9O phút có đủ thức tỉnh

Thứ Sáu, 15/03/2024, 06:15

90 phút, đó là quãng thời gian mà mạng xã hội Facebook và những nền tảng khác của "vũ trụ Meta" như Instagram, Messenger... đã "sập" trong đêm 5/3/2024 (giờ Việt Nam). Kéo theo cú sập ngắn ngủi ấy là rất nhiều điều đáng suy nghĩ.

Trở về nhà sau bữa ăn tối với những bạn đại học ngày xưa, tôi khá hoảng khi truy cập Facebook trên điện thoại của mình. Tự nhiên nó yêu cầu đăng nhập lại. Messenger cũng vậy. Nhưng, khốn nỗi, càng đăng nhập lại càng hoang mang hơn khi mỗi lần đăng nhập đều không cho kết quả. Tôi e sợ tài khoản của mình đã bị chiếm đoạt (hack).

Lập tức, tôi bấm điện thoại gọi cho một người em, dân IT, rất giỏi. Cậu ấy đang xem phim, chờ tới giờ UEFA Champions League lăn bóng. "Đợi em kiểm tra nhé", nói rồi, cậu cúp máy. Chỉ một phút sau, cậu gọi lại: "Anh an tâm nhé. Không bị hack đâu. Tài khoản của em cũng bị như thế. Em đoán là Facebook sập anh ạ".

9O phút có đủ thức tỉnh -1

Facebook sập, điều đó từng xảy ra hơn một lần. Tôi không quan tâm nữa. Ấy vậy mà vẫn bị cái tật, cứ cầm cái điện thoại lên là ngón tay di chuyển về biểu tượng Facebook và bấm vào nó. Bấm xong mới nhớ ra nó đang có vấn đề. Kiên quyết dứt bỏ, tôi cắm sạc, rửa mặt và lên giường đi ngủ.

Sáng hôm sau, tin tức đã ngập trên các trang báo điện tử về chuyện Facebook sập 90 phút đêm trước. Lần này có vẻ xôn xao dư luận hơn khi cú sập đó là toàn cầu và nó xảy ra khi vợ chồng "Mắc xoăn" đang đi ăn cưới ở Ấn Độ. 90 phút, chỉ bằng đúng 2 hiệp của trận bóng đá, bằng một chuyến di chuyển từ TP Hồ Chí Minh xuống Vũng Tàu, bằng thời gian tối đa cho phép để làm một bài kiểm tra cuối học kỳ của một học sinh phổ thông. Vậy mà, chỉ 90 phút ấy thôi, cả một cộng đồng đã nháo nhào, hoang mang thực sự.

"Chắc cu Mắc xoăn bị hack tài khoản, lộ hết cả thông tin nhạy cảm mà đòi lại mãi không được quyền truy cập nên mới quyết định "rút phích" toàn cầu". Tôi đã cười sảng khoái khi đọc một dòng trạng thái trào lộng như thế từ tài khoản một người bạn. Trong khi đó, B.L., một đồng nghiệp báo chí đáng mến của tôi thì nửa đùa nửa thật: "Sợ quá, Facebook sập mà mình cứ tưởng bị hack tài khoản, trong khi còn bao nhiêu tin nhắn đặt mua sách đã giao hàng mà chưa nhận tiền". Có thể nói, sau một đêm với 90 phút bất thình lình kia, đa số đều bắt đầu ngày mới bằng những chia sẻ của họ về một sự kiện mà chính họ bị ngắt kết nối với xung quanh.

