Băng đĩa hài Tết 2018: Khi nào bớt nhảm?
Thời điểm đầu xuân năm mới chính là lúc các nhà sản xuất liên tục tung ra thị trường những sản phẩm hài độc đáo nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả.Từ những đơn vị sản xuất phim ảnh đến những nhà sản xuất băng đĩa đều hối hả trong cuộc đua giành giật thị trường hài Tết. Trong đó, điện ảnh luôn tỏ ra là một lĩnh vực có nhiều lợi thế hơn hẳn.
Chỉ trong vòng một thời gian ngắn nhưng một loạt bộ phim hài đã cùng nhau về đích. Trong đó phải kể tới "Về quê ăn Tết" (đạo diễn Diệp Tiên - Ngô Thanh Vân sản xuất), "789 Mười" (đạo diễn Dustin Nguyễn), "Yêu em bất chấp" (đạo diễn Văn Công Viễn), "Đích tôn độc đắc" (đạo diễn Trần Ngọc Giàu)... Hầu hết những bộ phim này đều tập trung vào những đề tài quen thuộc với những tình huống hài hước nhẹ nhàng về tình yêu, xoay xung quanh mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình...
Như, phim "Đích tôn độc đắc" xoay quanh câu chuyện một gia đình có truyền thống kinh doanh bất động sản, trong đó đại gia bất động sản do NSƯT Hoài Linh thủ vai luôn khao khát có chắt đích tôn để truyền lại sản nghiệp. "Yêu em bất chấp" là phiên bản chuyển thể từ bộ phim nổi tiếng của Hàn Quốc xoay quanh mối quan hệ tình yêu thất thường của hai nhân vật Minh Khôi và Diệu Hiền.
Khán giả rất cần những tiếng cười sảng khoái, lành mạnh như trong chương trình “Gặp nhau cuối năm”. |
"789 Mười" lại là câu chuyện hài hước xoay quanh một anh chàng bán bánh tiêu bị tên trùm giang hồ nẫng tay trên cô người yêu xinh đẹp. "Về quê ăn Tết" của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân lại mang đến một bức tranh vui tươi, sinh động về cảnh sắc và con người miền Tây chân chất, thật thà. Ngoài ra, trong số những sản phẩm hài chiếu tết năm nay không thể không kể tới bộ phim "Cuộc phiêu lưu của Trung ruồi và Minh Tít" do Công ty Hoa Dương Entertainment sản xuất.
Bộ phim kể về hai anh em ruột, vì khó khăn nên Minh Tít lên thành phố lập nghiệp bằng nghề đa cấp. Trung ruồi cũng rời quê hương đi tìm anh với đủ tình huống hài hước gây cười. Bộ phim là sự kết hợp giữa đạo diễn Đinh Tuấn Vũ và nhà biên kịch "Giáo sư Xoay" Đinh Tiến Dũng cùng sự có mặt của các nghệ sĩ trong Nam, ngoài Bắc như NSND Hồng Vân, NSND Quốc Anh và các diễn viên trẻ như Trung Ruồi, Minh Tít, Xuân Nghị...
Không đầu tư sản xuất phim điện ảnh như miền Nam, tuy nhiên hài miền Bắc cũng không kém cạnh bằng một loạt những bộ phim video như "Chôn nhời 5" "Họ Lý tên Thông" (đạo diễn Phạm Đông Hồng), "Đại gia chân đất" và "Làng ế vợ" (đạo diễn Trần Bình Trọng), "Ngoan lại không có quà" (đạo diễn Phạm Nguyên Bắc), "Ván cờ vồ 5" (đạo diễn Lê Hồng Quang), "Tỉ phú đè đại gia" (đạo diễn Ngọc Bảo)...
Nếu như trước đây, thời điểm gần Tết luôn là bội thu của các cửa hàng băng đĩa thì gì đây, với tốc độ phát triển chóng mặt của công nghệ, internet và mạng xã hội đã khiến băng đĩa rơi vào tình trạng ế ẩm, đóng băng. Số lượng người mua đĩa hài chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chủ yếu tập trung vào đối tượng những khán giả lớn tuổi, không quen sử dụng công nghệ hiện đại. Ngoài ra là một số khách là người đi ôtô mua đĩa nghe để giải trí. Chỉ cần những sản phẩm hài tung ra thị trường là ngay lập tức trên mạng có ngay những sản phẩm ấy.
Một điều đáng nói ở thị trường băng đĩa hài miền Bắc thời gian gần đây là sự xuất hiện của một vài ê kíp quen thuộc và làm theo kiểu "Bình cũ rượu mới". Không khó để nhận thấy những sản phẩm như "Làng ế vợ", "Đại gia chân đất", "Chôn nhời" đều đã xuất hiện từ một vài năm trước đây. Mỗi khi tết đến xuân về, các nghệ sĩ chỉ viết kịch bản mới vẫn theo mô típ, chủ đề cũ.
Hầu hết những câu chuyện trong các kịch bản hài đó đều xoay quanh câu chuyện về thói học đòi, kênh kiệu, sự ngu dốt, hợm hĩnh của những kẻ giàu xổi do bán đất, bán nhà hoặc buôn gian bán lận... Ngoài ra, các nghệ sĩ tham gia những sản phẩm băng đĩa hài này cũng là những nghệ sĩ tên tuổi quen thuộc như NSND Trung Hiếu, NSƯT Xuân Hinh, NSƯT Quốc Anh, nghệ sĩ Quang Tèo...
