Khủng hoảng nhóm nhạc chuyên nghiệp

Bao giờ cho đến ngày xưa?

Thứ Sáu, 25/09/2015, 08:00
Thông tin về nhóm nhạc La Thăng, một trong những nhóm nhạc nam có tiếng nhất thị trường âm nhạc Việt tuyên bố tan rã thời gian gần đây gây tiếc nuối cho khán giả. Sự việc một lần nữa cho thấy, duy trì, phát triển hoạt động của các nhóm nhạc luôn là việc làm vô cùng khó khăn. Thời hoàng kim của các nhóm nhạc đã qua đi và sự tan rã của La Thăng đã thêm một gam màu trầm vào bức tranh âm nhạc Việt vốn đã rất "khát" nhóm nhạc chuyên nghiệp.

"Khủng hoảng" nhóm nhạc nữ

Thị trường âm nhạc Việt đã có thời kỳ được chứng kiến sự thăng hoa của các nhóm nhạc. Với thế mạnh là sự hỗ trợ, tương tác của các thành viên trong nhóm, phối hợp bè, vũ đạo đẹp mắt, các nhóm nhạc nữ như "Con gái", "Tam ca 3A", "Tik Tik Tak", "Ba con mèo", "5 dòng kẻ"... đã góp phần không nhỏ trong việc làm phong phú thêm các sân khấu ca nhạc Việt. Đến bây giờ, khi nhắc đến "Tik Tik Tak", người ta vẫn nhớ đến sự hồn nhiên, nhí nhảnh với ca khúc "Ngày xưa ơi", "Cô tấm ngày nay", "Ba con mèo" với "Mẹ yêu", "Tình bạn". Nhóm "Tam ca 3A" với "Mong ước kỷ niệm xưa", "Vào hạ", "Mái trường mến yêu", "Áo trắng" với "Phố xa", "Bồ câu không đưa thư", "Góc phố dịu dàng". Nhóm "Con gái" với "Con gái bây giờ", "Khúc hát chim trời"…

Sau thế hệ nhóm nhạc nữ "đời đầu" ấy, những nhóm nhạc thế hệ kế tiếp như "Mắt ngọc", "Mây trắng", "H.A.T", "Ty My Ty", "Sắc màu"… ít nhiều cũng tìm được đối tượng khán giả riêng cho mình. Tuy nhiên, càng về sau, các nhóm nhạc nữ càng "hụt hơi", và đến thời điểm hiện tại, rất khó có thể kể tên một nhóm nhạc nữ thực sự ấn tượng.

O-Plus là một trong những nhóm nhạc nam được yêu thích hiện nay. Trong ảnh: một phần thi của O-Plus trong cuộc thi "Nhân tố bí ẩn - X Factor" năm 2014.

Một đặc điểm chung của các nhóm nhạc nữ hiện nay là các thành viên phần lớn được phát hiện qua các sân chơi âm nhạc, có ngoại hình bắt mắt, khả năng thanh nhạc, vũ đạo khá đồng đều. Nhóm nhạc X5 gồm 5 thành viên được tuyển chọn từ cuộc thi "Sáng bừng sức sống" gồm Linh Chi, Hồng Nhung, Mai Phương, Hải Lê, Thanh Trúc là một ví dụ.

Khi mới ra đời, X5 từng được kỳ vọng sẽ là nhóm nhạc nữ tiềm năng của nhạc Việt bởi "sở hữu" năm cá tính âm nhạc riêng biệt và được xây dựng theo đúng chuẩn nhóm nhạc thần tượng. Chưa kịp có sản phẩm âm nhạc nào ấn tượng, Mai Phương và Linh Chi quyết định rời nhóm và cuối cùng X5 tuyên bố tan rã sau 2 năm hoạt động vào năm 2013.