Tôi nhắn tin cho một đồng nghiệp mà tôi rất trân trọng, đại ý rằng: "Đây là số điện thoại của mình. Lưu lại nhé. Mình ứ tin bạn Mắc xoăn nữa". Hóa ra, tôi quên rằng chúng tôi đã lưu số điện thoại của nhau từ lâu lắm rồi. Nhưng, tuyệt nhiên từ lúc quen nhau tới giờ, chúng tôi chỉ toàn trao đổi qua Messenger chứ không phải qua tin nhắn điện thoại thông thường. Sự đãng trí là có thật. Nhưng, nỗi sợ mình bỗng dưng biến mất và bạn mình cũng bỗng dưng thất lạc nếu một ngày không còn Facebook nữa cũng là có thật. Nó kéo tôi vào suy nghĩ: "Phải chăng, chúng ta phụ thuộc quá sâu vào mạng lưới mà nền tảng mạng xã hội này đã tạo ra cho mình rồi hay không?".

Điều gì sẽ xảy ra nếu như sự cố kia không phải là 90 phút mà là vĩnh viễn? Tất nhiên, Facebook không phải kênh liên lạc duy nhất, nhưng để khôi phục tất cả mối quan hệ ta vẫn có trên mạng xã hội ở một phương thức giao tiếp khác có thể sẽ mất thời gian rất lâu. Chúng ta vẫn sống thôi. Chẳng có ai chết vì thiếu Facebook cả. Nhưng, sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều người khi mà Facebook không chỉ là một thói quen giao tiếp mà nó đã trở thành nơi chốn để làm việc, để trao đổi thông tin, để buôn bán...

Có thể nhìn thấy rất rõ, với thói quen dùng Facebook, thậm chí tạo ra rất nhiều hiệu quả từ Facebook, sau nhiều năm kéo dài, con người đã xem đó là một vùng thuận tiện và không cố gắng thoát khỏi nó để sử dụng hữu hiệu cả các kênh giao tiếp, các nền tảng tương tự khác. Một cá nhân có thể có đầy đủ tài khoản Facebook, Zalo, Instagram, Viber... nhưng phần lớn họ sẽ chỉ chọn một kênh tiện lợi nhất để sử dụng và gần như xem đó là phương tiện duy nhất. Khi đó, sự phụ thuộc vào nó bắt đầu hình thành. Nó gợi tôi nhớ tới một câu thoại trong phim "The Shawshank Redemption", khi nhân vật Ellis nói với nhân vật Andy ngày Andy mới vào tù: "Cậu có thấy bức tường kia không. Lúc đầu thì ta sợ nó. Sau rồi ta quen dần với nó. Và, rốt cuộc, ta lệ thuộc vào nó". Facebook gần như đã trở thành một nhà tù Shawsank vô hình cầm tù chúng ta bằng thói quen của chính mình.

Hãy tưởng tượng, nếu một người làm kinh doanh nhờ vào livestream trên Facebook và đã có được tệp khách hàng thân thuộc của mình sau bao năm, bỗng dưng một ngày người ấy không còn thấy Facebook tồn tại nữa. Họ sẽ buộc phải bắt đầu lại từ đầu, ở một nền tảng nào khác. Sự khởi đầu đó liệu có mang lại được thành công như đã từng có với Facebook hay không? Câu hỏi này rất khó trả lời. Có nhiều yếu tố để quyết định điều đó nhưng có một yếu tố không thể không nhắc tới. Ngày hôm nay, người ấy đã già đi khá nhiều so với ngày khởi nghiệp trên Face. Có tuổi, sức khỏe lẫn sức sáng tạo cũng cùn mòn đi. Và, nó hoàn toàn có thể khiến công việc không còn hiệu quả nữa.

"Các bạn đã sử dụng nền tảng nào khi Facebook bị sập?", một người em tôi, dân công nghệ, đã đăng tải câu hỏi này trên trang cá nhân của mình sau sự cố 90 phút kể trên. Bình luận ở dưới là rất nhiều cái tên. Tôi chỉ thả vào đó một bình luận mang tính đùa giỡn nhưng hóa ra là có thật: "Tôi đã chọn nền tảng chăn êm nệm ấm và một giấc ngủ ngon".

9O phút có đủ thức tỉnh -0
Mark người khai sinh ra mạng xã hội Facebook.

