Thích ứng an toàn

Thứ Năm, 28/10/2021, 14:28

Đã bao giờ bạn tự hỏi: Sau 4.0 (Cách mạng công nghiệp lần thứ tư) sẽ là điều gì? Có lẽ  chưa mấy ai kịp nghĩ đến sự thay đổi tiếp theo đó bởi bản thân cuộc cách mạng này cũng mới được khởi xướng cách đây chừng mươi năm, những Big Data, Internet of Things, Cloud, Data mining, AI... chỉ mới "đổ bộ" đến nhiều nền văn hóa, chúng ta vẫn đang say sưa với những tiện ích mới mẻ này. Thậm chí đến khái niệm Chủ nghĩa thực dân dữ liệu (data colonialism) mà Nick Couldry và Ulises Mejias nhắc đến nhiều người còn chưa từng được nghe…

Cuộc sống luôn chứa đựng những điều bất ngờ. Nếu các phát minh đem lại tiện ích, giúp cuộc sống con người được giản lược đi thì các mối nguy hại lại theo chiều ngược lại. Việc phải mang thêm chiếc khẩu trang đến khai báo, tiêm vacine phòng dịch còn là một sự cảnh báo: Dù khoa học kĩ thuật phát triển kì diệu đến đâu, chúng ta không thể lãng quên "con người sinh học" của mình.

Mấy ngày  trước, Lâm Đồng, Vĩnh Phúc, Bình Phước, Long An là những tỉnh đầu tiên công bố cấp độ thích ứng an toàn COVID-19. Đây là những địa phương đi đầu trong việc áp dụng tốt Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Nhìn những dòng người lao động hồi hương, chúng ta hiểu rằng những ngày sau đó họ sẽ đứng trước hai lựa chọn: quay trở lại thành phố khi dịch bệnh được kiểm soát hoặc ở lại quê nhà tìm một công việc mới.

thích ứng an toàn với covid-19- nguồn ảnh vnexpress.net.jpg -0
Thích ứng an toàn với COVID-19.

Ở thành phố, những công ty lớn cũng cần sức vóc của bạn để tạo ra sự tăng trưởng. Đổi lại bạn sẽ có lương khá cao, có thể dành ra một phần phụ giúp cho cha mẹ già hoặc tích lũy cho tương lai. Nhưng ở lại quê hương bạn còn có gia đình, có các mối quan hệ, đất đai để làm điểm tựa. Nhưng dù ở đâu, tiêu chí an toàn cũng là tiêu chí hàng đầu, tiêu chí quan trọng khiến chúng ta phải thay đổi lại suy nghĩ của mình. An toàn không còn là rào giậu, ngăn cách mà ở khả năng kiểm soát chặt chẽ nhưng cũng vừa linh hoạt đảm bảo các hoạt động kinh tế, xã hội như: "không tập trung quá 50 người nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; khi tham gia hoạt động thể thao ngoài trời"; "Các cơ sở kinh doanh thể dục thể thao trong nhà mở cửa nhưng không quá 30 người một ca. Hoạt động biểu diễn nghệ thuật, thư viện, triển lãm, chiếu phim, bảo tàng và các cơ sở văn hóa khác, giải đấu thể thao... cũng được hoạt động, với điều kiện không quá 50% công suất. Nhà hàng ăn uống mở cửa nhưng không quá 70% công suất; đóng cửa trước 23h hàng ngày"…

Nhìn vào những nội dung ấy, bạn nhận ra mức độ an toàn cao nhất chính là sự chủ động từ chính mình. Chủ động từ vaccine, ý thức đến cách thức tổ chức lại các hoạt động theo hoàn cảnh mới. Bởi thế, cuộc hội thảo khoa học Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2025 mà thành phố Hồ Chí Minh vừa tổ chức là một động thái mau lẹ và thiết thực. Cần thiết có sự an toàn và thích ứng từ bản thân mỗi con người chứ không chỉ cộng đồng, xã hội.

Những ngày qua đã có những người dân mất vì tai nạn giao thông trên đường hồi hương hay câu chuyện thương tâm về em học sinh N.V.Q, lớp 5, Trường tiểu học Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Em tử vong do điện thoại phát nổ khi học online. Có thể người lớn đã không hiểu nguy cơ phát nổ điện thoại khi vừa cắm sạc vừa sử dụng, có thể em học khi cha mẹ vắng nhà, có thể chiếc điện thoại em dùng đã chai pin… Nhiều khả năng được đặt ra, những nguy cơ không lường hết nhưng đều phát sinh từ dịch bệnh.

Để thích nghi được với bình thường mới, chúng ta cần chuẩn bị tỉ mỉ, kĩ lưỡng hơn nhiều lần so với nếp sống trước đây. Nhưng như thế chưa đủ, còn cần cả một sự gia tăng công nghệ. Chính công nghệ bảo vệ sự an toàn cho con người. Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên vnexpress.net, Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT cho rằng: "Chúng ta đang có một bài toán vô cùng lớn là dịch COVID-19. Virus nguy hiểm bởi tốc độ lây lan rất nhanh. Nhưng tôi tin công nghệ còn nhanh hơn nhiều lần. Đây sẽ là giải pháp giúp chúng ta phát hiện sớm, cách ly và xử lý sớm những ca mắc, từ đó ngăn chặn sự lây lan. Cái cần thiết nhất trong chống dịch là kịp thời. Trễ là thua. Chẳng hạn với người nhiễm bệnh, ứng dụng công nghệ sẽ giúp đẩy nhanh quá trình xử lý, phân loại bệnh nhân. Đây chính là cơ hội để công nghệ có thể cứu người".

thích ứng với công nghệ là biện pháp phòng chống dịch hiệu quả.jpg -0
Thích ứng với công nghệ là biện pháp phòng chống dịch hiệu quả.

