Báo chí năm 2020 - một năm nhìn lại
- Báo chí góp phần hình thành văn hóa giao thông trong xã hội
- Tăng cường thực hiện công tác phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí
- Nâng cao năng lực truyền thông, báo chí về phòng chống tác hại của thuốc lá
Báo chí cũng nêu bật các chủ trương, chính sách, biện pháp đúng đắn, quyết liệt của Đảng và Chính phủ để hoàn thành mục tiêu “kép”, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế; phản ánh những thành tựu của nhiệm kỳ XII của Đảng, thành công của Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Việt Nam đảm nhiệm tốt vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN.
Đảm nhiệm Năm Chủ tịch AIPA 2020 và tổ chức Đại hội đồng AIPA 41 là điểm nhấn quan trọng trong công tác đối ngoại của Quốc hội Việt Nam. Kết thúc năm 2020, kinh tế Việt Nam được ghi nhận đạt mức tăng trưởng 2,91%, chính thức vượt quy mô kinh tế của Malaysia và Singapore để trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 ở Đông Nam Á và đứng thứ 36 trên thế giới.
Ê-kip phóng viên Kênh VTC14 - Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC tác nghiệp trong Bệnh viện Bạch Mai. |
Báo chí đã chủ động, tích cực, dũng cảm tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, phê phán nhũng biểu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Những ngòi bút có dũng khí góp phần phát hiện và làm rõ những tiêu cực, sai phạm, khuyết điểm của những cán bộ, đảng viên, góp phần vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo. Trong đại dịch COVID-19 và trong thiên tai, bão lũ, hình ảnh các nhà báo lặn lội vào những nơi khó khăn, nguy hiểm đã để lại ấn tượng và cảm phục sâu sắc
Báo chí đã trở thành một kênh thông tin quan trọng phản ánh phong phú, toàn diện, có tính phản biện xã hội cao đối với các vấn đề nóng thuộc mọi lĩnh vực đời sống để Đảng và Chính phủ ra những quyết sách kịp thời, nhằm đáp ứng những nguyện vọng của nhân dân.
Năm 2020, thấy rõ sự chuyển biến rõ nét của các cơ quan báo chí trong việc chủ động tham gia đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch với nhiều hình thức thông tin phong phú.
Một số cơ quan báo chí đã mở chuyên mục, tăng cường và nâng cao chất lượng thông tin về nội dung này, như: Báo Nhân dân, QĐND, CAND, Tạp chí Cộng sản, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt nam, Thông tấn xã Việt Nam… Số lượng, chất lượng các chuyên mục, chương trình, tin bài đã tăng lên đáng kể, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đón nhận, tạo được hiệu ứng tích cực trong xã hội.
Báo chí cũng thông tin rộng rãi về hoạt động bảo vệ chủ quyền biển, đảo, cổ vũ ý chí quyết tâm và lập trường nhất quán của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, nâng cao đời sống tinh thần cho toàn dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh các chương trình, tin tức thực hiện bằng tiếng Việt, một số cơ quan báo, đài còn thực hiện các chương trình, ấn phẩm bằng các tiếng dân tộc thiểu số để giúp người dân các vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa nắm vững quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, chống lại luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.
Các cơ quan báo chí cũng thực hiện sản xuất tin, bài trực tiếp bằng các ngoại ngữ, như: Anh, Pháp, Nga, Trung, Nhật… hoặc phụ đề ngoại ngữ để giúp thông tin lan tỏa trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài cũng như cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã làm được, báo chí cũng phải đối diện với nhiều thách thức, còn tồn tại hạn chế. Đó là việc còn đăng tải thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị; thông tin không đúng tôn chỉ, mục đích được quy định trong giấy phép; tin, bài thiên lệch quá nhiều vào mặt trái; tình trạng giật tít câu khách, câu “view”, gây hiểu nhầm, trái với nội dung bài viết, thiếu tính giáo dục, chưa phù hợp với lợi ích của đất nước... vẫn xảy ra, mặc dù đã được các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí nhắc nhở, định hướng thường xuyên, liên tục.
Đặc biệt, năm 2020 cũng là năm có số nhà báo bị bắt, bị khởi tố tương đối nhiều vì vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Vì áp lực kiếm tiền, nên đã có một số phóng viên và cơ quan báo chí đánh mất đạo đức nghề nghiệp, không công bằng thông tin, chỉ nhăm nhăm vào mặt trái, nhìn vào sai sót, chưa hoàn thiện để dọa nạt xin tiền, tống tiền, đề nghị đăng quảng cáo, nhân danh nghề báo để trục lợi.
Cho đến khi, doanh nghiệp, địa phương không thể chịu đựng được, bắt buộc họ phải nhờ cơ quan chức năng vào cuộc. Nhiều vụ nhà báo tống tiền doanh nghiệp đã được cơ quan công an bắt quả tang, sau đó tòa án đưa ra xét xử công khai, nghiêm minh.
