Thực hư chuyện thịt nhân tạo được làm từ tế bào ung thư

Thứ Tư, 05/07/2023, 19:16

Thời gian vừa qua, một số thông tin trên mạng xã hội cho rằng, loại thịt nhân tạo do các nhà sản xuất của Mỹ tạo ra từ phòng thí nghiệm có thể được làm từ tế bào động vật ung thư, gây hoang mang trong cộng đồng mạng, vậy thực hư ra sao?

Thực hư chuyện thịt nhân tạo được làm từ tế bào ung thư -0
Thịt nhân tạo của công ty Good Meat được trưng bày trong một sự kiện ở California, Mỹ hồi tháng 6. Ảnh AP. 

Hãng tin AP trích dẫn nhận định của các chuyên gia cho biết, thịt nhân tạo có sử dụng những tế bào động vật, nhưng những tế bào đó không phải là tế bào ung thư và có nhiều biện pháp để đảm bảo rằng sản phẩm này hoàn toàn ăn được. Những nhận định sai lầm trên mạng có thể xuất phát từ việc các tế bào sử dụng để sản xuất thịt nhân tạo trải qua quá trình giúp chúng có thể phân chia không ngừng, một đặc tính nổi bật của tế bào ung thư. Tuy nhiên, có rất nhiều yếu tố để xem xét liệu một tế bào có thực sự là tế bào ung thư hay không.

Gần đây, sau khi xuất hiện thông tin 2 công ty được cấp phép sản xuất và kinh doanh thịt nhân tạo ở Mỹ, một số người dùng mạng xã hội đã có những lầm tưởng rằng các loại sản phẩm này được làm từ những nguồn gây nguy hiểm.

Một video được đăng tải trên nền tảng TikTok hôm 30/6, đến nay đã nhận được gần 600.000 lượt xem, trong đó có những khẳng định vô căn cứ rằng, các công ty đứng sau mặt hàng này nhận thấy “tế bào ung thư” là nguồn “tế bào nhân đôi nhanh nhất”, do đó họ dùng những tế bào này để sản xuất thịt nhân tạo.

Một bài đăng khác trên mạng xã hội Facebook thì cho rằng “thịt nhân tạo lấy nguyên liệu từ những tế bào ung thư ở động vật bởi vì những tế bào đó có thể tái tạo rất nhanh”.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, các nhận định trên là sai sự thật.

“Sẽ không bao giờ có chuyện lấy khối u từ một loài vật và dùng nó để sản xuất thịt”, Elliot Swartz, chuyên gia tại Good Food Institute, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu về thịt nuôi cấy, khẳng định.

Nhiều công ty bắt đầu quy trình sản xuất thịt nhân tạo bằng việc thu thập tế bào từ những bộ phận khác nhau trên động vật, bao gồm cả mô cơ hoặc da.

Các nhận định sai lầm bắt nguồn từ việc các tế bào này sau đó được đưa vào một quá trình có tên là “bất tử hóa”, cho phép chúng phân chia không ngừng. Điều này có nghĩa là các công ty không phải liên tục tạo ra các dòng tế bào và cho phép họ sản xuất ở quy mô lớn hơn.

Các tế bào ung thư cũng được coi là “bất tử”. Ông Swartz cho biết, tế bào ung thư có những đặc điểm khó đoán, khó kiểm soát. Nhưng tế bào dùng để sản xuất thịt nhân tạo thì hoàn toàn trái ngược.

Joe Regenstein, giáo sư về khoa học thực phẩm tại Đại học Cornell (Mỹ), cũng như một số nhà nghiên cứu về dinh dưỡng, thực phẩm và sức khoẻ cộng đồng tại Đại học New York, đều xác nhận thông tin lan truyền trên mạng xã hội thời gian gần đây là sai sự thật.

Bộ Nông nghiệp Mỹ ngày 21/6 đã cấp phép cho 2 công ty là Upside Foods và Good Meat kinh doanh thịt nhân tạo tại Mỹ, ngay sau khi Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) công nhận thực phẩm của cả 2 công ty trên đủ an toàn để tiêu thụ.

Thịt nhân tạo vẫn phải tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm như các thực phẩm khác. Ông Swartz cho biết các biện pháp đảm bảo an toàn đã được thực hiện để chứng minh cho độ tin dùng của sản phẩm. Ngoài ra, nếu đảm bảo được môi trường xung quanh sạch sẽ, sẽ tránh được những mầm bệnh xuất hiện trong thực phẩm hơn.

Upside Foods và Good Meat đều khẳng định rằng việc sử dụng các tế bào “bất tử”, tế bào có khả năng phân chia không ngừng và không bao giờ mất đi, không gây rủi ro cho người tiêu dùng. Các công ty chỉ ra rằng, các dữ liệu an toàn về quy trình sản xuất của họ được công khai trong tài liệu cung cấp cho FDA.

Thanh Long
.
.