3 môn 9 điểm

Thứ Năm, 23/06/2022, 14:24

Đầu tuần này, nhiều cơ quan báo chí cùng hân hoan tổ chức các buổi kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Với người làm báo, ngày 21/6 hàng năm có lẽ là ngày mà họ trông đợi nhất vì đó cũng là ngày mà nghề báo được cộng đồng trân trọng thông qua những lời chúc mừng, những món quà lưu niệm, những ngợi khen... Nhưng thực tế, ở 364 ngày còn lại của năm, không ít người làm báo phải nhận về những "oan trái" từ cái nhìn khá hồ đồ, cực đoan của cộng đồng.

"3 môn 9 điểm" có lẽ là nhận xét quen tai nhất với nhiều nhà báo. Một bài viết của một nhà báo được đăng tải và thu hút sự quan tâm của dư luận chắc chắn sẽ kéo theo hai lực lượng: ủng hộ và phản đối. Và phe phản đối sẽ có không ít nhân vật thay vì phân tích bài viết dựa trên các cơ sở dữ kiện, mang tính khoa học… thì chỉ đơn thuần rủa xả người cầm bút là "3 môn 9 điểm". Họ mặc nhiên coi những người viết báo là những kẻ không đủ điểm vào các trường đại học uy tín, không biết làm gì thì mới đi làm báo…

3 môn 9 điểm -0

Thực tế, nghề báo không phải là nghề dễ dàng. Nhiều người nghĩ đơn giản là nhà báo chỉ cần khả năng diễn đạt tốt bằng ngôn ngữ là đủ. Chỉ trong nghề mới hiểu, làm báo là một công việc rất đỗi khó khăn. Để viết về một vấn đề nào đó, người làm báo cần hiểu nó tương đối sâu sắc chứ không thể “cưỡi ngựa xem hoa”. Để biên tập một bài viết, biên tập viên còn phải nắm chắc hơn cả người viết, ngõ hầu có thể chỉnh sửa, cải thiện để bài viết ấy tốt hơn, có giá trị hơn.

Cái giễu nhại "3 môn 9 điểm" thực ra là thứ giễu nhại không hề bắt nguồn từ sự hiểu biết về những người làm báo. Ở tất cả các toà soạn tại Việt Nam hôm nay, thực ra lực lượng phóng viên, biên tập viên học từ các trường báo chí ra không chiếm tỷ lệ quá đông. Có rất nhiều phóng viên, biên tập viên giỏi học các ngành nghề chuyên môn khác như kinh tế, luật, ngoại giao… họ đến với nghề báo như một duyên nghiệp mà ở đó, họ phát huy học thuật của mình thông qua các bài viết sắc sảo. Chắc chắn, họ cũng sẽ rất chạnh lòng khi nhận được những miệt thị hồ đồ kiểu như "3 môn 9 điểm" kể trên. Bởi họ hiểu, họ đang sống trong một cộng đồng rất cần thông tin chính thống từ báo chí nhưng lại sẵn sàng xem thường những người làm báo.

"Làm nhà báo mà cũng mua được nhà cơ à" là một câu hỏi mà người viết từng được hỏi, với cái nhìn đầy khinh thị của người hỏi. Nó cho thấy thực trạng chung của xã hội hôm nay là luôn chủ quan, vội vàng khi đánh giá một ai đó, một nghề nghiệp nào đó. Tất nhiên, trong nghề báo cũng có những con người tiêu cực khiến cả giới bị ảnh hưởng uy tín nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả những người làm báo đều như thế. Chính cái đùa cợt "nhà văn nói láo, nhà báo nói phét" mà bao năm nay chúng ta thản nhiên coi như một chân lý ấy đã góp phần tạo ra thái độ thiếu đúng đắn của một bộ phận trong cộng đồng đối với những người cầm bút, một lực lượng trí thức vẫn hàng ngày mang lại cho chính cộng đồng kia một lượng thông tin chính thống, cần thiết và đáng giá.

Tôn trọng nghề báo là điều rất nên, và nên thể hiện cả 365 ngày trong năm chứ không chỉ trong một ngày 21/6.

Văn  Đoàn
.
.