Phố cổ Hội An có đánh mất mình từ chuyện "vé tham quan"?

Thứ Ba, 04/04/2023, 14:20

Ngay khi chính quyền TP Hội An (Quảng Nam) thông tin bắt đầu từ 15/5 tới, tất cả du khách trong nước và quốc tế đều phải mua "vé tham quan" khu phố cổ Hội An; Hội An cũng sẽ triển khai 2 lối đi riêng tại các đường chính vào khu phố cổ, gồm một lối đi dành cho người dân địa phương và một lối đi dành cho du khách... thì câu chuyện "vé tham quan" Khu phố cổ Hội An như “lên cơn sốt” trên các diễn đàn của cộng đồng mạng. 

Nhiều du khách, người dân của Hội An cũng không khỏi băn khoăn có những ý kiến trái chiều. Riêng lãnh đạo TP Hội An khẳng định, việc mua vé nhằm đảm bảo công bằng đối với địa phương và du khách.

Vì sao phải mua vé?

Theo UBND TP Hội An, việc áp dụng bắt buộc mua vé đối với tất cả du khách khi đến tham quan phố cổ Hội An là để đảm bảo công bằng đối với địa phương và du khách.

Theo phương án được ban hành, mọi du khách trong nước và quốc tế tham quan khu phố cổ Hội An phải mua vé tại các quầy trước khi vào Phố cổ. Và việc chính quyền thành phố sẽ phân luồng lối đi tại các đường chính vào khu phố cổ Hội An, cụ thể bố trí 2 lối đi riêng gồm một lối đi dành cho người dân địa phương và một lối đi dành cho du khách là tạo sự thoải mái nhất cho du khách và ý thức tự tôn, “chúng tôi là người Hội An” cho người dân.

Hội An sẽ không đánh mất mình từ chuyện vé tham quan -0
Bắt đầu từ ngày 15/5, tất cả du khách trong nước và quốc tế tham quan phố cổ Hội An phải mua vé tham quan tại các quầy vé. 
Hội An sẽ không đánh mất mình từ chuyện vé tham quan -0
Du khách nước ngoài khi đến Hội An, luôn tìm đến các điểm bán vé để được mua vé vào tham quan phố cổ. 

 Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, thời gian qua, Hội An cũng ghi nhận được nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí có sự phản đối quyết liệt từ các doanh nghiệp du lịch, du khách khi thực hiện thu vé tham quan phố cổ. Nhưng bằng cơ sở khoa học chứng minh khu phố cổ Hội An là cả một quần thể các loại hình kiến trúc có mối liên hệ hữu cơ, là “khu di tích sống”, giá trị của nó thể hiện ở cả văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể trong một không gian rộng lớn...

Cũng theo lãnh đạo TP Hội An, về bản chất, phương thức bán vé trọn gói khi vào tham quan phố cổ và cơ cấu giá vé không thay đổi. Chủ trương “lấy di tích nuôi di tích”, “khai thác du lịch gắn liền với bảo tồn và phát huy giá trị di tích” trong mấy chục năm qua cũng là vấn đề nhất quán. UNESCO châu Á- Thái Bình Dương đã đánh giá cao cách làm này và cho đây là “mô hình mang nhiều ưu điểm” vì quản lý được nguồn vé, tránh những tiêu cực xảy ra tại điểm di tích, nhất là kiểm soát được số lượng khách tham quan.

Trong thực tế, gần 85% tiền thu được từ vé tham quan dành cho việc đầu tư trùng tu các di tích, chi trả cho các chủ di tích tập thể và tư nhân, duy tu, bảo dưỡng các công trình công cộng phục vụ khách tham quan.

Cũng từ nguồn thu từ vé tham quan, Hội An mới đủ năng lực tài chính để kiên trì thực hiện các dự án “Đêm phố cổ”- tổ chức lần đầu tiên vào ngày 9/8/1998, “Phố cổ không có tiếng động cơ”- bắt đầu từ cuối tháng 7/2004, “Phố dành cho người đi bộ và xe thô sơ”, “Thử nghiệm mở rộng thời gian và nội dung phục vụ khách tham quan khu phố cổ Hội An vào ban đêm”, “Giờ tắt điện”, các sự kiện văn hóa - du lịch, chăm lo môi trường vệ sinh, cảnh quan, trật tự và hàng loạt những vấn đề dân sinh của cư dân phố cổ.

Hội An sẽ không đánh mất mình từ chuyện vé tham quan -1
Chính quyền TP Hội An cho rằng việc mua vé nhằm đảm bảo công bằng đối với địa phương và du khách.

Vấn đề ở chỗ, qua đối sánh số liệu thống kê hàng năm cho thấy, tổng số vé phát hành tham quan phố cổ Hội An luôn rất thấp (chỉ hơn 40%) so với tổng lượt khách đến Hội An, tổng lượt khách lưu trú tại Hội An. Thực tế cho thấy, lâu nay vé tham quan phố cổ Hội An thường có trong giá tour chào bán của các hãng lữ hành. Tuy nhiên, có không ít hướng dẫn viên đưa khách đi tham quan phố cổ nhưng tìm mọi cách “chui”, trốn không mua vé, thả du khách đi lang thang.

