Chuột trong văn hoá Đông – Tây

Thứ Ba, 28/01/2020, 13:44
Chuột phá hoại mùa màng, vật dụng và là trung gian truyền bệnh dịch hạch rất nguy hiểm; nhưng chuột cũng là vật thí nghiệm giúp con người có những phát kiến y tế - khoa học quan trọng... Mối quan hệ giữa loài người và loài chuột từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây khá phức tạp.


Việt Nam xuất phát điểm là nền kinh tế lúa nước, nên con chuột có ảnh hưởng rất quan trọng - chúng chính là kẻ thù của lúa gạo. Vì vậy, tâm lý chung của người dân là ghét chuột. Điều này thể hiện rất rõ qua nhiều câu tục ngữ, thành ngữ được lưu truyền từ xưa, với chuột là biểu hiện cho cái ác, cái xấu, cái không tốt, như “cháy nhà ra mặt chuột”, “chuột sa hũ nếp”, “đầu voi đuôi chuột”, “nhà ổ chuột”... Ngoài ra, chuột cũng được dùng để ám chỉ những thành phần gặm nhấm của công trong xã hội, như quan lại tham nhũng. 

Tuy nhiên, điều khá kỳ lạ là dù thù ghét chuột, người Việt Nam vẫn dành cho nó một vinh dự lớn lao, khi xếp chuột đứng đầu 12 con giáp. Cho đến nay, vẫn chưa có sự thống nhất lý giải cho ưu ái này. 

Có ý kiến cho rằng vì văn hóa phồn thực của Việt Nam coi trọng khả năng sinh sôi, mà chuột là loài có khả năng sinh sản cực kỳ nhanh. Vì vậy, chuột được chọn đứng đầu 12 con giáp để thể hiện mong ước mùa màng bội thu, con đàn cháu đống... 

Đêm giao thừa miền Tây Nam bộ - vựa lúa của cả nước, tiếng chuột kêu lít chít đâu đó quanh nhà cũng đủ làm không ít người mừng rỡ, bởi lẽ họ tin rằng đó là dấu hiệu của một năm mới sung túc, mùa màng bội thu.

Ảnh minh hoạ.

Tương tự người Việt, các dân tộc khác ở Đông Nam Á cũng có nền văn minh lúa nước, nên thái độ với chuột khá tương đồng: vừa ghét vừa sợ vừa yêu. 

Dân tộc Kammu ở miền Bắc Thái Lan vẫn răm ran kể chuyện thần thoại chuột trúc đã báo hiệu cho hai anh em (một nam một nữ) về cơn đại hồng thủy sắp sửa diễn ra. Họ thoát nạn nhờ nấp vào chiếc thuyền mộc, sau tự kết hôn để tái sinh nhân loại. 

Các câu chuyện kể của cư dân Indonesia ngày nay vẫn không bỏ quên chi tiết chuột báo hiệu mùa lũ dâng cao, và vì thế chúng trở thành “ân nhân” của con người. Ngoài ra, thịt chuột đồng cũng là món khoái khẩu đối với nhiều nước Đông Nam Á.

Xa hơn một chút, đến với những quần đảo giữa Thái Bình Dương, chuột gắn liền với những thần thoại về trường sinh bất tử và sự tinh khôn. Thần thoại của người Fiji kể rằng, Diêm vương quyết định cho con người tái sinh mãi mãi, Mặt trăng và Thần Chuột bàn bạc nhau để trao cho loài người món quà bất tử. Thần Chuột kịch liệt phản đối, song cuối cùng cũng bị Mặt trăng thuyết phục. Từ đó, người Fiji tin rằng người chết sẽ được tái sinh nhiều kiếp sau, giống như trên chín tầng cao kia trăng tàn rồi lại mọc. 

