Liên hoan Cải lương Toàn quốc năm 2021: Có làm nên một vườn hoa đa sắc

Thứ Năm, 10/11/2022, 10:17

Liên hoan Cải lương Toàn quốc năm 2021 (lùi 1 năm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19) diễn ra từ ngày 5 đến 20/11 tại TP Tân An, tỉnh Long An là cuộc tranh tài của 22 đơn vị nghệ thuật cải lương chuyên nghiệp từ Trung ương đến địa phương với 27 vở diễn. Ghi nhận trong những ngày đầu diễn ra, chúng tôi nhận thấy nhiều tín hiệu tích cực trong đề tài, sự sáng tạo của các đơn vị nghệ thuật và đặc biệt là sự xuất hiện của những tác giả, diễn viên trẻ tuổi.

Ngày càng thu hút người trẻ

Liên hoan Cải lương toàn quốc năm nay đã hội tụ gần 1.000 nghệ sĩ tham gia, trong đó có những nghệ sĩ có tuổi đời còn rất trẻ, họ mang trong mình khát khao được cống hiến và tỏa sáng. Bên cạnh sự xuất hiện của những gương mặt gạo cội, sự xuất hiện của những nghệ sĩ trẻ lần đầu góp mặt đã tạo nên "luồng gió mới", tạo ra "vườn hoa" đa sắc cho sân khấu cải lương. "Tre già măng mọc", cải lương cũng như các bộ môn nghệ thuật truyền thống khác luôn cần sự tiếp nối, đó cũng là một trong những mục đích mà Ban Tổ chức Liên hoan hướng đến.

Liên hoan Cải lương Toàn quốc năm 2021: Có làm nên một vườn hoa đa sắc -0
Cảnh trong vở "Huyền thoại Gò Rồng Ấp" - Nhà hát Cải lương Việt Nam dự thi Liên hoan Cải lương Toàn quốc năm 2021.

Điều đáng mừng là Liên hoan năm nay nhiều nghệ sĩ trẻ cũng đã mạnh dạn dựng vở dự thi. Có thể kể đến nghệ sĩ Diễm Thanh với vở "Đường đua trong bóng tối" hay nghệ sĩ Kim Tiến kết hợp với Nguyễn Văn Hợp thực hiện vở "Thiếu phụ Nam Xương" rồi nghệ sĩ Nguyễn Minh Trường nâng cấp vở cải lương lịch sử "Nguyễn Hữu Cảnh", tác phẩm tốt nghiệp đạo diễn của mình để dự Liên hoan… Ngoài ra, nghệ sĩ Điền Trung cũng lần đầu dự hội diễn với vai trò mới là đạo diễn khi dàn dựng vở "Người đưa đò" cho Câu lạc bộ sân khấu Tài năng Trẻ (Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh) với nòng cốt diễn viên là các nghệ sĩ trẻ trưởng thành từ trường và từng đoạt huy chương vàng Giải thưởng Trần Hữu Trang.

Quảng bá văn hóa, con người địa phương

Là đơn vị chủ nhà, Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An tiên phong trong việc dàn dựng một kịch bản hoàn toàn mới và đưa đội ngũ nghệ sĩ trẻ đảm nhận các vai diễn chính để có cơ hội tỏa sáng. Vở diễn mà họ dựng để tham gia Liên hoan là "Bên dòng Long Khốt" - đề tài gắn liền với lịch sử của tỉnh, phản ánh về nạn diệt chủng Khmer đỏ và thể hiện sự gắn kết hữu nghị giữa 2 nước Việt Nam - Campuchia.

Nhà hát Tây Đô (Cần Thơ) tham gia Liên hoan năm nay với vở "Sống mãi với non sông" có nội dung ca ngợi những đóng góp to lớn của đồng chí Châu Văn Liêm (người con ưu tú của quê hương Cần Thơ) với Đảng và cách mạng nước nhà. Vở diễn bắt đầu từ cảnh thầy giáo Châu Văn Liêm (lúc này đang dạy ở Chợ Mới) về quê Thới Thạnh - Ô Môn thăm nhà. Chứng kiến cảnh Pháp và tay sai hà hiếp dân lành, giết hại đồng bào, thầy giáo họ Châu đau đáu, quyết tâm tham gia hoạt động cách mạng.

Đoàn Cải lương Hải Phòng "mang chuông đi đánh xứ người" với vở "Đất liền và biển cả". Vở diễn là bản anh hùng ca ca ngợi tinh thần chiến đấu, sự hy sinh cao cả của người chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam nguyện hiến dâng tuổi thanh xuân của mình từng ngày, từng giờ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Nội dung vở diễn kể về câu chuyện của Quân, sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, bố là chiến sĩ trên con tàu không số đã hy sinh vì Tổ quốc.

Gia nhập lực lượng Hải quân, trong lúc mẹ ở nhà đã cao tuổi, còn vợ đang mang bầu, Quân đã gạt đi nước mắt lên đường ra ngoài biển đảo xa xôi. Vở diễn với nhiều diễn biến thể hiện được sự đấu tranh trong nội tâm của người ở đất liền và người ngoài khơi xa, giúp người xem hiểu được phần nào nỗi gian khổ, vất cả, hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ Hải quân cũng như người thân ở quê nhà.

