúng ta, với độ lùi tuổi tác nhất định đủ để nhẫn và để thẩm định mọi góc nhìn, chúng ta cũng sẽ bật cười vì sự sáo rỗng của nó. Nhưng sự sáo rỗng ấy lịch sự hơn những cái tát. Mà giáo dục hiện đại thì lại tối kị đòn roi. Nói như thế, để thấy rõ rằng, giáo dục là một nhiệm vụ siêu khó.

Tại sao thời xưa, những người được đi học, có chút chữ nghĩa lại là những người văn minh, lịch lãm và lễ nghĩa mà ở thời ấy, mấy ông thầy đồ/đốc học có thể sẽ dùng roi vọt và nhéo tai, cốc đầu? Câu hỏi này thật ra không khó trả lời. Nó phát xuất từ một xã hội trọng lễ nghĩa. Con người cũng đối diện môi trường giáo dục khởi từ lễ nghĩa trong chính mỗi cá thể. Có lễ nghĩa, thầy nói - trò biết lắng nghe và trân trọng chứ không phải thầy nói, trò sẵn sàng giễu nhại lại ở sau lưng.

Thực tế số người không từng văng tục chỉ chiếm thiểu số. Bất kỳ ai cũng dễ dàng buột  câu văng tục, như câu cửa miệng. Vậy, chúng ta dạy con mình cách nào? Và khi bản thân con cái chúng ta bắt đầu một ngày mới, khoác áo tới trường kèm theo hành trang là những thói xấu mà chính gia đình, xóm giềng đã phục trang cho nó. Thực sự để cải cách nó, đó là một thách thức với ngành giáo dục.

Khốn nỗi, ở trong hoàn cảnh ấy, giáo dục Việt Nam lại chỉ chú trọng vào việc cải tiến kỹ thuật giáo dục (phương pháp học tập, công cụ học tập) chứ chưa có động thái gì để cải cách “phương pháp giáo dục” hay cao siêu hơn là “tâm lý giáo dục”, đặc biệt là trong một môi trường xã hội đặc biệt phức tạp như hôm nay.

Thực sự, 231 cái tát kia không chỉ đau cho mỗi mình cậu học trò, cho ngành giáo dục.

Cần quan tâm hơn đến sức khỏe tâm thần của giáo viên

Tony Ngo (Kế toán, TP Hồ Chí Minh)

Cứ mỗi khi có vụ bạo lực học đường xảy ra thì cả xã hội đều đồng thanh lên án. Nó cho thấy rằng xã hội không bao giờ chấp nhận và đồng hành với cái xấu. Phần lớn mọi người sẽ cảm thấy hài lòng và thỏa mãn nếu như những vụ bạo lực bị trừng phạt, xứng đáng với tội lỗi mà họ gây ra.

Cá nhân tôi thì nghĩ rằng đó không phải là cái gốc của vấn đề. Việc trừng phạt những cá nhân gây ra những vụ bạo lực học đường không chắc rằng sẽ giúp cho trình trạng bạo lực học đường giảm đi.

Ba mươi mấy năm trước, khi ngồi trên ghế nhà trường, tôi may mắn chưa hề một lần nào bị thầy cô dùng nhục hình như đánh bằng thước, bằng roi hay bạt tai. Tuy nhiên, thời đó việc dùng các hình phạt này đối với học sinh là khá phổ biến. Hồi tôi học cấp 2, có ông thầy dạy môn Văn rất “ác” với học trò.

Đến giờ của thầy là cả lớp thường ngồi im re. Hễ có gì trái ý thầy là thầy lôi học sinh chửi bới, bạt tai. Mức độ bạo lực cũng có thay đổi, tùy vào việc trước đó thầy với vợ thầy (cũng là giáo viên) cãi lộn, chửi nhau nhiều hay ít. Vợ chồng thầy ở nhà tập thể trong trường, rất gần với những phòng học, và chửi lộn hằng ngày. Những khó khăn, áp lực trong đời sống đã khiến thầy trở nên bức xúc, cộc cằn và dễ trút lên đầu học trò.

Tôi đã dành nhiều thời gian để quan sát và nghiền ngẫm chuyện học hành ở trường của các con tôi từ khi chúng chưa đầy 2 tuổi. Tôi thấy những thầy cô hay dùng những hình phạt mạnh tay đối với học trò thường có liên quan đến những bất ổn trong cuộc sống. Căng thẳng thần kinh (stress), trầm cảm, rối loạn tâm thần dẫn đến mất khả năng kiểm soát cảm xúc và hành vi.

