Âm nhạc truyền thống trong đời sống đương đại

Thứ Bảy, 29/09/2018, 07:53
Trong đời sống văn học nghệ thuật, âm nhạc luôn là lĩnh vực gần gũi, gắn bó mật thiết hàng đầu với sinh hoạt văn hóa của con người. Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, âm nhạc ngày càng đa dạng, không ngừng mới mẻ để phù hợp với nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của khán giả...


Lưu giữ mạch nguồn bền bỉ

Với sự da dạng vùng miền, dân tộc, âm nhạc truyền thống Việt luôn phong phú và tồn tại như một thành tố quan trọng, không thể thiếu. Dòng nhạc dân tộc ra đời và tồn tại hàng nghìn năm, đồng hành cùng quá trình phát triển của lịch sử dân tộc. Tuy nhiên hiện nay, trước ảnh hưởng mạnh mẽ của những loại hình âm nhạc hiện đại, du nhập từ các nước Âu, Mỹ, gần đây nhất là Hàn Quốc, đã khiến đôi khi âm nhạc truyền thống rơi vào tình trạng bị khán giả trẻ quay lưng, thờ ơ.

Những ca sĩ trẻ nhiều như nấm sau mưa, nháo nhào bắt chước từ hình thức đến phong cách các ngôi sao giải trí Hàn Quốc. Không ít học sinh ngồi trên ghế nhà trường thuộc tên ca sĩ, nhóm nhạc nước ngoài hơn cả những làn điệu dân ca của quê hương mình.

Đây là một thực tế không khỏi chạnh lòng. Trong khi, với mỗi quốc gia, dân tộc, văn hóa luôn là sự khẳng định những nét đặc trưng riêng của quốc gia, dân tộc đó. Sự lai căng của văn hóa nói chung, của âm nhạc nói riêng cũng đã mang đến nguy cơ mất dần bản sắc dân tộc.

Biểu diễn nghệ thuật hát xẩm tại phố cổ Hà Nội.

Các loại hình âm nhạc đặc sắc như Nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên, quan họ, ca trù, hát xoan... đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại nhưng đều rơi vào tình trạng ít được khán giả trẻ quan tâm, hoặc phải sân khấu hóa mới thu hút được công chúng.

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, chưa có được vị trí xứng đáng, thậm chí đứng trước nguy cơ mai một trong dòng chảy đời sống hiện đại, nhưng những người làm âm nhạc truyền thống vẫn nỗ lực không ngừng để giữ gìn nét đẹp tinh hoa này. Nhiều câu lạc bộ biểu diễn hát chèo, xẩm, chầu văn... vẫn được các nghệ sĩ cố gắng duy trì. Những dự án như sân khấu học đường, làm quen với nghệ thuật truyền thống vẫn được các đơn vị, nhà hát tích cực đưa vào trường học, góp phần đưa âm nhạc truyền thống đến gần hơn với khán giả trẻ.

Hầu hết các nhà chuyên môn đều cho rằng, để khán giả trẻ yêu âm nhạc truyền thống, trước hết phải làm cho họ hiểu. Và chắc chắn, không có một phương thức duy nhất cho mục tiêu này mà âm nhạc chỉ có thể lan truyền, khẳng định vị trí trong đời sống âm nhạc bằng rất nhiều phương cách.

Nhìn vào những chuyển biến của đời sống âm nhạc hiện nay, chúng ta thấy được sự hiện hữu của dòng nhạc truyền thống bằng nhiều cách khác nhau. Với thị trường ca nhạc, sự dung hòa giữa yếu tố truyền thống - hiện đại trong tác phẩm âm nhạc ngày càng được các tác giả coi trọng.

