Gỡ vướng gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội

Thứ Tư, 19/02/2025, 22:56

Được nâng quy mô từ 120 nghìn tỷ lên thành 145 nghìn tỷ, với 9 ngân hàng thực hiện cho vay vốn ưu đãi dành cho nhà ở xã hội, song tỷ lệ giải ngân nguồn vốn này vẫn rất thấp, mới đạt hơn 1%.

Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng về tiến độ vay vốn từ gói tín dụng 120 nghìn tỷ (nay là 145 nghìn tỷ), hiện cả nước đã có 36/63 UBND tỉnh có văn bản, công bố dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi trên cổng thông tin điện tử, có 16 dự án đã ký hợp đồng tín dụng cho vay theo gói này với tổng mức cam kết cấp tín dụng là 4.200 tỷ đồng, dư nợ là 1.727 tỷ đồng. Đối với người mua nhà, qua rà soát hiện nay đã giải ngân khoảng 150 tỷ đồng cho người mua nhà tại 12 dự án.

Gỡ vướng gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội -0
Chuyên gia kiến nghị đa dạng nguồn vốn xây dựng nhà ở xã hội.

Bộ Xây dựng nhận định trong thời gian qua, việc tăng nguồn cung nhà ở xã hội cho các đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội vẫn chưa được như kỳ vọng là do các địa phương, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến các quy định pháp lý trong việc triển khai thực hiện. Phía các chủ đầu tư thì còn có tâm lý e ngại, chờ đợi các quy định pháp luật mới được ban hành như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản với các quy định thông thoáng hơn có hiệu lực thi hành mới triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp và người mua phản ánh lãi suất cao, trong khi thời gian hưởng ưu đãi suất ngắn (3-5 năm).

Câu chuyện gói tín dụng nhà ở xã hội giải ngân chậm không mới, nhưng vẫn là vấn đề thời sự khi những khó khăn vẫn làm vướng chân tiến độ giải ngân. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, cơ chế chính sách ưu đãi tín dụng với doanh nghiệp và người mua nhà ở xã hội hiện nay chưa hấp dẫn khiến cả người dân lẫn doanh nghiệp chưa mặn mà với nhà ở xã hội. Theo quy định hiện hành, người mua, thuê mua nhà ở xã hội được vay với lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ quy định trong từng thời kỳ. Lãi suất cho vay với hộ nghèo hiện tại là 6,6%.

Mức lãi vay này, theo HoREA, là quá cao. Do đó, HoREA đề xuất lãi suất cho vay ưu đãi với hội nghèo chỉ nên áp dụng ở mức 4,7%/năm. Phía ngân hàng thương mại thì khẳng định nguồn vốn cho các dự án nhà ở xã hội luôn sẵn sàng, không lo thiếu. Song, nguyên nhân khiến tín dụng nhà ở xã hội thời gian qua chưa thể tăng mạnh chủ yếu do khan hiếm dự án nhà ở xã hội, các chủ đầu tư kêu khó khăn về thủ tục, ưu đãi hiện hành chưa hấp dẫn…

Từ góc nhìn chuyên gia, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng sức hấp dẫn của gói vay 120 nghìn tỷ trong mắt doanh nghiệp và người dân bị giảm xuống do sử dụng nguồn tiền gửi của khách hàng tại các ngân hàng thương mại, dẫn đến mức lãi suất ưu đãi không thể quá cao. Theo vị chuyên gia này, cần có một nguồn vốn khác bền vững, lâu dài, sử dụng ngân sách Nhà nước là chủ đạo. Nguồn vốn đó sẽ được dồn cho Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam, thay vì các ngân hàng thương mại.

Cùng quan điểm, song cho rằng cần đa dạng nguồn vốn, tránh phụ thuộc vào gói tín dụng cố định, TS Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng “xây dựng nhà ở xã hội cần huy động mọi nguồn lực, không chỉ vốn ngân sách hay vốn ngân hàng, mà phải có nguồn vốn khác. Nhu cầu nhà ở có giá phù hợp cho người dân là rất lớn, cần có sự hỗ trợ của cơ chế, chính sách”.

Trước những khó khăn này, phía cơ quan quản lý cũng đang rất tích cực tháo gỡ. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu 9 ngân hàng thương mại đã đăng ký gói 145.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội khẩn trương thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, đẩy mạnh cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Đáng chú ý, theo Nghị quyết của Chính phủ, NHNN sẽ không đưa số tiền vay này vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hằng năm của các nhà băng. NHNN yêu cầu các ngân hàng phối hợp với các dự án xây dựng đủ điều kiện để giải ngân kịp thời khi chủ đầu tư có nhu cầu vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người mua nhà ở xã hội tiếp cận vốn vay. Được biết, NHNN đang trình Chính phủ cơ chế chính sách mới với gói tín dụng 145.000 tỷ đồng.

Tại các buổi gặp gỡ với ngành ngân hàng và NHNN, Thủ tướng Chính phủ cũng giao NHNN nghiên cứu chính sách tín dụng ưu đãi phù hợp với nhà ở xã hội, đặc biệt là có chính sách tín dụng ưu đãi cho người trẻ từ 35 tuổi trở xuống. “Tới đây, khi thủ tục với các dự án nhà ở xã hội được cởi trói, cơ chế với gói tín dụng 145.000 tỷ đồng ưu đãi hơn, dòng tiền đổ vào nhà ở xã hội sẽ tăng mạnh, kéo theo sự nóng lên của toàn thị trường bất động sản. Tôi cho rằng, thời gian tới, nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp sẽ được giải quyết, khi từ nay đến năm 2030 sẽ có đủ 1 triệu căn nhà ở xã hội”, ông Nguyễn Quốc Hùng nhận định.

Trong khi đó, nhằm đẩy mạnh hỗ trợ nguồn vốn đối với việc phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cũng đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, Bộ đã đề xuất gói vay ưu đãi 100.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, áp dụng trong 5 năm. Gói này nằm trong khoản ngân sách 500.000 tỷ đồng mà Bộ Xây dựng ước tính cần có để thực hiện Đề án Xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ trong giai đoạn 2021-2030.

Ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nhận định hiện Chính phủ, bộ ngành đang rất quyết liệt thực hiện các đề án nhà ở xã hội. Để triển khai, Bộ Xây dựng cũng thực hiện chỉ tiêu nhà ở xã hội ở từng địa phương, cụ thể hàng năm. Đó là một trong những cơ sở để giúp nhà ở xã hội được triển khai tích cực hơn trong thời gian tới để gói 145.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội được giải ngân tốt hơn trong thời gian tới.

Hà An
.
.