Đặc biệt những người dễ bị nhất là những cô giáo dạy mầm non. Ở cấp học này, các cô giáo chịu rất nhiều áp lực khi phải chăm sóc cho 20 đến 30 đứa trẻ thất thường, hỗn loạn. Chính những áp lực nặng nề đó cộng với chế độ lương bổng, đãi ngộ không tương xứng đã gây ra những căng thẳng thần kinh cho họ. Đa số những vụ bạo lực học đường cũng như mức độ dã man của nó là xảy ra ở cấp học này.

Tình trạng rối loạn tâm thần ngày nay ở Việt Nam rất là trầm trọng. Theo con số mà Viện Sức khỏe tâm thần công bố tại hội thảo mới đây thì có tới 30% dân số Việt Nam bị rối loạn tâm thần, trong đó có 25% mắc trầm cảm. Căng thẳng thần kinh, rối loạn tâm thần đang trở thành một vấn nạn không loại trừ một ai trong cuộc sống hiện đại này.

Những rối loạn về tâm thần sẽ khiến cho người mắc phải có những hành vi bất thường như không kiềm chế được cảm xúc, không kiểm soát được hành vi, dẫn đến những hình thức tiêu cực khác nhau như muốn tự tử, muốn giết người hay là có những hình thức hành hạ người khác. Và tất nhiên là thầy cô giáo cũng không phải là ngoại lệ.

Sau mỗi vụ bạo hành nghiêm trọng bị phát hiện, ngành giáo dục và các cơ quan chức năng thường đưa ra biện pháp để kiểm soát, hạn chế và ngăn chặn. Lắp hệ thống camera giám sát chẳng hạn. Dù có tác dụng nhưng là không đủ, không thể giải quyết được cái gốc của vấn đề. Cái gốc là phải quy định bắt buộc việc kiểm tra sức khỏe tâm thần định kỳ, đặc biệt là ở cấp học mầm non, cho các thầy cô giáo. Việc kiểm tra này phải được thực hiện nghiêm túc, tránh làm chiếu lệ.

Khi các con tôi đi học ở trường mầm non, tôi đến gặp các cô giáo và nói rằng, nếu con quậy phá quá mà không nghe lời thì các cô cứ việc dùng roi quất vào mông. Tôi sẽ không hề phàn nàn gì về chuyện này. Ngoài ra, tôi còn thường xuyên thăm hỏi các cô giáo chân tình, đặc biệt là vào những dịp lễ, Tết, và xem đó như là biện pháp đồng hành để giảm bớt chút áp lực cho các cô trong công việc và trong cuộc sống. Đó không phải là lấy lòng, đó là khi tôi muốn chân thành bày tỏ sự chia sẻ.

Kỷ luật trong môi trường giáo dục Hoa Kỳ

Thái vũ (Thông dịch viên, Biên Hòa, Đồng Nai)

Tôi không hiểu tại sao tất cả 23 em học sinh khi bị cô giáo buộc phải tát bạn lại không có em nào phản kháng, từ chối nghe theo, mạnh mẽ hơn là xin phép ra ngoài, báo cáo vụ việc với Ban giám hiệu hoặc phụ huynh để có thể ngừng ngay việc xử phạt tập thể lại. Báo chí đã nói nhiều: các em đều sợ. Nếu từ chối tát bạn, hoặc chỉ tát nhẹ, chính các em sẽ bị tát lại 10 cái. Có em là anh em họ với học sinh bị phạt đã phải vừa tát người anh em của mình vừa khóc.

Bản thân em học sinh bị phạt, sau khi nhận đủ những cái tát vì tội chửi thề đã bày tỏ thái độ bằng buột mồm thêm một tiếng chửi thề! Tái phạm lỗi không hẳn vì bị đánh đau, mà chủ yếu là vì ấm ức.

Hình phạt do đó đã không hề có tác dụng giáo dục.

Đáng nói ở đây là, nhà trường chúng ta xem kỷ luật như một hình thức kỷ luật bằng nỗi sợ hãi, buộc học sinh phải vâng lời. Nhưng bạo lực chỉ có tính chất khuất phục, không có tác dụng giáo dục. Những thế hệ thừa hưởng một nền giáo dục như vậy khó có thể hình thành nên nhân cách tự chủ, tự học sinh phân biệt được đúng sai để tự điều chỉnh và hoàn thiện nhân cách. Đây là điều rất đáng tiếc và đáng lo, khi chúng ta vẫn đang loay hoay với một nền giáo dục không có triết lý giáo dục rõ ràng và tiến bộ.