Nếu như trước đây, tinh thần này chỉ tập trung trong tác phẩm của một số nhạc sĩ như Phó Đức Phương, Trần Tiến, Nguyễn Cường, Lê Minh Sơn, Giáng Son, Lưu Hà An... thì ngày nay xuất hiện nhiều ở các tác giả trẻ. Sự lên ngôi của một loạt ca khúc như "Bống bống bang bang", "Bánh trôi nước", "Kiều", "Tương tư"... cho thấy các nhạc sĩ trẻ đã tận dụng khai thác hiệu quả những yếu tố truyền thống để đưa vào ca khúc của mình.

Nếu như tác giả Only C lấy chất liệu dân gian từ truyện cổ tích Tấm Cám để đưa vào ca khúc "Bống bống bang bang", thì tác giả Cao Bá Hưng đã ghi dấu ấn bằng một loạt những bài hát đậm chất văn học, dân tộc mà nổi bật là ca khúc "Kiều". Không chỉ nội dung mà sự kết hợp của các nhạc cụ truyền thống như đàn nguyệt, trống, paranưng, sáo đã mang "Kiều" đến gần với khán giả trẻ tuổi một cách rất truyền thống.

Khát vọng đưa nhạc dân tộc Việt Nam tiệm cận với nền công nghiệp âm nhạc thế giới, chinh phục khán giẻ trẻ, nhiều sản phẩm âm nhạc dân gian đương đại được ra thực hiện bởi những nghệ sĩ đầy ý tưởng.

Mới đây, nhạc trưởng Lưu Quang Minh (sinh năm 1985) đã cùng nhạc sĩ Quốc Trung cho ra đời album "Vietnam" - album nhạc giao hưởng đầu tiên tại Việt Nam kết hợp bản sắc dân gian với cả 2 loại nhạc cụ dân tộc và phương Tây trên nền nhạc đương đại. Hay thử nghiệm hình thức hát giao duyên quan họ Bắc Ninh với những nhạc cụ phương Tây thông qua tứ tấu đàn dây trong sản phẩm "Nam nhi - đối thoại Đông Tây" của nghệ sĩ trẻ Ngô Hồng Quang là một trong số những sản phẩm âm nhạc dân tộc tiệm cận với âm nhạc thế giới.

Trong dòng chảy như vũ bão của truyền hình thực tế, dòng nhạc trữ tình, quê hương, dân ca gần đây cũng đã nổi lên như một hiện tượng. Những ca sĩ có đóng góp trong lĩnh vực này phải kể tới cô bé Phương Mỹ Chi, nghệ sĩ Hoài Lâm... Dù thế giới âm nhạc luôn nhiều màu sắc, nhiều gu thưởng thức khác nhau nhưng âm nhạc truyền thống luôn song hành bền bỉ cùng đời sống con người vì đó là hình ảnh quê hương, đất nước, con người Việt Nam.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long: Tôi tin vào sự trường tồn của âm nhạc truyền thống

- Thưa nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, lâu nay người ta nói nhiều về những khó khăn của lĩnh vực âm nhạc truyền thống trong dòng chảy đời sống âm nhạc hiện đại, bản thân anh vừa làm công tác nghiên cứu vừa tham gia biểu diễn trong lĩnh vực này, anh thấy thế nào?

+ Có thể nói, đời sống âm nhạc hiện nay khá đa dạng, với nhiều dòng chảy khác nhau nên xét về khó khăn ở dòng nhạc truyền thống ngay ở bề nổi đã nhìn thấy rất rõ. Phân khúc của dòng nhạc này trong thị trường khá nhỏ và thường chịu một thiệt thòi là ít có khán giả bỏ ra tới 1 - 2 triệu đồng để mua vé như ở các lĩnh vực ca nhạc khác.

Tuy nhiên, trong sự đa dạng của các dòng chảy văn hóa thì bản thân âm nhạc truyền thống vẫn chứa đựng những yếu tố thuận lợi. Âm nhạc truyền thống là cái để xác định bản ngã của chúng ta, và nghệ thuật nào cũng có chỗ đứng riêng trong lòng khán giả, dù ít hay nhiều. Ở một góc độ nào đó, nghệ thuật truyền thống có được sự ưu ái, sự trân trọng nhất định. Chính vì vậy, với âm nhạc truyền thống, khó khăn về tài chính nhưng thuận lợi là về tinh thần.