Chúng ta có từng ngủ ngon hơn hôm nay ở thời chưa có Facebook không? Giá như có một cuộc thăm dò như thế nhỉ. Tôi rất háo hức chờ đợi kết quả của cái cuộc thăm dò tưởng tượng ấy. Nhưng, đúng là thời chưa có Facebook, tôi đã sống thanh thản hơn rất nhiều. Các tranh luận nảy lửa nhưng vô bổ ngày xưa không diễn ra thường xuyên như hôm nay; các cuộc gặp mặt bạn bè cũng thường xuyên hơn hôm nay; tin tức cũng chính thống và dễ được kiểm chứng hơn hôm nay; sự hỗn loạn cũng ít hơn hôm nay rất nhiều... Tôi nghĩ, ngày chưa bùng nổ mạng xã hội vẫn là những ngày bình yên hơn thời hiện tại này.

Sau 90 phút, những cầu thủ bóng đá thường sẽ tắm, xả hơi, massage và cùng nhau thưởng thức một bữa tối đâu đó. Họ ít có thói quen nói về trận đấu cũ, trừ phi phải họp rút kinh nghiệm cùng nhau. Sau một kỳ kiểm tra, những học sinh lại khác, hoặc là quên phắt nó đi, hoặc là ngồi mổ xẻ với nhau so sánh với đáp án chuẩn để xem mình có thể đạt được bao nhiêu điểm. Sau một hành trình từ TP Hồ Chí Minh xuống Vũng Tàu, nếu không phải vì công việc, người ta có thể sẽ kiếm tìm một quán bên biển để lai rai hoặc đơn giản là đắm mình trong sóng biển. Còn sau 90 phút Facebook sập nguồn toàn cầu, chúng ta nghĩ gì?

Có lẽ, phải thay đổi thôi, phải thức tỉnh thôi. Mạng xã hội là công cụ, thậm chí công cụ hữu hiệu nhưng nó không thể là thứ chiếm đoạt ta toàn phần tới mức lệ thuộc vào nó và khi nó mất đi, ta loay hoay không biết mình nên ứng phó thế nào. Ta sẽ cần bước ra ngoài đời, thật hơn, bằng nhiều cảm nhận thân thể hơn chứ không chỉ qua những video, những bức ảnh, những con chữ trên cái màn hình bé xíu. Đã có thời, có những con người nghiện tivi tới mức mở tivi cả ngày. Hôm nay, cũng chính họ đã dứt ra được khỏi cái màn hình to ấy để nghiện một cái màn hình nhỏ hơn rất nhiều. Điều đó có nghĩa là chúng ta có thể từ bỏ được nhưng cũng dễ dàng ập vào một cái gì đó có khả năng thay thế. Tức là con người rất dễ điều chỉnh mình theo hoàn cảnh. Vậy thì tại sao không luôn giả lập cho mình một hoàn cảnh sẽ không còn sự tồn tại của Facebook nữa, để ta bắt đầu một thói quen không lệ thuộc vào nó và biết làm chủ nó hoàn toàn?

Facebook hay các kênh mạng xã hội, và công nghệ AI là con dao hai lưỡi. Nó sẽ còn tạo ra những thế hệ sau khác biệt thế hệ chúng ta hôm nay rất nhiều. Nó tạo ra một lằn ranh rất rõ. Ở trong thế giới đó, ai làm chủ được bản thân, làm chủ được mạng xã hội thì sẽ tận dụng được nền tảng số để phát triển sự nghiệp. AI bị phụ thuộc, chạy theo thì sẽ rất yếm thế, thậm chí có thể rơi vào khiếm khuyết nhân cách, trí tuệ, kỹ năng sống. Nhưng, để làm chủ được cuộc đời, để làm chủ được mạng xã hội để có thể điều khiển mạng xã hội phục vụ cuộc sống của mình thì phải là một thế hệ rất xuất sắc. Phần còn lại, tôi lo sợ rằng sẽ là nô lệ cho mạng xã hội mất.

Hà Quang Minh
.
.