Tương tự như vậy, ba hotgirl Hà Thành là Emily, Hạnh Sino, Huyền Baby đã quyết định thành lập nhóm nhạc nữ B.Sily vào năm 2010. B.Sily từng chia sẻ rằng, họ muốn thoát khỏi định kiến "hot girl cầm mic", theo đuổi con đường âm nhạc chuyên nghiệp nghiêm túc chứ không phải là cuộc dạo chơi, định hướng phát triển nhóm nhạc nữ trẻ trung, năng động, quyến rũ có bản sắc riêng không thể nhầm lẫn với bất cứ nhóm nhạc nào. Sau một năm đi vào hoạt động B.Sily tuyên bố "đường ai nấy đi" vì lý do các thành viên mong muốn phát triển sự nghiệp riêng.

Bước ra từ cuộc thi The Voice mùa đầu tiên, Thiều Bảo Trang và em gái Thiều Bảo Trâm đã thành lập nhóm nhạc Bee.T. Được nhạc sỹ Phương Uyên "đỡ đầu", Bee.T liên tiếp có cơ hội xuất hiện trên những sân khấu lớn. Tuy nhiên, sau gần 3 năm hoạt động, Bee.T cũng chưa có được một sản phẩm âm nhạc nào "ra tấm, ra món", định hình phong cách riêng cho mình, ngoại trừ những nhận xét về trang phục "thiếu vải" hay vũ đạo nóng bỏng.

Nhóm nhạc nữ đang được mong đợi nhất hiện nay là LIME. LIME quy tụ bốn gương mặt xuất sắc từ cuộc thi "Ngôi sao Việt 2014" là Kim Cương, Thúy Vy, Diệu Linh, Nhất Khanh. LIME được huấn luyện theo chương trình đào tạo nhóm nhạc của Hàn Quốc rất bài bản. Tuy nhiên, kể từ khi thành lập cho đến nay, bốn cô gái xinh đẹp không đủ sức đưa LIME đến với đông đảo công chúng yêu nhạc. Là nhóm nhạc Việt nhưng LIME bị đánh giá là "bản sao" của các nhóm nhạc nữ Hàn Quốc từ phong cách, hình ảnh, vũ đạo của nhóm đều mang màu sắc Hàn Quốc. MV "Đừng vội" của nhóm khi ra mắt gây nhiều tranh cãi vì phong cách Hàn quá đậm nét từ hình ảnh, âm nhạc, vũ đạo, góc quay, phong cách dàn dựng… Trên nhiều diễn đàn mạng, có người còn thẳng thắn nhận xét rằng, khi xem LIME biểu diễn, thật khó có thể nghĩ rằng, đó là một nhóm nhạc nữ thuần Việt.

Thiếu phong cách riêng

Các nhóm nhạc muốn tồn tại và có được chỗ đứng trong lòng công chúng thì điều cốt yếu phải tạo dựng được phong cách riêng. Nếu "Bức tường" được biết đến với dòng nhạc rock mạnh mẽ, cá tính, "Tam ca 3A" nổi bật với dòng nhạc trữ tình, "Tik Tik Tak" với các ca khúc nước ngoài, "AC&M" mang phong cách semi classic và hát Acapella… thì giờ đây, rất khó định hình phong cách của những nhóm nhạc mới nổi.

Các nhóm nhạc trước đây đều có được những bài hit riêng, gắn liền với tên tuổi của nhóm thì rất hiếm ca khúc của các nhóm nhạc mới tạo được ấn tượng với người hâm mộ. Đành rằng, sự so sánh luôn khập khiễng vì thị trường âm nhạc mỗi thời mỗi khác nhưng rõ ràng, sự lao động nghệ thuật nghiêm túc, sự phối hợp ăn ý giữa các thành viên để tạo dựng phong cách thống nhất, riêng biệt của nhóm là điều rất đáng trân trọng.

Nắm bắt thị hiếu của khán giả trẻ, các nhóm nhạc mới ra đời với "công thức chung" là ngoại hình bắt mắt, biết vũ đạo còn hát chỉ cần ở mức độ "khá". Với công nghệ đào tạo, huấn luyện theo phong cách nước ngoài, đặc biệt là làn sóng thần tượng Hàn Quốc, nhiều nhóm nhạc Việt như V. Music, The Men, 365, X5, LIME… đã trở thành "bản sao hoàn hảo" của người khác.

