“Bà hỏa” trong tháng “củ mật”!

Thứ Năm, 04/02/2021, 20:12
"Tháng củ mật", ngoài đề phòng trộm cắp thì phải cảnh giác cao độ, "củ soát" cao nhất để tránh tình trạng "bà Hỏa" tới thăm!!!


Các cụ gọi tháng 12 âm lịch cuối năm là tháng Chạp. Nguồn gốc của nó, theo nhiều nghiên cứu thì có gốc từ văn hóa Hán. Chữ "chạp" được đọc trại âm từ chữ "lạp" tiếng Hán, là từ chỉ các lễ tế thần vào dịp cuối năm. Hán tự gọi tháng cuối năm là "Lạp nguyệt". 

Trong tháng này còn công việc "lạp mả", sang ta được đọc là "chạp mộ", con cháu đi thăm nom, sửa sang, tôn tạo, hương khói phần mộ và mời tổ tiên ông bà về nhà ăn Tết cùng con cháu. Chữ "chạp" này là động từ (chạp mộ), kết hợp với từ "giỗ" thành danh từ chỉ "giỗ chạp" nói chung!

Vẫn trong Hán tự, chữ "lạp" còn có nghĩa là "thịt". Tháng cuối năm trời lạnh, thuận tiện cho việc ướp muối vào thịt, hun khói thịt làm thức ăn để dành ra giêng có đi chơi xa, đi lễ hội hay đồng áng... Tất nhiên là dành thực phẩm tươi ngon nhất cho Tết Nguyên đán. "Lạp nguyệt" cũng có nghĩa là tháng của/về thịt... Nay vẫn có từ "lạp xường", "xường" là đọc chệch âm từ "trường" (dài).

Chữ "lạp" cũng để chỉ một lễ cuối cùng trong năm (tất niên). Con cháu làm cỗ cúng gia tiên, gia thần, mời anh em họ hàng, láng giềng "uống chén rượu cuối năm" mang tính "tổng kết" năm cũ và "phác thảo" chương trình "nghị sự" năm tới...

Chữ "lạp" tiếp biến sang ta và được Việt hóa thành chữ "chạp". Tháng Chạp còn được gọi là tháng "củ mật"!

Tượng thờ Bà Hỏa! 

Từ "củ" trong tiếng Hán là đôn đốc, là xem xét, kiểm tra, kiểm soát (củ soát); "mật" là bí mật, "mật mã", là che đậy cho kín để không ai biết. Trong văn cảnh văn hóa Hán thì "củ mật" là xem xét một cách cẩn thận, kín đáo, bí mật đề phòng trộm cướp. Bởi vì trong tháng cuối năm bận bao nhiêu việc lại tích trữ nhiều thực phẩm...Trời lại tối, mưa phùn gió bấc, giá rét nên kẻ gian lợi dụng dễ đột nhập...

Văn hóa Việt tiếp nhận những nét nghĩa này bởi sự tương đồng văn hóa, thời tiết, nông vụ. Nhưng còn một nghĩa rất quan trọng là đề phòng sự thăm viếng của "bà Hỏa". Trong văn hóa Hán thì nét nghĩa này không có bởi bên họ thời điểm này tuyết rơi dày, ẩm ướt nên khó dẫn đến sự cháy, có cháy cũng dễ cứu chữa (bằng cách hất, phủ tuyết...). 

Nhưng ở ta thời điểm này trời lại thường hanh khô, trong khi đó công việc nhà nào cũng cần nhiều đến lửa, chuyện vàng mã hương khói, nấu nướng thâu đêm, thậm chí pháo nổ... rất dễ dẫn đến hỏa hoạn. Lại hầu hết đều là "nhà tranh vách nứa" nên không may xảy ra thì rất nguy hiểm. 

Tục ngữ, thành ngữ Việt có nhiều câu nói về sự tàn phá của lửa: "Dầu sôi lửa bỏng", "Dầu sôi lửa đốt", "Cháy thành vạ lây". Để chỉ nguyên nhân: "Cháy rừng bởi chưng tý lửa", "Mồi lửa cháy cả tổng"... Sự nguy hiểm của "cháy" còn được chuyển vào thế giới nội cảm con người chỉ sự không bình thường: "Cháy ruột cháy gan", "Cháy lòng cháy ruột"... 

