Thái Bình Lâu và Cung Diên Thọ- những di sản giữa Hoàng thành Huế
Thái Bình Lâu là một trong những công trình độc đáo trong quần thể Đại Nội Huế. Đây là nơi nhà vua lui tới để đọc sách, làm thơ, và tìm sự tĩnh tâm giữa những bộn bề của triều chính. Với kiến trúc hài hòa và không gian tĩnh lặng, công trình này mang đậm dấu ấn của nghệ thuật trang trí khảm sành sứ cung đình Huế. Điểm đặc biệt của Thái Bình Lâu chính là khung cảnh hữu tình của vườn cây và hồ nước xung quanh. Đây thực sự là nơi lý tưởng để cảm nhận vẻ đẹp thanh bình của cố đô Huế.
Nằm trong Hoàng thành Huế, Cung Diên Thọ là nơi sinh sống và sinh hoạt của các Hoàng Thái hậu triều Nguyễn. Với diện tích hơn 17.500 m², cung được thiết kế hình chữ nhật, tọa lạc tại phía Tây Tử Cấm Thành, gần cửa Chương Đức và Tây Khuyết Đài.


Từ năm 1803, Cung Diên Thọ được xây dựng dưới tên gọi ban đầu là Cung Trường Thọ. Qua nhiều lần trùng tu và đổi tên như Từ Thọ, Gia Thọ, Ninh Thọ, đến thời vua Khải Định, cung chính thức mang tên Diên Thọ.


Cung Diên Thọ có kiến trúc độc đáo với hơn 20 công trình lớn nhỏ, đa dạng về phong cách có thể kể đến như: Tạ Trường Du – tọa lạc bên hồ sen nhỏ, nơi hóng mát, thưởng ngoạn; Lương Phong Đình – thanh tịnh và yên bình và Phước Thọ Am – mang dấu ấn tâm linh sâu sắc. Cung Diên Thọ là biểu tượng của lòng hiếu kính, sự tôn vinh dành cho các bậc mẫu nghi, và là minh chứng cho các giá trị văn hóa của triều Nguyễn.