Không ngẫu nhiên mà thời gian gần đây, giới báo chí nước nhà không khỏi phiền lòng khi xã hội ngày càng có cái nhìn khắt khe, soi mói hơn về nhà báo. Ðã xuất hiện những cụm từ không hay về nghề báo, như: “Báo ít, chí nhiều”, “nhà báo đánh hội đồng”, “truyền thông bẩn”, “bảo trợ truyền thông đen”; thậm chí, nhiều cơ quan, doanh nghiệp không sợ thanh tra, chỉ sợ một bộ phận nhà báo “mắt cú, lòng đen, bút chém, túi đầy”… nhằm ám chỉ, cảnh tỉnh, phê phán một bộ phận người cầm bút đã, đang rời xa những phẩm chất, giá trị tốt đẹp của người làm báo cách mạng, bán rẻ lương tâm, chà đạp chuẩn mực đạo đức báo chí để lợi dụng nghề nghiệp kiếm chác lợi lộc, vinh thân, phì gia. Điều này không chỉ để lại những hệ lụy cay đắng cho bản thân họ, cơ quan họ mà còn ảnh hưởng lớn đến uy tín của những người làm báo chân chính.
Năm 2020, là năm mà các cơ quan chủ quản, các tòa soạn hơn lúc nào hết phải tự rà soát và soi lại mình để sớm lấy lại uy tín, danh dự cho các cơ quan báo chí, cũng như những người cầm bút chân chính, hạn chế, ngăn chặn vấn đề vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận người làm báo.
Như vậy, mục tiêu quy hoạch báo chí đến năm 2025 phải sớm hoàn thành sẽ có tác dụng ngăn chặn từ đầu, giải tán, chấm dứt hoạt động của những cơ quan báo chí không có đủ điều kiện để hoạt động nghề báo một cách đàng hoàng; xử lý nghiêm minh những trường hợp nhà báo vi phạm luật pháp và đạo đức nghề nghiệp.
Việc cấp phép của cơ quan chức năng đối với các cơ quan báo chí cần siết chặt; kiên quyết, nhanh chóng dẹp bỏ các trang thông tin điện tử núp bóng báo chí dung túng cho các "nhà báo rởm" lợi dụng danh nghĩa nghề nghiệp để tống tiền các doanh nghiệp, ngành, địa phương, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của đội ngũ nhà báo, nền báo chí nước nhà.
Chú trọng tốt khâu tuyển dụng, sử dụng, đào tạo bồi dưỡng, cấp thẻ hành nghề cho đội ngũ nhà báo một cách bài bản, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu mô hình "nhà báo đa năng", chắc chắn sẽ có một đội ngũ nhà báo chất lượng cao; có chế độ đãi ngộ xứng đáng để các nhà báo không phải lăn tăn, lo lắng, lẫn lộn giữa chuyện hành nghề với chuyện lợi dụng nghề để kiếm ăn.
Nhà báo, phóng viên, của các cơ quan báo chí phải nghiêm túc thiện đúng Luật Báo chí, chấp hành nghiêm 10 quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo và quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam; đảm bảo báo chí thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân.
Đẩy mạnh công tác cung cấp thông tin cho báo chí, nhằm kịp thời nắm bắt và xử lý thông tin, hỗ trợ công tác phát ngôn, định hướng dư luận xã hội. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu phóng viên, nhà báo, cộng tác viên, từ đó kết nối đường dây nóng với các bộ, ngành, địa phương để quản lý chặt chẽ hoạt động của phóng viên, kịp thời xử lý thông tin xấu độc. Đây sẽ là đầu mối thông tin quan trọng để tiếp nhận và xử lý thông tin liên quan đến hoạt động sai phạm nhũng nhiễu của nhà báo, phóng viên các cơ quan báo chí trên địa bàn.
Tăng cường công tác thanh tra văn phòng đại diện các cơ quan báo chí, kiên quyết xử lý các vi phạm liên quan đến đạo đức nghề làm báo; trong đó có vi phạm về tôn chỉ mục đích nếu phát hiện.
Năm 2020 đã chính thức khép lại và đã để lại nhiều niềm vui và cả những trăn trở với những người làm báo. Nhưng đọng lại vẫn là những thành quả, những câu chuyện đẹp mà báo chí đã phản ánh, góp phần lan tỏa trong cộng đồng. Những nhà báo luôn trau dồi nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, tri thức văn hóa, bản lĩnh chính trị, tư tưởng vững vàng thì ngòi bút sẽ góp phần tôn lên vẻ đẹp đời sống văn hóa con người Việt Nam. Họ vẫn sẽ và luôn xứng đáng với sứ mệnh cao cả của người “phò chính, trừ tà” như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng căn dặn.