Trong khi đó, dân đảo Tonga mượn hình ảnh chuột để nói lên sự khôn lanh, khéo léo. Một con chuột nằm tắm nắng trên chiếc thuyền mộc, thuyền trôi ra khơi, chuột khóc. Bạch tuộc giúp đưa chuột vào bờ, đổi lại chuột sẽ tặng một món quà. Đến bờ, chuột nhanh nhảu chạy đi, bạch tuộc đòi quà, chuột bảo đã để lại trên đầu bạch tuộc. Người Tonga mượn câu chuyện này để giải thích vì sao trên đầu loài bạch tuột đều có chóp đen. 

Tuy nhiên, có lẽ không ở đâu loài chuột có nhiều màu sắc văn hóa hơn Trung Quốc. Đất nước này rộng lớn với nhiều sắc dân, nhiều cách sống, nền quan niệm về loài chuột của họ cũng rất phong phú và đa dạng. Họ giải thích về vị trí đầu tiên của chuột trong dãy 12 con giáp là do chuột thông minh lém lĩnh, mượn sức trâu để đến Thiên đình sớm nhất. 

Các dân tộc thiểu số khác như Di, Tạng, Thái Vân Nam, Choang, Nasi (Nạp Tây), Uigur (Duy Ngô Nhĩ) v.v... vẫn chọn chuột đứng đầu trong dãy 12 con giáp, dù sau chuột, các con vật khác được chọn thay đổi theo quan niệm của từng tộc người. Ngoài Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên cũng chọn chuột đứng đầu dãy Hoàng đạo của mình. Trong văn hóa Hán, chuột được xem là biểu tượng của sự trung thực, lòng vị tha, óc cầu tiến, tính cách dễ dãi và sự hào phóng.

Ám ảnh về sự phá hoại của loài chuột cũng như khả năng dự báo thiên tại của chúng là nguyên nhân chính khiến người Trung Hoa tôn thờ chuột. Nhiều vùng dựng miếu bái chuột. Trong tiếng Trung Hoa, chỉ có chuột và hổ mới được gọi tên một cách kính cẩn bằng cách gắn thêm từ “lão” phía trước: lão thử (ông chuột) và lão hổ. Trong đại gia đình rồng Trung Hoa, người ta tìm thấy có cả rồng chuột xuất hiện từ thời Đường. 

Trong văn hóa Ấn Độ, mặc dù người Ấn không quá đề cao loài chuột nhưng chuột vẫn hiện diện trong dãy 12 con giáp của họ, bên cạnh trâu, sư tử, dê, khỉ, chim cánh vàng v.v... Trong thần phả Hindu giáo, chuột là vật cưỡi của thần Ganesha, do vậy người ta có thể tìm thấy ít nhiều tượng chuột thần trong các ngôi đền bản địa. Đôi khi chuột còn là đối tượng chính được thờ trong đền, như tại đền thờ nữ thần Karni Mata ở thành phố Deshnoke (bang Rajasthan, Tây Bắc Ấn Độ). 

Truyền thuyết kể rằng, vị tổ mẫu thần bí Karni Mata là hóa thân của Durga (Nữ thần Sức mạnh và Chiến thắng), từ thế kỷ XIV vì quyết tâm đưa đứa trẻ trong dòng tộc mình đã chết trở lại với dương thế bằng cách thỏa thuận với Thần chết Yama, và từ đấy trở đi, tất cả mọi người trong bộ lạc của bà sẽ tái sinh làm chuột cho đến khi được sinh ra một lần nữa trong dòng tộc. Hẳn vì thế mà loài chuột tại đây được tự do sinh sống, hàng ngày được các tín đồ mang thực phẩm và sữa đến nuôi nấng. 

Vùng Trung Cận Đông, người Do Thái có ghi trong quyển thứ ba của bộ kinh Cựu Ước (Leviticus) rằng “nghiêm cấm ăn thịt chuột”. Người Philistines, người Semite coi chuột là một trong những loài vật linh thiêng theo niềm tin vật tổ của họ. Tuy nhiên, người Hồi giáo nói chung lại coi chuột là thứ dơ bẩn, con người phải tránh xa chúng. 

