80 năm cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa

Thứ Sáu, 24/02/2023, 09:25

Từ ngày 25/2 đến ngày 3/3/2023, một sự kiện văn hóa lớn sẽ được tổ chức trên phạm vi toàn quốc. Đó là Tuần phim chào mừng “Kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam” do Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với các sở văn hóa, thể thao và du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Trung tâm Chiếu phim quốc gia tổ chức.

Các bộ phim được giới thiệu tại Tuần phim có đề tài, chủ đề về văn hóa, về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về đất nước, con người Việt Nam.

Đề cương về văn hóa Việt Nam được Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và được thông qua trong Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương họp ở Võng La (Đông Anh, Phúc Yên), tháng 2/1943.

80 năm cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa -0
Bác Hồ với các nghệ sĩ sau buổi biểu diễn văn nghệ Tết Kỷ Dậu, năm 1969. Ảnh tư liệu

Ngược dòng lịch sử, năm 1943, Đề cương về văn hóa Việt Nam được soạn thảo nhằm mục đích chống lại chính sách văn hóa phản động của chính quyền Pháp - Nhật và tay sai của chúng; chống lại trào lưu lãng mạn có khuynh hướng cải lương, bi quan, bế tắc; vạch rõ tính chất phản động trong chính sách văn hóa ngu dân của thực dân Pháp; nêu lên nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa trong xây dựng nền văn hóa mới.

Ở thời điểm đó, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã vũ trang những lý luận căn bản cho cán bộ hoạt động văn hóa - tư tưởng; xác định văn hóa là một trong ba mặt trận cách mạng: Chính trị, kinh tế và văn hóa; nêu rõ nguy cơ của nền văn hóa Việt Nam dưới ách phát xít Nhật, Pháp; phân tích mối quan hệ giữa cách mạng chính trị và cách mạng văn hóa;khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng văn hóa.

Đề cương văn hóa Việt Namra đời trong bối cảnh ở Việt Nam lúc này một số tư tưởng triết học của phương Tây du nhập vào đang có nguy cơ gây lạc đường cho nhiều trí thức chán ghét những tư tưởng cũ nhưng chưa tìm ra được hướng đi mới cho mình, có người loay hoay trong xu hướng cực đoan, nệ cổ trong học thuật.

Trong bối cảnh ấy, đường lối vạch ra trong Đề cương văn hóa Việt Namđã đem lại một không khí mới cho văn hóa Việt Nam và được xem là “sự khai phóng” về tư tưởng văn hóa, đem lại cảm hứng mới cho những người làm văn hóa, những trí thức đang muốn tìm đường đi mà chưa thấy lối. Nhiều văn nghệ sĩ, nhân sĩ, nhà hoạt động văn hóa đã từ bỏ quan niệm cũ, chấp nhận một thế giới quan và nhân sinh quan mới. Đó là “cuộc nhận đường đầu tiên” của đội ngũ trí thức để đến với Cách mạng và là lực lượng chủ chốt để tham gia xây dựng nền văn hóa mới.

Phương hướng đấu tranh đúng đắn chống thực dân, phát xít được vạch ra trong Đề cương về văn hóa Việt Nam là xây dựng đường lối văn hóa mới của Đảng, tập hợp các nhà văn hóa, trí thức để tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc, vạch ra đường lối văn hóa cách mạng và những nhiệm vụ trước mắt, tiến tới xây dựng nền văn hóa dân tộc, nhân dân.

Chính vì vậy, Đề cương về văn hóa Việt Nam được xem là cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa. Điều này cũng cho thấy, ngay từ khi còn chưa giành được chính quyền, Đảng đã rất quan tâm đến vấn đề phát triển văn hóa. Và suốt chặng đường 80 năm qua, Đảng ta không ngừng kế thừa, vận dụng và phát triển những nội dung, giá trị cốt lõi của bản đề cương này.

Một trong những điểm nhấn rất quan trọng của Đại hội XIII của Đảng là xác định các quan điểm, chủ trương mới, toàn diện và sâu sắc về phát triển văn hóa, con người Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước cường thịnh, phồn vinh, hạnh phúc.

Đại hội XIII của Đảng cũng yêu cầu nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựnghệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Namgắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Theo đó, cần khai thác và phát huy cao nhất các giá trị tốt đẹp, bền vững của văn hóa, con người và gia đình Việt Nam. Nghiên cứu, xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị, chuẩn mực văn hóa và con người Việt Nam trong sự nghiệp Đổi mới và hội nhập quốc tế.

Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đó là thực tiễn sinh động mà cộng đồng quốc tế cũng đã phải thừa nhận. Dù vậy, chúng ta cũng đang đối mặt với không ít khó khăn về mọi mặt, trong đó có cả những xu hướng lai căng, thực dụng trong văn hóa.

Chính vì vậy, đây là lúc mà mỗi công dân, mỗi nhà, mỗi cấp, ngành đều cần thấu triệt hơn nữa tinh thần của Đề cương về văn hóa Việt Nam để phát huy hơn nữa những giá trị mà cha ông đã dày công vun đắp.

Lương Duy Cường
.
.