122 ngàn tỷ và câu chuyện nhà hát
Quốc hội đã thông qua nghị quyết tổng vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2030 tối thiểu 122.250 tỷ đồng. Đây là một thông tin thực sự đáng mừng đối với những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nước nhà. Con số kể trên nghe có vẻ lớn nhưng thật ra, để đầu tư cho văn hóa, nó vẫn còn là nhỏ khi những danh mục cần đầu tư phát triển văn hóa trong 5 năm là rất dày.
Trong số những hạng mục cần đầu tư ấy, câu chuyện nhà hát tầm cỡ quốc tế vẫn là một trong những hạng mục được giới văn hóa nghệ thuật quan tâm. Sự thành công vượt mức mong đợi của Nhà hát Hồ Gươm đã như một cú hích cực lớn cho các đề án xây dựng nhà hát ở Việt Nam. Thêm vào đó, sức sống của Nhà hát Đó ở Nha Trang cùng dự án xây dựng nhà hát opera ở bán đảo Quảng An - Hà Nội lại càng như tiếp thêm sức sống cho những địa phương vẫn còn thiếu một nhà hát tiêu chuẩn quốc tế như Đà Nẵng, Hải Phòng, Phú Quốc và đặc biệt là TP Hồ Chí Minh.
Cho đến nay, TP Hồ Chí Minh chỉ có duy nhất một nhà hát có khả năng tổ chức các buổi biểu diễn opera là Nhà hát Thành phố vốn dĩ đang đòi hỏi một cuộc đại trùng tu. Ngoài nhà hát này, khán phòng nhạc viện TP Hồ Chí Minh cũng có thể tổ chức các đêm diễn quy mô nhỏ theo kiểu thính phòng. Còn lại, nếu muốn có một buổi diễn với dàn nhạc giao hưởng, có thể nói TP Hồ Chí Minh không có bất kỳ địa điểm xứng tầm nào đủ đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu.
Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh lại có một dàn nhạc chất lượng cấp quốc gia và được xem là diện mạo tiêu biểu cho văn hóa nghệ thuật khu vực phía Nam. Vì thế, đòi hỏi xây dựng một nhà hát tầm cỡ quốc tế cho TP Hồ Chí Minh là cấp thiết, nhất là khi đây lại là một trung tâm du lịch và du lịch văn hóa đang là một mũi nhọn mà Chính phủ đặt ra. Thêm vào đó, công nghiệp biểu diễn cũng là một lĩnh vực Chính phủ rất quan tâm, ngõ hầu không muốn Việt Nam chậm chân hơn so với các quốc gia trong khu vực.
Ở các nước phát triển, mỗi đô thị đều có một nhà hát tiêu chuẩn cao và sáng đèn thường xuyên. Tất nhiên, mỗi quốc gia mỗi hoàn cảnh khác nhau, khó có thể lấy một quốc gia này làm tiêu chuẩn để quốc gia khác rập khuôn, nhưng nói gì thì nói, bên cạnh bảo tàng, thư viện, nhà hát là một trong những địa điểm quan trọng để xác lập diện mạo và trình độ văn hóa của một thành phố. Thật bất công khi ở các quốc gia láng giềng, một đô thị nhỏ của họ vẫn có một nhà hát to to trong khi ở nước ta, một đô thị thực sự lớn như TP Hồ Chí Minh lại thiếu ngay cả những nhà hát nhỏ nhỏ.
Nếu nhìn vào lịch diễn theo năm được đóng thành catalogue của Nhà hát Nhạc giao hưởng và Vũ kịch TP Hồ Chí Minh (HBSO), chúng ta sẽ bất ngờ về độ hút khách của họ cùng sự phong phú về nội dung chương trình. Nhưng, chính vì sự thiếu hụt địa điểm biểu diễn, số đêm sáng đèn cho từng nội dung xây dựng bị hạn chế, trong khi nhu cầu khán giả chưa được đáp ứng đầy đủ. Đây chính là một lãng phí lớn khi để một đơn vị có khả năng làm ăn sinh lời lại không thể phát huy tối đa khả năng ấy của mình. Buồn hơn nữa, địa điểm danh giá duy nhất là Nhà hát Thành phố lại luôn phải bị chia sẻ cho những hội nghị, những cuộc gặp mặt thực tế không dính dáng gì đến nghệ thuật.
Vẫn biết 122.250 tỷ kia còn phải phân bổ về nhiều hạng mục nhưng cũng cần sớm có những đề án cho những nhà hát cho các thành phố lớn. Đây chính là những công trình văn hóa để đời và lợi ích của chúng mang lại không chỉ là phục vụ phát triển nghệ thuật đơn thuần mà bên cạnh đó, nó có thể trở thành một điểm thu hút du khách mang tính biểu tượng địa phương. Doanh thu sẽ từ đó mà ra. Hãy để văn hóa đẻ ra doanh thu để tái đầu tư cho văn hóa một cách hữu hiệu nhất.