Bên cạnh những sản phẩm hài chứ đựng sự sáng tạo nghiêm túc, mang đến những nụ cười vui tươi, sảng khoái, lành mạnh thì vẫn còn tồn tại một số sản phẩm bị đánh giá là nhảm, dung tục, lạm dụng quá nhiều những cảnh quay khoe da thịt. Giờ đây, có một cách làm phổ biến là ngoài sự xuất hiện của các nghệ sĩ hài, các băng đĩa hài thường xuyên có sự góp mặt của những hotgirl, người đẹp như là một cách thu hút khán giả.
Một cảnh quay khá phản cảm trong “Đại gia chân đất 7”. |
Khả năng diễn xuất hạn chế, sự xuất hiện của những người đẹp này chủ yếu phục vụ cho những cảnh có yếu tố sexy, gợi cảm. Trong đó, phải kể tới tiểu phẩm hài "Làng ế vợ" của đạo diễn Trần Bình Trọng hầu như năm nào cũng có cảnh nóng. Nếu như ở "Làng ế vợ 2" là cảnh nữ diễn viên Cẩm Nhung bị sàm sỡ, bung áo ngực giữa đồng thì "Làng ế vợ 3" là cảnh tắm suối quá đà khoe cơ thể của các nhân vật nữ. "Làng ế vợ 4" được giới thiệu là sẽ có nhiều khác biệt so với phiên bản những năm trước và hấp dẫn không chỉ ở tình huống hài mà còn ở những câu chuyện éo le.
Tuy nhiên, dù chỉ xem mấy phút quảng cáo thôi, người xem không khỏi thất vọng khi nhiều phân cảnh lạm dụng chuyện động chạm thân thể, việc ăn mặc thiếu vải của các vai nữ... "Đại gia chân đất" cũng không chịu thua khi thường xuyên có những cảnh quay cận cảnh khoe lưng, eo của nhân vật nữ.
Đặc biệt với "Tỷ phú đè đại gia", phía nhà sản xuất còn không ngần ngại giới thiệu đây là bộ phim hội tụ nhiều cái nhất, trong đó có "cảnh quay sexy nhất". Những cảnh quay đại gia Trần Đại Gia do nghệ sĩ Quang tèo thủ vai xé áo một cô gái (hotgirl Phí Huyền Trang đóng) khiến khán giả không khỏi lắc đầu.
Có thể thấy, sự bùng nổ của các sản phẩm hài trong dịp tết cho thấy các nhà sản xuất đã tận dụng tối đa thời cơ vàng này để chinh phục khán giả. Tuy nhiên, những mô típ kịch bản nhàm chán, sự quay đi quẩn lại của những gương mặt nghệ sĩ quen thuộc đã thực sự không tạo được một làn gió mới cho những sản phẩm hài ngày xuân. Chưa kể đến không ít những sản phẩm này có nội dung nhạt nhẽo, chỉ lôi kéo khán giả bằng những màn khoe da thịt, cảnh nóng hay những lời thoại bỗ bã, tục tĩu, không hợp với thuần phong mỹ tục.
Có một điều đáng lo ngại là những sản phẩm này được phổ biến khá tràn lan trên mạng hoặc xem thường xuyên ở gia đình dịp Tết - nơi có cả những khán giả nhí. Những cảnh phòng the nhạy cảm hoặc những lời thoại tục tĩu sẽ vô tình ảnh hưởng tới các em nhỏ trong quá trình hình thành tính cách. Chính vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, phim hài, tiểu phẩm hài Tết để gia đình cùng nhau quây quần cùng xem, phục vụ nhiều đối tượng khán giả trong đó có trẻ em. Việc lạm dụng cảnh nóng, gây sốc để thu hút người xem từ các sản phẩm hài tết là điều rất không nên.
Việc các phim hài, tiểu phẩm hài mượn đến quá nhiều yếu tố sexy, những câu thoại dung tục, bỗ bã cho thấy sự khủng hoảng thiếu những kịch bản hài đúng nghĩa. Ngoài ra, các nhà sản xuất đã không thực sự chau chuốt, kỹ lưỡng trong việc mang đến những sản phẩm thật sự có giá trị cao về nội dung và nghệ thuật. Tư duy nóng vội, ăn xổi trong sản xuất chương trình hài Tết là thực tế khá đáng buồn.
Dường như cho tới thời điểm này, chỉ có chương trình "Táo quân" là có sự đầu tư kỹ lưỡng từ khâu kịch bản cho tới khâu biểu diễn, còn hầu hết các sản phẩm hài đều do các đạo diễn tự chế. Không ít trường hợp một số nghệ sĩ hài sau một vài năm đóng phim liền quay sang làm đạo diễn, viết kịch bản và chủ yếu làm theo kiểu quen tay mà ít có sự chuẩn bị, tích lũy gì về kiến thức.Chính vì vậy kịch bản rời rạc, thiếu trí tuệ và tính liên kết, chủ yếu gây cười bằng những tình huống phản cảm là điều thường xuyên xuất hiện tại các sản phẩm hài.
Trong khi, hài Tết là sản phẩm văn hóa phục vụ đông đảo nhiều đối tượng công chúng ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Chính vì vậy, việc các nghệ sĩ hướng tới hài sạch là điều vô cùng cần thiết để loại trừ hài nhảm, hài dung tục.