Nhiều điểm nhấn sáng tạo

Trong số 27 vở diễn tham dự Liên hoan năm nay thì có 7 vở đề tài lịch sử, 4 vở dân gian và 16 vở đề tài hiện đại. Như vậy đề tài hiện đại chiếm ưu thế. Cũng trong 27 vở diễn này thì có 1/3 số vở diễn được các đoàn nghệ thuật, nhà hát dàn dựng mới. Trong số 22 đơn vị nghệ thuật tham dự Liên hoan có thể nhận thấy sự tham gia đông đủ của 3 miền Bắc - Trung - Nam. Không có lợi thế về cải lương nhưng các địa phương ở miền Bắc vẫn có những đại diện, như Nhà hát Cải lương Hà Nội, Đoàn Cải lương Hải Phòng, Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh rồi ở miền Trung có Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa. Đặc biệt không chỉ có sự xuất hiện của các đoàn, nhà hát mà nhiều công ty cũng góp mặt tạo nên sự hấp dẫn cho Liên hoan năm nay.

Liên hoan Cải lương Toàn quốc năm 2021: Có làm nên một vườn hoa đa sắc -0
Cảnh trong vở "Bên dòng Long Khốt" - Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An dự thi Liên hoan Cải lương Toàn quốc năm 2021.

Là nhà hát cải lương hàng đầu, năm nay Nhà hát Cải lương Việt Nam mang đến Liên hoan với 2 vở "Huyền thoại Gò Rồng Ấp" và vở "Nguyễn cầm ca - Kiều" với tâm thế đầy tự tin. Theo NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, vở "Huyền thoại Gò Rồng Ấp" dựa trên những huyền tích dân gian về sự ra đời của Đức vua Lý Công Uẩn. Sự mới mẻ của vở kịch này không chỉ ở nội dung mà còn ở hình thức thể hiện.

Cách bài trí sân khấu của NSND Doãn Bằng, xử lý âm nhạc của NSND Anh Tú, cách xây dựng hình tượng nhân vật và phân tuyến nhân vật rất mới mẻ, hiện đại. Vở diễn có sự phối hợp giữa phương pháp biểu hiện và thể nghiệm, kết hợp giữa nghệ thuật phương Đông và phương Tây. Trong quá trình biểu diễn, từ phong cách hát, đến phục trang, ngôn ngữ hình thể đã tạo nên những hình tượng nhân vật mang tính tương phản rõ nét.

Còn trong vở cải lương "Nguyễn cầm ca - Kiều", NSND Hoàng Quỳnh Mai và ê kíp sáng tạo đã đưa tiếng đàn của nàng Kiều trở thành điểm nhấn, như một sợi chỉ xuyên suốt. Thêm một điểm thú vị là ê-kíp sáng tạo đã không tìm cách ôm đồm, gói trọn tất cả những biến cố trong đoạn trường 15 năm lưu lạc của Kiều mà sắp xếp lại các chuỗi sự kiện, tập trung khai thác những tình tiết thể hiện mối quan hệ của Kiều với Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hải, qua đó làm nổi bật hình ảnh người phụ nữ đẹp mà đa đoan.

Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang tham gia Liên hoan năm nay với 2 vở diễn "Ngược gió" và "Câu hò đất mẹ". Vở "Ngược gió" là kịch bản cải lương xã hội được giới chuyên môn đánh giá cao bởi hình ảnh sông nước gần gũi người miền Tây, gợi nhớ những ký ức đẹp về những con người chân chất. Còn vở "Câu hò đất mẹ" kể về cuộc đời hoạt động cách mạng và tình yêu đẹp của hai người cộng sản Lê Hồng Phong - Nguyễn Thị Minh Khai. Đây chính là tác phẩm được thực hiện nhằm hưởng ứng cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" - đề tài được Ban Tổ chức Liên hoan đặc biệt khuyến khích.

Được biết đến là một trong những "cái nôi" của sân khấu cải lương, năm nay Bạc Liêu "chơi lớn" khi có đến 3 đại diện tham dự. Lần đầu tiên đầu tư vở tham gia Liên hoan, Hội Văn nghệ dân gian tỉnh cũng đầy hy vọng với vở "Dòng sông đỏ". Nhìn chung các vở của các đơn vị Bạc Liêu đều có không gian sân khấu được mở rộng bằng việc sử dụng màn hình led, trang trí mỹ thuật, tăng yếu tố minh họa, tạo hiệu ứng hoành tráng về quy mô và nghệ thuật cũng như sự độc đáo, mới lạ. Với sự phong phú về đề tài và tâm huyết của toàn ê kíp tham gia, các vở diễn hứa hẹn sẽ làm sáng diện mạo đất Bạc Liêu như chia sẻ của Giám đốc Nhà hát Cao Văn Lầu Văn Công Diệp: "Đây là kết quả bước đầu của quá trình thực hiện đề án phát triển nghệ thuật sân khấu cải lương tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021 - 2025, hướng tới việc đưa cải lương phục vụ du lịch".

Ngô khiêm
.
.