Hoặc chỉ trạng thái bồn chồn, không yên: "Như ngồi trên lửa"; "Nhớ ai bổi hổi bồi hồi/ Như đứng đống lửa, như ngồi đống than". Vì là "cháy sạch sành sanh" nên cái gì là nhược điểm, yếu kém cũng "lòi" hết cả: "Cháy nhà ra mặt chuột"...

Thế nên "tháng củ mật", ngoài đề phòng trộm cắp thì phải cảnh giác cao độ, "củ soát" cao nhất để tránh tình trạng "bà Hỏa" tới thăm!!!

Tại sao lại gọi "bà Hỏa" mà không phải "ông Hỏa"? Thần Lửa ở đâu cũng có, cộng đồng nào cũng thờ nhưng ít nơi như ở ta có "bà Hỏa". Đây là một cách lý giải của tác giả Trịnh Hoài Đức được nhiều người ủng hộ, trích dẫn trong cuốn sách nói về thành Gia Định xưa: "Ở phía trái của chợ Điều Khiển, thờ Nữ Thần Hỏa tinh. Vì nước Nam thuộc quẻ Ly, mà Ly thuộc hỏa, quẻ Ly ở giữa trống không là âm, đã âm mà ở giữa là nữ, nên thần thuộc về nữ giới. Miếu này rất trang nghiêm và hằng linh ứng, người ở đây cứ đến đầu xuân, trước hết phải đem lễ đến tế, để mong tránh điều chẳng lành, thì cả năm được yên nếu chậm trễ hay xem thường, thì liền thấy có hỏa tai" ("Gia Định thành thông chí").

Tục nhảy lửa.

Người Việt có nhiều truyện cổ chung quanh hình tượng "hỏa tai". Có truyện kể thần lửa là một bà già khó tính (như mụ phù thủy trong cổ tích châu Âu vậy) lúc nào cũng thè ra cái lưỡi đỏ như lửa. Bà liếm vào đâu lửa cháy đến đó. Bà sống một mình và luôn có bếp lửa thần trong nhà. Nấu ăn bằng lửa này thì cơm canh cực ngon. 

Một hôm bà đi vắng có chàng trai ghé vào bèn nổi lửa nấu ăn rồi thịt rượu say mà ngủ quên. Khi tỉnh dậy thấy lửa tắt ngấm bèn cố moi từ tro ra cục than hồng. Chàng đem về vùi vào bếp nhà mình. Lửa bén vào liếp, vợ chàng xối nước làm tắt ngấm cả bếp. Từ đó người ta cố thờ bà lão, tôn bà là "bà Hỏa" để bà đừng giận dữ mà "liếm" nhà cửa và cho dân ngọn lửa, không còn là lửa thần thì cũng là lửa thường để mọi người sinh hoạt...

Người Việt luôn cảnh giác với 4 thứ "đại họa" là: "Thủy, hỏa, đạo, tặc". Trong lịch sử, "bà Hỏa" đã gây ra bao khốn đốn cho cuộc sống. Thần phả phố Hàng Trống (Hà Nội) còn ghi lại sự kiện tháng 6 năm Tân Sửu (1601) kinh đô cháy lớn, lửa lan đến phố Hàng Trống (nay). 

Vua Lê lên lầu cao xem xét, thấy một bà lão đứng trên ngọn cây đa cầm cờ phất làm ngọn lửa tắt ngay; lại thấy trên cây muỗm gần đình có một ông lão cầm cờ vẫy làm ngọn lửa tắt ngấm, nhờ thế khu vực Hàng Trống không có nhà nào bị cháy. 

Đến đêm Vua nằm mộng thấy bà lão mặc áo thụng xanh đến vái và nói: "Phố bị lửa cháy, tôi có chút công lao". Vua cho là có sự linh nghiệm của thần linh mà cho sửa sang, tôn tạo lại, đổi gọi là đền Đông Hương. Các triều vua sau tôn bà cụ ấy làm Ngọc Kiều phu nhân chi thần, rồi Khiển Thiên chi muội (em gái Trời).