- Nhắc tới anh, không thể không nhắc tới nhóm Xẩm Hà thành mà anh cùng các nghệ sĩ đang đồng hành. Hẳn anh có nhiều thực tế thú vị trong việc giữ gìn vốn âm nhạc truyền thống?

+ Nhóm xẩm thành lập năm 2005 với sự tham gia của những nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, tác giả tên tuổi trong lĩnh vực sân khấu truyền thống. Sau 5 năm nỗ lực phục hồi cho nghệ thuật hát xẩm, khi thấy tạm ổn, các nghệ sĩ quay lại với công việc chính của mình tại các cơ quan, nhà hát. Nhưng sau tôi thấy "Ồ! thế chưa được!".

Nếu chỉ làm sống lại những bài hát từ thời xa xưa thì xẩm khó có đời sống lâu dài vì đó là biểu hiện của tâm trạng, tinh thần của thời đó. Ví dụ, bài xẩm "Cô hàng nước" ra đời từ những năm 1920. Xẩm cần một không gian sống tươi mới hơn. Chính vì vậy năm 2009, tôi và nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa lập ra nhóm Xẩm Hà thành trên quan điểm sẽ thể hiện những gì đời nhất và hướng tới giới trẻ. Ngay 2011 chúng tôi đã tổ chức được 1 đêm xẩm Hà thành tại Nhà hát Lớn.

Năm 2015, 2016 mỗi năm một đêm diễn tạo tiếng vang hơn nữa. Khi đưa xẩm vào Nhà hát Lớn không chỉ với mục đích đưa nghệ thuật này tới được thánh đường của sân khấu, mà còn tri ân những người có nhiều đóng góp cho nghệ thuật hát xẩm như nghệ nhân Hà Thị Cầu.

Ngoài ra, chúng tôi còn thực hiện nhiều MV, trong đó có "Bốn mùa hoa Hà Nội", "Tứ vị Hà thành" lung linh hiện đại với sự tham gia của các đạo diễn chuyên nghiệp. Để tiếp cận với khán giả, chúng tôi chú trọng tới nội dung tươi mới, có tiết tấu, đưa đồng dao vào để thêm gần gũi...

- Anh nói thì rất nhẹ nhàng, đơn giản, nhưng chúng tôi biết, đó là hành trình không ít gian nan của anh và các nghệ sĩ cùng tâm huyết, ngay cả ở thời điểm này?

+ Để đưa xẩm về được Nhà hát Lớn cần có được một nguồn kinh phí lớn, chúng tôi phải vận động hết sức để các tổ chức, cá nhân tài trợ cho buổi diễn. Hiện nay, chúng tôi vẫn duy trì đều đặn biểu diễn 3 buổi tối cuối tuần ở phố cổ. Thù lao dù chỉ đủ để các nghệ sĩ đi xe ôm, uống trà đá nhưng ai cũng hào hứng và biểu diễn hết mình. Không chỉ là một nét đẹp của Thủ đô, đó còn là sân chơi để mọi người gặp nhau, luyện nghề, "chơi" nghề. Chúng tôi huy động được khá nhiều nghệ sĩ của nhà hát truyền thống chèo, ca huế, cải lương cùng tham gia. Chính tình yêu nghệ thuật lan tỏa và níu giữ các nghệ sĩ đến sân chơi này mà không ai màng đến thù lao.

- Để nghệ thuật xẩm có được vị trí như ngày hôm nay là sự nỗ lực không nhỏ của các nghệ sĩ Xẩm Hà thành?

