Áo dài trong hành trình di sản

Thứ Năm, 04/03/2021, 10:24
Nhiều buổi trình diễn thời trang dành riêng cho áo dài được tổ chức, nhiều chương trình tọa đàm, tìm hiểu, tôn vinh nét đẹp của tà áo truyền thống thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng. Và quan trọng hơn, áo dài ngày càng xuất hiện nhiều trong ngày lễ Tết, sự kiện quan trọng, ở nhiều không gian khác nhau...


Điều đó cho thấy, dù cuộc sống ngày càng hiện đại nhưng nét đẹp của văn hóa truyền thống vẫn không ngừng được giữ gìn và phát huy.

Mặc dù vẫn là một cái Tết còn chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID - 19 nhưng những người yêu áo dài đều dễ dàng nhận thấy trang phục này xuất hiện nhiều ngay trong những ngày đầu xuân Tân Sửu. 

Trong những giờ phút gia đình sum họp hay tại những điểm du xuân đầu năm đều bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ với trang phục áo dài truyền thống. Không chỉ phụ nữ, nhiều em nhỏ cũng trở nên đáng yêu hơn trong trang phục đặc biệt này. 

Điều đó cho thấy, áo dài truyền thống đã có được vị trí xứng đáng trong đời sống hiện đại. Việc này có ý nghĩa quan trọng bởi văn hóa truyền thống chỉ thực được gìn giữ, phát triển khi nó vẫn đang "sống" trong cuộc sống con người.

Nhiều hội thảo về áo dài đã được tổ chức nhằm tôn vinh nét đẹp và giá trị của trang phục truyền thống. 

Không thể phủ nhận, thời gian gần đây, hình ảnh áo dài xuất hiện thường xuyên hơn ở nhiều sự kiện, không gian khác nhau. Có được điều đó phải kể tới công sức của những người làm thời trang. Mặc dù thời trang hiện đại phát triển thay đổi như vũ bão nhưng áo dài vẫn có một vị trí quan trọng, không thể thay thế. 

Tà áo dài thướt tha vẫn là niềm cảm hứng, sự say mê của nhiều nhà thiết kế nổi tiếng trong nước. Họ không ngừng nghiên cứu, sáng tạo đem đến những thay đổi trong chất liệu, kiểu dáng để áo dài phù hợp với cuộc sống hiện đại mà vẫn giữ được nét truyền thống vốn có. Không chỉ có vậy, trong năm qua, nhiều hoạt động tôn vinh áo dài đã được tổ chức ở nhiều địa phương trong cả nước. 

Gần đây nhất, vào tháng 12/2020, Festival Áo dài Quảng Ninh với chủ đề "Miền di sản" lần đầu tiên được tổ chức bên bờ vịnh Bái Tử Long (TP Cẩm Phả). Sự kiện đã quy tụ sự tham gia của hơn 200 nghệ sĩ, diễn viên, người mẫu nổi tiếng trình diễn 17 bộ sưu tập (BST) của các nhà thiết kế hàng đầu trong nước. 

Mười bảy BST được đánh giá là 17 phong cách, màu sắc riêng biệt của các nhà thiết kế. Những di sản của Quảng Ninh đã hiện hữu sống động và đầy sáng tạo trên tà áo dài truyền thống như hình ảnh vịnh Bái Tử Long, Bảo tàng - Thư viện, vẻ thơ mộng của rừng Trúc Yên Tử hay vẻ hoang sơ, hùng vĩ của biên giới Bình Liêu... Festival không chỉ tôn vinh tà áo truyền thống mà còn góp phần quảng bá hình ảnh áo dài trong hành trình trở thành di sản văn hóa quốc gia và thế giới.

Cũng vào thời điểm này, tại phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu (TP Huế) cũng đã diễn ra chương trình "Ngày hội áo dài" và "Lễ hội ẩm thực Huế". Ngày hội tại Huế năm vừa qua là bước khởi đầu trong tiến trình xây dựng hồ sơ công nhận áo dài Huế và ẩm thực Huế là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, tiến tới đệ trình UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới. 

Tham dự chương trình là những nhà thiết kế nổi tiếng như Quang Hòa, Hạnh Mai, Trần Thiện Khánh, Việt Hùng, Nguyễn Lan Vy, Viết Bảo... Trước đó, chúng ta đều biết rằng các kỳ Festival Huế, Festival nghề truyền thống Huế đều có lễ hội áo dài. Tính đến nay, trải qua hàng chục kỳ festival, các lễ hội áo dài với chủ đề khác nhau đã mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị, giàu bản sắc tại mảnh đất cố đô.

Áo dài là trang phụ truyền thống phù hợp với nhiều lứa tuổi khác nhau.

Có thể nói, hàng năm, tại các thành phố lớn như Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... ngày càng có nhiều lễ hội áo dài được tổ chức. Tại TP Hồ Chí Minh, "Lễ hội áo dài" được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2014. Đến nay đã trở thành sự kiện thường niên, quy mô ngày càng lớn và là một sản phẩm văn hóa du lịch độc đáo của nơi đây.