Ở Ai Cập, chuột giữ một vị trí đáng kể trong tín ngưỡng cổ đại. Theo đó, thần mặt trời Ra có một con chuột ngọc. Dân Ai Cập tôn thờ thần Ra, do đó cũng quý trọng chuột thần. Sử gia Hy Lạp cổ đại Herodotus có nêu câu chuyện về Vua Sethos đối xử tệ bạc với quân lính của mình, cuối cùng khi người Assyria đến xâm lược mới giật mình vì xung quanh ông không có lấy một tên lính. Một hôm vua ngủ quên trong một ngôi đền, thần hiện ra mách sẽ có thiên thần phù trợ. Đêm trước trận chiến, đám chuột đồng xuất hiện thay phiên nhau cắn nát vũ khí của kẻ địch, giúp Sethos giành chiến thắng. 

Cũng theo Herodotus, trong đền Hephaestus có bức tượng Vua Sethos trên tay cầm một con chuột đá. Nhiều sản phẩm đồ gốm được tìm thấy trong các ngôi mộ cổ cũng có khắc hình chuột thần. Hiện nay, tại nhiều vùng khác của lục địa đen, chuột đã từ lâu trở thành món ăn đầy dinh dưỡng. Người Ghana vùng Tây Phi nuôi loài chuột mía trong vườn nhà để cung cấp lượng thịt tươi quan trong trong các buổi chợ địa phương. Người Zambia, Malawi ở phía Nam châu lục cũng có thói quen ăn thịt chuột.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, cộng đồng thổ dân châu Mỹ (Toltec, Aztec, Maya...) với nền văn minh trồng trọt cũng đã từng “chạm trán” với loài chuột. Tại đây, chuột gắn liền với ý nghĩa phá hoại. Dù thế, người ta vẫn gắn chuột với những công đức nhất định. Câu chuyện phát minh ra trò chơi bóng nhựa của người Maya là một thí dụ. Trong khi đó, người Inca cổ cho rằng con người là hậu duệ của loài vật, do vậy họ đưa tượng chuột vào thờ chung trong các đền thờ thần Mặt trời và xem chuột là loài vật cấm kỵ. 

Một số dân tộc khác cũng liệt chuột vào loài cấm kỵ, như người Shipibo ở Peru và người Sirionĩ ở Bolivia, cư dân quần đảo Man, Bermuda và Shetland ở Đại Tây Dương. Song, thổ dân vùng Amazon ngày nay vẫn thường săn chuột làm thịt trong các bữa ăn hàng ngày.

Trong văn hóa phương Tây, chuột gắn liền với những ý nghĩa xấu xa: kẻ phá hoại, kẻ cướp, kẻ gieo rắc tai họa (bệnh tật). Tuy nhiên, tín ngưỡng thờ chuột được cho là ra đời ở Hy Lạp từ thế kỷ 15 trước CN, được Homer ghi chép trong Sử thi Iliad. 

Tương truyền thời ấy có một con chuột bạch linh thiêng từng sống dưới bàn thờ thần Apollo (thần nghề y, thần ánh sáng, thần sự thật, đồng thời cũng là thần gieo mầm bệnh dịch) trên đảo Tenedos. Trong điêu khắc, thần Apollo thường được thể hiện trên thân một con chuột. Và cũng từ đó, chuột thần có tên gọi là Apollo Smintheus, được nhiều cộng đồng tôn thờ. 

Người Hy Lạp cổ còn lưu truyền nhiều câu chuyện ly kỳ về chuột và sư tử, chuột và voi v.v... Nhiều bộ lạc thời ấy coi chuột là vật tổ, lấy tên chuột để đặt tên thành thị hay tên thị tộc của mình. Họ còn in hình chuột trên các đồng tiền hay các biểu tượng cộng đồng khác.

Hiếu Trần
.
.