“Bông hồng thép” của Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Thủ đô

Thứ Ba, 20/02/2018, 07:04
Trong bức ảnh ghi lại khoảnh khắc tập luyện tại hồ Linh Ðàm của Ðội Cứu nạn cứu hộ dưới nước (Cảnh sát PCCC Hà Nội), tôi vô cùng ngạc nhiên khi nhận ra có một phụ nữ “lọt thỏm” giữa đội hình hơn chục nam giới trong trang phục lặn. Sự đặc biệt ấy đã thôi thúc tôi tìm gặp chị - Ðại úy Nguyễn Thị Ngọc Lan.


Gặp Đại úy Nguyễn Thị Ngọc Lan tại nhà riêng của chị vào một ngày nghỉ, tôi khá ngỡ ngàng khi trước mặt tôi là một phụ nữ khá trẻ so với tuổi 36, dáng người nhỏ nhắn, nước da trắng trẻo, nụ cười hồn nhiên, rạng rỡ. Trước khi gặp Ngọc Lan, khi biết thông tin chị là người phụ nữ duy nhất xung phong công tác tại Đội Cứu nạn cứu hộ dưới nước (Phòng Cứu nạn cứu hộ - Cảnh sát PCCC Hà Nội) khi đơn vị này thành lập vào tháng 7-2017, tôi hình dung đó là một nữ sĩ quan to con, nghiêm nghị và có thể sẽ có vẻ ngoài nam tính một chút. Thế nên cuộc gặp đã khiến tôi hết sức bất ngờ...

Ðại úy Ngọc Lan trong một buổi tập tại hồ Linh Ðàm.

Đại úy Nguyễn Thị Ngọc Lan cho biết, chị vừa hoàn thành khóa tập huấn về công tác chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tại Hàn Quốc cùng 19 CBCS của Cảnh sát PCCC Hà Nội. Khóa tập huấn kéo dài gần một tháng vô cùng vất vả và khắc nghiệt. Ngày nào cũng vậy, mọi người phải dậy sớm chạy bộ 1 giờ đồng hồ. Sau đó là học lý thuyết và thực tập các kỹ thuật cá nhân trong các tình huống cụ thể. 

Những người lính cứu hỏa sẽ được đưa vào một container, đốt lửa trong đó và đóng kín lại. Nhiệt độ trong container tăng dần và đạt tới 400 đến 600 độ C, lúc đó mọi người sẽ được hướng dẫn cách khống chế và dập lửa. Mặc dù đã mặc quần áo bảo hộ chống cháy nhưng sức nóng của lửa khiến ai cũng cảm thấy như da thịt mình đang bị nướng chín. Đến lúc được ra khỏi “lò bát quái”, bỏ bộ quần áo chống cháy ra, chị mới phát hiện chân mình phỏng rộp.

Thế nhưng, Đại úy Ngọc Lan bảo vẫn không áp lực bằng bài tập tìm đường thoát trong không gian hạn chế. Mọi người được đưa vào một phòng tối khói mù mịt và tiếng ồn. Lối thoát là một đường ống nhỏ dài 100 mét được chia thành nhiều nhánh. 

Nhiệm vụ của lính cứu hỏa là phải tìm đường để thoát ra khỏi không gian nguy hiểm ấy nhanh nhất. 3 người một tốp được đưa vào đường ống nhỏ hẹp, chỉ đủ để 1 người đi khom, trên vai đeo bình thở. Trong điều kiện khói dày đặc và tiếng ồn đến mức có hét lên thì người bên cạnh cũng không thể nghe thấy, những người lính phải đập vào nhau làm ám hiệu. 

Dù là tình huống tập thôi nhưng trống ngực ai cũng đổ dồn. Bởi thời gian bài tập có hạn. Nếu không tìm được đường thoát thì coi như chính người lính cứu hỏa đã gặp nạn. Thực tế thì trong các vụ cháy, nguyên nhân tử vong của các nạn nhân là chết ngạt do khói trước khi chết cháy. 

Đi sát Đại úy Ngọc Lan, giáo viên hướng dẫn người Hàn Quốc có lẽ rất lo lắng cho người phụ nữ duy nhất tham gia buổi tập nên liên tục hỏi: “Chị có làm được không?”. Đại úy Ngọc Lan cả quyết: “Tôi làm được”. Đến khi mọi người hoàn thành bài tập, giáo viên đã hết lời khen ngợi nữ sĩ quan gan dạ bởi có trường hợp nam giới không chịu được áp lực bài tập đã phải bỏ cuộc sớm.

Đại úy Ngọc Lan tâm sự, chị được thừa hưởng sự can trường, mạnh mẽ từ người mẹ - một giáo viên võ thuật của Trường cao đẳng Trại giam. Còn thể lực và sức bền là do lao động từ nhỏ. Sinh ra ở đất chè Thái Nguyên, từ bé Ngọc Lan đã phải ra đồng làm ruộng, cuốc đất trồng rau, hái chè phụ giúp bố mẹ. Sau này khi công tác trong lực lượng Công an, chị vẫn giữ thói quen tập luyện, tham gia các phong trào thể thao. Hầu như giải bắn súng ngắn quân dụng lần nào, chị và cậu em trai (cũng công tác trong Công an) đều góp mặt và đoạt giải.

Học chuyên ngành y, Đại úy Ngọc Lan công tác tại bộ phận y tế của Cục Cảnh sát bảo vệ; đến năm 2014, chị chuyển sang Phòng Cứu nạn cứu hộ - Cảnh sát PCCC Hà Nội. Để đáp ứng công việc chuyên môn, vừa học thêm văn bằng 2 về nghiệp vụ của Cảnh sát PCCC-CNCH, chị vừa tích cực cùng anh em tập luyện các phương án cứu chữa người bị nạn trong các vụ cháy. 