Có lẽ, đã đến lúc ngành giáo dục cần minh định lại cả triết lý lẫn mục đích giáo dục xung quanh mục tiêu hoàn thiện con người, cả tri thức lẫn nhân cách cho học sinh. Các em cần được trang bị những hiểu biết, ý thức rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của bản thân trong môi trường và nhiệm vụ học tập.

Có như thế, học sinh mới tự nói không với điều xấu, đơn giản nhất là từ câu nói tục, tiếng chửi thề hay  hành vi đánh, bắt nạt bạn. Khi đã có ý thức đầy đủ, tự các em sẽ biết kỷ luật nào là đúng đắn và hợp lý. Ngay cả khi thầy cô yêu cầu, nếu không phù hợp, các em  cũng sẽ biết và đủ can đảm - vì nhận thức rõ quyền và giới hạn cho phép - để không tham gia vừa phạt bạn vừa khóc. Như thế, sẽ không còn học sinh nào phải chịu 231 cái tát. Không có cô giáo nào phải ân hận vì sai lầm của mình. Không có phụ huynh nào phải bất an khi con mình đến trường.

Tôi có 3 đứa con, đều đã trải qua ba cấp học (đến đại học) tại Hoa Kỳ. Bản thân tôi lại làm việc trong trường học nên tôi hiểu khá rõ về các hình thức kỷ luật trong trường học ở Mỹ. Cách đây gần 50 năm (1971), ở Mỹ có 2 học sinh nộp đơn kiện lên tòa liên bang về việc họ bị hình thức kỷ luật là đánh vào mông.

Xin nói ngay, việc phạt học sinh bằng hình thức tác động lên thân thể (corporal purnishment) giờ đã bị cấm hầu hết, nhưng hồi đó, hình phạt cho phép là đánh vào mông (spank), và phải đánh bằng 1 dụng cụ riêng gọi là paddle với quy định cụ thể (về chất liệu, kích thước, hình dáng...).

Trước khi đánh học sinh bằng paddle, giáo viên phải tham khảo ý kiến và được sự chấp thuận của hiệu trưởng.Vụ kiện lên tới Tối cao pháp viện (The Supreme Court) với các tranh cãi đi từ Tu chính án 14th, cho đến năm 1977 mới xong..

Hiện nay, trường học nào ở Mỹ cũng có 2 vấn đề luôn được phổ biến, và điều chỉnh. Đó là quy tắc đạo đức của học sinh (Student's code of conduct) và chính sách kỷ luật với các vi phạm (thư cảnh cáo gửi phụ huynh, giữ tại trường sau khi tan học, chuyển tới ban giám thị (administrator, cảnh sát) để họ xử lý... và cuối cùng là đuổi học (expulsion).

Các vi phạm từ quần áo, trang phục không đúng quy định, cho tới đi học trễ, trốn học (cúp cua hoặc nghỉ học không phép) đánh nhau, hút thuốc... đều có các hình phạt tương ứng theo quy định.

Một điều thú vị, các trường tư, tưởng là phải có du di, kỷ luật không quá nghiêm khắc để còn thu hút học sinh (vì trường tư có thu học phí) nhưng không, càng trường tư, kỷ luật càng nghiêm. Chính điều này khiến phụ huynh cố dành thu nhập, thời gian cho con vào học (trường tư không có xe school bus đưa đón, phụ huynh tự lo). Chỉ cần 2 lần đi trễ dưới 5 phút là có thư cảnh cáo liền.

Con tôi từng học trường Công giáo St. Mathew ở South Carolina, rồi sau này là trường công giáo Blessed Sacrament. Cả hai trường đều có những quy định rất nghiêm từ trang phục. Ví dụ, có 1 cái thùng to để ở cửa ra vào chính, học sinh nào đeo thắt lưng hay nói chung là những phụ kiện trang điểm không đúng quy định là phải cởi ra bỏ vào cái thùng đó, không thì về nhà thay đồ...

Luật là luật, rất khắt khe. Thế nhưng ở Mỹ, dù khắt khe đến mấy thì việc thầy cô giáo đánh học sinh vẫn rất ít xảy ra.
Nguyễn Hồng Lam (thực hiện)
.
.