+ Vừa làm công tác nghiên cứu, biên tập và biểu diễn âm nhạc nên tôi và các nghệ sĩ đều xác định phải làm cái gì để thị trường đón nhận, chứ không phải để vào "bảo tàng âm thanh". Nghệ thuật luôn là một dòng chảy liên tục có bồi đắp, tức là vẫn giữ nguyên bản chất nhưng phải thay đổi cho phù hợp với thời đại mới. Muốn khán giả trẻ yêu xẩm thì nó phải có diện mạo mới.

Chúng tôi nghĩ nhiều phương cách, luôn luôn làm mới xẩm. Ví dụ khi có sự kiện giàn khoan Hải Dương 981, chúng tôi cho ra mắt bài "Tiễu trừ cướp biển" (bắt nguồn từ bài "Tiễu trừ giặc dốt" trong dân gian), khai thác tiết tấu vui tươi, dí dỏm. Khi tôi sang Pháp, bất ngờ là các em sinh viên cũng biết bài này.

Nhiều khi chúng tôi cũng thấy chạnh lòng khi nhìn sang các lĩnh vực khác, nhưng thấy khán giả hào hứng, thấy xẩm được yêu thích là lại tràn đầy năng lượng. Tôi luôn tin vào sự trường tồn của nghệ thuật truyền thống. Đi sâu vào âm nhạc truyền thống lại càng bắt gặp nhiều điều thú vị. Như việc nghệ nhân Hà Thị Cầu đã mất mấy năm rồi nhưng chúng tôi vẫn bắt gặp có những em chỉ 9 - 10 tuổi say câu hát của bà, hát giống một cách tuyệt đối. Các em không ngại đi khắp nơi để tái hiện lại câu hát của bà. Rõ ràng, nghệ thuật truyền thống luôn có một sức sống kỳ lạ, không bao giờ tắt.

 - Để âm nhạc truyền thống lấy lại được được vị trí xứng đáng, quả chúng ta cần rất nhiều việc phải làm, thưa anh?

+ Khó khăn của âm nhạc truyền thống đến từ những yếu tố con người là chủ yếu, ở cả khía cạnh công chúng và người quản lý. Chúng ta đã có chủ trương đúng đắn về bảo tồn văn hóa dân tộc nhưng không nên làm theo phong trào, quá chú trọng đến chiều rộng mà phải đi vào chiều sâu. Đưa âm nhạc truyền thống vào đúng không gian văn hóa của nó..

Với chủ trương sân khấu học đường, theo tôi đây không nên là dự án mà phải là hoạt động thường xuyên, phù hợp với từng địa phương. Mỗi địa phương lấy các làn điệu truyền thống của mình ra làm trọng tâm như Bắc Ninh, Bắc Giang là hát quan họ; Phú Thọ hát xoan; đồng bằng Bắc Bộ: hát chèo, miền Nam cải lương... Ngoài ra, các đơn vị truyền thông lớn như Đài Truyền hình cần có sự điều tiết và dành thời lượng phát sóng hợp lý cho những chương trình ca nhạc này.

- Xin cảm ơn anh!

NSƯT Minh Phương (Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam): Truyền cho các em tình yêu âm nhạc từ tấm bé

Nhiều năm gắn bó với âm nhạc truyền thống nói chung và nghệ thuật chèo nói riêng, tôi nhận thấy âm nhạc truyền thống vẫn luôn có một vị trí không thể thay thế trong đời sống văn hóa. Mỗi lần đi biểu diễn, tôi đều cảm nhận rằng khán giả không hề quay lưng với âm nhạc truyền thống. Điều quan trọng là chúng ta phải có nhiều chương trình hay, mang đậm giá trị nghệ thuật để xứng đáng với sự mong đợi ấy.