Ban đầu, chị thường đóng vai những người gặp nạn, bị kẹt trong các đám cháy trên cao, chờ Cảnh sát PCCC đến cứu nạn. Người bên ngoài nhìn vào cứ nghĩ cứu người mới khó. Nhưng thực tế, việc đóng vai người gặp nạn cũng không dễ chút nào. 

Ở độ cao vài chục mét so với mặt đất, khi có lực lượng cứu hộ đến hỗ trợ, người gặp nạn sẽ được “giải cứu” bằng cách đeo dây bảo hiểm vào người rồi thả xuống theo cầu dây nghiêng. Nếu là tình huống khẩn cấp, để giữ được mạng sống thì chắc chắn người ta sẽ không biết sợ là gì. Nhưng ở đây chỉ là phương án tập luyện. Phải là phụ nữ có tinh thần “thép” mới dám đu dây từ trên cao hàng chục mét xuống như vậy...

Ðại úy Ngọc Lan (giữa) cùng đồng đội trong đợt tập huấn tại Hàn Quốc.

Tháng 7-2017, khi Cảnh sát PCCC Hà Nội thành lập Đội Cứu nạn cứu hộ dưới nước, vừa hoàn thành xong văn bằng 2 về nghiệp vụ PCCC-CNCH, Đại úy Nguyễn Thị Ngọc Lan đã xung phong về đơn vị mới này. Không ít đồng nghiệp là nam giới ngạc nhiên trước quyết định táo bạo của chị. 

Là bởi từ trước đến nay, phụ nữ công tác trong lực lượng PCCC-CNCH thường làm việc ở các bộ phận hành chính. Công việc chiến đấu trực tiếp chỉ có nam giới. Vậy mà lần đầu tiên có một phái yếu lại tự nguyện “lao vào” công việc vừa vất vả, vừa nguy hiểm như vậy. 

Nếu như ở trên cạn, người lính cứu nạn cứu hộ còn có thể quan sát được hiện trường. Còn ở môi trường dưới nước như sông, hồ thì không thể nhìn thấy gì. Những người lính cứu hộ phải dùng dây để định hướng và liên lạc với nhau. Chỉ cần một sơ suất nhỏ để tuột tay khỏi dây thì có thể bị trôi đi hàng chục mét. Đã có trường hợp một người lính cứu nạn cứu hộ dưới nước khu vực phía Nam, khi xuống cứu người ở khu vực nước xiết, bị tuột khỏi sợi dây này đã bị nước cuốn đi và anh dũng hy sinh.

Buổi tập thực địa đầu tiên của Đại úy Ngọc Lan và đồng đội là ở hồ Linh Đàm. Với cư dân sinh sống ở khu vực này, hồ nước khá đẹp và lãng mạn, lung linh soi bóng mây trời và những tòa nhà cao tầng hiện đại. Nhưng với những người lính cứu nạn cứu hộ dưới nước, phải lặn sâu xuống 4-5m, mới biết hồ nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Lòng hồ đen ngòm, đầy bùn rác, đá sỏi và nước thải hôi thối. Nước bẩn ngập ống thở. Mối liên hệ duy nhất của những người lính là sợi dây. 

Biết là xung quanh có đồng đội, nhưng Đại úy Ngọc Lan vẫn không khỏi hoang mang. Nếu như trước đó tập luyện trong bể bơi, mọi người vẫn nhìn thấy nhau thì bây giờ, xung quanh chỉ là một màu đen kịt. Mặc đồ lặn kín toàn thân nhưng khi xuống sâu, nước lạnh thấu xương. Đã thế, mỗi người còn đeo một bình thở nặng khoảng 20kg. Sau nửa giờ dưới nước, cả đội hoàn thành bài tập. Lúc lên bờ, người dân hiếu kỳ kéo đến xem khá đông. Nhận ra Đại úy Ngọc Lan trong đội hình toàn nam giới, rất nhiều người đã bày tỏ sự khâm phục đối với người phụ nữ can trường này.

Ngoài tập luyện dưới nước, hàng ngày, CBCS Đội Cứu nạn cứu hộ dưới nước còn phải tập luyện các phương án cứu hộ trên bờ. Chứng kiến nữ Đại úy thoăn thoắt di chuyển trong các bài tập khó như đi trên cao xuống trong tư thế cắm đầu, đi trên mặt phẳng tường... cùng với các đồng nghiệp nam, người xem chỉ có thể vỗ tay thán phục.

Tôi hỏi Ngọc Lan, bây giờ cho lựa chọn lại công việc, liệu chị có thay đổi không? 

Trả lời ngay không do dự, Ngọc Lan bảo chị tự hào với công việc của mình  bởi xuất phát từ một người học y, đạo đức cứu người là quan trọng nhất đã thôi thúc chị gắn mình với lực lượng cứu nạn cứu hộ. Bởi trong thực tế khi cứu nạn cứu hộ thì công tác cấp cứu ban đầu đối với người bị nạn hết sức quan trọng; nếu đánh giá được mức độ thương tích của nạn nhân sẽ biết phải làm những công việc gì để cứu sống họ. 

Đại úy Nguyễn Thị Ngọc Lan tin rằng, với tâm huyết và trái tim của một người thấy thuốc sẽ giúp chị và đồng đội mang lại sự sống cho những người gặp nạn.

Duy Trần
.
.