"Công nghệ có thể cứu người" chính là một trong những đường hướng đúng đắn, là tín hiệu lạc quan cho mỗi người sau đại dịch. Hay nói cách khác, thích ứng an toàn chính là thích ứng với một cuộc sống có kỉ luật hơn, khoa học hơn và cũng hiện đại hơn. Nếu bạn tuân thủ đúng, bạn sẽ thuận lợi và an toàn. Nó cũng giúp bạn tiết kiệm được chi phí tiền bạc, thời gian và có nếp sống khoa học. Mỗi chúng ta cần một sự bắt đầu như thế.

1. Chắc hẳn từ đây, các nhà khoa học, công nghệ sẽ tập trung vào việc nghiên cứu để tạo ra một cuộc cách mạng thích ứng để phục vụ con người. Nó có thể chỉ là sự kéo dài/chuyển hướng của 4.0 nhưng là một thay đổi bất ngờ. Chúng ta không nên nghĩ rằng đó là sự đầu tư theo kiểu "cực chẳng đã" như phải mua chiếc kính khi bị cận thị, mua một viên thuốc khi bị ốm… An toàn, thích ứng với đại dịch cũng là một bước tiến, một chiêu "khích tướng" với khả năng sáng tạo của con người.

2. Dù công nghệ sàng lọc, phân loại có hiện đại đến đâu vẫn cần một sự trung thực, minh bạch từ phía con người. Ý thức vì cộng đồng vẫn là yếu tố quyết định đến mọi hướng đi của xã hội. Bởi thế, hai chữ "thích ứng" còn có nghĩa là sự hướng thiện, thanh lọc những thói xấu để hướng đến sự thành thật, tốt đẹp trong mỗi tâm hồn.

3. Thích ứng với cuộc sống "hậu COVID" cũng chính là cách tạo ra những thói quen mới từ những gì đã bỏ lại phía sau lưng. Bạn đã từng lo âu, hoài nghi nhưng cuối cùng dịch bệnh đã được đẩy lùi sau những ngày cam go nhất. Bài học hôm qua sẽ là phương ngôn cho ngày mai, hãy tích lũy những tri thức, kinh nghiệm tốt để ứng phó với bất kì một tình huống mới nào thay vì một "mớ" tạp pí lù những tin rác, những quan điểm bình luận bầy đàn, câu like để tỏ ra mình là quan trọng. Bạn thử kiểm đếm lại mình đã hiểu hết được chiếc smart phone trên tay mình hàng ngày hay chưa? Chiếc điện thoại ấy sẽ là cánh cửa bí mật giúp bạn sống có ích, sống an toàn, bắt nhịp với cuộc sống mới nếu bạn sử dụng nó đúng mục đích.

Thích ứng và an toàn sẽ còn là những từ khóa được nhắc đến trong giai đoạn tiếp theo. Chúng ta cẩn trọng và hào hứng bước vào một chặng đường mới của loài người sau trận "cuồng phong" kinh hoàng có tên COVID-19. Mỗi quốc gia sẽ có một cách thức phù hợp để kiểm soát và thoát khỏi sự đeo bám của nó, tiếp tục tăng tốc trên hành trình phát triển. Đi cùng với nó, nhất thiết phải là văn hóa, một thứ văn hóa thích ứng với giai đoạn mới, giai đoạn mà cuộc sống chúng ta không có sự lựa chọn khác.

Không phải ngẫu nhiên mà UNESCO đã ra mắt một trang web hàng tuần với tên gọi "Văn hóa & COVID-19: Theo dõi tác động và ứng phó". Trang web này "cũng phân tích cả những tác động tức thời của cuộc khủng hoảng y tế và các ví dụ về cách các quốc gia trên thế giới đang thích ứng với tình hình. Đây là một trong số các sáng kiến của UNESCO nhằm ứng phó với tác động của đại dịch đối với lĩnh vực văn hóa trên toàn thế giới" (theo Kiều Giang - Báo điện tử Đảng Cộng sản).

Tương tự như thế, trong bài viết có tên: "Văn hóa đổi mới giúp tăng cường khả năng chống chịu của doanh nghiệp và khả năng phục hồi nền kinh tế", tác giả còn chỉ ra cụ thể "khung văn hóa đổi mới" của doanh nghiệp cần có các bước như: Tăng cường khả năng chống chịu với công nghệ; Đầu tư vào năng lực và kỹ năng của con người; Tận dụng dữ liệu để tăng khả năng cạnh tranh; Thiết kế lại các quy trình để tạo điều kiện cho mọi người liên tục thúc đẩy đổi mới…

Thiết nghĩ, thích ứng an toàn cũng là một niềm cảm hứng mới cho con người hôm nay.

Lâm Việt
.
.