Còn để khán giả trẻ yêu âm nhạc truyền thống lại là một vấn đề cần sự kết hợp của gia đình và xã hội. Bản thân những bậc làm cha làm mẹ nên có ý thức trong việc giúp con trẻ yêu âm nhạc truyền thống bằng cách cho con nghe hát ru, làm quen với các làn điệu dân ca ngay từ tấm bé. Khi các con đến tuổi tới trường, môn học âm nhạc cần được thiết kế phù hợp với từng lứa tuổi, nhận thức. Thật khó có thể khuyến khích các em biết yêu, biết gìn giữ những giá trị của âm nhạc truyền thống nếu các em không thấy hay, thấy gần gũi.

Điều khiến tôi trăn trở là một số cơ quan báo chí truyền thông thay vì định hướng đúng để khán giả hướng đến những giá trị chuẩn mực thì đôi khi còn tiếp tay cho những giá trị ảo lên ngôi. Có không ít ca sĩ được tung hô như ông hoàng, bà chúa, trong khi có rất ít đóng góp cho đời sống âm nhạc.

Sự đãi ngộ dành cho các nghệ sĩ ở lĩnh vực này còn nhiều hạn chế khiến không ít đồng nghiệp của tôi đành phải theo đuổi dòng nhạc khác để phục vụ nhu cầu cuộc sống. Gắn bó với âm nhạc truyền thống như máu thịt, bản thân tôi vừa ra kênh youtube của riêng mình với mong muốn là nơi giao lưu, chia sẻ với những khán giả yêu chèo cũng như lan tỏa tình yêu chèo trong cộng đồng mạng. Ngoài ra, tôi cũng sẽ cho ra mắt album hát ru trong thời gian tới để hy vọng thế hệ sau này không quên những làn điệu dân ca thấm đẫm yêu thương của dân tộc mình.

NSƯT Quốc Hưng, Trưởng khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam: Ai thực tài sẽ sống được với nghề

- Thưa NSƯT Quốc Hưng, đứng ở góc độ một người làm công tác đào tạo trong lĩnh vực âm nhạc, vai trò của dòng nhạc truyền thống được coi trọng như thế nào?

+ Tại Khoa Thanh nhạc của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam từ hệ trung cấp đến đại học đều gắn bó với âm nhạc truyền thống. Ngay từ năm thứ nhất, năm thứ 2, các em được làm quen và học bài bản các làn điệu dân ca như quan họ, dân ca Bình Trị Thiên, dân ca Nam Bộ... Những luyến láy của dòng nhạc này rất quan trọng để áp dụng cho thanh nhạc. Song song với quá trình này, chúng tôi phát hiện ra tố chất, đặc trưng giọng của từng em để hướng các em đi theo những dòng nhạc phù hợp. Em nào chất giọng có màu sắc dân gian, chúng tôi sẽ phân công cho những thầy cô ở lĩnh vực này phụ trách.

- Liệu có tâm lý ngại theo học dòng nhạc dân gian, truyền thống trong các học viên mới vào trường không anh?

+ Rất ít khi có tâm lý ấy, vì ngay từ đầu, khi tuyển sinh, chúng tôi đã phân tích và định hướng rõ cho từng em nên theo dòng nhạc nào để phát huy tốt nhất sở trường của mình. Trong trường, các em học kỹ thuật thanh nhạc giống nhau nhưng sau này đi làm nghề, tự các em tự tìm những dòng nhạc phù hợp. Ở dòng nhạc dân gian, chúng tôi có những giảng viên là nghệ sĩ nổi tiếng phụ trách như Tân Nhàn, Anh Thơ... Đây thực sự là những nghệ sĩ không chỉ vững chuyên môn mà luôn hết mình trên sân khấu cũng như bục giảng.

- Không chỉ là giảng viên, anh còn là đạo diễn của nhiều chương trình ca nhạc. Thực tế thì những nghệ sĩ theo đuổi dòng nhạc truyền thống có "khó sống" không anh?