Xét về góc độ hình ảnh, sự "đa zi năng" thì nghệ sĩ Việt không thua kém là bao so với nước ngoài nhưng nếu đánh giá dưới góc độ chuyên môn thì nhóm nhạc Việt yếu thế hơn hẳn về khả năng thanh nhạc. Thật khó có thể đi đường dài nếu các nhóm nhạc Việt không tạo dựng được phong cách riêng bởi dù có "bắt chước" tài giỏi đến đâu thì cũng không bao giờ theo kịp sự phát triển mạnh mẽ của âm nhạc thần tượng Hàn Quốc. Phong cách âm nhạc ở đây không đơn thuần là sự chăm chút về hình ảnh bên ngoài mà điều quan trọng hơn là giọng hát, "gu" âm nhạc, cách hát, cách xây dựng bè, hòa âm, phối khí cho ca khúc.

Không theo phong cách của nhóm nhạc Hàn Quốc hay phương Tây, một vài nhóm nhạc Việt đã cố tạo ra phong cách "quái" gây phản cảm. Nói về trào lưu này không thể không kể đến HKT. HKT được thành lập vào thời điểm thị trường âm nhạc khát nhóm nhạc nam vào năm 2005 với ba thành viên thế hệ 9X là Lý Tuấn Kiệt, Ti Ti, Hồ Gia Hùng. Khi mới xuất hiện, HKT gây sốc cho thị trường âm nhạc Việt bằng phong cách thời trang kỳ dị, âm nhạc "không giống ai". HKT bị coi là thảm họa của nhạc Việt với những ca khúc "nhạc chợ" như "Nàng Kiều lỡ bước", "Giá như"...

Các thành viên nhóm nhạc LIME - một nhóm nhạc đang bị đánh giá là "bản sao" của các nhóm nhạc nữ Hàn Quốc.

Nhiều người nói rằng, họ bị tra tấn bằng thứ nhạc nửa mùa, gây cảm giác khó chịu, "không thể tiêu hóa". Mặc dù thời gian gần đây, nhóm đã có những thay đổi về hình ảnh cũng như dòng nhạc nhưng cũng chưa nhận được thiện cảm của công chúng. Bên cạnh HKT, showbiz Việt còn chứng kiến "bão" thảm họa từ những nhóm nhạc thế hệ 10X như HKT-M và ACK. Những cậu bé tóc tai lãng tử, thời trang "dị" hát hàng trăm ca khúc ở nhiều thể loại khác nhau từ nhạc thiếu nhi đến nhạc người lớn, tình yêu, đau khổ, chia ly... Cùng với đó là những màn vũ đạo mà ngay cả người lớn khi xem đôi khi cũng phải đỏ mặt.

Sự phát triển của các nhóm nhạc luôn rất cần thiết bởi nó sẽ góp phần làm phong phú thêm sân khấu ca nhạc. Quan trọng hơn, với những thế mạnh riêng có, các nhóm nhạc có thể cho ra đời những sản phẩm âm nhạc chất lượng. Sự tách nhóm, tan rã là điều khó tránh khỏi với một nhóm nhạc bởi sự thiếu hòa hợp giữa các thành viên, cái tôi cá nhân quá lớn, nhu cầu hoạt động nghệ thuật độc lập… nhưng chính nhóm nhạc là điểm khởi đầu, bệ phóng cho những tài năng âm nhạc đích thực. Điều quan trọng là làm sao để luôn có những nhóm nhạc mới thực sự tài năng bổ sung vào thị trường âm nhạc Việt.

Thiết nghĩ, trong điều kiện "khát" nhóm nhạc như hiện nay, cần có thêm những sân chơi, cuộc thi để qua đó tạo điều kiện cho các nhóm nhạc phát triển, giống như "X-Factor - Nhân tố bí ẩn" 2014 đã phát hiện, góp phần quảng bá những nhóm nhạc nổi lên từ dòng nhạc underground rất "chất" là The Zoo, O-Plus, Fband…

Tường Phạm
.
.