Năm vừa qua, "Lễ hội áo dài" TP Hồ Chí Minh lần thứ 7 với chủ đề: "Tôi yêu áo dài Việt Nam" được tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh. Hơn một tháng diễn ra lễ hội, nhiều hoạt động đặc sắc ý nghĩa, lan tỏa hình ảnh, vẻ đẹp, phát huy giá trị áo dài Việt Nam. Đặc biệt các hoạt động được tổ chức trực tuyến kết hợp trực tiếp. 

Ngoài việc chiêm ngưỡng các BST áo dài, lễ hội còn có nhiều hoạt động ý nghĩa như hội thảo "Áo dài - Di sản văn hóa", cuộc thi "Tôi yêu áo dài Việt Nam" với ứng dụng video cá nhân... cùng với đó là những hoạt động hưởng ứng lễ hội như các tọa đàm về áo dài, trao tặng áo dài cho các nhà giáo, nhà văn hóa...

Tha thiết với tà áo dài truyền thống, đội ngũ các nhà tạo mẫu, nhà thiết kế đã không ngừng sáng tạo, mang đến những thay đổi thú vị cho áo dài. Áo dài được sáng tạo kết hợp nét tinh hoa truyền thống và yếu tố thời trang hiện đại. Trên cơ sở kiểu dáng của chiếc áo dài cổ điển, các nhà thiết kế thử nghiệm thêm nhiều chất liệu mới và thổi vào đó vẻ đẹp hiện đại từ những nét thêu, vẽ họa tiết trang trí... 

Những thay đổi cho phù hợp với đời sống hiện đại đó đã giúp cho áo dài luôn "sống" được trong dòng chảy thời trang hiện đại. Tuy nhiên, một điều mà các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa hay các nhà thiết kế thời trang đều cho rằng, áo dài Việt Nam có lịch sử vai trò quan trọng trong đời sống nhưng áo dài chưa có được một vị thế xứng tầm của một di sản văn hóa cấp quốc gia.

Tình yêu áo dài không chỉ thể hiện bằng việc thiết kế, sử dụng hay tôn vinh áo dài mà bằng hành trình đưa áo dài trở thành Di sản văn hóa. Nhiều hoạt động đã được các đơn vị hữu quan tổ chức nhằm thu thập thông tin lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể cho áo dài. 

Như Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức hội thảo với chủ đề "Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam" với nhiều hoạt động thiết thực để tôn vinh áo dài trong đời sống đương đại. Không chỉ được chiêm ngưỡng những chiếc áo dài tiêu biểu cho các thời kỳ, những đại biểu tham dự hội thảo còn được tham dự những tọa đàm với nhiều chủ đề khác nhau để hiểu hơn về lịch sử phát triển của tà áo truyền thống. 

Ngoài ra, Hội Phụ nữ Việt Nam còn tổ chức "Tuần lễ áo dài", "Triển lãm áo dài", các cuộc thi "Duyên dáng áo dài", "Ảnh đẹp áo dài" may tặng áo dài cho các phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, trình diễn áo dài tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám với các BST gắn với 21 di sản văn hóa Việt Nam đã được UNESCO công nhận... 

Tương tự, tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội, Ban quản lý phố cổ Hà Nội đã tổ chức hội thảo "Trang phục áo dài truyền thống - Vấn đề bảo tồn và phát triển trong xã hội hiện đại". Trong đó, các nhà nghiên cứu, các nhà thiết kế và nghệ nhân đã bàn về tiềm năng sử dụng áo dài truyền thống trong xã hội ngày nay.

Đặc biệt trong năm qua, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức hội thảo quốc gia "Áo dài Việt Nam: nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc". 

Đây là hội thảo khoa học quốc gia đầu tiên về trang phục áo dài được tổ chức với quy mô lớn ở Việt Nam với sự tham gia của đông đảo đại biểu, các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, quản lý, các nhà thiết kế thời trang, cộng đồng làng nghề... 

Hội thảo nhận diện, đánh giá đầy đủ về những khía cạnh như chức năng, giá trị văn hóa xã hội, nghệ thuật và bản sắc văn hóa của áo dài Việt Nam. Các đại biểu tham dự đều đồng nhất quan điểm áo dài giờ đây không chỉ là biểu tượng cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam mà còn đại diện cho văn hóa Việt Nam, bản sắc dân tộc Việt Nam ra thế giới.

Có thể nói, cùng với việc tôn vinh, giữ gìn vẻ đẹp truyền thống trong đời sống hiện đại thì chúng ta đang tiến dần tới việc nâng giá trị của tà áo dài lên một bước mới. Việc nhận diện chính xác những giá trị của di sản văn hóa phi vật thể này sẽ giúp cho việc xây dựng thành công hồ sơ trang phục áo dài Việt Nam, đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiến tới đệ trình ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại theo tiêu chí của UNESCO.

khánh Duyên
.
.