+ Cá nhân tôi lại cho rằng, những ca sĩ theo dòng nhạc dân gian hiện nay tương đối dễ sống. Ví dụ như khi làm đạo diễn một chương trình ca nhạc, bao giờ tôi cũng cần có từ 3 - 4 ca sĩ của dòng nhạc này. Trong khi đó, dòng nhạc thính phòng kén khán giả, nhạc trẻ lại phải đối mặt mới sự cạnh tranh khá lớn nên lại không hề dễ dàng. Dòng nhạc dân gian truyền thống lại phù hợp với số đông khán giả nên hầu như chương trình nào cũng cần. Tuy nhiên, để có được thu nhập tốt thì các em phải khẳng định được tài năng, tên tuổi của mình.

- Tham gia các cuộc thi là một trong những cách để các ca sĩ mới vào nghề khẳng định tên tuổi đúng không anh? Và các ca sĩ của dòng nhạc dân gian truyền thống hẳn cũng không ngoại lệ?

+ Đúng vậy! Và một trong những cuộc thi mà các ca sĩ trẻ, các sinh viên thanh nhạc nhiệt tình tham gia là cuộc thi Sao Mai. Cuộc thi đã đóng góp cho đời sống ca nhạc nhiều ca sĩ nổi tiếng như Trọng Tấn, Phương Nga, Tân Nhàn, Phương Thảo... Giải Sao Mai dù không phải là cuộc thi chuyên nghiệp nhất nhưng luôn thu hút thí sinh, vì lợi thế là được xuất hiện thường xuyên trên truyền hình.

Tuy nhiên gần đây, nhiều cuộc thi ca nhạc trong đó có Sao Mai không giữ được chất lượng như những năm đầu. Có một số em được giải cao, thậm chí được đầu tư tiền tỉ để ra MV nhưng sau đó lại mất hút, không  ai mời biểu diễn. Bản thân tôi khi làm đạo diễn chương trình luôn cân nhắc và phân định rõ ràng tài năng của từng người để mời.

Gần đây, một số giọng hát của dòng nhạc này tôi rất ấn tượng như Lương Nguyệt Anh, Thu Hằng... Bước ra từ các cuộc thi, các em đều khẳng định được mình. Nếu không có tài năng thật sự thì dẫu có nhờ lý do nào đó, các em được giải cao nhưng đâu sẽ lại về đấy, khán giả quên ngay. Những ai có thực tài thì sẽ sống được với nghề. 

- Với bất kỳ ca sĩ của dòng nhạc nào thì tâm lý nôn nóng, muốn nhanh nổi tiếng hẳn vẫn còn tồn tại?

+ Tôi từng gặp một số em vừa vào trường đã mang sẵn tâm lý muốn nhanh nổi tiếng bằng mọi cách. Với những sinh viên ấy, tôi thực sự ái ngại, vì tôi cho rằng giống như cái cây, lá phun hóa chất xum xuê mà gốc bé thì khó bền vững được. Tôi rất trân trọng những học viên nghiêm túc, mong muốn trau dồi kiến thức thực sự.

Đặc trưng của các sinh viên thanh nhạc là thời gian học tập, gắn bó với thầy cô khá dài nên các em có sự ảnh hưởng tính cách, quan điểm làm nghề không nhỏ từ chính những thầy cô đã dạy dỗ mình. Dấu ấn của người thầy dạy chuyên ngành rất lớn. Vì thế, bên cạnh truyền dạy chuyên môn, mỗi thầy cô phải là một tấm gương về thái độ với nghề, xây dựng hình ảnh đẹp trong mắt khán giả và mẫu mực trong mắt học trò.

Tôi quan niệm và thường khuyên các học trò của mình, với dòng nhạc truyền thống thì quan trọng nhất là "hữu xạ tự nhiên hương". Các em có tài năng và hết lòng cống hiến, tất sẽ được khán giả biết đến và yêu thích.

- Xin cảm ơn anh!
Thảo Duyên - Tuấn Phong (thực hiện)
.
.