Tình trạng này tạo nên cảm giác hụt hẫng cho du khách vì không có vé đồng nghĩa với việc không được tiếp đón, phục vụ chu đáo, thuyết minh tường tận, khám phá giá trị đích thực của không gian phố cổ Hội An mà lẽ ra quyền lợi đó họ được tận hưởng. Mặt khác, tình trạng dẫn khách tham quan “chui” dẫn đến thất thu 40% của vé tham quan - nguồn ngân sách chủ yếu để phục vụ các nhiệm vụ bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, phát triển du lịch Hội An.

Lấy di tích nuôi di tích

Theo lãnh đạo UBND TP Hội An, hơn 25 năm qua, thành phố đã tổ chức bán vé tham quan trọn gói Khu phố cổ Hội An cho du khách. Nguồn thu từ vé tham quan đã góp phần hết sức quan trọng trong việc bảo tồn, tôn tạo, trùng tu các di tích. Đồng thời, cũng từ nguồn thu này, thành phố cũng đầu tư cho công tác nghiên cứu về di sản - di tích, các hoạt động về văn hóa - nghệ thuật, sự kiện lễ hội, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường…

Hội An còn được biết đến với đặc thù là một “quần thể di tích sống”, riêng khu vực I là khu vực bảo vệ nguyên trạng có tổng cộng 1.107 di tích kiến trúc, trong đó sở hữu tư nhân và tập thể có 932 di tích (84,18%), sở hữu nhà nước có 175 (15,80%). Tuy nhiên, phố cổ Hội An luôn phải đối diện với nhiều nguy cơ tiềm ẩn và cả những thách thức gay gắt do lũ lụt triền miên, hỏa hoạn, mối mọt và đặc biệt là nguy cơ từ những tác động tiêu cực do hoạt động của con người gây ra trên nhiều phương diện.

Hội An sẽ không đánh mất mình từ chuyện vé tham quan -0
Hiện Hội An có khoảng 155 (14%) di tích xuống cấp đang phải chống đỡ. 

Hàng trăm di tích đã xuống cấp phải chống đỡ, che chắn có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào, nhất là trong mùa mưa bão. Bài toán đặt ra không chỉ đơn giản ở việc bảo tồn những di tích còn khá nguyên vẹn và có giá trị tiêu biểu đã được xếp vào danh mục điểm tham quan, mà vấn đề nan giải làm sao giữ gìn cho được cả “quần thể di tích sống”, vừa huy động tối đa nguồn vốn để tu bổ, sửa chữa những ngôi nhà cổ đang hư hỏng, vừa giúp người dân được hưởng lợi từ chính di tích để góp phần bảo tồn di tích.

Do vậy, nguồn thu từ vé tham quan là nguồn thu ngân sách chủ yếu của thành phố, trong đó tùy vào kết quả nguồn thu và theo từng giai đoạn cân đối ngân sách, từ 50 đến 70% dùng để tu bổ, tôn tạo di tích, hỗ trợ trùng tu đối với di tích tập thể, tư nhân; 10-12% chi cho 23 điểm di tích có trong ô vé, 10-30% cho bộ máy tổ chức hướng dẫn tham quan, nghiên cứu về di sản, lễ hội, các sản phẩm du lịch - văn hóa nghệ thuật trong khu phố cổ phục vụ du khách.

Đối với di tích thuộc sở hữu tư nhân, tùy theo từng loại di tích được xếp hạng mà mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để trùng tu từ 30-75%, thậm chí có trường hợp 100%. Ngoài ra, chính nhờ những hoạt động tham quan phố cổ đã mở ra cơ hội làm ăn, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập. Đời sống được cải thiện, có “của ăn của để” nên nhân dân đã tự đầu tư tu bổ những ngôi nhà cổ với tổng kinh phí ước tính 1.000 tỉ đồng. 

Tuy nhiên, thử làm một phép tính với giá thành bình quân cho việc trùng tu 1 di tích hiện nay là khoảng 5 tỷ đồng, nếu lấy toàn bộ tiền vé tham quan để trùng tu các di tích thì mỗi năm cũng chỉ sửa chữa được khoảng 7 đến 10 di tích. Trong khi hiện Hội An có khoảng 155 (14%) di tích xuống cấp đang phải chống đỡ, che chắn ở nhiều mức độ khác nhau; trong đó 65 di tích đang chờ huy động vốn để tu bổ và trong số này có hơn 20 di tích có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào, nhất là trong mùa mưa bão.

Do vậy, lãnh đạo TP Hội An cho biết địa phương đang rất cần sự hỗ trợ từ các nguồn kinh phí của Trung ương, tỉnh, các tổ chức và cá nhân.

"Du khách đến với Hội An, mua vé tham quan phố cổ Hội An, trước hết để có một lần được khám phá và thưởng ngoạn vẻ đẹp của Hội An. Và điều quan trọng, như thế đã thể hiện tình yêu và sự chung tay góp sức vì Hội An", Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết.

Hoài Thu
.
.