Sử ghi lại năm Đinh Dậu (1837), Hà Nội xảy ra hỏa hoạn cháy hơn 1.400 ngôi nhà, làm nhiều người dân thiệt mạng, hàng nghìn gia đình mất sạch cơ nghiệp, gia sản. Từ đó dân lập đền thờ Hỏa Thần (nay thuộc phố Cửa Đông) thờ Quang Hoa Mã Nguyên Súy - theo huyền sử là vị thần có khả năng trừ hỏa tai.

Ở Huế, trong sách "Minh Mạng chính yếu" nói đến do nhiều vụ cháy xảy ra, triều đình tâu vua Minh Mạng xin dựng miếu tế Hỏa Thần. Vua đồng ý cho dựng miếu ở phía Bắc sông Ngự, tế Thần Hỏa vào ngày 23 tháng 6 mỗi năm.

Tín ngưỡng thờ Nữ thần Nam bộ thờ "Năm Mẹ", có cả "Mẹ Lửa": Thổ Đức Thánh Phi, Hỏa Đức Thánh Phi, Kim Đức Thánh Phi, Thủy Đức Thánh Phi và Mộc Đức Thánh Phi.

Hầu hết các dân tộc đều có tín ngưỡng thờ thần Lửa mang biểu tượng lưỡng tính vừa mang lại sự sống vừa hủy diệt sự sống. Vì tôn quý và cũng vì sợ nên có dân tộc (Ca Dong) thờ thần lửa trong cái bếp đặt ở buồng kín chăm nom cẩn thận và không cho người lạ tới gần. 

Lại có dân tộc (Êđê, Mnông) lấy lửa từ bàn thờ thiêng ở nhà Rông để thắp lên ngọn lửa của lễ hội. Có ngọn lửa này lễ hội mới vui, mùa màng mới tốt tươi. Thế nên phải giữ ngọn lửa ấy luôn bập bùng cháy suốt thời gian hội diễn ra. 

Quan niệm không gì sạch bằng lửa nên có dân tộc (Xêđăng) tổ chức lễ lấy lửa trùng với lễ máng nước vào mùa Xuân. Người ta dùng nước suối nguồn tinh khiết nhất để dập tắt tất cả lửa cũ trong các bếp và lấy lửa mới. Lửa mới được lấy bằng cách dùng đá cọ xát nhau rồi được rước vào nhà Rông, sau khi cúng lễ mới được về từng gia đình.

Một số dân tộc vùng cực Bắc lại có tục nhảy lửa. Đối sánh với các tục nhảy lửa khác trên thế giới có thể coi đây cũng là tục thờ thần Lửa lưỡng tính vừa đáng ca ngợi, tôn kính lại vừa đáng ghét bỏ. Người ta nhảy trên một đống than đỏ rừng rực lửa là biểu hiện một thái độ không sợ hãi, thách thức với thử thách ghê gớm của thiên nhiên, mà lửa cháy là thách thức lớn nhất với con người. 

Nhưng trước khi nhảy bao giờ cũng có nghi lễ cúng thần linh, thổ địa, tất nhiên là cúng thần Lửa, xin phép thần Lửa để nhảy... Các thanh niên được thần Lửa cho phép, người bắt đầu rung lên, lắc lư, lảo đảo (thần nhập) thì không còn biết sợ. Họ bước nhanh trên đống lửa mà không hề bị bỏng...!!! 

Xét về khoa học thì có thể là do đi nhanh, sức nóng chưa đủ thời gian "ngấm" vào cơ thể, nên người đi không cảm thấy nóng. Xét về tâm linh, thì chắc chắn người nhảy phải có một niềm tin thần thánh để có đủ độ "dũng cảm" bước lên than hồng. 

Hầu như các lễ hội nhảy lửa đều có chung cái kết là nhảy đến khi lửa tắt hết thì mới thành công, năm đó mùa màng mới bội thu, con người khỏe mạnh, nhất là niềm tin "bà Hỏa" năm ấy sẽ không thể đến "thăm"... Vì đã bị người ta "nhảy" lên, giẫm nát và tắt ngấm rồi. Điều này lý giải vì sao có nơi nhảy xong còn lấy tay hất than hồng cho tung tóe, vừa tạo ra hình ảnh đẹp vừa là niềm tin "bà Hỏa" hãy biến đi!!!

Nguyễn Thanh Tú
.
.